CHƯƠNG 15

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 1227 ĐẾN CÂU 1370

“Lầu xanh vui gượng, phận bạc lo xa”

1227. Lầu xanh, mới rủ trướng đào,

Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm người. [1]

1229. Biết bao bướm lả, ong lơi,

Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.

1231. Dập dìu lá gió, cành chim, [2]

Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh. [3]

1233. Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,

Giật mình, mình lại thương mình xót xa.

1235. Khi sao phong gấm rủ là, [4]

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?

1237. Mặt sao dày gió dạn sương,

Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân?

1239. Mặc người mưa Sở, mây Tần, [5]

Những mình nào biết có xuân là gì!

1241. Đòi phen gió tựa, hoa kề, [6]

Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu.

1243. Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!

1245. Đòi phen nét vẽ, câu thơ, [7]

Cung cầm dưới nguyệt, nước cờ trong hoa,

1247. Vui là vui gượng kẻo là,

Ai tri âm đó, mặn mà với ai?

1249. Thờ ơ gió trúc, mưa mai, [8]

Ngẩn ngơ trăm nỗi, giùi mài một thân.

1251. Nỗi lòng đòi đoạn xa gần, [9]

Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau!

1253. Nhớ ơn chín chữ cao sâu, [10]

Một ngày một ngả bóng dâu tà tà. [11]

1255. Dặm ngàn, nước thẳm, non xa,

Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!

1257. Sân hòe đôi chút thơ ngây [12]

Trân cam, ai kẻ đỡ thay việc mình? [13]

1259. Nhớ lời nguyện ước ba sinh,

Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?

1261. Khi về hỏi liễu Chương đài, [14]

Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.

1263. Tình sâu mong trả nghĩa dày,

Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?

1265. Mối tình đòi đoạn vò tơ,

Giấc hương quan luống lần mơ canh dài. [15]

1267. Song sa vò võ phương trời, [16]

Nay hoàng hôn, đã lại mai hôn hoàng. [17]

1269. Lần lần thỏ bạc ác vàng, [18]

Xót người trong hội đoạn tràng đòi cơn!

1271. Đã cho lấy chữ hồng nhan,

Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân!

1273. Đã đày vào kiếp phong trần,

Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!

1275. Khách du bỗng có một người, [19]

Kỳ Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương. [20]

1277. Vốn người huyện Tích, châu Thường, [21]

Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Truy. [22]

1279. Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi,

Thiếp hồng tìm đến hương khuê gửi vào. [23]

1281. Trướng tô giáp mặt hoa đào, [24]

Vẻ nào chẳng mặn, nét nào chẳng ưa?

1283. Hải đường mơn mởn cành tơ,

Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng. [25]

1285. Nguyệt hoa, hoa nguyệt não nùng,

Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng?

1287. Lạ gì thanh khí lẽ hằng, [26]

Một dây một buộc ai giằng cho ra.

1289. Sớm đào tối mận lân la, [27]

Trước còn trăng gió sau ra đá vàng.

1291. Dịp đâu may mắn lạ dường,

Lại vừa gặp khoảng xuân đường lại quê.

1293. Sinh càng một tỉnh mười mê, [28]

Ngày xuân lắm lúc quên về với xuân. [29]

1295. Khi gió gác, khi trăng sân,

Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ. [30]

1297. Khi hương sớm, khi trà trưa,

Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn. [31]

1299. Miệt mài trong cuộc truy hoan, [32]

Càng quen thuộc nết càng dan díu tình.

1301. Lạ cho cái sóng khuynh thành, [33]

Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi.

1303. Thúc sinh quen thói bốc giời, [34]

Trăm nghìn đổ một trận cười như không.

1305. Mụ càng tô lục chuốt hồng,

Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê. [35]

1307. Dưới trăng quyên đã gọi hè, [36]

Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông. [37]

1309. Buồng the phải buổi thong dong, [38]

Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa. [39]

1311. Rõ màu trong ngọc trắng ngà!

Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên. [40]

1313. Sinh càng tỏ nét càng khen,

Ngụ tình tay thảo một thiên luật Đường. [41]

1315. Nàng rằng: “Vâng biết ý chàng.

Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu. [42]

1317. Hay, hèn, lẽ cũng nối điêu, [43]

Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang.

1319. Lòng còn gửi áng mây Hàng, [44]

Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay.” [45]

1321. Rằng: “Sao nói lạ lùng thay!

Cành kia chẳng phải cỗi này mà ra?”

1323. Nàng càng ủ dột thu ba, [46]

Đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh:

1325. “Thiếp như hoa đã lìa cành,

Chàng như con bướm lượn vành mà chơi.

1327. Chúa xuân đành đã có nơi, [47]

Vắn ngày thôi chớ dài lời làm chi.”

1329. Sinh rằng: “Từ thuở tương tri,

Tấm riêng riêng những nặng vì nước non. [48]

1331. Trăm năm tính cuộc vuông tròn,

Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.”

1333. Nàng rằng: “Muôn đội ơn lòng,

Chút e bên thú bên tòng dễ đâu. [49]

1335. Bình Khang nấn ná bấy lâu, [50]

Yêu hoa yêu được một màu điểm trang.

1337. Rồi ra lạt phấn phai hương, [51]

Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng?

1339. Vả trong thềm quế cung trăng, [52]

Chủ trương đành đã chị Hằng ở trong.

1341. Bấy lâu khăng khít dải đồng, [53]

Thêm người, người cũng chia lòng riêng tây.

1343. Vẻ chi chút phận bèo mây, [54]

Làm cho bể ái khi đầy khi vơi. [55]

1345. Trăm điều ngang ngửa vì tôi, [56]

Thân sau ai chịu tội trời ấy cho? [57]

1347. Như chàng có vững tay co, [58]

Mười phần cũng đắp điếm cho một vài.

1349. Thế trong dầu lớn hơn ngoài, [59]

Trước hàm sư tử, gửi người đằng la. [60]

1351. Cúi đầu luồn xuống mái nhà, [61]

Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng. [62]

1353. Vả trên còn có nhà thông, [63]

Lượng trên trông xuống, biết lòng có thương?

1355. Sá chi liễu ngõ hoa tường? [64]

Lầu xanh lại phó ra phường lầu xanh. [65]

1357. Lại càng dơ dáng, dại hình,

Đành thân phận thiếp, ngại danh giá chàng.

1359. Thương sao cho vẹn thì thương,

Tính sao cho vẹn mọi đường thì vâng.”

1361. Sinh rằng: “Hay nói đè chừng! [66]

Lòng đây lòng đấy chưa từng hay sao?

1363. Đường xa chớ ngại Ngô Lào, [67]

Trăm điều hãy cứ trông vào một ta.

1365. Đã gần chi có điều xa?

Đá vàng đã quyết, phong ba cũng liều.” [68]

1367. Cùng nhau căn vặn đến điều,

Chỉ non thề bể nặng gieo đến lời.

1369. Nỉ non đêm ngắn tình dài,

Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương.

Đính chính và xác định

Câu 1246 – Cung cầm dưới nguyệt nước cờ trong hoa. Có bản Kiều in là Cung cầm trong nguyệt nước cờ “dưới” hoa e không hợp nghĩa: gảy đàn ở trong trăng thế nào được, phải gảy đàn dưới bóng trăng, đánh cờ ở trong vườn hoa mới hợp nghĩa.

Câu 1282 – Vẻ nào chẳng mặn, nét nào chẳng ưa – Chữ nét [湼] (niết) câu này nhiều bản Kiều dịch là “nết” e không hợp lý, vì Thúc mới gặp Kiều biết thế nào được các “nết” Kiều. Nét đây là hình dáng mày mặt, hình thể như nét vẽ, cũng như chữ nét ở câu “Sinh càng tỏ nét càng khen” ở câu 1313.

Câu 1294 – Ngày xuân lắm lúc quên về với xuân nghĩa là vì say sưa cuộc xuân mà quên cả ngày, coi ngày cũng như đêm, đêm đêm liền nhau. Câu này lấy ý câu trong bài Trường Hận Ca: [春 日春 遊 夜 轉 夜 = Xuân nhật xuân du dạ chuyển dạ = Ngày xuân chơi xuân như đêm nọ liền với đêm kia]. Nhiều bản Kiều in là Ngày xuân lắm lúc “đi” về với xuân thật không hiểu nghĩa là gì.

