CHƯƠNG 17
KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI
Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO
trước tác năm 1986
(Thứ nam) Đàm Trung Pháp
hiệu đính và phổ biến năm 2020
* * * * *
CÂU 1473 ĐẾN CÂU 1606
“Xa xôi lo phận, thầm lặng lừa chồng”
1473. Mảng vui rượu sớm cờ trưa,
Đào đà phai thắm, sen vừa nẩy xanh. [1]
1475. Trướng hồ vắng vẻ đêm thanh, [2]
E tình nàng mới bày tình riêng chung: [3]
1477. “Phận bồ từ vẹn chữ tòng, [4]
Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên. [5, 6]
1479. Tin nhà ngày một vắng tin,
Mặn tình cát lũy, lạt tình tao khang. [7]
1481. Nghĩ ra thật cũng nên dường, [8]
Tăm hơi ai dễ giữ giàng cho ta? [9]
1483. Trộm nghe kẻ lớn trong nhà, [10]
Ở vào khuôn phép nói ra mối giường. [11]
1485. E thay những dạ phi thường,
Dễ dò rốn bể, khôn lường đáy sông! [12]
1487. Mà ta suốt một năm ròng,
Thế nào cũng chẳng giấu xong được nàọ
1489. Bấy chầy chưa tỏ tiêu hao, [13]
Hoặc là trong có làm sao chăng là?
1491. Xin chàng kíp liệu lại nhà,
Trước người đẹp ý, sau ta biết tình. [14]
1493. Đêm ngày giữ mức giấu quanh,
Rày lần mai lữa như hình chưa thông.”
1495. Nghe lời khuyên nhủ thong dong,
Đành lòng sinh mới quyết lòng hồi trang. [15]
1497. Sáng ra gửi đến xuân đường,
Thúc ông cũng vội giục chàng ninh gia. [16]
1499. Tiễn đưa một chén quan hà, [17]
Xuân đình thoắt đã đổi ra cao đình. [18]
1501. Sông Tần một giải xanh xanh, [19]
Lôi thôi bờ liễu mấy cành Dương quan.
1503. Cầm tay dài ngắn thở than,
Chia phôi ngừng chén hợp tan nghẹn lời.
1505. Nàng rằng: “Non nước xa khơi,
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm.
1507. Dễ mà bọc rẻ giấu kim, [20]
Làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng! [21]
1509. Đôi ta chút nghĩa đèo bòng,
Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh. [22]
1511. Dù khi sóng gió bất tình, [23]
Lớn ra oai lớn, tôi đành phận tôi.
1513. Hơn điều giấu ngược giấu xuôi.
Lại mang những việc tày trời về sau.
1515. Thương nhau, xin nhớ lời nhau,
Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy.
1517. Chén đưa nhớ bữa hôm nay,
Chén mừng xin đợi bữa này năm sau!
1519. Người lên ngựa, kẻ chia bào, [24]
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san. [25]
1521. Dặm hồng bụi cuốn chinh an, [26]
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh. [27]
1523. Người về chiếc bóng năm canh, [28]
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
1525. Vầng trăng ai xẻ làm đôi, [29]
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
1527. Kể chi những nỗi dọc đường,
Buồn trong này nỗi chủ trương ở nhà:
1529. Vốn dòng họ Hoạn danh gia, [30]
Con quan Lại bộ tên là Hoạn thư.
1531. Duyên đằng thuận nẻo gió đưa, [31]
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày.
1533. Ở ăn thì nết cũng hay,
Nói điều giàm buộc thì tay cũng già.
1535. Từ nghe vườn mới thêm hoa,
Miệng người đã lắm, tin nhà thì không.
1537. Lửa tâm càng dập càng nồng,
Trách người đen bạc, ra lòng trăng hoa: [32]
1539. Ví bằng thú thật cùng ta,
Cũng dong kẻ dưới mới là lượng trên.
1541. Dại chi chẳng giữ lấy nền,
Hay chi mà rước tiếng ghen vào mình?
1543. Lại còn bưng bít giấu quanh,
Làm chi những thói trẻ ranh nực cười!
1545. Tính rằng “Cách mặt khuất lời,
Giấu ta ta cũng liệu bài giấu cho!
1547. Lo gì việc ấy mà lo,
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu? [33]
1549. Làm cho nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên!
1551. Làm cho trông thấy nhãn tiền, [34]
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay.” [35]
1553. Nỗi lòng kín, chẳng ai hay,
Ngoài tai để mặc gió bay mé ngoài.
1555. Tuần sau bỗng thấy hai người,
Mách tin, ý cũng liệu bài tâng công.
1557. Tiểu thư nổi giận đùng đùng:
“Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi!
1559. Chồng tao nào phải như ai,
Điều này hẳn miệng những người thị phi!”
1561. Vội vàng xuống lệnh ra uy,
Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng.
1563. Trong ngoài kín mít như bưng.
Nào ai còn dám nói năng một lời!
1565. Buồng đào khuya sớm thảnh thơi,
Ra vào một mực nói cười như không.
1567. Đêm ngày lòng những dặn lòng, [36]
Sinh đà về đến lầu hồng xuống yên.
1569. Lời tan hợp, nỗi hàn huyên, [37]
Chữ tình càng mặn chữ duyên càng nồng.
1571. Tẩy trần vui chén thong dong, [38]
Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra. [39]
1573. Chàng về xem ý tứ nhà,
Sự mình cũng rắp lân la giãi bày.
1575. Mấy phen cười nói tỉnh say,
Tóc tơ bất động mảy may sự tình.
1577. Nghĩ đà bưng kín miệng bình, [40]
Nào ai có khảo, mà mình đã xưng? [41]
1579. Những là e ấp dùng dằng,
Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi. [42]
1581. Có khi vui miệng mua cười,
Tiểu thư lại giở những lời đâu đâu.
1583. Rằng: “Trong ngọc đá vàng thau, [43]
Mười phần ta đã tin nhau cả mười.
1585. Khen cho những chuyện dông dài,
Bướm ong lại đặt những lời nọ kia.
1587. Thiếp dù vụng chẳng hay suy,
Đã dơ bụng nghĩ, lại bia miệng cười!”
1589. Thấy lời thủng thỉnh như chơi,
Thuận lời chàng cũng nói xuôi đỡ đòn. [44]
1591. Những là cười phấn cợt son,
Đèn khuya chung bóng, trăng tròn sánh vai.
1593. Thú quê thuần hức bén mùi, [45]
Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô. [46]
1595. Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ,
Một màu quan tái, mấy mùa gió trăng. [47]
1597. Tình riêng chưa dám rỉ răng,
Tiểu thư trước đã liệu chừng nhủ qua:
1599. “Cách năm, mây bạc xa xa, [48]
Lâm Truy cũng phải tính mà thần hôn.” [49]
1601. Được lời như cởi tấc son,
Vó câu thẳng ruổi nước non quê người.
