CHƯƠNG 19
KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI
Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO
trước tác năm 1986
(Thứ nam) Đàm Trung Pháp
hiệu đính và phổ biến năm 2019
* * * * *
CÂU 1705 ĐẾN CÂU 1790
“Oai bà lại bộ, nhục kiếp thanh y”
1705. Nước trôi hoa rụng đã yên, [1]
Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian. [2]
1707. Khuyển Ưng đã đắt mưu gian, [3]
Vực nàng đưa xuống để an dưới thuyền.
1709. Buồm cao lèo thẳng cánh suyền, [4]
Đè chừng huyện Tích, băng miền vượt sang. [5]
1711. Dỡ đò lên trước sảnh đường, [6]
Khuyển Ưng hai đứa nộp nàng dâng công.
1713. Vực nàng tạm xuống môn phòng, [7]
Hãy còn thiêm thiếp giấc nồng chưa phai.
1715. Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai, [8]
Cửa nhà đâu mất, lâu đài nào đây?
1717. Bàng hoàng giở tỉnh giở say, [9]
Sảnh đường mảng tiếng đòi ngay lên hầu.
1719. A hoàn liền xuống giục mau, [10]
Hãi hùng nàng mới theo sau một người.
1921. Ngước trông tòa rộng dãy dài, [11]
Thiên Quan Chủng Tể có bài treo trên. [12]
1723. Ban ngày sáp thắp hai bên,
Giữa giường thất bảo, ngồi trên một bà. [13]
1725. Gạn gùng ngọn hỏi ngành tra,
Sự mình nàng đã cứ mà gửi thưa. [14)]
1727. Bất tình nổi trận mây mưa,
Dức rằng: “Những giống bơ thờ quen thân! [15]
1729. Con này chẳng phải thiện nhân,
Chẳng phường trốn chủ, thì quân lộn chồng. [16]
1731. Ra tuồng mèo mả gà đồng, [17]
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào.
1733. Đã đem mình bán cửa tao,
Lại còn khủng khỉnh làm cao thế này.
1735. Nào là gia pháp nọ bay!
Hãy cho ba chục biết tay một lần.”
1737. A hoàn trên dưới dạ rân, [18]
Dẫu rằng trăm miệng không phân lẽ nào.
1739. Trúc côn ra sức đập vào,
Thịt nào chẳng nát, gan nào chẳng kinh.
1741. Xót thay đào lý một cành,
Một phen mưa gió tan tành một phen.
1743. Hoa nô truyền dạy đổi tên,
Buồng the dạy ép vào phiên thị tì. [19]
1745. Ra vào theo lũ thanh y,
Dãi dầu tóc rối da chì quản bao.
1747. Quản gia có một mụ nào, [20]
Thấy người thấy nết ra vào mà thương.
1749. Khi chè chén, khi thuốc thang, [21]
Đem lời phương tiện mở đường hiếu sinh. [22]
1751. Dạy rằng: “May rủi đã đành,
Liểu bồ mình giữ lấy mình cho hay.
1753. Cũng là oan nghiệp chi đây, [23]
Sa cơ mới đến thế này chẳng dưng.
1755. Ở đây tai vách mạch dừng, [24]
Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi.
1757. Kẻo khi sấm sét bất kỳ,
Con ong cái kiến kêu gì được oan?”
1759. Nàng càng giọt ngọc như chan,
Nỗi lòng luống những bàng hoàng niềm tây:
1761. Phong trần kiếp đã chịu đay,
Lầm than lại có thứ này bằng hai. [25]
1763. Phận sao bạc chẳng vừa thôi, [26]
Khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan.
1765. Đã đành túc trái tiền oan, [27]
Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi.
1767. Những là nương náu qua thì,
Tiểu thư phải buổi mới về ninh gia.
1769. Mẹ con trò chuyện lân la,
Phu nhân mới gọi nàng ra dạy lời:
1771. “Tiểu thư dưới trướng thiếu người,
Cho về bên ấy theo đòi lầu trang.”
1773. Lãnh lời nàng mới theo sang,
Biết đâu địa ngục, thiên đàng là đâu.
1775. Sớm khuya khăn mặt, lược đầu,
Phận con hầu giữ con hầu dám sai.
1777. Phải đêm êm ả chiều trời,
Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày. [28]
1779. Lĩnh lời nàng mới lựa dây,
Nỉ non thánh thót dễ say lòng người.
