CHƯƠNG 21
KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI
Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO
trước tác năm 1986
(Thứ nam) Đàm Trung Pháp
hiệu đính và phổ biến năm 2020
* * * * *
CÂU 1939 ĐẾN CÂU 2060
“Nghe ngâm biết hết, cười hiểm dọa chơi”
1939. Những là ngậm thở nuốt than,
Tiểu thư phải buổi vấn an về nhà. [1]
1941. Thừa cơ, sinh mới lẻn ra, [2]
Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng.
1943. Sụt sùi giở nỗi đoạn tràng,
Giọt châu tầm tã đượm tràng áo xanh: [3]
1945. “Đã cam chịu bạc với tình,
Chúa xuân để tội một mình cho hoa! [4]
1947. Thấp cơ thua trí đàn bà,
Trông vào đau ruột nói ra ngại lời.
1949. Vì ta cho lụy đến người,
Cát lầm ngọc trắng, thiệt đời xuân xanh!
1951. Quản chi lên thác xuống ghềnh, [5]
Cũng toan sống thác với tình cho xong.
1953. Tông đường chút chửa cam lòng, [6]
Nghiến răng bẻ một chữ ‘đồng’ làm hai. [7]
1955. Thẹn mình đá nát vàng phai, [8]
Trăm thân dễ chuộc một lời được sao?” [9]
1957. Nàng rằng: “Chiếc bách sóng đào, [10]
Nổi chìm cũng mặc lúc nào rủi may!
1959. Chút thân quằn quại vũng lầy,
Sống thừa còn tưởng đến rày nữa sao?
1961. Cũng liều một giọt mưa rào, [11]
Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay!
1963. Xót vì cầm đã bén dây,
Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta.
1965. Liệu bài mở cửa cho ra,
Ấy là tình nặng, ấy là ân sâu!
1967. Sinh rằng: “Riêng tưởng bấy lâu,
Lòng người nham hiểm biết đâu mà lường.
1969. Nữa khi giông tố phũ phàng,
Thiệt riêng đấy cũng lại càng cực đây.
1971. Liệu mà xa chạy cao bay,
Ái ân ta có ngần này mà thôi!
1973. Bây giờ kẻ ngược người xuôi,
Biết bao giờ lại nối lời nước non?
1975. Dẫu rằng sông cạn đá mòn,
Con tằm đến thác cũng còn vương tơ!” [12]
1977. Cùng nhau kể lể sau xưa,
Nói rồi lại nói, lời chưa hết lời.
1979. Mặt trông tay chẳng nỡ rời,
Hoa tì đã động tiếng người nẻo xa.
1981. Nhịn ngừng, nuốt tủi, đứng ra,
Tiểu thư đâu đã rẽ hoa bước vào.
1983. Cười cười, nói nói ngọt ngào,
Hỏi: “Chàng mới ở chốn nào lại chơi?”
1985. Dối quanh Sinh mới liệu lời:
“Tìm hoa quá bước, xem người viết kinh.”
1987. Khen rằng: “Bút pháp đã tinh, [13]
So vào với thiếp Lan đình nào thua! [14]
1989. Tiếc thay lưu lạc giang hồ,
Nghìn vàng, thật cũng nên mua lấy tài!”
1991. Thiền trà cạn chén hồng mai, [15]
Thong dong nối gót thư trai cùng về.
1993. Nàng càng e lệ ủ ê,
Rỉ tai, hỏi lại hoa tì trước sau.
1995. Hoa rằng: “Bà đã đến lâu,
Rón chân đứng nép độ đâu nửa giờ. [16]
1997. Rành rành kẽ tóc chân tơ,
Mấy lời nghe hết đã dư tỏ tường.
1999. Bao nhiêu đoạn khổ, tình thương,
Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than. [17]
2001. Dặn tôi đứng lại một bên,
Chán tai rồi mới bước lên trên lầu.”
2003. Nghe thôi kinh hãi xiết đâu:
“Đàn bà thế ấy thấy âu một người!
2005. Ấy mới gan ấy mới tài,
Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời! [18]
2007. Người đâu sâu sắc nước đời,
Mà chàng Thúc phải ra người bó tay! [19]
2009. Thực tang bắt được dường này, [20]
Máu ghen ai cũng chau mày nghiến răng.
2011. Thế mà chẳng nói chẳng rằng,
Chào mời vui vẻ nói năng dịu dàng!
2013. Giận dầu ra dạ thế thường, [21]
Cười dầu mới thực khôn lường hiểm sâu!
2015. Thân ta, ta phải lo âu,
Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này!
2017. Ví chăng chắp cánh cao bay,
Trèo cây lâu cũng có ngày bẻ hoa! [22]
2019. Phận bèo bao quản nước sa,
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.”