1603. Long lanh đáy nước in trời, [50]
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng. [51]
1605. Roi câu vừa gióng dặm trường, [52]
Xe hương nàng cũng thuận đường quy ninh. [53, 54]
Đính chính và xác định
Câu 1493 – Đêm ngày giữ mực giấu quanh – Có bản in là “Ví bằng giữ mực giấu quanh.” Xét thấy chữ “đêm ngày” xác đáng hơn chữ “ví bằng.” Chữ “đêm ngày” vừa liền nghĩa với mấy chữ “nay lần mai lữa” ở câu sau, lại vừa có nghĩa ý là lo ngày lo đêm, không lúc nào yên tâm. Còn chữ “ví bằng” kém phần ý sâu, sát nghĩa như thế.
Câu 1502 – Lôi thôi bờ liễu mấy cành Dương Quan – Chữ “lôi thôi” nôm viết là [雷 傕], phần nhiều các bản quốc ngữ phiên âm là “loi thoi” thế là lầm, vì loi thoi là hình dẫy liễu lẻ thẻ cao thấp không đều, được trông thấy từ đằng xa xa. Còn đây là tả cảnh liễu ở nơi tiễn biệt như ở Dương Quan, nó có những cành rủ xuống dài lôi thôi ngay trước mặt, đối với người đi như có tình lưu luyến giữ lại khi gió ngược, như có ý thân mến tiễn theo khi gió xuôi, làm cho người đi thêm lòng nhớ tiếc lôi thôi mãi. Chữ “lôi thôi” có ý nghĩa sâu đẹp như thế, sao lại đổi ra “loi thoi” cho thành ra vô vị, lạc nghĩa?
Câu 1507 – Dễ mà bọc rẻ giấu kim – Câu này lấy ý ở câu tục ngữ “giấu kim bọc rẻ có ngày thò ra” và nghĩa rất giản dị rõ ràng là: không thể giấu được mãi mà không lộ truyện. Nhưng vì những quyển Kiều phường bản trước in câu này quá nhòe, chính tôi đã được thấy 4 chữ giữa câu này ở vài quyển đó, gần như bốn hình vuông đen hai bên có mấy nét thò ra. Các nhà xuất bản Kiều nôm sau nhận không ra, mới ức đoán, mỗi người viết rõ lại một cách và giải nghĩa một cach gượng ghịu. Các nhà xuất bản truyện Kiều quốc ngữ lại cứ theo các bản Kiều nôm này mà dịch mà giải, ý nghĩa thật quanh co, gượng ép vô lý. Thí dụ như bản Kiều của hai ông Kim, Kỷ in câu này là “Dễ lòe yếm thắm trôn kim”, và giải nghĩa rằng: “Lòe được yếm thắm, khó lòe được trôn kim”, nghĩa là cái yếm thắm tuy rằng đỏ, nhưng có khi vô ý không trông thấy, cái trôn kim tuy nhỏ, nhưng nhìn kỹ thì thế nào cũng thấy. Thậm chí lại có nhà xuất bản Kiều nôm biết “Dễ lòe yếm thắm trôn kim” là vô nghĩa, lại ức đoán mà đổi lại một cách lời thô, nghĩa lạc hơn, là “Dễ mà ép xẩm luồn kim”! Ông cụ huyện Hoàng Mộng Lệ (người làng Phù Lưu, tỉnh Bắc Ninh) là người khảo cứu truyện Kiều rất công phu trong 50 năm có bảo tôi rằng, cụ đã được đọc câu này ở trong một quyển truyện Kiều rất cổ viết câu này là: “Dễ mà bọc rẻ giấu kim.” Tôi rất phục câu cụ huyện họ Hoàng khảo cứu được đó là rất đúng, vừa rõ nghĩa lý, vừa hợp tình trạng.
Câu 1534 – Nói điều giàm buộc thì tay cũng già – Chữ “giàm” nghĩa đen là lấy cái rọ con đan bằng tre gọi là cái giàm mà bịt vào mõm trâu bò cho nó khỏi vơ lúa, nghĩa bóng là tìm lời chèn lấn không cho người ta nói, như bịt miệng người ta lại. Hai câu lục bát nêu ra cái “hiểm độc đáo để” của Hoạn Thư – kể bên ngoài thì cách ăn ở đối với chồng rất hay, rất có lễ độ, nhưng tâm trí rất thâm hiểm khôn ngoan, khi truyện trò thì khéo tìm lời lẽ chèn lấn, như bịt miệng chồng lại không cho chồng nói. Chữ “buộc” thì nghĩa là khéo dùng mưu mẹo, làm như trói buộc tay chồng lại không cho làm được việc gì ngoài ý định của nàng. Chữ “giàm” có bản nôm viết rất đúng là [緘] (giàm là buộc), nhưng lại có bản đổi một cách vô ý thức thành [𢬥] (giàng); về sau các bản quốc ngữ theo đó mà dịch là “giàng buộc” và giảng nghĩa một cách vu vơ như lạc đề, chẳng ăn nhằm gì với truyện Hoạn Thư bịt miệng buộc tay chàng Thúc ở đoạn sau; thí dụ như Hoạn Thư không cho Thúc Sinh có dịp để dám thưa truyện đã lấy Kiều, nó làm khổ nhục Kiều mà Thúc Sinh đành khóc thầm mà bó tay không dám binh vực. Bản Kiều của hai ông Kim, Kỷ cũng in là “ràng buộc” và giải nghĩa rằng: “Nói những điều thắt vào lý sự thật giỏi.” Lời giải rõ thật vu vơ oan cho Hoạn Thư, suốt truyện nàng đối với chồng bề ngoài vẫn có vẻ yêu kính, chẳng hề “lý sự” với chồng câu nào.
Chú giải và dẫn điển
[1] Đào phai thắm, sen nẩy xanh – Hoa đào nở về xuân. Đào phai thắm tức là hết mùa xuân. Sen nở hoa về mùa hè. Sen bắt đầu nẩy lá xanh tức là sang mùa hè.
[2] Trướng hồ = bức màn che cửa bằng vải mỏng phất hồ cho đỡ gió mà buồng vẫn sáng.
[3] E tình = lo ngại cho tình hình của mình.
[4] Phận bồ – bồ liễu [蒲 柳] = loài cây yếu chịu gió rét, về mùa đông rụng lá trước cây khác. Bởi vậy văn sĩ dùng chữ bồ liễu với hàm ý đàn bà con gái. “Phận bồ” là lời Kiều nói khiêm nhường mình là phận đàn bà hèn. “Vẹn chữ tòng” = lấy chồng, theo chồng.
[5] Đổi thay nhạn yến – nhạn = vịt trời. Giữa mùa thu thì nhạn đến yến đi – yến = chim én, giữa mùa xuân thì yến đến, nhạn đi. Chữ Hán có câu “nhạn yến đại phi” [雁 燕 代 飛] có nghĩa “chim nhạn chim yến thay nhau mà bay” để nói hết mùa nọ đến mùa kia.
[6] Đã hòng đầy niên = đã sắp được đầy một năm.