1781. Tiểu thư xem cũng thương tài,
Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân.
1783. Cửa người đày đọa chút thân,
Sớm ngơ ngẩn bóng đêm năn nỉ lòng.
1785. Lâm Truy chút nghĩa đèo bồng,
Nước bèo để chữ tương phùng kiếp sau.
1787. Bốn phương mây trắng một màu, [29]
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà. [30]
1789. Lần lần tháng trọn ngày qua,
Nỗi gần nào biết đường xa thế này.
Đính chính và xác định
Câu 1727 – “Bất tình nổi trận gió mưa” – Chữ “gió mưa” mới có nghĩa giận dữ. Có bản in lầm ra “Bất tình nổi trận mây mưa” thật không hợp nghĩa ở chỗ này.
Câu 1784 – “Sớm than thở bóng, khuya năn nỉ lòng” nghĩa là ban ngày thấy bóng mình trước nắng lại thương mình mà chỉ dám than thở với bóng mình, chẳng dám để ai biết. Lúc canh khuya cũng vậy, ngủ không được mà chỉ những mình lại năn nỉ nỗi đau xót với chính lòng mình, chẳng dám nói cùng ai, tả cảnh cô đơn khổ cực vô cùng. Bản Kiều của ông Trần Trọng Kim in câu này là: “Sớm năn nỉ bóng, đêm ngơ ngẩn lòng” đã mất vần lại không xuôi nghĩa.
Chú giải và dẫn điển
[1] Nước trôi hoa rụng lấy điển ở câu chữ hán “Lưu thủy lạc hoa [流水落花] = Hoa rụng vào suối nước chảy, phải chìm chìm nổi nổi mà chẳng biết trôi đi đâu.”
[2] Địa ngục = nhà giam tù ở cõi âm phủ.
[3] Đã đắt mưu gian = đã làm trôi chạy được các mưu chước giả dối như buôn bán được trôi chạy đắt hàng.
[4] Thẳng cánh suyền – Suyền [湍] = đi thật nhanh một mạch. Thẳng cánh suyền = gió thuận thổi vào cánh buồm đi thẳng nhanh một chiều như bay.
[5] Huyện Tích tức là huyện Vô Tích, quê nhà họ Hoạn.
[6] Sảnh đường là nơi quan làm việc công. Tác giả đặt chữ “sảnh đường” ở đây để tả sự hống hách quá phép của Hoạn bà. Các bà quan hay có thói lạm quyền như vậy.
[7] Môn phòng là căn phòng giữ phạm nhân ở gần cổng canh trước dinh các quan.
[8] Hoàng lương [黃粱] nghĩa đen là kê vàng. Ngày xưa Lư Sinh, đời nhà Đường, thi hỏng về gặp ông Lã Tiên ở một quán ăn. Ông thấy Lư buồn chán, mới cho mượn chiếc gối Bảo Lư gối đầu mà ngủ cho đỡ phiền. Lúc đó người chủ quán mới quấy nồi cháo kê vàng. Lư mới gối đầu nằm, liền thấy lấy được vợ họ Thôi rất đẹp rất giầu, lại đỗ Tiến sĩ được vua yêu cho làm quan to, lại có công phá được giặc Nhung, được làm Tể Tướng hơn 10 năm, có 5 con trai đều làm quan to, có 10 cháu trai đều làm rể nhà quan sang, sống hơn 80 tuổi mới chết, thì bỗng tỉnh dậy, thấy nồi cháo kê vẫn chưa chín. Lư quái lạ hỏi Lã Tiên, thì Lã nói “Lạ gì? Cuộc phú quý đời người đều như thế cả, ta còn ham muốn làm gì cho nhọc bụng.” Do truyện này, người sau mới gọi giấc mơ ngủ là giấc Hoàng Lương. Cái gối ông Lã Tiên cho Lư Sinh gối đầu nằm ngủ được giấc mơ phú quí ấy làm bằng gỗ cây mai, nên các văn sỹ sau gọi hồn mộng giấc mơ là hồn mai. Câu này đặt chữ “Hồn mai” liền với chữ “Hoàng Lương” rất khẩn thiết với nhau. Ông Trần Trọng Kim nói “Các văn sĩ thường nói giấc mơ ngủ là “quế phách mai hồn” cho lịch sự, thật là lầm, vô nghĩa, vì quế phách là mặt trăng, chữ phách đây không phải là hồn phách, nên chữ quế phách không đi với chữ mai hồn được.