2021. Chỉn e quê khách một mình,
Tay không chưa dễ tìm vành ấm no!
2023. Nghĩ đi nghĩ lại quanh co,
Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân.
2025. Bên mình giắt để hộ thân, [23]
Lần nghe canh đã một phần trống ba.
2027. Cất mình qua ngọn tường hoa,
Lần đường theo bóng giăng tà về tây.
2029. Mịt mù dặm cát đồi cây,
Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương. [24]
2031. Canh khuya thân gái dặm trường,
Phần e đường xá, phần thương dãi dầu!
2033. Giời đông vừa rạng ngàn dâu, [25]
Bơ vơ nào đã biết đâu là nhà!
2035. Chùa đâu trông thấy nẻo xa,
Rành rành “Chiêu ẩn am” ba chữ bài. [26]
2037. Xăm xăm gõ mái cửa ngoài,
Trụ trì nghe tiếng, rước mời vào trong. [27]
2039. Thấy màu ăn mặc nâu sồng,
Giác duyên sư trưởng lành lòng liền thương. [28]
2041. Gạn gùng ngành ngọn cho tường,
Lạ lùng nàng hãy tìm đường nói quanh:
2043. “Tiểu thiền quê ở Bắc Kinh,
Qui sư, qui Phật, tu hành bấy lâu. [29]
2045. Bản sư rồi cũng đến sau, [30]
Dạy đưa pháp bảo sang hầu sư huynh. [31]
2047. Rày vâng diện hiến rành rành,” [32]
Chuông vàng khánh bạc bên mình giở ra.
2049. Xem qua sư mới dạy qua:
“Phải ni Hằng Thủy là ta hậu tình. [33]
2051. Chỉn e đường sá một mình,
Ở đây chờ đợi sư huynh ít ngày.”
2053. Gửi thân được chốn am mây,
Muối dưa đắp đổi, tháng ngày thong dong.
2055. Kệ kinh câu cũ thuộc lòng,
Hương đèn việc cũ, trai phòng quen tay. [34]
2057. Sớm khuya lá bối phướn mây, [35]
Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương. [36]
2059. Thấy nàng thông tuệ khác thường,
Sư càng nể mặt, nàng càng vững chân.
Đính chính và xác định
Câu 1981 – “Nhịn ngừng nuốt tủi đứng ra” – Nghĩa câu này là nhịn ngừng hết cả sự thở than, và nuốt hết cả sự tủi cực đi mà đứng xa nhau ra. Có bản Kiều quốc ngữ dịch chữ “nhịn ngừng” ra “nhận ngừng” và giảng nghĩa “nhận” là nén xuống, “ngừng” là thương xót; “nhận ngừng” tức là nén sự thương xót xuống. Giảng thế thật gượng ghịu quá, “ngừng” sao là thương xót được!
Câu 2050 – “Ni Hằng Thủy” ở câu này nhiều bản quốc ngữ dịch là “Nơi Hằng Thủy” thật là lầm, thành vô nghĩa. Chữ Ni [尼] đây dịch nguyên nghĩa là Sư bà, nhưng chữ nôm cũng quen dùng để viết chữ “nơi.”
Chú giải và dẫn điển
[1] Vấn an [問 安] = Về quê nhà hỏi thăm cha mẹ và anh em có được bình yên không.
[2] Thừa cơ [乘 機] = Nhân dịp, nhân cơ hội.
[3] Giọt châu tầm tã đượm tràng áo xanh = Nước mắt rơi xuống ẩm ướt cả vạt áo đơn mặc ngoài. Câu này lấy điển ở câu cuối cùng bài Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị: “Tọa trung khấp hạ thùy tối đa / Giang Châu Tư Mã thanh sam sấp [坐 中 泣 下 誰 最 多 / 江 州 司 馬 青 衫] = Lệ ai chan chứa hơn người? Ấy quan Tư Mã đẫm màu áo xanh.”
[4] Chúa xuân = Tiếng dùng trong văn chương để ca tụng mùa xuân.
[5] Lên thác xuống ghềnh – Thúc Sinh nói bóng muốn liều mạng mang Kiều đi trốn ở nơi rừng núi hiểm trở xa xôi.
[6] Tông đường [宗 堂] = Nhà thờ cúng tổ tiên. Câu này hàm ý Thúc Sinh vì chưa có con trai để nối dõi tông đường thờ cúng tổ tiên, nên không nỡ mang Kiều bỏ nhà đi được.
[7] Chữ đồng [同] = Chữ thề “đồng tâm” với nhau và chữ đồng ở trong nút “đồng tâm kết” thề lấy nhau.