Câu 1303 – Thúc sinh quen thói bốc giờiBốc giời là tâng bốc người ta cao lên như đến trời, để rồi cầu lợi với người ta. Thúc sinh quen thói bốc giời nghĩa là Thúc Sinh bị Tú Bà phỉnh bốc mãi nên quen đi, tưởng mình tài giỏi cao cả như trời, thành tính ngông đời ra tay hào phóng vứt của không tiếc. Người Bắc kỳ gọi lối cười để phỉnh bốc nhau là “cười bốc giời”; ví dụ nói: “Anh này chỉ cười bốc giời là khéo thôi!” Vì tiếng “giời” dễ lẫn với tiếng “rời” nên các bản Kiều đều in lầm giời [𡗶] (hội ý gồm thiên [天] trên thượng [上] ra rời [淶] (Hán đọc là “lai” giả tá thành “rời”) và giải nghĩa câu này một cách nực cười là: Thúc Sinh quen thói “bốc tiền rời” cho Kiều. Ôi, giảng thế rõ thật vô lý, vô nghĩa, mất hết vẻ hay đẹp Truyện Kiều!

Câu 1310 – Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoaThang lan là nước nấu cây trạch lan để tắm trừ ghẻ lở. Cây trạch lan [澤 蘭] là loài thảo, tiếng Bắc gọi là cây mần tưới, lá giống lá đào nhưng răng cưa to hơn, thân mềm có nhiều đốt. Lá trạch lan có mùi thơm ăn được. Tục Tàu trước mùng 5 tháng 5 vẫn nấu nước trạch lan để tắm trừ ghẻ lở. Chữ “hoa” câu này nghĩa là thân thể đẹp đẻ của con gái, nhất là của kỹ nữ. Nhiều bản kiều dịch lầm chữ “tắm” ra “tẩm.” (Xem lời chú giải số 39 ở dưới).

Câu 1319 – Lòng còn gửi đám mây Hàng = Đám mây ở trên dãy núi Thái Hàng. Ông Địch Nhân Kiệt đời Đường đi làm quan xa nhớ bố mẹ, khi trông thấy đám mây kia ở trên núi Thái Hàng [太 行] ông thường chỉ đám mây đó mà nói “Cha mẹ ta ở dưới đám mây kia đó.” “Lòng còn gửi áng (hay đám) mây Hàng” hàm ý “Lòng tôi còn rối bời vì nhớ cha mẹ, nên không họa được thơ chàng.” Nhiều bản in “mây Hàng” ra “mây vàng” và giảng là lấy điển ở câu thơ cổ [天 上 黃 雲 影 遊 子 何 時 歸 = Thiên thượng hoàng vân ảnh, du tử hà thì quy = Trên trời có bóng mây vàng, kẻ đi xa bao giờ về?] Đổi và giảng như thế thật sai lầm trái nghĩa, vì câu thơ này nói người ở nhà nhớ người đi xa. Cả bản Kiều của hai ông Kim, Kỷ cũng in là “mây vàng,” lạ thật.

Câu 1337 – Rồi ra lạt phấn phai hương – Câu này là lời Kiều nói: “Tôi e chàng chỉ yêu tôi về phần vật chất trang điểm, rồi khi chàng đã chán tôi rồi, thì dầu tôi đánh phấn khéo thế nào chàng cũng cho là nhạt nhẽo chẳng đẹp, dẫu tôi bôi nước hoa thế nào, chàng cũng thấy thoảng không, chẳng thơm nữa.” Có bản đổi chữ “lạt phấn” ra “lỡ phấn” tức là tuổi già da khô nhăn nheo bôi phấn không ăn nữa. Đổi như thế thật lầm, vì “lạt phấn phai hương” là lỗi ở Thúc Sinh chóng chán Kiều. Còn nếu ở với nhau đến lúc tuổi già đã “lỡ phấn” rồi thì sao nỡ bỏ nhau nữa?

Câu 1342 – Thêm người, người cũng thêm lòng riêng tây – Câu này ý nói: “Từ trước đến nay, vợ chồng chàng vẫn một lòng một dạ với nhau. Bây giờ chàng lấy thêm tôi về, chắc vợ chồng chàng lại mỗi người thêm một dạ riêng tây nữa.” Hai chữ “thêm” và “cũng thêm” đi với nhau nghe thật trôi chảy, thật hay, thật khẩn thiết với nhau. Những bản đổi chữ “cũng thêm” ra “cũng chia” thì lời câu văn đã rời rạc yếu đi, mà lại hóa thừa chữ “chia” vì riêng tây là chia rồi.

Câu 1356 – Lầu xanh lại phó ra phường lầu xanh – Chữ “phó” nghĩa là đuổi về, trả lại có ý theo luật pháp. Có bản đổi chữ “phó” ra “bỏ” gần như vô nghĩa. Câu 1420 “Hai là lại cứ lầu xanh phó về” để tỏ lời nàng lo trước không sai.

Chú giải và dẫn điển

[1] Phẩm người – Chữ Hán là nhân phẩm [人 品] = Giá trị của người theo giai cấp về phần tài năng, đạo đức; đây thì theo tài sắc.

[2] Lá gió cành chim – Nàng Tiết Đào [薛 濤] đời Đường có tài làm thơ. Năm mới lên 7 tuổi, một hôm thấy cha làm thơ vịnh cây liễu ở trước nhà, mới viết được hai câu, nàng liền viết tiếp theo hộ cha hai câu sau là [枝 迎 南 北 鳥 葉 送 往 來 風 = Chi nghinh nam bắc điểu, diệp tống vãng lai phong = Cành đón chim nam bắc, lá đưa gió lại qua]. Ông bố thấy hai câu thơ nàng viết vậy, biết cuộc đời con sau này sẽ không ra gì. Sau quả nhiên, cha chết sớm, mẹ con lưu lạc, nàng bán mình làm kỹ nữ trong giáo phường của một vị quan to sống một cuộc đời sa đọa. Tác giả dùng điển này để tả cảnh đời thanh lâu của Kiều thật đúng.

[3] Tống Ngọc, Tràng Khanh – Tống Ngọc người nước Sở đời Chiến Quốc, Tràng Khanh là Tư Mã Tương Như.  Hai người đều rất đẹp trai và rất tài hoa, làm nhiều gái mê say.

[4] Phong gấm rủ là = Giữ gìn thân thể một cách quý trọng cẩn thận như lấy gấm, lấy là mà bao bọc kín đáo.

[5] Mây Tần – Vua Mục Công nước Tần ngủ một giấc lâu 5 ngày mới tỉnh, mơ gặp một cô rất trắng đẹp, mặc lối Vương Phi đến đón vua cùng cưỡi mây bay lên trời chầu Thượng Đế, lúc ra về bảo vua: “Thiếp là Bảo Phu Nhân, vua nên lập đền thờ thiếp, thiếp sẽ giúp vua làm nên nghiệp Bá.”

[6] Đòi phen gió tựa hoa kề / Nửa rèm tuyết ngậm bốn hè trăng thâu – Dùng đủ bốn cảnh đẹp nên thơ trong văn chương là phong [風], hoa [花], tuyết [雪], nguyệt [月] để tả cảnh vui chơi với khách trong thanh lâu.

[7] Câu lục-bát Đòi phen nét vẽ câu thơ / cung cầm dưới nguyệt nước cờ trong hoa nói đến đủ bốn thứ cầm[琴], kỳ [棋], thi [詩], họa [畫] để tả cảnh mua vui với khách trong thanh lâu.

[8] Gió trúc mưa maiGió trúc = Gió êm ấm mùa xuân thổi vào cảnh tre (trúc) xanh đẹp. Mưa mai = Mưa mát mùa hè làm mai chín vàng đẹp. Đó là hai cảnh “mưa gió” làm cho người ta say mê, hay ngâm thơ để vịnh gió, uống rượu để nếm quả mơ. Câu này mượn hai cảnh mưa gió đẹp ấy để nói những cuộc khách say sưa với nàng, nhưng nàng thờ ơ như không, chẳng vui thích gì.