[9] Bàng hoàng = hãy còn như say như mê, lúc mới tỉnh dậy có vẻ ngơ ngác lo sợ.
[10] Nha hoàn [丫鬟] – Nhiều người đọc chệch ra “a hoàn” [鴉鬟] = đứa hầu tớ gái, tóc còn đen như quạ [鴉] [“nha” = quạ) và kết thành hai món trái đào hình như chữ [丫] “nha” là vật có phần ngọn chia hai nhánh. Lại có người nhận lầm chữ “nha” [丫] này ra [小]
“tiểu” mà đọc lầm ra “tiểu hoàn.”
[11] Ngước trông = sợ hãi quá, chỉ dám hơi đưa to mắt lên mà nhìn, chứ không dám ngửa hẳn mặt lên. Thơ Xuân Hương vịnh đền Sầm Thái Thú ở gò Đống Đa: “Ngước mắt trông lên thấy biển treo, Kìa đền Thái Thú đứng treo leo.” Lời thì thật tôn kính, mà ý thì thật mỉa mai khinh rẻ: chẳng thèm nhìn thẳng.
[12] Thiên quan chủng tể [天官塚宰] là chức quan cao nhất ở triều đình xưa. Nhà Chu đặt ra chức Thiên quan chủng tể để cai quản tất cả các quan. Về đời nhà Minh các quan hơi cao ở bộ Lại đều lạm xưng là Lại bộ [吏部]. Vì bộ Lại là bộ giữ việc tuyển bổ thăng giáng các quan, nên nhà họ Hoạn dám lạm quyền treo bảng Thiên quan chủng tể cho oai; thật ra bố Hoạn Thư không phải Thượng thư bộ Lại, vì Thúc Sinh chỉ là một người sinh viên xoàng, con một ông lái buôn giầu, lấy thế nào được con gái một ông Lại bộ Thượng thư?
[13] Giường thất bảo = giường đẹp sang nhất hạng, có khảm bảy thứ vàng ngọc quý báu.
[14] Cứ mà gửi thưa = cứ theo sự thật của mình mà trình thưa rõ ràng, đại khái như nói là vợ lẽ Thúc Sinh, lấy nhau được hai năm…
[15] Dức – Quan mắng, quan gắt gọi là dức cho thêm phần kính trọng quan, đại khái như lính hầu quan hỏi nhau “Làm gì mà quan dức mày thế?” Tác giả dùng chữ “dức” ở đây thật là đúng chỗ để tả nổi bật hẳn vẻ hách dịch của bà Lại bộ họ Hoạn. Có nhà xuất bản truyện Kiều đổi chữ “dức” này ra chữ “mắng” thật là không hiểu giọng nhà quan và ý tác giả.
[16] Trốn chủ – Tục Tàu trước, chủ nhà giầu sang hay xuất tiền ra mua con gái nhà nghèo về làm tôi đòi; nếu không có tiền chuộc ra, thì phải ở hầu hạ suốt đời. Nếu chủ có độ lượng thương người thì còn khá, nhưng phần nhiều họ cậy của hành hạ bất nhân, nên hay có những vụ gái nghèo này trốn chủ ra đi, nếu chủ bắt được thì bị tội vạ khổ sở. Lộn chồng = bỏ chồng cũ trốn đi lấy chồng khác.
[17] Mèo mả gà đồng = những gái du đãng, giang hồ, vô gia đình, sống vất vơ hư hỏng như con mèo già hoá cáo ra ở nhà mồ mả ngoài đồng. Gà đồng = loại gà rừng, dù ta bắt về chăm nuôi thế nào nó cũng không quen, thả ra là bay ra đồng.
[18] Dạ rân = vâng lời, dạ ran lên một lượt.[19] Áp vào phiên thị tỳ = biên tên vào sổ lũ gái hầu. Chữ “áp” hay “áp danh” [押名] = biên tên vào sổ. Nhiều bản Kiều quốc ngữ dịch lầm “áp” [抽] = ép, không đúng – vì bắt làm thị tỳ là phải làm, cần gì phải ép?
[19] Thanh y [青衣] = áo xanh – Tục Tàu trước, các tôi tớ trong nhà vẫn mặc áo xanh, nên gọi là lũ thanh y. Chữ “phiên” [番] dịch ra “phen” là sai nghĩa, vì các thị tỳ phải cắt “phiên” nhau vào hầu.