[8] Thẹn mình đá nát vàng phai – Xem câu 1366: Thúc sinh cam đoan với Kiều trước khi lấy Kiều “Đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều” nay chàng không liều thân giữ được lời cam kết ấy nên chàng thẹn lòng là để lời vàng đá đó phải phai nát.
[9] Trăm thân dễ chuộc một lời được sao = Dù đem trăm lần thân mình để chuộc cái tội lỗi thề ấy cũng không được. Câu này lấy điển ở câu trong Kinh Thi “Như khả thục hề, nhân bách kỳ thân [如 可 贖 兮, 人 百 其 身] = Nếu mà có thể chuộc được, thì mọi người ai cũng đem trăm lần thân mình ra mà chuộc.”
[10] Chiếc bách = Chiếc thuyền làm bằng gỗ bách. Bách là một loài thông gỗ nhẹ mà dai bền làm thuyền rất tốt. Chữ “chiếc bách” lấy điển ở chữ “Bách chu [柏 舟]” trong Kinh Thi, tượng trưng cho người đàn bà góa chồng như chiếc thuyền gỗ bách lênh đênh ở giữa giòng sông.
[11] Cũng liều một hạt mưa rào = Cũng muốn nhảy xuống giếng mà tự tử cho hết đời, như hạt mưa rào rơi xuống giếng. Ca dao có câu: “Thân em như hạt mưa rào / Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.”
[12] Con tằm đến thác cũng còn vương tơ = Con tằm lúc đã chết ở trong nồi ươm tơ rồi mà hãy còn tơ vương vít ở quanh mình nhộng. Thúc Sinh nói tuy phải xa bỏ Kiều, nhưng còn nhớ nhau cho đến lúc chết, chẳng bao giờ quên nhau. Điển câu này lấy ở câu thơ nhớ tình nhân của Lý Thương Ẩn, bốn câu trên bài thơ ấy như sau:
[相 見 時 難, 别 亦 難] Tương kiến thì nan, biệt diệc nan
Lúc gặp nhau khó, lúc từ giã nhau cũng khó
[東 風 無 力, 百 花 殘] Đông phong vô lực, bách hoa tàn
Gió đông tuy hòa ấm, nhưng không sức giữ được trăm hoa tàn
[春 蠶 到 死 絲 方 尽] Xuân tàm đáo tử ti phương tận
Con tằm mùa xuân đến lúc chết mới hết tơ
[蠟 炬 成 灰, 淚 始 乾] Lạp cự thành hôi, lệ thủy can
Ngọn nến đến lúc bấc hóa tro, giọt nước mắt mới khô
Mượn điển này tả cảnh Thúc Sinh phải đau đớn từ biệt Kiều, thật đích đáng rất hay.
[13] Bút pháp [筆 法] = Phép cầm bút để viết. Phép cầm bút lông để viết chữ Hán rất khó, khi cầm bút nghiêng, khi cầm bút thẳng, khi nhấn mạnh ngòi bút, khi nhấn nhẹ, khi đưa nhanh, khi đưa chậm… Ai có óc mỹ thuật thì chữ mới đẹp, nên người chữ tốt đẹp thường hay vẽ khéo.
[14] Thiếp Lan đình [蘭 亭 帖] (Lan đình thiếp) – Vương Hi Chi người đời Tấn, có tiếng là tay chữ tốt đẹp nhất nước Tàu xưa nay. Ông có làm bài tựa tập thơ vịnh hội Lan đình, ông cho là có thần giúp mới làm được bài tựa hay như thế, cho nên ông mới kén dùng giấy bút, mực, đều là hạng tốt nhất để viết thành một tập. Khi viết xong, ông cho là tập văn hay chữ tốt tuyệt bực, mới truyền cho con cháu giữ làm gia bảo của họ Vương. Mãi đến người cháu bảy đời của ông là Sư Trí Vinh, vì lời yêu cầu của vua Đường Thái Tông, mới đem dâng. Vua quý lắm, sai Trử Toại Lương mạc lại để khắc bản in mà phát cho các quan, còn vua giữ bản chính. Và khi vua gần mất, dặn lại chỉ mang tập Thiếp Lan Đình chôn theo cho vua. Tập thiếp này khắc đi khắc lại và truyền mãi cho đến bây giờ.
[15] Thiền trà [禪 茶] = Nước trà nhà chùa vẫn nấu bằng gỗ cây hoa mai đẽo mỏng, vì mầu gỗ hơi hồng hồng, nên gọi là nước hồng mai.
[16] Dón chân = Sẽ bước, không cho gót chân nện mạnh xuống đất thành tiếng thình thịch.