[9] Đòi đoạn – Truyện Kiều hay dùng chữ “đòi” thay chữ “nhiều” như đòi đoạn, đòi phen tức là nhiều đoạn, nhiều phen.

[10] Chín chữ cao sâu = Chín chữ tả nỗi khó nhọc nuôi con của cha mẹ. Kinh Thi có bài thơ của người con, vì việc công phải đi xa không ở nhà để chăm nom cha mẹ được, làm bài thơ này để tả cảnh cha mẹ nuôi mình khó nhọc bằng chín chữ:

[生] Sinh = Đẻ và nuôi cho con sống.

[鞠] Cúc = Cúi xuống mà nâng niu chăm chút.

[撫] Phủ = Vuốt ve vỗ về.

[畜] Súc = Chăm nuôi bú mớm.

[長] Trưởng = Nuôi dạy cho khôn lớn nên người.

[育] Giục = Nuôi dạy cho nên người có tài đức.

[顧] Cố = Săn sóc trông nom.

[復] Phục = Xem xét tính tình mà dạy bảo.

[覆] Phúc = Giữ gìn trông nom đến luôn.

[11] Bóng dâu tà tà – Câu này có ý nói cha mẹ già chóng suy yếu dần như mặt trời khi đã xế xuống tới ngọn dẫy dâu ở phía tây thì chóng lặn lắm. Điển câu này lấy ở câu chữ Hán “Nhật lạc tang du” [日 落 桑 榆] = Mặt trời xế mau như rơi xuống dẫy dâu, dẫy du.

[12] Sân hòe = Sân có ba cây hòe, nghĩa bóng nói nhà cha mẹ nuôi con mong cho con thành đạt. Ông Vương Hựu [王 佑] đời Tống có công to, vua không thưởng, ông nói: Thế nào trời cũng thưởng thay cho ta – trong ba đứa con ta, thế nào cũng có đứa thành đạt to. Ông mới trồng ba cây hòe ở sân và nói: Ba cây hòe này mà tốt thì lời nói ta đúng. Sau quả nhiên con ông là Vương Đán [王 旦] đỗ trạng nguyên và làm tể tướng. Người sau dùng ba chữ “tam hòe đình” để chỉ nhà có ba con trai.

[13] Trân camTrân [珍] = Những thức ăn ngon. Cam [甘] = Những thức ăn ngọt. Tiếng Hán dùng hai chữ trân cam để nói đến những thức ăn ngon ngọt con cung phụng để nuôi cha mẹ.

[14] Liễu Chương đài – Hàn Hoành [韓 翃] đời Đường có tình nhân là kỹ nữ họ Liễu [柳] ở đường Chương đài [章 臺]. Khi Hoành phải đổi đi làm quan xa, viết thư cho nàng vẫn gọi nàng là Chương đài liễu (cây liễu ở Chương đài). Liễu thị ở một mình được mấy năm thì bị Phiên tướng là Sa Xá Lợi [沙 咤 利] bắt đi. Khi Hoành được đổi về gần nơi Phiên tướng đóng, biết vậy thương tiếc lắm. Có người Bộ tướng là Hứa Tuấn [許 俊] thấy vậy mang thư của Hoành đi đón nàng. Tuấn giả trang làm bộ hạ của Phiên Tướng, phi ngựa đến dinh của Phiên tướng nói Phiên tướng ngã ngựa gần chết, cấp tốc đón nàng cho kịp gặp mặt. Nàng được thư của Hoành, giả cách khóc, vội vã ra đi. Thế là lại được đoàn tụ với nhau. Câu Kiều “Khi về hỏi Liễu Chương đài” này lấy ý ở bài ca lúc ở xa Hoành gửi cho nàng [章 臺 柳 昔青 青 今 在 否 也 應 攀 折 他 人 手 = Chương đài liễu, tích nhật thanh thanh kim tại phủ, dã ưng phân triết tha nhân thủ = Hỡi cây liễu Chương đài, xưa kia xanh xanh thế, bây giờ có còn ở đó không, rất e tay khác bẻ đi rồi!”

[15] Giấc hương quan = Giấc ngủ mơ về quê nhà.

[16] Song sa vò võ phương trờiSong sa = Cửa sổ có màn the đẹp. Thơ Xuân oán [春 怨] của Lưu Phương Bình đời Đường có câu [紗 窗 日落 漸 黃 昏 金 屋 無 人 見 淚 痕 = Sa song nhật lạc tiệm hoàng hôn kim ốc vô nhân kiến lệ ngân = Ngày ngày ngồi một mình trong cửa sổ mà nhìn thăm thẳm phương trời qua bức màn the cho đến lúc mặt trời xế xuống và bóng tối vàng sẫm dần dần; thế mà trong căn nhà vắng này, chẳng hề có ai thấy vết nước mắt của mình buồn khóc].

[17] Nay hoàng hôn đã, lại mai hôn hoàng – Câu này lấy ý ở một bài thơ đời Tống, đó là [泣 損 双 眸 腸 欲 斷 怕 黃 昏 到 又 黃 昏 = Khấp tổn song mâu, trường dục đoạn, phạ hoàng hôn đáo hựu hoàng hôn = Khóc xưng đôi mí mắt, ruột muốn đứt, chỉ sợ buổi hoàng hôn này đến, rồi lại buổi hoàng hôn kia đến, lần lượt mãi không thôi].

[18] Thỏ bạc, ác vàng – Trong văn chương ta vẫn gọi mặt trăng là “ngọc thỏ = con thỏ ngọc” và gọi mặt trời là “kim ô = con ác vàng = con quạ vàng” vì người xưa tin rằng trong mặt trăng có con thỏ ngọc giã thuốc; trên mặt giời có con quạ vàng ba chân. Thỏ bạc hàm ý là mặt trăng lúc gần sáng, sắc đã trắng nhợt đi. Ác vàng hàm ý là mặt trời lúc chiều hôm đã vàng ủ đi.

[19] Khách du = Khách ăn chơi nay đây mai đó.

[20] Kỳ Tâm họ Thúc – Thúc Sinh tên là Thúc Thủ [束 守] và tự là Kỳ Tâm [其 心]. Nghĩa cả bốn chữ “thúc thủ kỳ tâm” là bó giữ lòng mình điềm báo trước là sợ vợ, phải bó giữ lòng mình cho kín không dám nói cho vợ biết.

[21] Huyện Tích = Huyện Vô Tích [無 裼] ở tỉnh Giang Tô, thuộc Châu Thường.

[22] Lâm Truy [臨 淄] thuộc tỉnh Sơn Đông, nguyên trước là kinh đô nước Tề. Lâm Truy cách Vô Tích một tháng đường.

[23] Thiếp hồng = Tờ danh thiếp viết vào giấy đỏ để tự giới thiệu. Hương khuê [香 閨] = Buồng thơm, tức là buồng phụ nữ ở, đây tức là buồng Kiều.

[24] Trướng tô = Màn có riềm tua kết đẹp rủ xuống chung quanh phía trên. Chữ trướng tô này lấy điển từ câu trong khúc ca Phù Nam [扶 南 曲] của Vương Duy: [翠 羽 流 蘇 帳 = Thúy vũ lưu tô trướng = Cái màn có riềm giải rủ xuống kết bằng lụa xanh biếc như lông chim phí thúy].

[25] Ngày xuân = Ngày có mưa hòa gió ấm của mùa xuân.

[26] Thanh khí lẽ hằngThanh là chữ lấy từ thành ngữ [同 声 相 應 = đồng thanh tương ứng = tiếng cùng một thanh thì vang ứng lại nhau]. Khí là chữ lấy từ thành ngữ [同 氣 相 求 = đồng khí tương cầu = các vật cùng một khí thì tìm hút lấy nhau]. “Đồng thanh tương ứng / đồng khí tương cầu” ở Kinh Dịch và nghĩa bóng nói hai người cùng một tính tình với nhau thì yêu mến quyến luyến nhau ngay. Lẽ hằng = Lẽ thường, lẽ tự nhiên.