[20] Quản gia [管家] = mụ cai quản bọn thị tỳ trong nhà.
[21] Chè chén đây là “chén trà chén cháo” chăm nom lúc Kiều còn ốm đòn, nên sau được Kiều trả ơn rất hậu. Xem câu 2341 và 2342 [Mụ già, sư trưởng thứ hai / thoạt đưa đến trước, vội mời lên trên]. Xin chớ lầm chữ “chè chén” này là “chè rượu” như ta thường nói.
[22] Đem lời phương tiện mở đường hiếu sinh – Lời phương tiện = lời theo chiều hướng (phương) thuận tiện mà khuyên nhủ cho người hiểu mọi lẽ. Mở đường hiếu sinh = khuyên nhủ khiến cho Kiều khỏi chán đời mà lại muốn cố sống. Câu này nghĩa là mụ quản gia khéo dò xét tâm sự Kiều có ý muốn tự tử, mới lựa chiều thuận tiện mà lấy lời lẽ khuyên nhủ yên ủi cho Kiều khỏi chán đời.
[23] Oan nghiệt [寃孽] hay oan nghiệp [寃業] = “tiền oan nghiệp chướng” = oán thù từ kiếp trước để lại đến kiếp này mới báo thù lại nhau.
[24] Tai vách mạch dừng – Vách = những bức thuận chia ngang nhà ở ra làm các phòng. Dừng = những bức vách dọc đằng sau nhà làm bằng những thanh tre đan dừng với nhau, ngoài chát đất cho kín phẳng. Tục ngữ có câu: “Dừng có mạch, vách có tai” nghĩa là ngoài bức vách chung quanh chỗ ta ở, thường có kẻ áp tai nghe, ghé mắt dòm để rình ta, nên ta phải giữ gìn.
[25] Lầm than do chữ [塗炭] “đồ thán” dịch ra. Đồ [塗] = bùn lầm ở mặt đường. Thán [炭] = than tro. Nghĩa bóng chữ “lầm than” là khổ sở nhục nhã như phải lặn lộn ở mặt đường đầy những than bùn đen bẩn.
[26] Bạc chẳng vừa thôi = sao số phận bạc quá, bạc thế nào cũng chưa vừa, chưa thôi.
[27] Túc trái tiền oan [夙債前冤] = nợ cũ đã lâu, hay oan nghiệp từ kiếp trước, bây giờ phải trả nợ, phải đền tội.
[28] Trúc ty – Trúc [竹] = tre, tức là ống sáo; ty [絲] = tơ, tức là đàn. Nhiều bản Kiều quốc ngữ phiên âm là trúc tơ, đành rằng vẫn nghĩa là đàn sáo, nhưng trúc là tiếng Hán, tơ là tiếng nôm đi với nhau không êm bằng trúc ty là tiếng chữ Hán. Bài Tỳ Bà Hành cũng dịch là trúc ty: Người xuống ngựa, khách dừng chèo / Chén quỳnh muốn cạn không chiều trúc ty / Say những luống ngại khi hầu rẽ.
[29] Bốn phương mây trắng một màu – Thơ cổ có câu “Tứ cố bạch vân mê [四顧白雲迷]” = Ngó trông bốn bề chỉ thấy mây trắng mù mịt một màu, chẳng biết quê cha mẹ ở đâu.
[30] Cố quốc nghĩa đen là nước cũ, nghĩa rộng là nơi quê quán cha mẹ của mình.
Diễn ra văn xuôi
Câu 1705, 1706 = Thúc Sinh vẫn yên chí rằng cái đời như đóa hoa rụng xuống giòng nước của Kiều thế là xong, là yên rồi; chàng có biết đâu rằng cái địa ngục mà nàng bị giam khổ vẫn ở ngay trên cõi người này.
Câu 1707, 1708 = Bọn Khuyển Ưng đã thi hành trôi chạy các mưu gian của chủ dặn dò rồi, liền vực Kiều xuống để nằm yên dưới thuyền.
Câu 1709, 1710 = Rồi chúng kéo buồm lên cho cao, gò dây buồm cho thẳng và cứ ngắm thẳng đường về phía Vô Tích mà cho thuyền tiến thật nhanh.
Câu 1711, 1712 = Khi đến nơi, chúng đỗ thuyền ở ngay phía trước sảnh đường mà dỡ các đồ đạc lên. Hai thằng Khuyển Ưng khiêng Kiều lên nộp để dâng công.