[17] Câu Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than và câu Dặn tôi đứng lại một bên vần liền với nhau, mà ông Trần Trọng Kim không biết lại cho là mất vần. Trong sách khảo chính Bạch Vân Từ Phổ (Sách khảo cứu về vần thơ) nói: Các chữ thuộc về các vần thập tam Nguyên, thập tứ Hàn, thập ngũ San, và nhất Nguyên đều thông dụng lẫn với nhau. Xem đó thì biết chữ “than” vẫn có vần với chữ “bên.” Trong truyện Kiều có nhiều chỗ gieo vần như thế, ta chớ tưởng lầm.
[18] Sởn gai = giật mình sợ hãi đến nỗi tóc gáy như dựng lên và da như nổi gai lên giống da gà vặt lông rồi.
[19] Mà chàng Thúc phải ra người bó tay – Chữ “mà” ở đây nghĩa là “cho nên.” Có bản Kiều đổi câu này thành “Thảo nào chàng Thúc ra người bó tay” cho rõ nghĩa hơn, nhưng lời không thanh nhã. Câu này tác giả còn có ý “chơi chữ” cho vui, vì Thúc Sinh tên là Thúc Thủ [束 守], chữ “thúc” nghĩa là bó, chữ “thủ” nghĩa là giữ, nhưng đồng thanh với chữ thủ [手] là tay, nên tác giả mượn tiếng mà đặt “Mà chàng Thúc phải ra người bó tay”. (Ta hay dùng chữ “thúc thủ [束 手]” để nói khi gặp việc khó quá, đành chịu không làm gì gỡ được, như mình bị bó tay lại). Bởi vậy, có bản Kiều lại đổi hẳn câu này là “Mà chàng Thúc Thủ ra người bó tay.”
[20] Thực tang [實 賍] = Tang chứng rõ ràng, bắt được ngay trước mắt.
[21] Giận dầu ra dạ thế thường / Cười dầu mới thật khôn lường hiểm sâu – Hai câu này lấy điển ở lời Ngư Triều Ân như sau: Ngư Triều Ân là tên hoạn quan được vua Đại Tông nhà Đường tin dùng, rất có thế lực, oai quyền khắp trong triều, ngoài dân. Một hôm Ân mời hai ông Tể tướng đến đãi tiệc, muốn chế diễu hai ông, sai bọn phường hát diễn kịch nấu canh. Một tên làm đổ nồi canh tắt cả bếp; một tên mắng rằng “Thế mà cũng đòi làm nghề nấu canh!” (Nghĩa bóng của “nấu canh” ở Kinh Thư là làm Tể Tướng giúp vua coi việc nước). Một ông Tể tướng giận quá bỏ tiệc ra về, còn ông kia là Nguyên Tải [元 載] vẫn vui cười ăn uống như không. Tiệc tan khách về hết, Ngư Triều Ân bảo lũ thuộc hạ: Người giận kia là nông nổi tầm thường, ta không lo gì. Còn người cười kia bụng dạ thâm độc kín đáo lắm, ta thật đáng sợ. Sau quả nhiên bọn Ngư Triều Ân bị Nguyên Tải giết.
[22] Bẻ hoa = Nghĩa bóng là giết chết.
[23] Hộ thân = Giữ mình, nuôi sống mình.
[24] Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương – Câu này lấy ý ở hai câu thơ Thương Sơn tảo hành (Cảnh đi sớm ở Thương Sơn) của Ôn Đình Quân đời Đường:
[鷄 声 茅 店 月] Kê thanh mao điểm nguyệt
Tiếng gà gáy ở trong điếm lợp cỏ gianh dưới bóng trăng
[人 跡 板 橋 霜] Nhân tích bản kiều sương
Vết chân người đi ở trên ván cầu đầy những sương móc
[25] Trời đông vừa rạng ngàn dâu – Trời đông = Phương trời phía đông. Ngàn dâu = Do chữ phù tang [扶 桑] dịch ra. Theo sách Đan Duyên Tống Lục nói thì phù tang là thứ dâu mọc ở trên bể, hai cây mọc liền nhau, nâng đỡ lẫn nhau nên gọi là phù tang. Sách Thiên văn nói “Mặt trời mọc ở Dương Cốc, lặn ở Hàm Trì, và phất lên ngọn dẫy phù tang, thế là lúc bình minh.” Ta chớ lầm chữ ngàn dâu là phương đông này với chữ bóng dâu là phương tây.
[26] Chiêu Ẩn Am [招 隐 庵] = Cái am mời người đi ẩn vào.
[27] Trụ trì [住 持] = Người sư tu đã lâu thành bực khá, sư ông, sư bà, có thể làm chủ một ngôi chùa.