[27] Sớm đào tối mận – Kinh Thi có câu [投 之 以 桃 報 之 以 李 = đầu chi dĩ đào, báo chi dĩ lý = trai đưa cho quả đào thì gái cho lại quả mận]. Câu này hàm ý rằng lúc mới chỉ yêu nhau lờ phờ thế thôi, sau lân la thành quyến luyến thề thốt nặng lời.

[28] Một tỉnh mười mê = Mười lúc mê man tỉnh ra được một lúc, rồi lại mê luôn.

[29] Ngày xuân lắm lúc quên về với xuân – Xem lời đính chính câu 1294 trên đây.

[30] Câu thần nối thơCâu thần = Câu thơ hay, coi như thần giúp mới làm được. Nối thơ = Lối vui chơi bằng thơ: một người nghĩ một câu đầu, người kia nghĩ nhanh lấy hai câu tiếp theo, rồi người thứ nhất lại tiếp theo ngay hai câu nữa. Lối chơi thơ này chữ Hán là liên ngâm [聯 吟].

[31] Bản vây = Đánh cờ vây.

[32] Cuộc truy hoan [追 歡] = Cuộc vui chơi hết cuộc nọ đến cuộc kia liên tiếp nhau.

[33] Cái sóng khuynh thành = Những khóe lườm liếc đưa tình làm say sưa người.

[34] Quen thói bốc giời – (Xem lời đính chính câu 1301 ở trên).

[35] Hơi đồng = Tiền, do chữ [銅 臭 = đồng xú = mùi tanh hôi của tiền bằng đồng] dịch ra.

[36] Quyên đã gọi hèQuyên = Chim cuốc, về mùa hè, thường kêu suốt đêm, tiếng nghe rất buồn thảm.

[37] Lửa lựu do chữ “lựu hỏa” [榴 火] dịch ra. Các vua đời xưa bên Tàu, theo từng mùa mỗi năm, mà khoan một thứ gỗ để lấy lửa ban cho dân dùng. Về mùa hè thì khoan gỗ lựu lấy lửa, gọi là lựu hỏa. Câu này mượn chữ lửa lựu để tả cảnh hoa lựu đỏ đẹp về mùa hè.

[38] Buồng the phải buổi thong dong – Chữ buổi trong câu này là nói ngày mùng 5 tháng 5, tết đoan ngọ. Người Tàu xưa tin rằng trong ngày tết đoan ngọ phải kiêng việc vợ chồng, trai gái; nếu không kiêng thì chỉ trong ba tháng thế nào cũng chết một hay cả đôi. Bởi vậy buổi hôm đó Kiều được thong dong vắng khách. Chữ “phải” câu này nghĩa là “được” cũng như chữ “phải” ở câu “chó ngáp phải ruồi” nghĩa là may mà được.

[39] Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa – Chữ hoa trong câu này hàm ý thân hình đẹp của con gái, nhất là của kỹ nữ. Tục Tàu thời xưa đến ngày đoan ngọ thì lấy cây trạch lan (ta gọi là cây mần tưới) để nấu nước tắm trừ ghẻ lở. Nhiều nhà xuất bản Truyện Kiều vì không hiểu nghĩa chữ “hoa” nên giảng lầm là “hoa lan” và dịch sai chữ “tắm” ra “tẩm” (tẩm nước hoa làm cho thơm).

[40] Một tòa thiên nhiên = Một pho tượng để nguyên như trời sinh ra, không chút quần áo trang điểm. Tác giả dùng nhóm chữ “một tòa thiên nhiên” để tả hình Kiều nõn nà đẹp đẽ không quần áo, lời thật rõ ràng thanh thoát. Câu này dựa vào ý nghĩa của một câu tương đương trong Ngọc Trai Tập: [鑄 就 天 然 一 樣 骨 相 = trú tựu thiên nhiên nhất dạng cốt tướng = đúc thành một thân hình thiên nhiên].

[41] Một thiên luật Đường = Một bài thơ làm theo luật thơ nhà Đường, có 8 câu và 5 vần gieo vào cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8 và câu 4 phải đối với câu 3, câu 6 phải đối với câu 5. Thí dụ như bài vịnh Truyện Kiều của cụ Hoa Đường Phạm Quý Thích.

[42] Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu = Câu nào nói cũng hay như nhả ngọc phun châu, lời câu nào đặt cũng đẹp như gấm thêu hoa. Câu này đặt theo ý nghĩa trong thành ngữ chữ Hán [錦 心 繡 口= cẩm tâm tú khẩu = bụng nghĩ đẹp như gấm, miệng nói đẹp như thêu].

[43] Nối điêu – Nghĩa đen là lấy đuôi chó nối vào đuôi điêu thử, nghĩa bóng là họa thơ lại một cách vụng kém không hay (lời nói khiêm nhường). Nguồn gốc chữ “nối điêu” như sau: Đời nhà Tấn, Ngự sử là chức quan danh giá nhất, chỏm mũ làm bằng đuôi điêu thử, một loài sóc. Khi gặp hồi loạn, các quan võ cậy công đua nhau xin vua phong chức Ngự sử nhảm quá, khiến người dân có câu [鵰不 足 狗 尾 續 = điêu bất túc cẩu vĩ tục = đuôi điêu không đủ, đuôi chó nối vào] để chê cười lũ “Ngự sử” đó. Người sau mới dùng chữ “tục điêu” hoặc “nối điêu” để nói khiêm tốn là mình nối vần thơ một cách vụng về chẳng xứng đáng với bài người ta làm trước.

[44] Đám mây Hàng (chữ nôm [盎] có thể đọc là “đám” hay “áng” cũng được) – Câu này ý nói là “lòng còn bối rối vì nhớ quê cha mẹ.” (Xem lời xác định câu 1319 này ở trên).

[45] Họa vần = Theo mấy chữ gieo vần của người ta mà làm bài thơ của mình trả lời lại người ta.

[46] Ủ dột thu baThu ba = Lòng mắt trong như sóng nước mùa thu. Ủ dột thu ba = Hai mắt ủ xuống trông buồn bã nghĩ ngợi, chẳng muốn nhìn ai. Kiều ủ buồn là vì nàng cảm thấy Thúc Sinh chỉ là một người tầm thường, không có con mắt tinh đời, chỉ biết phần đẹp vật chất, chứ không nhận ra phần đẹp tinh thần. Đã được nhìn rõ vẻ ngà ngọc của mình như thế, mà vẫn yên chí mình là con đẻ của mẹ Tú hình thù thô bỉ, to béo, nhờn nhợt màu da như thế! Nghe nàng tỏ ý nhớ cha mẹ đã không mừng rỡ sốt sắng hỏi gia thế thanh cao nhà nàng, lại còn ngạc nhiên như tưởng là nàng nói dối. Bởi vậy nàng đang truyện trò vui bỗng thốt lên Thiếp như hoa đã lìa cành / chàng như con bướm lượn vành mà chơi!” nghe như nhạt nhẽo hết tình với chàng.

[47] Chúa xuân = Dịch từ chữ Hán “Thanh Đế” [青 帝] là Thần coi về mùa xuân. Nghĩa bóng của “chúa xuân” ở câu Kiều này là người đàn ông đã có vợ rồi. Kiều nói có vẻ hờn dỗi “chàng đã có vợ là người chàng chung tình rồi, thì xin đừng lờ phờ lôi thôi với tôi nữa.” Ý nghĩa lấy từ bài thơ “Lạc hoa” [落 花] (Hoa rụng) của Chu Thục Trinh đời Tống như sau:

[連 理 枝 頭 花 正 開 = liên lý chi đầu hoa chính khai = hoa ở trên cành liền thớ chính đương lúc nở đẹp]

[妬 花 風 雨 便 相 催 = đố hoa phong vũ tiện tương thôi = bỗng bị trận mưa gió ghen nó cứ dầy vò thúc dục]

[願 敎 青 帝 常 為 主 = nguyện giao Thanh đế thường vi chủ = xin Chúa xuân lúc nào cũng làm chủ cho hoa]

[莫 使 紛 紛 點 翠 苔 = mạc sử phân phân điểm thúy đài = đừng để rụng tơi bời, rơi lốm đốm xuống bãi rêu xanh]

[48] Nặng vì nước non = Nặng vì những lời chỉ núi chỉ sông mà thề.