Câu 1713, 1714 = Chúng vực nàng vào tạm nằm nghỉ trong căn phòng bên cạnh cổng dinh, và nàng vẫn còn thiêm thiếp như ngủ mê chưa biết gì, vì thuốc mê chưa phai tan hết.
Câu 1715, 1716 = Bỗng hồn nàng như ngủ tỉnh dậy. Nàng thấy lạ quá, cửa nhà mình đâu mất, mà đây là lâu đài nào vậy?
Câu 1717, 1718 = Nàng còn đương ngơ ngác bàng hoàng, chếnh choáng như say rượu, thì bỗng thoảng nghe tiếng ở trên sảnh đường đòi nàng lên hầu ngay lập tức.
Câu 1719, 1720 = Rồi một thị tỳ tóc kết thành hai trái đào chạy xuống giục nàng lên ngay. Nàng sợ hãi lắm, theo ngay một người dẫn lên sảnh đường.
Câu 1721, 1722 = Nàng sẽ ngước mắt trông lên thấy tòa rộng dẫy dài đã rất lộng lẫy, lại trên có treo một cái biển đề bốn chữ to “Thiên Quan Chủng Tể” bằng vàng.
Câu 1723, 1724 = Bên trong sảnh đường, ban ngày mà vẫn có mấy cây sáp thắp ở hai bên trước cái giường khảm bảy thứ ngọc rất lộng lẫy đẹp, trên giữa giường có một bà ngồi rất oai nghiêm đường bệ.
Câu 1725, 1726 = Thấy Kiều lên, bà gạn gùng hỏi ngành hỏi ngọn, Kiều chẳng biết hỏi để làm gì, sự tình mình thế nào, nàng cứ theo thật sự mà thưa trình rõ ràng hết.
Câu 1727, 1728 = Bất kỳ bà nổi giận dữ dội như mưa như bão mà quở mắng: Con này thật là cái giống gái hư hỏng, chỉ quen thân bơ thờ ăn chơi bợm bãi.
Câu 1729, 1730 = Con này đúng không phải là người tử tế – nếu không phải là phường tôi đòi trốn chủ ra đi, thì cũng là quân bỏ chồng nọ theo chồng kia.
Câu 1731, 1732 = Nó rõ là giống mèo mả gà đồng chẳng ai chứa được, nên thân đời thành ra lúng túng chẳng ở yên được chỗ nào.
Câu 1733, 1734 = Nó đã đem thân bán vào nhà cửa tao, mà vẫn còn dám khủng khỉnh làm cao, chẳng coi ai ra gì thế này à?
Câu 1735, 1736 = Nào chúng bây đâu! Hãy theo phép tắc nhà tao đem nó ra mà trị tội, đánh thử ba chục roi cho nó biết tay một lần đi!
Câu 1737, 1738 = Lũ con hầu đồng thanh dạ ran lên một lượt. Thế là nàng dẫu có trăm miệng cũng chẳng sao kêu van phân trần phải trái được một tiếng nào.
Câu 1739, 1740 = Chúng nó lấy roi tre to mà hết sức đập vào người, thì thịt nào mà chẳng nát, gan nào mà chẳng kinh?
Câu 1741, 1742 = Thật đáng thương cho nàng đẹp nõn như cành hoa đào hoa mận, mà mỗi phen gặp cơn mưa gió tàn bạo như thế lại tan tành một phen.
Câu 1743, 1744 = Rồi bà lớn lại truyền đổi tên Thúy Kiều ra là Hoa Nô, và biên tên vào sổ những bọn hầu tớ gái để thay phiên nhau vào hầu.
Câu 1745, 1746 = Từ đó Kiều theo lũ thanh y ra vào hầu hạ, đầu bù tóc rối, mặt sạm da chì, chẳng quản ngại gì cả.
Câu 1747, 1748 = Có một mụ quản gia nào đó thấy nàng người đã thanh tao, có tướng mạo khác thường, tính nết lại hiền lành đứng đắn, mà cứ phải ra vào hầu hạ quần quật suốt ngày, lòng mụ rất thương tình cho nàng.
Câu 1749, 1750 = Nên mụ hết lòng săn sóc chạy chữa cho nàng khi còn ốm đòn, lúc thì mụ cho chén nước chè, bát cháo nóng để nàng ăn uống, lúc chạy thuốc chạy thang chữa vết thương đòn cho nàng lành khỏi. Mụ thấy nàng có vẻ chán đời muốn tự tử, mụ lại khéo lựa chiều ý nàng mà đem lời lẽ thuận tiện khuyên giải như mở đường cho nàng hồi tâm lại mà vui đời muốn sống.