[7] Cát lũy [葛 藟] = hai thứ cây dây leo: cây sắn dây và cây lá bạc thau hay quấn leo ở gốc cây to. Kinh Thi có thơ “Cát lũy” để khen bà Hậu Phi có độ lượng bao dung các vợ lẽ “nam hữu cù mộc, cát lũy luy chi” [南 有 樛 木, 葛 藟 累 之] = “đất nam có cây to, dây cát dây lũy quấn vào cây đó.” Người sau dùng “cát lũy” để chỉ vợ lẽ, và “cù mộc để chỉ vợ cả. “Tao khang” [糟 糠] nghĩa đen là bã rượu và tấm cám, đồ ăn nuôi lợn, nghĩa bóng là vợ lấy từ lúc còn nghèo phải ăn tao khang. Vua Hán Quang Vũ có bà công chúa là chị vua hoá chồng, muốn lấy ông Tống Hoằng. Vua để bà chị đứng khuất ở trong màn, và gọi ông Tống Hoằng lại hỏi “Ta nghe như có câu tục ngữ nói ‘giầu đổi bạn, sang đổi vợ’, có phải không?” Ông thưa “Thần không nghe thấy câu ấy, thần chỉ nghe thấy câu “bần tiện chi giao bất khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường” [貧 便 之 交 不 可 忘, 糟 糠 之 妻 不 可下 堂] = “bạn cũ lúc nghèo hèn không được quên, vợ cũ lúc còn ăn cám bã với mình, không được đuổi xuống dưới thềm (nghĩa là bỏ).” Vua ngoảnh lại bảo bà chị “Việc không xong rồi!”
[8] Nên dường = đáng ngại, đáng để ý mà lo.
[9] Tăm hơi nghĩa bóng là tin tức, hơi tiếng. Nghĩa đen thì tăm là những bọt cá làm nổi lên trên mặt nước, người đi câu vẫn tìm chỗ nước nào có nhiều tăm xủi lên thì thả câu. Hơi là những mùi con vật để lại ở lối nó đi hay chỗ nó ở. Ta vẫn dùng chó để tìm hơi vật săn, như cầy cáo, chim chóc.
[10] Kẻ lớn đây tức là vợ cả và tức là Hoạn Thư.
[11] Ở vào khuôn phép = ăn ở phải đúng vào trật tự trong lễ phép, trên dưới rõ ràng.
Nói ra mối giường = nói ra những oai quyền khuôn phép đâu vào đấy cho người dưới phải theo, như cầm cái dây giường lưới mà kéo thì cả các mắt lưới phải cùng đi.
[12] Rốn bể, đáy sông – Rốn bể = chỗ sâu nhất của bể; đáy sông = chỗ sâu nhất của sông. Người ta ví lòng người hiểm sâu khó dò, khó đo được cũng như khó dò được rốn bể, khó đo được đáy sông. Câu này đặt theo đại ý câu tục ngữ “Sông sâu còn có kẻ dò / lòng người hồ dễ ai đo cho cùng.”
[13] Tiêu hao = những tin tức báo cho biết mọi sự biến chuyển rủi may, hay dở sẽ xẩy ra thế nào.
[14] Đẹp ý = làm cho vui lòng vừa ý.
[15] Hồi trang [回 裝] = sắp sửa các đồ hành trang để về.
[16] Ninh gia [寧 家] = về thăm nhà ở quê quán.
[17] Chén quan hà – cuộc rượu tiễn biệt người đi xa. Vì cuộc rượu tiễn biệt này hay ở quán rượu gần cửa ải (quan) hay trên bến sông (hà), nên gọi là chén “quan hà” [關 河].
[18] Xuân đình, cao đình = Xuân đình [春 亭] là chỗ nhà chơi vui. Cao đình là nơi tiễn biệt. Gọi là Cao Đình vì quán này hay đặt ở chỗ giang cao [江 皋] (chỗ bờ sông cong uốn).
[19] Sông Tần một giải xanh xanh – Câu này lấy điển ở câu hát cổ “Dao vọng Tần xuyên, can trường đoạn tuyệt [遙 望 秦 川, 肝 腸 斷 絶] = Xa trông sông Tần, gan ruột như đứt thành từng đoạn”.
[20] Bọc rẻ giấu kim – Xem lời đính chính câu 1507 ở trên.
[21] Bưng mắt bắt chim – Đây là câu tục ngữ chê người ngu đần tự dối mình trước để dối người: muốn bắt con chim đang đậu, sợ nó trông thấy mình nó bay, lại bịt mắt mình lại, cho là mình không trông thấy nó thì nó cũng không trông thấy mình. Câu “bọc rẻ giấu kim” ở trên thì nói không thể giấu lâu được; câu này thì nói: người ta đã biết thừa đi rồi, lại còn tự dối mình coi như người ta không biết để giấu người ta.
[22] Nói sòng = nói công khai sự thật ở trước mặt mọi người cho ai cũng biết.
Sòng là phơi bày ra, như nói: sòng tiền ra coi; mua bán sòng phẳng.
[23] Bất bình = bất kỳ, ngoài sự mình tưởng đoán.
[24] Chia bào – Bào là vạt trước áo dài mặc ngoài. Chia bào là vợ chồng chia tay nhau khi tiễn biệt; chữ Hán là “phân mệ” [分 袂] = chia vạt áo.
[25] Rừng phong thu đã nhuộm màu quan sơn – Phong là loài cây to lá hình bàn tay có ba hay năm mảnh, đến mùa thu thì lá màu đỏ đẹp, nhưng cuối thu thì tàn rụng rất buồn. Thơ Đỗ Phủ “Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm [玉 露 凋 傷 楓 樹 林] = “Giọt móc trong như ngọc làm điêu tàn rừng cây phong.” Câu Kiều này lại dùng thêm điển ở một câu trong Tây Sương Ký “Thu lai thùy nhiễm phong lâm thúy [秋 來 誰 染 楓 林 翠] = Mùa thu đến, còn ai nhuộm được sắc rừng phong cho nó xanh trở lại?”
[26] Dặm hồng = đường đi bụi đỏ bốc lên bởi xe, ngựa.
[27] Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh – Câu này dùng điển ông Lưu Bị tiễn Từ Thứ ở Tam Quốc. Khi Từ Thứ phải bỏ ông Lưu Bị về với mẹ ở bên Ngụy, ông Bị tiễn Từ Thứ đi rồi đứng nhìn theo mãi đến lúc Thứ đi đã khuất mấy ngàn dâu xanh rồi vẫn chưa về, rồi giận mấy ngàn dâu đó, sai người chẵn hết.
[28] Chiếc bóng = lẻ loi một mình lúc đêm khuya; trước kia có hai bóng ở trước đèn, bây giờ chỉ có một bóng mình.