[49] Bên thú bên tòng – Thú [娶] = lấy vợ. Tòng [從] = theo chồng, tức là lấy chồng. Bên thú là nói Thúc Sinh, bên tòng là nói Kiều.

[50] Bình Khang = Khu phố có các thanh lâu. Đời Đường ở Trường An có phường Bình Khang (平 康 坊) là nơi các kỹ nữ ở – những tân khoa tiến sĩ thường tới đó vui chơi. Về sau người ta gọi thanh lâu là bình khang.

[51] Lạt phấn phai hương – Xem lời đính chính câu 1337 bên trên.

[52] Thềm quế cung trăng = Dinh Hằng Nga ở trên mặt trăng, hàm ý nhà Thúc Sinh ở với vợ cả.

[53] Khăng khít giải đồng – Theo phong tục Tàu, trước khi làm lễ đính hôn, nhà trai đưa nhà gái hai giải lụa, để cô dâu nối lại bằng một nút đẹp gọi là “đồng tâm kết” [同 心 結] thành một giải dài gọi là “đồng tâm đới” [同 心 带]. Khăng khít giải đồng = (vợ chồng) rất thân thiết tin cẩn lẫn nhau.

[54] Phận bèo mây = Thân phận lưu lạc như cánh bèo mặt nước, áng mây trên trời.

[55] Bể ái = (tình vợ chồng) yêu nhau sâu rộng như biển. Những chữ Hán liên hệ là “ái hà” [愛 河] = sông yêu, và “tình hải” [情海] = biển tình.

[56] Trăm điều ngang ngửa vì tôi = (vợ chồng) sinh truyện lủng củng không hòa với nhau. Ý câu này là “Kiều sợ lấy Thúc Sinh thì sẽ làm cho gia đình Thúc Sinh phải lủng củng lộn xộn, thế là mình gây tội nghiệp cho kiếp sau.”

[57] Thân sau = Kiếp sau.

[58] Vững tay co = Vững tay co kéo lại, bênh vực cho nàng.

[59] Thế trong = Thế lực của vợ. Thế ngoài = Thế lực của chồng.

[60] Sư tử – Nghĩa bóng chữ “sư tử” đây là vợ cả dữ dội làm cho chồng phải sợ. Điển tích gọi vợ dữ là sư tử lấy ở câu thơ của Tô Đông Pha. Bạn của ông Tô Đông Pha là Trần Quý Thường, người Hà Đông có vợ rất dữ, tiếng rất to. Mỗi khi bà quát chồng, ông Quý Thường sợ run lên. Ông Đông Pha có câu thơ đùa bạn rằng [忽 聞 河 東 獅子 吼 拄 杖 落 手 心 茫 然 = hốt văn Hà Đông sư tử hống trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên = chợt nghe con sư tử kêu lên, rơi mất gậy đương chống ở tay, bụng thì sợ hãi như mê đi]. Đằng la [藤 蘿] là mấy loài thảo dây leo quấn ở gốc cây to mà các văn sĩ hay dùng để gọi những đàn bà làm vợ lẽ. Trong Kinh Thi có câu [南 有 樛 木 葛 藟 累 之 = nam hữu cù mộc, cát lũy luy chi = đất nam có cây to (chỉ vợ cả), dây sắn dây bìm (chỉ vợ lẽ) quấn leo ở gốc].

[61] Cúi đầu luồn xuống mái nhà – Cổ thư Trung hoa có chỗ nói “vợ lẽ ở với vợ cả, lúc nào cũng phải khúm núm như vào nhà mái thấp phải cúi đầu xuống.” Trương Thoán [張 彖] đời Đường mới được bổ ra làm quan thì bị ông quan lớn thượng cấp bắt nạt. Ông than thân “ở dưới mái nhà thấp này mình không thể ngóc đầu lên được” rồi bỏ việc quan ra đi.

[62] Giấm chua – Vũ Hậu ghen quá, giết mấy phi tần của vua Cao Tông rồi ngâm thây họ vào trong giấm. Giấm chua về sau trở thành một ẩn dụ cho kiếp khổ nhục của vợ lẽ bị vợ cả đánh ghen và hành hạ.

[63] Nhà thông là cha, do chữ xuân đường [椿 堂] dịch ra. Xuân là loài thông sống hàng mấy vạn năm.

[64] Liễu ngõ hoa tường = Gái lầu xanh ví như cây liễu ở lối ngõ đi, ai bẻ cành cũng được; cành cây thò ra ngoài tường, ai hái hoa cũng được.

[65] Phó = Trả về, đuổi về theo đúng pháp luật.

[66] Nói đè chừng = Đoán chừng trước những sự sẽ xảy ra sau này.

[67] Ngô Lào – Ca dao ta có câu “Chơi cho nước Tấn sang Hồ, nước Tề sang Sở, nước Ngô sang Lào.” Trong ngữ cảnh này, Ngô Lào được dùng để nói đến những điều vẩn vơ xa xôi quá.

[68] Phong ba = Sóng gió. Đây là một ẩn dụ cho những sự nguy hiểm trong cuộc lấy nhau này như đi thuyền gặp sóng bão.

Diễn ra văn xuôi

Câu 1227, 1228 = Thế là Kiều đành phận làm kỹ nữ, buông bức màn điều ở lầu xanh xuống để tiếp khách, giá đặt càng đắt bao nhiêu, thì phẩm cách của nàng càng cao quý lên bấy nhiêu.

Câu 1229, 1230 = Không biết bao nhiêu là khách phải lả lơi đắm đuối về tài sắc nàng, suốt tháng hôm nào cũng rượu say, suốt đêm lúc nào cũng vui cười.

Câu 1231, 1232 = Khách làng chơi bốn phương kéo đến dập dìu một lượt, như chim xuân đến đậu cành, gió xuân đến thổi lá cây liễu trước sân, sớm đưa khách lịch sự như Tống Ngọc đi, chiều lại đón ngay khách lịch sự như Tràng Khanh đến.

Câu 1233, 1234 = Những khi cuộc say rượu tỉnh, và những khi vui đêm canh tàn, nàng nghĩ đến thân phận mình mà xót xa đau thương cho mình.

Câu 1235, 1236 = Kiều nghĩ : “Trước kia thì sao mình giữ thân cẩn thận quý giá thế, như lấy gấm mà bọc, lấy là mà che, dễ mấy ai đã được nhìn thấy, mà bây giờ sao lại rạc rời tan tác, rõ như đóa hoa rơi ở giữa đường, ai cũng dày xéo lên cũng được ?”

Câu 1237, 1238 = “Cái mặt thanh tao này sao giờ lại dạn dày với sương gió như thế, cái thân ngà ngọc này sao giờ lại đến nỗi ong bướm nó chán chường như thế ! Thật là đáng thương đáng khóc cho thân ta. ”

Câu 1239, 1240 = Mặc người ta mưa mây đằm thắm như Sở Tương Tần Mục mộng gặp gái thần, nhưng riêng phần nàng, nào nàng có biết mùi xuân ở đó là gì đâu !

Câu 1241, 1242 = Biết bao phen tựa ngồi bên khách hóng gió hè mát mẻ, hay kề vai khách dạo cảnh hoa xuân tươi đẹp ; lại biết bao phen ngồi trong buồng ấm áp, cùng khách ngắm cảnh đẹp tuyết đông rơi phơi phới xuống nửa rèm trước cửa, hay ngồi ngoài hè cùng với khách ngắm cảnh trăng thu chiếu vằng vặc xuống khắp bốn bên ngoài hè.

Câu 1243, 1244 = Nhưng than ôi ! Những cảnh phong, hoa, tuyết, nguyệt ấy tuy đẹp vui thế, mà cảnh nào là cảnh chẳng mang vẻ sầu buồn lại cho nàng ? Bởi vì lòng nàng đã buồn thì đâu có cảnh nào là cảnh vui cho nàng được !