Câu 1751, 1752 = Mụ khuyên nhủ nàng: Đã đành ở đời ta phải theo sự may rủi của số mệnh, nhưng ở trong cái kiếp liễu bồ yếu đuối ở nơi nguy hiểm này, cô cũng phải liệu cách mà lo giữ mình mới được.
Câu 1753, 1754 = Chắc đây cũng là bởi sự oan nghiệt nào đó, nên cô mới phải sa cơ mắc vào cuộc khổ nhục thế này, chứ đâu phải truyện bỗng dưng!
Câu 1755, 1756 = Ở đây là chỗ tai vách mạch rừng, trong ngoài trước sau chỗ nào cũng có tai nghe mắt nhòm dò xét cô, nên cô phải cẩn thận, có thấy ai là người quen thân đến đâu nữa, cũng chớ có nhìn nhận làm gì mà khốn đó.
Câu 1757, 1758 = Cô nên nhớ lời tôi dặn, kẻo nữa cô không biết, thấy người quen mà đăm đăm nhìn một cái, là có truyện mưa gió giận dữ nổi ngay lên, thì cái thân phận nhỏ hèn như con ong cái kiến của cô này, kêu oan cũng không được nữa đâu!
Câu 1759, 1760 = Nàng nghe lời mụ dạy, lòng càng cực cội, nước mắt tràn trụa chứa chan, biết bao nhiêu là nông nỗi lo âu, thương nhớ ngầm ngấm quanh quẩn đầy lòng.
Câu 1761, 1762 = Nàng nghĩ thương thân: Mình tưởng đã chịu đầy đủ cái kiếp khổ nhục như thế rồi, thế mà còn gặp cái kiếp tôi đòi nhục nhã khổ cực gấp đôi nữa như thế này!
Câu 1763, 1764 = Thật đáng thương cho phận mình sao mà bạc mệnh quá vậy, bạc không còn chừng hạn nào nữa! Bạc đến bao giờ mới là đủ, mới là hết? Sao mà hai chữ “bạc mệnh” ấy nó cứ khăng khăng buộc trói mãi vào người hồng nhan như vậy?
Câu 1765, 1766 = Thôi! Đành rằng do cái nợ nần kiếp trước, hay cái oan báo kiếp xưa, nó bắt mình phải giả, phải đền như vậy, thì mình đành phải chịu, và cũng đành cố sống liều cho đến lúc ngọc nát hoa tàn chứ có cần chi!
Câu 1767, 1768 = Nàng cứ nương nấu sống tạm bợ như thế mãi ở đó cho đến hôm Tiểu thư tình cờ về nhà thăm mẹ.
Câu 1769, 1770 = Mẹ con trò truyện lân la hết truyện nọ đến truyện kia mãi, rồi Phu nhân cho gọi Kiều ra và bảo:
Câu 1771, 1772 = Bên nhà Tiểu thư thiếu người hầu, vậy ta cho mi sang bên ấy hầu hạ trong lầu trang Tiểu thư.
Câu 1773, 1774 = Nàng vâng lĩnh lời Bà, mới theo Tiểu thư về, chứ biết đâu về nhà Tiểu thư thì phải khổ như vào địa ngục, hay được sướng như lên thiên đàng?
Câu 1775, 1776 = Sang đó rồi, nàng hầu hạ Tiểu thư rất cẩn thận, hầu sớm, hầu khuya, khi khăn mặt, khi lược đầu, cần đến cái gì nàng đều biết trước sẵn sàng, không cần phải sai bảo, lúc nào nàng cũng thân phận con hầu, thì phải làm hết phận sự con hầu, không dám sai lãng.
Câu 1777, 1778 = Được một đêm nhân trời mát mẻ, êm đềm, tiểu thư mới hỏi đến nghề đàn trước kia của nàng.
Câu 1779, 1780 = Nàng vâng lời lấy đàn ra sửa, vặn lại các dây cho đúng, rồi ngồi gảy. Tiếng đàn nàng gẩy lúc thì như tiếng hát nỉ non cám dỗ, lại lúc thì như giọng thánh thót phĩnh phờ để làm cho lòng người phải say sưa.