[29] Vừng trăng ai xẻ làm đôi – Thơ cổ có câu vịnh cảnh trăng nửa vành hạ tuần “Thùy bả ngọc bôi phân lưỡng đoạn, bán trầm thủy để bán phù không” [誰 把 玉 杯 分 兩 断, 半 沈 水 底 半 浮 空] = Ai đem cái chén ngọc này chia làm hai nửa, một nửa chìm ở đáy nước, một nửa nổi ở trên không?” Hai câu 1525, 1526 dùng ý hai câu thơ này mà đặt để tả cảnh tả tình nhớ nhau – Kiều trông trăng thì nghĩ trăng đương soi đường Thúc đi, Thúc trông trăng thì nghĩ trăng đương soi buồng Kiều lúc canh khuya.
[30] Danh gia = nhà dòng dõi quan sang, danh giá nổi tiếng.
[31] Duyên đằng thuận nẻo gió đưa = duyên tự giời, số giời dắt lại. Câu này lấy ý ở câu thơ “Thì lai phong tống Đằng Vương Các [時 來 風 送 滕 王 閣] = Lúc vận may đến thì gió đưa đến lầu gác Đằng Vương”. Để nói người đời lúc vận may đến, thì như gió đưa Vương Bột đến dự tiệc ở gác Đằng Vương, mà được nổi tiếng văn hay muôn đời. Sự tích như sau: Vương Bột được vua Đường Cao Tôn nuôi làm bạn học với Thái Tử ở trong cung, sau vì làm bài hịch Đấu kê (gà trọi) có ý hùng dũng quá bị vua ghét đuổi ra ngoài cung. Bột buồn chán, bỏ quan đi thăm bố làm quan ở Giao Chỉ. Một hôm thuyền gặp gió thuận thổi đi vùn vụt một đêm được 700 dặm đến Hồng Châu, vừa gặp ngày tiệc Đô Đốc ở Hồng Châu là Diêm Bá Tự mở mừng lễ khánh thành việc sửa chữa lại gác Đằng Vương, dự tiệc có hàng nghìn văn sĩ đủ mặt tài giỏi, mấy người rủ Bột cùng vào. Bột bấy giờ mới có chừng 20 tuổi, viên Đô Đốc cho ngồi ở chiếu cuối cùng đám tiệc. Lúc bữa tiệc đã bắt đầu, Diêm Đô Đốc đưa giấy bút xin các quan khách làm cho bài tựa “Đằng Vương Các” để làm kỷ niệm cho bữa tiệc to tát hiếm có này. Các quan khách không ai dám nhận, có ý nhường cho rể Đô Đốc là tay văn sĩ nổi tiếng. Khi đưa giấy bút đến Bột ở cuối cùng, thì Bột nhận làm ngay. Lúc đầu Diên Đô Đốc thấy Bột còn trẻ quá mà dám nhận làm, ông rất giận, định cho viết mấy câu rồi thu giấy bút không khiến làm nữa. Nhưng khi ông xem mấy câu đầu Bột mới thảo, ông thấy hay, ông đã hơi phục, rồi Bột càng thảo, ông càng chịu là hay. Khi thấy Bột viêt được mấy câu hay quá, ông sửng sốt than khen “thật thiên tài” rồi để yên cho Bột viết xong bài. Khi Bột viết xong, Diêm Đô Đốc khen nức nở, đưa quan khách coi để nhờ sửa lại, thì không ai sửa lại được chữ nào. Thế là nhờ bài tựa này mà tiếng Bột nổi mãi đến bây giờ.
Lời chú thích trên này là tôi theo nhiều bản Kiều lưu hành mà kể như một truyện vui trong giới văn chương để cho độc giả biết một bậc văn tài siêu việt, mới 20 tuổi mà thảo trong chốc lát xong bài Đằng Vương Các Tự dài 843 chữ lưu truyền mãi đến nay là một bài tuyệt diệu. Nhưng thật ra là: lấy câu thơ “thì lai phong tống Đằng Vương các” mà giải thích câu Kiều “Duyên đằng thuận nẻo gió đưa” thì không xác đáng. Tôi thấy bài “Bạch đầu ngâm” của Lý Bạch có những câu này:
[菟 蕬 固 無 情] = Thỏ ty cố vô tình (Cây dây thỏ ty vốn trước nó không có tình ý gì cả)
[隨 風 任 顛 倒] = Tùy phong nhiệm điên đảo (Nó cứ ngả nghiêng theo gió đưa đi đâu thì đi)
[誰 使 女 蘿 枝] = Thùy sử nữ la chi (Ai sui khiến cành cây nữ la kia)
[而 來 強 縈 抱] = Nhi lai cưỡng oanh báo (Mà nó đến cố tình ôm cuốn lấy)
Lấy 4 câu này mà giải thích hai câu “Duyên đằng thuận nẻo gió đưa, cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày” thì đúng hơn, được cả “duyên đằng gió đưa” câu trên, và “kết tóc xe tơ” câu dưới. Chữ đằng [藤] là dây leo lầm ra [滕] là nước Đằng.
[32] Đen bạc = con người bụng dạ điên đảo, bội bạc, đổi trắng thay đen.
[33] Kiến bò miệng chén hàm ý nói “điều không thể nào tránh thoát ra khỏi tay mình được” – như con kiến bị úp trong miệng cái chén thì còn chạy đi đâu được nữa, người ta mở ra bắt lúc nào chẳng được.
[34] Trông thấy nhỡn tiền = trông thấy ngay trước mắt.
[35] Thăm ván bán thuyền lấy ý ở câu tục ngữ “chưa thăm ván đã bán thuyền” và so sánh thật đúng – chàng Thúc lấy Kiều chưa thật chính thức đủ phép đối với gia đình, mà đã quên vợ cả.
[36] Lòng dặn lòng là Hoạn Thư lúc nào lòng cũng đinh ninh lại dặn nhủ mình rằng phải giữ cho kín đừng hở cho ai biết ý định lừa chồng của mình. Bản Kiều của hai ông Kim, Kỷ in “dặn” là “giận” thành ra câu này có nghĩa “lúc nào lòng nàng cũng giận lòng Thúc Sinh” là điều rất lầm.
[37] Hàn huyên = hỏi han, thăm hỏi sau một thời gian dài xa cách.
[38] Tẩy trần = bữa tiệc đón mừng người đi xa về. Nghĩa đen chữ “tẩy trần” [洗 塵] là rửa cho sạch bụi khi đi đường; nghĩa bóng là rửa cho hết sự mệt nhọc khi đi đường.
[39] Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra – Tục ngữ “Nào có trong lòng nhau ra đâu mà biết?” hàm ý “có vào được trong lòng nhau mà bới tìm được sự bí mật của nhau, thì lúc ra mới biết; còn như không ở trong lòng nhau mà ra, thì biết sao được lòng nhau thế nào?”
[40] Nghĩ đà bưng kín miệng bình = Thúc Sinh nghĩ rằng ta đã giấu kín được việc lấy Kiều, Hoạn Thư không biết chút tăm hơi nào, như bình rượu kia ta đã nút kín không bốc chút hơi nào ra ngoài, thì ta cứ giữ cho thật kín miệng như giữ kín miệng bình rượu.” Hầu hết các bản Kiều nôm hay quốc ngữ dẫn điển câu này ở câu “thủ khẩu như bình” [守 口 如 瓶]; câu này thật ra là câu khuyên người ta chớ hay nói, phải giữ miệng cho kín cho im như miệng bình, khác với ý nghĩa ở tình trạng Thúc Sinh lúc này, đáng lẽ phải nói thì lại không nói.