[28] Lành lòng = do chữ từ tâm [慈 心] dịch ra.
[29] Quy sư, quy Phật = Phát thệ đi tu.
[30] Bổn sư = Vị sư thày của mình.
[31] Sư huynh = Tiếng nhà tu hành gọi nhau giữa hai bực ngang nhau để tỏ lòng thân quý; bất kỳ sư nam hay sư nữ đều gọi là huynh.
[32] Diện hiến [面 献] = Dâng trình trước mặt.
[33] Hậu tình [厚 情] = Chỗ bạn thân tử tế với nhau.
[34] Trai phòng [齋 房] = Nơi nấu đồ ăn chay ở chùa. Kiểu nấu đồ ăn chay đã quen.
[35] Lá bối = Do chữ bối diệp [貝 葉] dịch ra. Kinh nhà Phật trước kia thường viết lên lá cây bối đa, là một loài cây lá gồi, lá nón.
[36] Tiếng chày nện sương = Tiếng dùi đánh chuông lúc mờ sáng.
Diễn ra văn xuôi
Câu 1939, 1940 = Trong khi Kiều chỉ những âm thầm, ngậm thở nuốt than như thế, thì bỗng tình cờ được một hôm Tiểu thư về quê thăm cha mẹ đẻ.
Câu 1941, 1942 = Thúc sinh (không biết là Hoạn Thư giả vờ về để lừa mình) liền thừa cơ xăm xăm đến ngay phía vườn hoa và lên gác Quan Âm để gặp Kiều.
Câu 1943, 1944 = Gặp nhau, chàng liền giở nỗi đoạn trường ra mà sụt sùi khóc sướt mướt, nước mắt đẫm vạt áo mà nói với nàng:
Câu 1945, 1946 = Tôi xin chịu tội bội bạc với nàng. Chỉ vì tôi là một chúa xuân bất tài mà để đóa hoa là nàng phải chịu tội riêng một mình.
Câu 1947, 1948 = Vì tôi ngu đần, cơ mưu thấp kém, thua trí một mụ đàn bà, thành ra mắc vào cái tình thế trông vào nàng thì đau ruột nên không dám trông, mà nói ra thì sợ lời tôi nói nguy hiểm cho nàng, nên cũng đành im miệng.
Câu 1949, 1950 = Chỉ vì ta mà thành ra nàng phải chịu khổ sở phải vùi giập tấm thân ngà ngọc này ở trong bùn lầm, phải uổng thiệt một đời xuân xanh tươi đẹp này.
Câu 1951, 1952 = Đã nhiều lúc tôi định đem nàng đi trốn, mặc dù phải lên thác xuống ghềnh, khổ sở nguy hiểm thế nào cũng không quản ngại để cùng được sống chết với nhau trong tình trường cho trọn đời.
Câu 1953, 1954 = Nhưng chỉ nỗi tôi chưa có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, nên tôi không đành lòng bỏ nhà ra đi. Bởi vậy tôi đành chịu đau đớn cắn răng mà bẻ chữ đồng tâm với nàng làm đôi.
Cầu 1955,1956 = Tôi rất hổ thẹn là đã phụ lời đem vàng đá ra thề với nàng, thế mà nay để đá phải nát, vàng phải phai. Tội phụ tình nàng to lắm, dẫu tôi đem trăm tấm thân ra để chuộc lấy một lời thề đó, cũng chưa dễ đã được đâu!
Câu 1957,1958 = Kiều bảo chàng: Thân tôi như chiếc thuyền nhẹ, lênh đênh một mình ở giữa giòng sông to sóng cả này, thì nổi hay chìm cũng chỉ đành chịu số phận rủi may thôi, chứ biết làm sao được!
Câu 1959, 1960 = Chút thân giun dế quần quại dưới vũng lầy này, trong lúc sống thừa sống nhục, có tưởng đâu lại còn được gặp nhau lần này nữa như hôm nay để được giãi bầy tâm tình cùng nhau!
Câu 1961, 1962 = Tôi xin nói cho chàng biết rằng nhiều lần tôi đã toan gieo mình xuống giếng như hạt mưa rào xấu số cho xong, để cho thiên hạ họ biết rằng tôi đây đâu phải là hạng người tầm thường.
Câu 1963, 1964 = Nhưng chỉ đau xót vì một điều chúng ta đã trót bén duyên cầm sắt với nhau, dẫu chẳng được lâu dài trăm năm, nhưng cũng là vợ chồng rồi, tôi chết đi đã đành, nhưng e để thương để nhớ, tội tình cho chàng suốt đời.