Câu 1245, 1246 = Lại biết bao phen nàng vui vẻ vẽ tranh tặng khách, hay vui vẻ đề thơ tặng khách, hoặc vui gẩy cung đàn khách nghe ở dưới bóng trăng hay đánh ván cờ vui với khách ở trong vườn hoa.

Câu 1247, 1248 = Nhưng những cuộc vui cầm, kỳ, thi, họa này, chẳng qua chỉ là vui gượng, kẻo e người ta trách móc đó thôi, chứ nào đâu có ai là người tri âm, để cho nàng thật tình mặn mà với ai được.

Câu 1249, 1250 = Nàng thờ ơ vô tình với cả những cảnh thật đáng vui thú say sưa như cảnh gió xuân đầm ấm đưa thành tiếng êm sóng đẹp trên ngọn dẫy trúc xanh rờn ; như cảnh mưa hè mát mẻ làm quả chín tươi vàng trên cành cây mai um tốt. Người ta gặp những cảnh đẹp ấy thì đua nhau ngâm thơ vịnh trúc, uống rượu thưởng mai, nhưng nàng có vui thù gì đâu, chỉ lúc nào cũng ngẩn ngơ trăm mối vì thương thân, vì nhớ nhà, lúc nào cũng âm ỉ thương đau một mình, chẳng biết than thở cùng ai.

Câu 1251, 1252 = Nàng nghĩ gần, nàng nghĩ xa, lòng nàng đầy những nỗi đau buồn, rõ thật là ruột nàng chẳng ai vò mà rối, thân nàng chẳng ai đánh mà đau.

Câu 1253, 1254 = Nàng nhớ đến công đức cha mẹ nuôi nàng khó nhọc đủ đường, rồi nàng thương cha mẹ mỗi ngày mỗi già yếu, mà nàng không được ở bên để hầu hạ chăm non, báo đền lại công ơn sâu nặng đó.

Câu 1255, 1256 = Vì nhớ cha mẹ, nàng lại thương tủi thân mình ở nơi nước thẳm non xa, cách biệt hàng ngàn muôn dặm này, cha mẹ có biết đâu là thân phận đứa con yêu quý phải khổ cực thế này ?

Câu 1257, 1258 = Nàng lại nghĩ cha mẹ có ba con, nay chỉ còn hai đứa thơ ngây ở nhà, thì lấy ai mà miếng ngọt, miếng bùi chăm nuôi cha mẹ thay nàng ?

Câu 1259, 1260 = Đối với chàng Kim thì nàng nhớ đến lời thề nguyện tha thiết đời đời lấy nhau, chẳng hay khi xa xôi cách biệt này, chẳng biết chàng có thấu tình khổ cực mà tha thứ tội phụ tình cho nàng hay không ?

Câu 1261, 1262 = Nàng lại đau đớn thay cho chàng là khi hộ tang trở về hỏi đến cành liễu Chương đài, thì ôi, cành liễu mởn mơ này đã bẻ cho người ta truyền tay nhau rồi !

Câu 1263, 1264 = Lúc nào nàng cũng mong đem được mối tình sâu của nàng để trả đền lại cái nghĩa dầy của chàng cho được thủy chung trọn vẹn, và thường thường lòng lại hỏi lòng “chẳng hay cái hoa tươi đẹp kia (chỉ Thúy Vân) đã chắp vào cái cành gẫy ngang này (chỉ Kiều) cho chưa ? ”

Câu 1265, 1266 = Rõ biết là bao nhiêu điều vấn vít như nắm tơ vò rối ở trong lòng nàng. Đêm nào nàng cũng vẩn vơ mơ tưởng về quê hương suốt đêm dài đằng đẵng, dở tỉnh dở mê.

Câu 1267, 1268 = Ngày nào nàng cũng ngồi trong cửa sổ mà nhìn phương trời vò võ qua bức màn the, lòng những đăm đăm tưởng nhớ gia đình. Nàng nhớ khổ nhất là những lúc hoàng hôn, nàng rất sợ những lúc hoàng hôn. Buổi hoàng hôn hôm nay vừa hết, thì chỉ một thoáng đã lại đến ngay buổi hoàng hôn ngày mai !

Câu 1269, 1270 = Ấy cứ lần hồi như thế mãi, đêm nào nàng cũng thức cho đến lúc mặt trăng mờ sắp sáng ; ngày nào nàng cũng buồn cho đến lúc mặt trời vàng úa sắp lặn. Thật là lắm nguồn cơn khiến nàng phải xót xa cho người trong hội đoạn trường như nàng.

Câu 1271, 1272 = Nàng đành phận chịu rằng trời đã cho nàng được chữ hồng nhan, thì hẳn là bắt nàng phải chịu tàn hại thế nào cho cân với hai chữ hồng nhan đó mới thôi.

Câu 1273, 1274 = Và khi trời đã đày đọa nàng vào kiếp phong trần rồi, thì thế nào cũng làm cho nàng phải sỉ nhục một lần mới thôi.

Câu 1275, 1276 = Trong bọn du khách bỗng có một người họ Thúc tên tự là Kỳ Tâm cũng là dòng dõi nhà học hành tử tế.

Câu 1277, 1278 = Chàng vốn là người ở huyện Vô Tích thuộc châu Thường, theo cha lên mở một ngôi hàng buôn bán ở huyện Lâm Truy.

Câu 1279, 1280 = Thấy Kiều nức tiếng là bực hoa khôi, chàng rất hâm mộ, mới tìm đến tận buồng thơm của nàng mà đưa danh thiếp màu hồng của mình vào.

Câu 1281, 1282 = Chàng được nàng tiếp đón vào cho gặp mặt tươi đẹp như hoa đào của nàng ở trong bức màn lưu tô lộng lẫy. (Xem lời chú thích [24] bên trên). Chàng thấy nàng đẹp đẽ mặn mà đủ mọi vẻ, và các nét mày mặt đều thanh tao thật đáng ưa thích.

Câu 1283, 1284 = Nàng đã đẹp như đóa hoa hải đường mơn mởn ở cành tơ xanh rờn, lại càng gặp gió ấm, càng gặp mưa hòa ngày xuân, nên vẻ đẹp lại càng nồng đậm.

Câu 1285, 1286 = Thế là cuộc trăng nọ hoa kia, lại cuộc trăng kia hoa nọ, thật não nùng khôn tả. Cảnh đêm xuân say sưa đó, lòng xuân phơi phới chưa dễ ai đã kìm hãm được.

Câu 1287, 1288 = Còn lạ gì cái lẽ thường “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” xưa nay, hai bên đã ý hợp tâm đầu, thì càng ngày cái dây tơ duyên càng thắt chặt, còn ai gỡ cho xa nhau được nữa.

Câu 1289, 1290 = Trước còn sớm đưa quả đào, tối trao quả mận để lân la gây tình thân nhau, và đi lại trăng gió vậy thôi, sau thành ra quyến luyến nặng tình, nên kết nghĩa đá vàng với nhau.

Câu 1291, 1292 = Hai bên đang say sưa nhau thì bỗng đâu gặp một dịp may lạ – cha chàng là Thúc Ông trở về Vô Tích thăm gia đình.

Câu 1293, 1294 = Thế là chàng càng say đắm mê man vì tình, mười lúc mê họa được một lúc tỉnh. Những ngày vui xuân với nàng như thế chàng quên mất cả ngày, coi như đêm xuân nọ liền với đêm xuân kia.

Câu 1295, 1296 = Khi thì cùng nhau ngồi hóng gió mát ở trên lầu khi thì cùng nhau vui ngắm trăng trong ở trước sân, khi thì bầu rượu ngon chuốc mời lẫn nhau, khi thì câu thơ hay xướng họa cùng nhau.

Câu 1297, 1298 = Khi thì cùng nhau dạo vườn hoa thơm buổi sớm, khi thì cùng nhau thưởng chén trà ngon buổi trưa, khi thì đánh vui với nhau vài ván cờ, khi thì gảy họa với nhau vài cung đàn.