[41] Khảo = tra hỏi.
[42] Rút dây động rừng lấy từ câu tục ngữ “chớ rút dây mà động rừng” có nghĩa đen là khi vào rừng chớ rút những dây leo mà hổ báo ra nguy hiểm lắm, và nghĩa bóng ở đây là sợ nói đến truyện lấy Kiều, thì Hoạn Thư giận dữ lên nguy lắm.
[43] Ngọc đá, vàng, thau – Sách Nho có câu “Vũ phu loạn ngọc” [碔 砆 乱 玉] = Đá vũ phu đẹp lẫn với ngọc” thì ca dao ta có câu “Trách cha trách mẹ trách chàng / cầm cân chẳng biết rằng vàng hay thau / thật vàng chẳng phải thau đâu / đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng.” Ý câu Hoạn Thư nói này là “vợ chồng chúng ta đã tin nhau lắm rồi, chẳng còn chút ngờ lòng nhau là thật hay là giả dối nữa.”
[44] Nói xuôi đỡ đòn = theo ý nàng mà nói xuôi một chiều đi cho xong lần, đỡ để nàng ngờ vực điều gì mà tra hỏi lôi thôi.
[45] Thú quê thuần hức bén mùi – Thú quê = sở thích có ở nơi quê nhà mình. Thuần [蒓] = thứ rau mọc dưới nước về mùa thu, nấu canh rất ngon. Hức = thứ cá ăn gỏi rất ngon. Câu này dùng điển tích Trương Hàn [張 翰] đời Tấn. Hàn quê ở đất Ngô Trung vào làm quan ở Lạc Dương, thấy gió thu thổi, nhớ đến canh rau thuần, gỏi cá lô, bảo mọi người rằng: “Người ta sống trên đời quý nhất là được thích chí mình, hơi đâu làm quan xa để cầu tiếng hão huyền.” Ý câu này nói Thúc Sinh thấy cảnh thu, thương nhớ đến Kiều.
[46] Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô – Giếng vàng do chữ “kim tỉnh” [金井] dịch ra. Xưa có cái giếng về mùa thu thì nước trong màu vàng, nên gọi là kim tỉnh. Văn sĩ đời sau hay dùng chữ kim tỉnh làm điển tả mùa thu. Cổ thi có câu “Ngô đồng nhất diệp lạc / thiên hạ cộng tri thu [梧 桐 一 葉 落, 天 下 共 知 秋] = Cây ngô đồng rụng một lá, người thiên hạ cùng biết là mùa thu đến.” Câu Kiều này lấy điển ở câu thơ đó.
[47] Quan tái – Quan [關] = cửa ải. Tái [塞] chỗ bờ cõi xa. Quan tái = nơi cửa ải ở chỗ biên thùy xa xôi. Câu này nói cảnh đi đường nơi xa lạ, hết nơi lạ nọ đến nơi lạ kia.
[48] Mây bạc = mây trắng do chữ “bạch vân” [白 雲] dịch ra, với hàm ý là nơi cha mẹ ở.
[49] Thần hôn [晨 昏] = sớm tối thăm hỏi cha mẹ. Kinh Lễ dạy: Con nuôi cha mẹ già, sáng sớm dậy phải đến chào hỏi cha mẹ xem đêm ngủ có ngon giấc không, có mơ thấy sự vui buồn gì không. Tối đi ngủ phải đến chào hỏi cha mẹ xem ngày ăn có ngon không, có gặp sự gì phải buồn bực không?
[50] Đáy nước in trời tả cảnh đi đường trên bờ sông hồ, thấy bóng trời mây in ở dưới nước long lanh thật đẹp, và vì lòng chàng vui, nên cảnh càng đẹp.
[51] Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng tả cảnh đi đường: buổi sớm thì thấy khí sương mù kết thành bức mây thành màu biếc ở chân trời, buổi chiều thì thấy bóng nắng vàng chiếu xuống như phơi màu vàng ở sườn núi. Bản Kiều của hai ông Kim Kỷ giảng “non phơi bóng vàng” là “lá cây trên rừng trông vàng úa cả” thật là vu vơ.
[52] Roi câu – Câu [駒] = con ngựa non đẹp.
[53] Xe hương = xe lịch sự của đàn bà đi thời cổ. Đường Thi có câu “du bích hương xa bất tái phùng” [油 壁 香 車 不 再 逢] = “không gặp lại cái xe thơm ngoài sơn dầu bóng nữa.”
[54] Quy ninh – Đàn bà đã lấy chồng, khi về thăm cha mẹ gọi là quy ninh (về thăm hỏi cha mẹ có được vui không).
Diễn ra văn xuôi
Câu 1473, 1474 = Chàng nàng mải vui những cuộc chơi phong nhã như uống rượu buổi sớm, đánh cờ buổi trưa, mà quên cả ngày tháng, rồi bỗng thấy đào mùa xuân đã tàn hết hoa, sen mùa hè nẩy lá non xanh rờn.
Câu 1475, 1476 = Một đêm nọ, nhân khi thong thả, trong buồng vắng vẻ, Kiều nghĩ đến nông nỗi đáng lo ngại cho mình, mới bày tỏ cho Sinh nghe mọi nỗi tâm tình hoặc đáng lo cho riêng nàng, hoặc đáng lo cho cả đôi.
Câu 1477, 1478 = Nàng nói : Từ khi phận gái này được nên duyên theo chàng về đây, bây giờ đã thắm thoắt hết xuân sang thu, gần đầy một năm rồi.
Câu 1479, 1480 = Thế mà tin tức ở quê nhà Vô Tích càng ngày càng bẵng đi, không thấy chút tin tức nào về việc chàng nặng tình với vợ lẽ quá và nhạt tình quá với người vợ cả tình nghĩa cũ càng như vậy ?
Câu 1481, 1482 = Cái sự tin tức vắng bẵng này nghĩ ra thật đáng nên để ý, vì việc đôi ta lấy nhau này, chắc không ai người ta giữ kín cho ta, thể nào vợ cả cũng biết, vậy mà sao lại im đi được như thế ?
Câu 1483, 1484 = Tôi nghe nói bà ấy không vừa, ăn ở thì nghiêm trang đúng vào khuôn phép lễ độ, mà nói năng thì lời lẽ đâu ra đấy, đúng thể thống trên ra trên, dưới ra dưới.
Câu 1485, 1486 = Tôi rất e sợ bụng dạ những hạng người phi thường đáo để ấy, vì tâm cơ họ hiểm sâu như rốn bể như đáy sông, không dễ mà dò xét, mà đoán chừng được.
Câu 1487, 1488 = Chúng ta lấy nhau đã ròng rã một năm giời rồi, chắc không thể nào giấu xong được.