Câu 1965, 1966 = Vậy chỉ còn cách này là hơn cả: Tôi xin chàng tìm cách nào cho tôi được ra khỏi nhà này, thế là tình nặng, thế là ơn sâu chàng ban cho tôi đó!
Câu 1967, 1968 = Thúc Sinh nói: Nàng nghĩ thế phải lắm. Chính lòng riêng tôi cũng đã nghĩ thế lâu rồi. Lòng hiểm độc của mụ này thật khó mà lường được.
Câu 1969, 1970 = Nếu nàng ở đây mãi, lo khi nó nổi cơn gió bão, phũ phàng nguy hiểm đến tính mạng nàng, thì trước là thiệt cho nàng, sau là tôi đây lại càng đau thương khổ cực quá.
Câu 1971, 1972 = Thôi thì đành vậy, nàng phải liệu tìm cách xa chạy cao bay, tránh cho thoát khỏi chỗ này đi. Tình nghĩa ái ân của đôi ta chỉ ngắn ngủi có ngần này thôi, thế là hết từ đây!
Câu 1973, 1974 = Ôi! Từ bây giờ kẻ ở người đi, có khác gì kẻ ngược người xuôi, mỗi người một ngả, chẳng biết có bao giờ nối lại được lời thề nước non với nhau nữa không!
Câu 1975, 1976 = Tôi xin nàng biết cho rằng, dù cho sông cạn hết nước, núi mòn hết đá, chứ lòng tôi chẳng bao giờ quên được nàng, cũng như con tằm kia, còn vương tơ mãi mãi cho đến lúc chết.
Câu 1977 đến 1980 = Trong khi hai bên còn đang kể lể truyện trước truyện sau, nói rồi lại nói, lời chửa hết lời, mặt nhìn mặt nhau, tay cầm tay nhau chẳng nỡ rời nhau ra chút nào, thì con Hoa Tỳ bỗng lên tiếng báo động nơi xa xa bên ngoài.
Câu 1981, 1982 = Thế là chàng nàng liền nhịn hết mọi nỗi nhớ thương, ngừng hết mọi lời than thở, mà đứng dậy xa nhau ra, và Tiểu thư đã từ đâu rẽ qua mấy chậu hoa mà bước vào rồi.
Câu 1983, 1984 = Mặt thì tươi vui, miệng thì ngọt ngào, cười cười nói nói hỏi Thúc Sinh: Chàng ở đâu mới lại chơi đây thế ?
Câu 1985, 1986 = Thúc Sinh liệu lời nói dối quanh rằng: Vắng mình tôi buồn quá, mới ra dạo vườn tìm hoa xem, rồi nhân quá bước, mới lên xem sư viết kinh.
Câu 1987, 1988 = Hoạn Thư cũng bắt chước chồng lại xem Kiều viết và niềm nở khen rằng: Chữ sư cô viết tinh sảo tốt đẹp quá, so với thiếp Lan đình thật không kém.
Câu 1989, 1990 = Tôi rất tiếc cho sư cô là người có tài như thế mà sao gặp bước long đong giang hồ như thế? Tài này thật đáng đem nghìn vàng ra mà mua lấy!
Câu 1991, 1992 = Rồi vợ chồng ngồi uống trà nhà chùa nấu bằng gỗ cây mai màu hồng hồng, và khi uống cạn chén, thong dong theo bước nhau cùng ra về.
Câu 1993, 1994 = Kiều lúc đó phần thì e ngại, lo sợ về việc Hoạn Thư bắt gặp vừa rồi, phần thì càng ủ ê rầu rĩ vì cuộc vĩnh biệt thê thảm chàng nàng, mới gọi Hoa Tỳ lại gần, rỉ tai sẽ hỏi rõ trước sau là Hoạn Thư từ đâu đến, đến đã lâu hay mới đến?
Câu 1995, 1996 = Hoa Tỳ nói rõ đủ đầu đuôi cho nghe rằng: Bà đến đây đã lâu lắm, và đã đến núp ở đây mà nghe chừng hơn nửa giờ rồi (nửa giờ đây tức là 1 giờ đồng hồ bây giờ).
Câu 1997, 1998 = (Hai câu này phải diễn giải đảo ngược lên thì lời mới xuôi): Mấy lời ông và nàng nói với nhau, bà đã nghe được thừa rõ ràng từng kẽ tóc chân tơ.
Câu 1999, 2000 = Bao nhiêu những nỗi đau khổ đoạn trường, những tình thương xót nhớ tiếc nhau, và bao nhiêu những nỗi ông vật vã, những nỗi nàng thở than, bà đều biết hết.
Câu 2001, 2002 = Bà bảo tôi đứng im ra một bên, và khi bà nghe đã chán tai rồi, mới cho tôi động tiếng báo, và ung dung bước lên lầu, vui vẻ như không biết chuyện gì.