Câu 1299, 1300 = Chàng miệt mài theo đuổi hết cuộc vui này lại đến cuộc vui kia với nàng, càng quen thuộc tính nết nhau, lại càng dan díu khăng khít mối tình với nhau.

Câu 1301, 1302 = Thật đáng lạ cho cái sóng lườm liếc của cặp mắt giai nhân, nó làm cho nghiêng nước nghiêng thành, đổ quán siêu đình của người ta như chơi.

Câu 1303, 1304 = Thúc Sinh bị Tú Bà phỉnh bốc mãi quen đi thành ra thói ngông đời, tự cho mình là tay hào phóng tuyệt vời, đem tiền trăm bạc nghìn đổ ra thưởng vào một trận cười của nàng như không, chẳng tiếc chút nào.

Câu 1305, 1306 = Tú Bà càng thấy chàng hào phóng, lại càng tô son điểm phấn, vuốt ve sắm sửa cho Kiều càng đẹp lộng lẫy. Lạ gì cái máu tham của mụ, hễ thấy tiền thì lòng mụ mê đi.

Câu 1307, 1308 = Dạo ấy đêm đêm cuốc kêu ở dưới bóng trăng như gọi mùa hè đến! Rồi ngọn lựu ở trên đầu tường lập lòe nở những hoa đỏ như màu lửa lựu mùa hè.

Câu 1309, 1310 = Gặp hôm tết đoan ngọ vắng khách –xem lời đính chính câu 1309 bên trên – nàng được buổi thong dong, và theo tục lệ tắm nước trạch lan hôm tết đó để trừ ghẻ lở. Nàng yên chí rằng ngày kiêng kỵ ấy không ai đến, nên chỉ rủ bức màn the xuống mà tắm, chứ không đóng cửa buồng.

Câu 1311, 1312 = Thúc Sinh thừa cơ lén đến, trông thấy rõ ràng da nàng trắng như ngà, trong như ngọc, và thân hình nàng đẹp như một tòa tượng trời đúc để tự nhiên phơi bầy.

Câu 1313, 1314 = Sinh càng tỏ rõ mọi nét tấm thân thần tượng, lại càng khen mãi và làm ngay một bài thơ Đường luật để khen ngợi và để tỏ ý ước mong lấy được nàng.

Câu 1315, 1316 = Nàng đọc bài thơ rồi nói với Sinh rằng : Thiếp hiểu ý chàng rồi, xin đa tạ. Bài thơ này hay lắm, ý nào cũng như châu như ngọc, câu nào cũng như gấm như thêu.

Câu 1317, 1318 = Đáng lẽ tài làm thơ của thiếp dù hay, dù hèn thế nào nữa cũng phải họa lại. Nhưng lòng thiếp lúc này còn vướng một vài điều ngang ngang.

Câu 1319, 1320 = Xin chàng biết cho rằng lòng thiếp giờ đang vẩn vơ nhớ cha mẹ ở dưới đám mây Hàng xa thẳm. Bởi vậy xin chàng cho thiếp chịu nợ chàng bài thơ họa hôm nay.

Câu 1321, 1322 = Thúc Sinh nghe nàng nói nhớ cha mẹ, lấy làm lạ hỏi ngay rằng : Sao nàng nói lạ lùng vậy ? Thế ra nàng không phải là con má Tú đây sinh ra à ?

Câu 1323, 1324 = Kiều thấy Thúc Sinh đã được nhìn ngắm rõ ràng tấm thân ngà ngọc thanh tao của mình như thế mà không tỉnh ngộ, vẫn một niềm cho mình là con đẻ của mụ béo mập thô bỉ đó ! Nàng cảm thấy Sinh là hạng người tầm thường, thật không đáng là hạng người tri kỷ mà nàng có thể gửi thân nhờ cậy được, nên nàng đương vui vẻ bỗng ủ dột đôi mắt xuống thất vọng thương thân, nỗi đoạn trường của nàng bấy giờ bỗng dưng nổi dậy, nghĩ sao mà buồn tênh đến thế !

Câu 1325, 1326 = Nàng buồn quá, chẳng muốn kể gia thế cho Sinh nghe nữa, mà chỉ lạnh nhạt thưa lại Sinh rằng : Thiếp nay đây lưu lạc như cánh hoa đã lìa cành, còn chàng thì như con bướm chỉ lượn quanh mà vui chơi chốc lát rồi lại bay đi nơi khác.

Câu 1327, 1328 = Chúa xuân đành đã có nơi chính đáng để làm chủ rồi, thiếp đâu dám trách. Thôi, ngày giờ ngắn ngủi, xin chàng đừng lôi thôi dài lời làm chi nữa !

Câu 1329 đến 1332 = Thúc Sinh vì không hiểu sao nàng bỗng dưng lạnh nhạt với mình như vậy, nên lại ngờ có lẽ vì chàng có ý dò la nguồn gốc nhà nàng để rồi sẽ thay lòng đổi dạ, mà làm mất lòng nàng, nên chàng vội phân trần cho nàng. Chàng quả quyết : Từ khi đôi ta thành bạn tương tri với nhau đến nay, lòng ta lúc nào cũng mang nặng lời thề non nước với nhau. Nay ta muốn làm vuông tròn thật sự cuộc trăm năm của chúng ta, nên ta muốn biết tường tận gia thế nhà nàng, chứ nào phải có ý tò mò gì đâu mà nàng mếch lòng giận ta !

Câu 1333, 1334 = Nàng thấy Sinh có lòng muốn lấy mình thật tình như vậy, nên lại hồi tâm, đành lòng lại nhờ tay chàng cứu vớt và ngỏ lòng trình bầy đủ mọi lẽ khó khăn trong cuộc hôn nhân này cho chàng biết mà liệu tính trước, xem lấy nhau có được không, rồi hãy lấy nhau. Nàng đáp : Chàng có lòng quá yêu muốn lấy thiếp như thế, thiếp xin đội ơn chàng muôn lần. Nhưng thiếp rất e ngại chàng lấy thiếp cũng khó, mà thiếp theo chàng cũng khó, chứ không dễ mà êm thắm được đâu !

Câu 1335, 1336 = Một là thiếp e rằng bấy lâu nay chàng nấn ná ỏ chốn lầu xanh này, say sưa yêu thiếp là chỉ vì yêu về phần nhan sắc trang điểm bề ngoài.

Câu 1337, 1338 = Rồi ra đến lúc lâu mãi nhàm chán, dù thiếp phấn son trang điểm thế nào cũng coi như hết đẹp hết thơm, thì liệu chàng có thường thường giữ mãi được mực yêu đương này không ?

Câu 1339 đến 1342 = Hai là thiếp e rằng chàng đã có bà vợ cả chủ trương ở trong gia đình rồi, bấy lâu nay vợ chồng một thuyền một bến, một lòng khăng khít thân mật nhau, bây giờ chàng lấy thêm thiếp về thì chắc vợ chồng đều sinh thêm một lòng riêng tây, không được thật lòng hòa hợp với nhau như trước nữa.

Câu 1343, 1344 = Thiếp nghĩ cái thân phận bèo mây lưu lạc của thiếp này có ra cái vẻ gì mà làm cho cái biển yêu giữ hai vợ chồng chàng đương đầy hóa vơi như vậy ?

Câu 1345, 1346 = Thế có phải vì thiếp mà gia đình chàng phải trăm điều ngang ngửa lủng củng không ? Cái tội tầy trời đó kiếp sau ai chịu cho thiếp ?

Câu 1347, 1348 = Lại còn nỗi này đáng e ngại cho thiếp nữa: Nếu tay chàng có vững cánh chống đỡ, thì còn che chở đắp điếm cho thiếp được một vài phần.

Câu 1349, 1350 = Còn như nếu thế lực trong buồng lại mạnh hơn nhà ngoài, bà lại bắt nạt được ông, thì rõ thật là chàng đem cái thân sắn bìm lẽ mọn này gửi vào trước hàm sư tử.