Câu 1489, 1490 = Thế mà bấy lâu nay, bà ấy vẫn giữ kín không cho chúng mình biết chút phản ứng lành dữ thế nào. Hoặc giả trong sự lặng lẽ kín đáo đó, có sự cơ mưu bất trắc nào chăng ?
Câu 1491, 1492 = Vậy chàng nên liệu kíp về nhà ngay đi, trước để đẹp lòng bà cả, sau là để biết tình ý bà ấy thế nào.
Câu 1493, 1494 = Nếu cứ ngày đêm lúc nào cũng lo giấu quanh giấu quẩn, nay lần mai lữa mãi như bây giờ, thì hình như tình trạng này chẳng bao giờ được trôi chảy hả hê cả.
Câu 1495, 1496 = Sinh nghe lời nàng thong dong khuyên nhủ cũng đành tình xa nàng mà quyết lòng sắp sửa hành trang về thăm quê nhà.
Câu 1497, 1498 = Sáng hôm sau, chàng dậy sớm sang nói với cha, thì Thúc ông cũng vội giục chàng về thăm quê.
Câu 1499, 1500 = Sau một bữa tiệc tiễn nhau lúc sắp đi xa, thế là đương cảnh vui sum họp ở Xuân đình đã bước sang cảnh từ giã buồn nhớ ở Cao đình.
Câu 1501, 1502 = Ngắm cảnh bước đường sắp đi thật là quá buồn : nào là dưới sông thì nước chảy xanh xanh, nào là trên bờ đê thì những cành dẫy liễu lôi thôi, rũ xuống làm vướng vít lòng người lúc chia rẽ nhau.
Câu 1503, 1504 = Chén rượu rót để mời tiễn nhau lúc chia rẽ nâng lên rồi lại dùng dằng ngừng lại, những lời muốn nói để từ giã nhau thì thổn thức nghẹn lại không nói ra được.
Câu 1505, 1506 = Nàng đinh ninh dặn kỹ chàng rằng : Chàng về rồi, thiếp ở nơi xa xôi cách biệt bao lần sông núi này, chàng nên nhớ rằng chàng phải làm thế nào cho tình thế đối với bà cả ở trong nhà bên đó có được êm ấm, thì tình thế của thiếp ở bên ngoài này mới được yên ổn êm ả.
Câu 1507, 1508 = Sự tình đôi ta thế nào trước sau cũng hở thôi. Tục ngữ có câu Giẩu kim bọc rẻ có ngày thò ra – cái kim nhỏ, bọc dẻ to, giấu kín thế mà còn có ngày hở ra, huống chi cái việc chúng mình lấy nhau nó to tát lộ liễu thế thì kín mãi thế nào được! Vậy xin chàng chớ giấu nữa, chớ như kẻ bưng mắt bắt chim, tưởng là mình không trông thấy chim, thì chim nó cũng không trông thấy mình. Chúng ta cũng chớ lầm tưởng coi như mình không biết truyện mình, thì người ta cũng không biết, để lừa dối người ta. Cái sự tự dối mình để dối người như thế thật khó lòng làm được lắm.
Câu 1509, 1510 = Vậy xin chàng khi về đến nhà, trước hết phải nói sòng ngay trước mặt cho bà ấy biết rõ ràng hẳn hoi truyện chàng lấy thiếp, không giấu giếm chút nào.
Câu 1511, 1512 = Dù cho bà ấy bất kỳ nổi sóng gió giận dữ, đem cái quyền vợ cả mà ra oai với thiếp thế nào nữa, thiếp cũng đành chịu cái phận lẽ mọn của thiếp là xong.
Câu 1513, 1514 = Còn hơn là điều cứ giấu ngược giấu xuôi mãi, để rồi mang lấy cái tai vạ to tầy trời về sau.
Câu 1515, 1516 = Chàng có thương nhau thì phải nhớ lời đinh ninh dặn dò của nhau. Một năm xa nhau tuy lâu, nhưng cũng chẳng lâu là bao nhiêu, rồi ta sẽ lại gặp nhau.
Câu 1517, 1518 = Xin chàng nhớ chén rượu tiễn chàng vào bữa hôm nay, và thiếp xin đợi nâng chén rượu đón mừng chàng vào bữa đúng hôm này sang năm.
Câu 1519, 1520 = Thế là một người thì co tay cương lên ngựa, một người thì buông vạt áo chồng ra mà nhìn theo. Cảnh rừng phong đỏ ửng sắp điêu tàn, mùa thu đã nhuộm một màu buồn cho những ngọn núi xa xăm mà nàng tưởng tượng chàng sẽ phải vượt qua.
Câu 1521, 1522 = Nàng trông theo thấy chàng đi đến đâu thì vó ngựa làm bay bụi đỏ ở đường đến đó. Nàng nhìn mãi cho đến lúc chàng đi khuất bóng vào ngàn dâu xanh.
Câu1523, 1524 = Thế là người thì về đêm đêm thức lẻ loi một mình suốt năm canh ; người thì ngày ngày đi một mình ở trên đường xa xôi muôn dặm.
Câu 1525, 1526 = Ôi ! Cái vầng trăng kia, ai sẻ nó ra làm đôi vậy, mà một nửa thì soi chiếc gối lẻ loi của người vợ, một nửa thì soi con đường xa thẳm của người chồng ?
Câu 1527, 1528 = Thôi hãy xếp lại, kể chi mãi cái nông nỗi của chàng ở dọc đường! Và này đây, hãy kể rõ nông nỗi của người vợ cả chủ trương mọi việc, trong buồng ở quê nhà Vô Tích.
Câu 1529, 1530 = Nàng là con gái một nhà danh giá họ Hoạn, con quan Lại Bộ, và tên là Hoạn Thư.
Câu 1531, 1532 = Thuận theo duyên trời sớm sủa đưa lại, nàng kết duyên cùng chàng từ lâu rồi.
Câu 1533, 1534 = Kể về đường ăn ở cư xử bề ngoài đối với chồng, thì tính nết nàng cũng hay, nói năng lễ độ, chiều chuộng ân cần, nhưng kể đến điều cơ mưu trong lòng nàng để giàm miệng và buộc tay chồng, thì nàng cũng già tay lắm. Khi trò chuyện thì khéo đón trước chặn sau, để cho chồng không nói được câu nào ngoài ý muốn nàng ; khi ghen tuông thì khéo dùng mưu cơ để giữ chồng, để như trói buộc tay chàng lại không dám bênh vực được chút nào tình địch của nàng.
Câu 1535, 1536 = Từ khi nàng mảng tin chồng lấy vợ lẽ, miệng người ta đồn đã nhiều, mà chẳng được tin tức gì ở nhà Lâm Truy gửi về nói đến việc này cả.
Câu 1537, 1538 = Nàng càng nén lòng nhịn đi, thì lại chỉ càng thêm tức giận, chẳng khác mớ lửa lòng càng dập đi, thì nó lại càng bùng to lên. Nàng trách chồng đã là kẻ bội bạc điên đảo, lại ra người trăng hoa hư hỏng.