Câu 2003, 2004 = Kiều thấy Hoa Tỳ kể cho nghe rõ ràng như vậy sợ lắm. Nàng nghĩ: Trong bọn đàn bà, ta chưa thấy một người nào khôn ngoan thâm hiểm được đến như thế.
Câu 2005, 2006 = Người thế mới thật là gan, thế mới thật là tài, không việc gì làm rối động được lòng, không ai dò xét được bụng. Ta càng nghĩ càng sợ, dựng tóc gáy, sởn da gà, hồn vía rụng rời tan đâu hết.
Câu 2007, 2008 = Người đâu mà sâu sắc nước cờ đối với đời được như thế! Chẳng trách chàng Thúc phải bó tay không bênh vực được ta chút nào!
Câu 2009, 2010 = Rõ ràng bắt được quả tang chàng Thúc đến than khóc, tự tình với ta như thế, giá thử là người đàn bà khác, thì ai mà chẳng chau mày nghiến răng, gầm thét nổi ghen lên?
Câu 2011, 2012 = Thế mà người này vẫn như không, đã chẳng đả động gì đến việc này, lại còn chào hỏi vui vẻ, trò chuyện dịu dàng nữa mới sợ!
Câu 2013, 2014 = Nếu mụ nổi cơn giận dữ, thì cũng là dạ người thường ở trên đời, ta không đáng sợ. Nhưng mụ lại cười, cái cười này của mụ thật tỏ ra là người hiểm độc đáng sợ vô cùng!
Câu 2015, 2016 = Ta phải lo cho thân ta mới được. Chỗ này thật nguy hiểm, có miệng hùm nọc rắn ở đâu đây, nó làm chết ta lúc nào không biết !
Câu 2017, 2018 = Nếu ta không xa chạy cao bay cho sớm, thì thế nào cũng có lúc con hùm con rắn này nó giết ta, như kẻ trèo cây mãi không nhịn được bẻ hoa.
Câu 2019, 2020 = Ôi ! Cái thân phận cánh bèo của ta này có quản ngại gì dòng nước từ núi sa xuống, dù cho lênh đênh đến thế nào nữa, thì cũng đến như thế này là cùng, ta chẳng sợ gì !
Câu 2021, 2022 = Nàng chỉ lo khi bỏ ra đi rồi thì một mình bơ vơ nơi đất khách, nếu chỉ có bàn tay không, thì khó có thể tìm được cách làm cho có cơm ăn áo mặc được.
Câu 2023, 2024 = Nàng nghĩ quanh quẩn mãi, thì chợt nghĩ ra trên bàn thờ Phật có hai cái chuông vàng khánh bạc con, có thể mang đi độ thân được.
Câu 2025, 2026 = Nàng liền giắt những chuông khánh ấy vào trong mình làm của độ thân sau này. Khi sắp sửa mọi đồ hành lý xong đâu đấy rồi, thì lần lần nghe trống canh đã điểm một phần canh ba (nghĩa là quá nửa đêm).
Câu 2027, 2028 = Nhân lúc nửa đêm vắng vẻ ấy nàng liền cất mình lên trèo qua bức tường hoa mà ra ngoài trốn đi. Trời lúc đó tối lắm, chỉ có bóng vành trăng thượng tuần đã xế về tây, nàng phải theo ánh trăng tà đó mà lần lần dò từng bước đường mà đi.
Câu 2029, 2030 = Trời tối mù mịt, trông xa xa chỉ thấy mặt đường cát trăng trắng và những đồi cây um đen đáng ghê sợ. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng gà gáy ở phía điếm lều tranh dưới vành trăng xế; khi qua cầu thì thấy lờ mờ vết chân người in trên ván cầu đầy sương móc.
Câu 2031, 2032 = Ta hãy tưởng tượng cái cảnh : đêm thì khuya khoắt tối tăm, nàng thì thân gái yếu đuối, đường đi thì dài thẳm lạ lùng, lại thêm nỗi ngoài thì biết bao nhiêu sự đáng sợ nơi đường sá: nào kẻ gian phi, nào người đuổi bắt, trong lòng thì biết bao nhiêu nỗi thương thân liễu bồ phải xông pha bước nguy hiểm, phải dầu dãi đêm sương gió. Ta cứ tưởng tượng như thế, thì ta sẽ biết tình cảnh nàng lúc đêm đó thật khổ cực đủ đường, lo sợ đủ đường.