Câu 1351, 1352 = Ôi ! Thân kẻ làm lẽ mọn lúc nào cũng khúm núm sợ hãi trước mặt vợ cả, y như người phải cúi đầu luồn dưới mái nhà thấp, chẳng bao giờ dám ngóc lên. Cuộc sống lúc nào cũng sợ đòn ghen với giấm chua còn khổ nhục tội nghiệp bằng ba lần kiếp lửa nồng ở lầu xanh.

Câu 1353, 1354 = Vả lại nhất là ở trên còn có nghiêm đường, chẳng biết lòng trên trông xuống có rộng lượng thương tôi không ?

Câu 1355, 1356 = Hay ông lại khinh rẻ tôi là hạng gái giang hồ như liễu ngõ hoa tường chẳng đáng kể, rồi lầu xanh, ông lại đuổi về với lũ lầu xanh.

Câu 1357, 1358 = Như thế lại càng thêm dơ dáng dại hình cả đôi. Đối với tôi thì đành thân phận tôi thế nào cũng được, nhưng rất đáng ngại cho danh giá của chàng.

Câu 1359, 1360 = Thiếp xin kể rõ chàng biết các lẽ khó khăn đáng e ngại đó, để chàng liệu có thể thương thiếp được trọn vẹn đủ bề thì hãy thương, và lo tính sao cho êm ả trọn vẹn đủ mọi đường, thì thiếp xin vâng nhận lời chàng.

Câu 1361, 1362 = Thúc Sinh thấy Kiều phân trần đủ lẽ lo ngại, chàng sợ giải quyết với nàng không nổi, nàng sẽ e ngại mà từ hôn, nên chàng vội xí xóa lời nàng và nói để yên ủi nàng rằng : Thôi nàng đừng khéo kể lẽ nọ lẽ kia, để liệu chừng dò xét lòng ta như thế nữa ! Quen nhau đã lâu thế mà còn chưa biết lòng ta hay sao ?

Câu 1363, 1364 = Dù có xẩy ra sự gì khó khăn như phải đi nơi xa xôi hiểm trở, như sang nước Ngô nước Lào nữa, nàng cũng chớ lo ngại, trăm điều cứ chắc cậy trông vào một mình ta là xong hết.

Câu 1365, 1366 = Hãy cứ làm cho xong việc gần là việc lấy được nhau cái đã, rồi chẳng có việc gì xa xôi đáng lo ngại nữa, sẽ đâu vào đấy hết. Cốt sao ta phải quyết một lòng vững như vàng đá và một mực liều trong cơn sóng gió là được.

Câu 1367, 1368 = Hai bên căn dặn với nhau thật hết điều hết lẽ, và đem những lời thề nặng như núi, sâu như biển hết sức giao kết lấy nhau.

Câu 1369, 1370 = Đêm ngắn tình dài, hai người nỉ non tỉ tê, trò truyện với nhau chưa hết lời thì bỗng trông ra ngoài hiên đã thấy mặt trăng lặn xuống ngọn núi phía tây chỉ còn nửa vành.

Vài nhận xét về tâm trạng Kiều đối với Thúc Sinh mà tác giả ngầm tả trong đoạn này

Kiều ở thanh lâu chí tâm tìm một tay hào hiệp để nhờ cứu mình thoát nạn. Khi gặp Thúc Sinh, nàng biết có thể nhờ cậy được. Nàng thấy Thúc Sinh lầm tưởng nàng là con đẻ Tú Bà mà vẫn say sưa, nàng nghĩ có hai điều đáng e ngại : (1) Thúc chỉ yêu nàng về phần vật chất nhan sắc phấn son, e tình yêu không được bền vững ; (2) Kiều e Thúc tưởng nàng là con ruột mụ Tú thì chắc không có lòng cứu nàng ra khỏi tay mụ. Muốn trừ hai điều trở ngại đó, thì (1) là cần phải cho Thúc nhìn rõ thân hình thanh tao ngà ngọc của nàng, khác hẳn thân hình thô bỉ béo nhợt của Tú Bà, để Thúc tự hiểu nàng không phải là con mụ đẻ; (2) là cần phải cho Thúc biết dòng dõi lương thiện thanh cao của nàng, để khiến Thúc yêu quý nàng thêm cả về phần tinh thần nữa thì tình yêu mới thật bền chặt. Chàng có yêu mình đầy đủ cả hai phần vật chất, tinh thần, lại biết mình là con gái nhà thanh lịch tử tế bị lừa vào tay mụ, thì chắc là chàng phải vì tình vì nghĩa mà hết lòng hết sức ra tay cứu vớt.

Bởi vậy nhân dịp tết đoan ngọ là phải kiêng kỵ khách làng chơi, lại có tục tắm nước nấu trạch lan để trừ bệnh ngoài da, nàng mới làm ra vẻ hớ hênh, vô ý cho là chẳng ai đến, mà buông màn tắm trần không đóng cửa buồng, cho Thúc Sinh được lén nhìn rõ ràng đủ mọi màu vẻ tòa tượng thiên nhiên của nàng. Khi đã được Thúc Sinh vịnh thơ khen ngợi thòa thiên nhiên rồi, nàng muốn nhân tiện cho chàng biết rõ ràng gia thế trong sạch tử tế của nàng, mới xin lỗi không họa được thơ là vì lòng bối rối nhớ cha mẹ. Nhưng tiếc thay Thúc đã chẳng hỏi đến cha mẹ nàng lại chỉ hỏi nàng : “Sao nói lạ vậy ? Thế ra nàng không phải là con má Tú đây ? ” Câu hỏi có ý không tin nàng đó, tỏ ra chàng không có con mắt tinh đời để nhìn rõ được vẻ đẹp tinh thần của nàng, và không có đủ tài thông minh linh lợi để hiểu thấu lòng nàng. Thế là nàng vừa thất vọng, vừa buồn tủi, khiến mặt nàng đang tươi vui bỗng hóa ủ dột, lòng nàng đang hớn hở bỗng hóa đầy nỗi đoạn trường, và câu truyện đang mặn mà đằm thắm bỗng nhạt nhẽo ra vẻ hờn dỗi : “Thiếp như hoa đã lìa cành. Ngắn ngày thôi chớ dài lời làm chi.” Một câu hỏi vô ý thức của chàng đó gần như làm tan rã cuộc chung tình của nàng đối với chàng bấy lâu. Nhưng may mà tuy chàng không hiểu vì sao nàng bỗng sinh lòng lạnh nhạt, chàng lại ngỏ lời xin lỗi nàng mà nói, vì có chí lấy nàng nên mới muốn biết gốc tích nàng thôi, chứ đâu phải là có ý gì mà nàng giận, nên nàng lại hồi tâm mà bắt đầu tính cuộc trăm năm với chàng.

Kiều bầy tỏ cho chàng biết đủ mọi lẽ khó khăn trong cuộc hôn nhân giữa chàng và nàng : (1) Liệu lấy nàng về, gia đình có được êm ấm như thường không, hay vì nàng mà vợ chồng chàng lạnh nhạt nhau? (2) Liệu chàng có đủ sức bênh vực nàng không, hay lại để nàng bị vợ cả hành hạ ? (3) Liệu chàng có giữ được lòng yêu nàng trước sau như một không ? (4) Liệu bố chàng có dung nàng không, hay lại khinh rẻ đuổi nàng về lầu xanh ?

Tuy Kiều biết Thúc Sinh tài trí tầm thường, không sao lo liệu trôi chảy được đầy đủ các điều kiện đó, nhưng vì tình thế bắt buộc, hãy cốt lấy được chàng, rồi sau sẽ liệu cách giúp chàng gỡ mọi nỗi khó khăn nên đành xí xóa, kết luận một câu cho xong lần : “Thương sao cho vẹn thì thương / tính sao cho vẹn trăm đường thì vâng. ” Thế là nàng lại đành nhắm mắt đưa chân theo Thúc Sinh ra khỏi lầu xanh.

Xét ra Kiều thật là người trung hậu, khôn biết đủ đường, lo tính mọi lẽ đâu ra đấy. Nhưng tiếc thay, số nàng bạc mệnh, gặp Thúc Sinh hèn nhát quá, và Hoạn Thư khôn ngoan thâm độc quá, thành ra uổng cả tâm trí của nàng.

[ĐÀM DUY TẠO]