Câu 1781, 1782 = Tiểu thư thấy nàng có tài như thế cũng sinh lòng thương quý, và từ hôm đó đối đãi với nàng cũng bớt vẻ nghiêm khắc.
Câu 1783, 1784 = Từ khi nàng thấy thân mình bị đầy đọa vào nơi cửa quan sang hống hách quá này, mỗi khi sớm dạy trông thấy bóng mình trước nắng, cũng than thở ngầm với bóng; và những lúc canh khuya vắng vẻ một mình, lòng lại năn nỉ nhủ ngầm với lòng.
Câu 1785, 1786 = Nàng những nhớ tiếc người đã kết nghĩa đèo bồng với mình ở Lâm Truy, cho rằng họa chăng đến kiếp sau mới lại được gặp để giữ trọn vẹn lời thề non nước.
Câu 1787, 1788 = Còn thêm nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ nữa. Người xưa xa nhà, thấy đám mây trắng ở trên núi Thái Hàng, thì biết nhà cha mẹ ở dưới đám mây đó. Nhưng nay càng cố trông mây để tìm quê cũ, thì chỉ thấy bốn phương đều mù mịt một màu mây trắng, thì còn biết phương nào là quê cha mẹ nữa.
Câu 1789, 1790 = Kiều chịu cực khổ ở đó qua ngày qua tháng. Nàng chỉ biết nỗi gần của nàng thì sầu khổ như thế, nhưng có biết đâu nỗi của Thúc Sinh ở nơi xa cũng sầu khổ chẳng kém gì nàng.
Những câu hay chữ có ý móc nối hoặc châm biếm
– Những câu tác giả đặt để chuyển tiếp đoạn nọ sang đoạn kia thường rất tài tình như đã nói nhiều lần. Hai câu đầu đoạn này cũng vậy. Câu trên [Nước trôi hoa rụng đã yên] thì vừa kết liễu ý Thúc Sinh yên chí rằng Kiều đã chết thật rồi bằng chữ “đã yên.”
– Câu dưới [Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian] thì dùng chữ “hay đâu” để mở đầu ý nói Kiều vẫn còn đương sống khổ cực ở nhà Vô Tích dưới quyền Hoạn Thư độc ác.
– “Đã yên” móc nối với “Hay đâu” làm cho hai câu 1705-1706 có nghĩa: Thúc cho phận Kiều thế là đã yên rồi, nhưng chàng có “hay đâu” là nàng hãy còn ở địa ngục trên đời.
– Câu Hoạn bà mắng Kiều [Ra tuồng mèo mả gà đồng / ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào] ứng với câu [Gạn gùng ngọn hỏi ngành tra / sự mình nàng đã cứ mà gửi thưa], vì nàng ngay thực khai rõ hết nông nỗi lưu lạc của mình, khi bị Hoạn bà gạn gùng hỏi mọi lẽ.
– Câu [Tiểu thư thấy cũng thương tài / khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân] móc nối với câu 2369 sau này khi Tiểu thư van xin Kiều tha tội [Lòng riêng riêng cũng kính yêu / chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai].
– Những chữ “sảnh đường”, “môn phòng”, “đòi ngay lên hầu”, “thiên quan chủng tể”, “dức rằng”, và “truyền cho” tác giả đặt vào đây đều có ý mỉa mai các bà vợ quan to hay lạm dụng quyền thế hống hách để bắt nạt dân chúng.
– Những câu tả sự hách dịch, tàn ác của Hoạn bà, nhiều câu giống như tả Tú bà: (a) Câu [Giữa đường thất bảo ngồi lên một bà] giống câu tả Tú bà [Tú bà vắt nóc lên giường ngồi ngay]; (b) Câu [Gạn gùng ngọn hỏi ngành tra] giống như câu tả Tú bà [Đón rào đến mực nồng nàn mới tha]; (c) Những câu [Đã đem mình bán cửa tao / hãy còn khủng khỉnh làm cao thế này và [Nào là gia pháp nọ bay] giống như những câu Tú bà nói [Con kia đã bán cho ta / nhập gia phải cứ phép nhà tao đây].
Tác giả dùng những câu gần giống như thế để tả một bà mệnh phụ phu nhân và một mụ điếm già chủ thanh lâu, là ngụ ý than chê nhiều bà mệnh phụ phu nhân tuy bề ngoài oai vệ sang trọng thế, mà trong bụng chẳng khác gì những mụ tầm thường hư hỏng.
[ĐÀM DUY TẠO]