Câu 1539, 1540 = Nàng nghĩ bụng : Ví thử hắn biết điều, cứ thú thực cùng ta hẳn hoi, thì làm gì ta chẳng biết lấy lượng rộng rãi mà bao dung kẻ dưới, cho xứng đáng là người trên.
Câu 1541, 1542 = Ta có dại gì mà chẳng giữ lấy nền nếp, đứng đắn, đàng hoàng, vì nào có hay dưng gì mà rước lấy tiếng ghen tuông vào mình cho người ta chê cười !
Câu 1543, 1544 = Nhưng mà anh ta không biết điều, lại cứ bưng bịt, giấu quẩn giấu quanh, giở những thói trẻ ranh ra mà đối đãi với ta, rõ thật là nực cười !
Câu 1545, 1546 = Được rồi ! Ta đã tính nhân cuộc cách mặt khuất lời này, hắn đã giấu ta, thì ta cũng tìm cách giấu lại cho coi !
Câu 1547, 1548 – Chà ! Lo gì việc ấy mà chả báo thù được nhau ! Rõ như con kiến đã úp ở trong miệng chén rồi, thì bò đi đâu cho thoát được nữa đây ?
Câu 1549, 1550 = Ta sẽ làm cho hai đứa gặp nhau mà chẳng dám nhìn nhau ! Ta sẽ làm cho cả hai đều nhục nhã đầy đọa, không sao cất đầu lên được !
Câu 1551, 1552 = Ta sẽ làm cho chúng trông thấy ngay trước mắt cái vạ về cuộc giấu bịt ta này. Và nhất là cho cái anh mới thăm ván đã bán thuyền này biết rõ tay ta !
Câu 1553, 1554 = Nàng quyết định lập tâm như thế, rồi nàng giữ kín mưu cơ, nông nỗi trong lòng nàng, không hở cho ai biết. Ai nói gì đến việc chồng lấy vợ lẽ này, nàng để ở ngoài tai hết, như gió qua ngoài mái tai vậy.
Câu 1555, 1556 = Mươi hôm sau bỗng có hai người đến mách truyện này với nàng, ý muốn tâng công lấy lòng nàng.
Câu 1557, 1558 = Nàng liền nổi giận đùng đùng mà quát : Gớm cho những quân thêu dệt ra truyện để trêu người này.
Câu 1559, 1560 = Chồng tao đứng đắn, chứ nào có phải như ai đâu ! Điều này rõ ràng là chúng bay bịa đặt ra để chê bai chồng tao đó !
Câu 1561, 1562 = Rồi nàng liền sai bọn người nhà đem hai người đó ra, người thì bị vả miệng, người thì bị bẻ răng.
Câu 1563, 1564 = Thế là từ đó mọi người trong ngoài giữ kín miệng như bưng, chẳng còn ai dám nói năng một lời nào về truyện chàng lấy giấu vợ lẽ nữa.
Câu 1565, 1566 = Và nàng thì khuya sớm lúc nào cũng một vẻ thảnh thơi ở buồng, khi ra khi vào gặp ai cũng một mực cười nói vui vẻ như không có chuyện gì bận tâm.
Câu 1567, 1568 = Trong khi tiểu thư ngày đêm lúc nào lòng cũng nhủ lòng là phải giữ cho kín nỗi lòng như thế, thì Thúc Sinh đã về đến nơi xuống ngựa ở trước cửa buồng.
Câu 1569, 1570 = Tiểu thư chào đón niềm nở, rồi nào là câu chuyện tỏ lòng nhớ nhung khi xa cách, vui mừng khi gặp mặt, nào là lời hỏi thăm chúc mừng sức khỏe, rõ thật là chữ tình càng thêm mặn mà, chữ duyên càng thêm nồng đậm. (Hai chữ “càng” ở câu này thật hay, tả được đủ nỗi giả dối trong lòng và vẻ giả dối ngoài mặt của tiểu thư để giữ kín cơ mưu lừa chồng, cho chàng trước càng muốn thú thật bao nhiêu, sau càng giấu kín bấy nhiêu).
Câu 1571, 1572 = Nàng ung dung đặt tiệc tẩy trần, và ngoài thì vẫn vui vẻ uống rượu với chàng, nhưng nỗi căm giận trong lòng nàng thì nào ai có ở trong đó ra đâu mà biết được !
Câu 1573, 1574 = Chàng về để xem ý tứ nàng ra sao, cũng nhiều lúc chàng muốn nhân dịp lân la bày tỏ sự tình của mình cho nàng biết rõ.
Câu 1575, 1576 = Nhưng thấy nàng khi tỉnh khi say trong bữa tiệc, cười cười nói nói, chẳng đụng chạm chút nào đến việc chàng muốn nói, để chàng không có dịp nào mà nói.
Câu 1577, 1578 = Chàng nghĩ bụng : Thế là quả nhiên việc này mình đã bưng bít được thật kín, nàng không biết chút tăm hơi nào cả cũng như bình rượu đã đóng nút thật kín, không bốc chút hơi nào ra ngoài. Nàng đã không tra khảo đến, thì tội gì mình lại tự nhiên xưng ra ?
Câu 1579, 1580 = Bởi chàng nghĩ thế, nên phần thì chàng e ấp dùng dằng mãi, rồi thôi đi không nói gì đến chuyện đó nữa ; phần thì chàng e ngại bỗng dưng nói ra sợ nàng nổi ghen giận dữ lên, có khác nào như rút dây làm động rừng cho hổ báo nó nhào ra thì thật nguy khốn tránh sao được ! (Thế là chàng đã mắc mưu “giấu ta, ta cũng liệu bài giấu cho” của Hoạn Thư, mà quên hẳn lời Kiều đinh ninh dặn dò “đến nhà trước vội nói sòng cho minh !”).
Câu 1581, 1582 = Hoạn Thư đã không để cho Thúc Sinh có dịp nói về việc đã lấy Kiều; lại còn khéo dùng lời hể hả để chặn họng chàng trước cho chàng không dám nói nữa; nhân khi vui chuyện mua cười, nàng lại khéo giở những câu vui vu vơ như vô tình ra mà nói để giàm bịt miệng chàng : Hai vợ chồng ta ở với nhau thật là hết lòng thành thật, không còn ngờ nhau chút nào là vàng hay thau, ngọc hay đá nữa. Chúng ta đã tin nhau đủ mười phần mười như vậy.
Câu 1585, 1586 = Thế mà thật đáng khen cho những kẻ mồm miệng dông dài, dám đặt ra những chuyện bướm ong kia nọ để chê cười chàng là lẳng lơ mê gái, lấy vợ lẽ giấu ở Lâm Truy, phụ tình với thiếp.
Câu 1587, 1588 = Thiếp tôi tuy vụng dại ngu dốt, chẳng biết suy nghĩ gì thật, nhưng thừa biết là chẳng khi nào chàng lại nỡ phụ thiếp như thế, nên thiếp chẳng thèm nghĩ gì đến chuyện ấy cho dơ bẩn cả lòng, và chỉ tổ cho người ta cười, làm mang tiếng cho cả hai vợ chồng.
Câu 1589, 1590 = Chàng thấy tiểu thư thủng thỉnh vui vẻ nói như chơi thế thôi, nên chàng cũng theo y lời nàng mà nói đưa đẩy mấy lời cho xuôi đi một chiều để khỏi sinh ra chuyện gì lôi thôi mà mình phải chống đỡ.
Câu 1591, 1592 = Thế là vợ chồng một mực vui hòa, cười phấn cợt son với nhau – khi thì ngồi bên nhau mà ngắm trăng tròn ở trước hiên, khi thì chuyện vui với nhau chung bóng một ngọn đèn khuya trong buồng.
Câu 1593, 1594 = Mùa thu năm trước, chàng từ biệt Kiều về Vô Tích, thắm thoát đã lại đến mùa thu năm nay, một vài lá ngô đồng đã lác đác rụng, và nước giếng đã hóa màu thu trông vàng vàng. Chàng thấy mùa thu lại đến, chàng lại nhớ cảnh mùa thu êm đềm trước với Kiều ở Lâm Truy cũng như Trương Hàn xưa kia thấy hơi thu đến lại nhớ canh rau thuần, gỏi cá hức là những món ăn đầy thú vị, đầy tình cảm ở nơi quê nhà.
Câu 1595, 1596 = Thấy thu lại đến, chàng còn nhớ đến cảnh xông pha bước giang hồ mùa này năm ngoái để về Vô Tích, và những tiếc mấy mùa cảnh đẹp gió mát trăng thanh năm nay, chàng đã phải vui gượng với Hoạn Thư, nhưng lòng lúc nào cũng vẫn một niềm nhớ buồn bơ vơ như bị đày đọa ở nơi quan ải.
Câu 1597, 1598 = Tình riêng nhớ nhung muốn đi Lâm Truy đó, chàng chưa dám hé môi ra nói với ai, thì Hoạn Thư đã biết trước và đè chừng dò hỏi mà bảo chàng rằng :
Câu 1599, 1600 = Chàng về đây đã xa cách nơi cha ở đằng đẵng một năm trời rồi, thì nên liệu đi Lâm Truy mà sớm tối chăm nom cha già cho phải đạo.
Câu 1601, 1602 = Được lời nàng bảo, chàng vui mừng hớn hở, như được cởi mở tấc lòng ra, và liền lên ngựa xông pha nơi quê người ra đi ngay.
Câu 1603, 1604 = Cảnh đi đường hồi này, chàng cảm thấy rất đẹp – nơi thì thấy nước trong long lanh, bóng trời mây in xuống đáy nước sông hồ ; nơi thì thấy khói mây buổi sớm như xây nên bức thành phẳng biếc ở trước mắt; nơi thì thấy ánh nắng buổi chiều chiếu xuống làm cho núi non như vàng phơi một lượt.
Câu 1505, 1506 = Chàng vừa lên ngựa quất roi ra đi nơi đường dài, thì nàng cũng lên chiếc xe thơm đẹp của đàn bà, thẳng đường về thăm cha mẹ nàng.
Các câu hay chữ có ý móc nối hoặc châm biếm
– Kiều lo ngại sao mà “Tin nhà ngày một vắng tin” móc nối với câu Hoạn Thư nói “Giấu ta, ta cũng liệu bài giấu cho” và câu vì Hoạn Thư ra oai bịt miệng mà “Trong ngoài kín mít như bưng / nào ai còn dám nói năng một lời.”
– Câu Kiều đinh ninh dặn Thúc Sinh “ Đôi ta chút nghĩa đèo bồng / đến nhà trước phải nói sòng cho minh / dù khi sóng gió bất bình / lớn ra oai lớn, tôi đành phận tôi” móc nối với những câu “Nghĩ là bưng kín miệng bình / nào ai đã khảo mà mình lại xưng / những là e ấp dùng dằng / rút dây sợ nữa động rừng thì sao ?”
– Câu Kiều lo “E thay những dạ phi thường / dễ dò rốn bể khôn lường đáy sông” móc nối thật đúng với mưu sâu thâm độc của Hoạn Thư “Làm cho nhìn chẳng được nhau / làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên / làm cho trông thấy nhãn tiền / cho người thăm ván bán thuyền biết tay !”
– Câu “Mặn tình cát lũy nhạt tình tào khang” để tả lòng Kiều tử tế với chồng – chỉ lo chồng mang tiếng phụ bạc – đối ngược lại với câu “Chữ tình càng mặn chữ duyên càng nồng” để tả lòng điên đảo giả dối của Hoạn Thư chỉ tìm cách lừa chồng sa vào cạm bẫy ghen tuông của mình.
– Câu “Trạnh lòng nhớ cảnh giang hồ / một niềm quan tái mấy màu gió trăng” tả Thúc Sinh tuy ở gần Hoạn Thư – nhưng vẫn thờ ơ buồn nhớ như ở nơi quan tái – cùng một ý với câu tả cảnh Kiều ở lầu xanh “Thờ ơ gió trúc mưa mai / Ngẩn ngơ trăm mối dùi mài một thân.”
– Tâm tính Thúy Kiều trái với tâm tính Hoạn Thư. Kiều thì thành thật, khôn biết đủ điều ; những lời Kiều khuyên bảo Thúc Sinh đều do lòng quý chồng, mong chàng ăn ở phải đạo, không chút cậy yêu ghen ngược. – Hoạn Thư thì điêu bạc, khôn ngoan đủ đường, những lời nàng nói với Thúc Sinh đều giả dối, khinh chồng như trẻ con, và lừa chồng vào vòng khổ nhục, để hả lòng thù ghen.
– Khi Kiều lấy lòng thành khẩn khuyên Thúc về Vô Tích thì Thúc cảm tình Kiều mà phải “Đành lòng Sinh mới quyết lòng hồi trang” ; rồi trước khi ra đi lại có tiệc tiễn biệt đầy tình cảm nhớ nhung tha thiết “Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời” ; và khi Thúc lên ngựa đi rồi, Kiều còn trông theo cho đến khi khuất bóng. – Khi Hoạn Thư đem lòng quỷ quyệt lấy lời hiếu nghĩa khinh bạc mà giục Thúc đi Lâm Truy thì Thúc “Được lời như cởi tấm son” và “Vó câu thẳng ruổi nước non quê người” ngay, Hoạn Thư cũng chẳng bầy tiệc tiễn ; và khi chàng đi rồi, thì nàng cũng lên xe về bàn với mẹ thi hành cuộc rẽ thúy chia loan.
– Cảnh đi đường về Vô Tích thì đầy buồn nhớ “Vừng trăng ai xẻ làm đôi / nửa in đáy nước nửa soi dặm trường” – Cảnh đi đường lúc về Lâm Truy, thì vì chàng vui nên thấy nước non đều tươi đẹp “Long lanh đáy nước in trời / thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.”
[ĐÀM DUY TẠO]