Câu 2033, 2034 = Nàng cứ theo ánh trăng tà mà rảo bước đi bừa về phía tây, cho đến khi trời đã rạng đông, đã thấy ánh mặt trời dựng lên ở phía sau ngàn dâu biệt thẳm. Trời càng sáng, nàng càng thấy lo sợ, càng thấy bơ vơ : nào biết đi đâu bây giờ ? Nào biết đâu là nơi mình có thể vào ẩn lánh được ?
Câu 2035 đến 2038 = Trong khi nàng đương lo sợ bơ vơ như thế, thì bỗng trông thấy một ngôi chùa nhỏ ở xa xa trước mặt, và nhìn thấy rõ ba chữ to đề ở biển trước cửa chùa là “Chiêu Ẩn Am” (nghĩa là ngôi chùa nhỏ mời người đến ẩn lánh cuộc đời). Nàng cho là điềm tốt, liền xăm xăm rảo bước mau chân đi vào mái ngoài mà gõ cửa. Bà Trụ trì nghe tiếng chạy ra mở cửa mời vào.
Câu 2039, 2040 = Thấy nàng ăn mặc nâu sòng, bà Sư trưởng Giác Duyên vốn sẵn lòng nhân từ, liền có lòng thương quý nàng.
Câu 2041, 2042 = Khi Sư trưởng Giác Duyên hỏi cặn kẽ cho biết rõ ngọn ngành gốc tích của nàng, thì trong buổi mới mẻ còn lạ lùng, nàng hãy tạm tìm lời nói dối quanh rằng :
Câu 2043, 2044 = Kính thưa Sư trưởng, Tiểu thiền tôi quê ở Bắc Kinh, đã phát nguyện quy Sư, quy Phật, theo thầy Bổn sư tôi tu hành đã lâu.
Câu 2045, 2046 = Bổn sư tôi cũng sẽ đến sau và có giao cho tiểu tôi những đồ Pháp bảo này mà dậy rằng mang đến dâng Sư huynh trước.
Câu 2047, 2048 = Nay may được gặp Sư trưởng đây, tiểu tôi vâng lời Bổn sư xin kính dâng cẩn thận trước mặt Sư trưởng.
Câu 2049, 2050 = Nói dứt lời, nàng giở chuông khánh bạc ở bên mình bầy ra kính dâng.
Câu 2051, 2052 = Sư Giác Duyên xem qua, rồi bảo rằng : Đây chắc là Sư bà Hằng Thủy, là bạn rất thân tình tử tế với ta gửi cung tiến chùa ta đây !
Ta thấy tiểu có ý nóng lòng muốn đi tìm Sư thày Hằng Thủy, ta e đường xá lạ lùng, đi một mình bơ vơ nguy hiểm. Vậy tiểu hãy đành ở tạm đây chờ đợi ít lâu, thế nào Sư huynh ta cũng tìm được đến.
Mấy lời phụ chú: Xét trong đoạn Kiều mới gặp Giác Duyên này, trong truyện tả vắn tắt quá, ý nghĩa không được thật rành rõ, vậy xin dẫn lời phụ chú về việc này ở bản Kiều Trần Trọng Kim vào đây, để chư vị độc giả biết rành rõ hơn : “Trong bản chữ Hán nói : Kiều đến chùa gõ cửa, có bà vãi ra hỏi, Kiều nói rằng đi vân du đến đây, xin vào nghỉ chân. Vãi nói việc này phải hỏi Sư Đương Gia. Kiều hỏi Sư Đương Gia pháp danh là gì ? Vãi bảo là Giác Duyên. Kiều nhớ lấy tên ấy, rồi vào nói với Giác Duyên : Tôi cùng với thầy tôi định đi đến Chiêu Ẩn Am thăm Sư Giác Duyên, không ngờ thày tôi đi lạc đâu, tôi tìm không thấy, và tìm mãi mới thấy chùa đây, chẳng biết thầy tôi đã đến đây chưa ? Giác Duyên nghĩ một lúc rồi hỏi : Có phải là Sư Hằng Thủy ở Trấn Giang không ? Kiều nhận là phải…”
Câu 2053, 2054 = Thế là Kiều được gửi thân vào nơi nhỏ kín ở trong mây phủ, cơm chay dưa muối xong lần, nhưng suốt ngày qua tháng lại lúc nào trong lòng cũng được thảnh thơi.
Câu 2055, 2056 = Kinh kệ nàng thuộc lòng sẵn, nên tụng kinh niệm Phật rất thông thạo. Những việc đèn hương thờ Phật cũng là việc cũ của nàng và những việc nấu nướng đồ chay trong trai phòng nàng đã làm quen tay cả rồi.
Câu 2057, 2058 = Khi muốn tiêu khiển thì hoặc giở kinh Phật chép trên lá bối đa mà xem buổi tối, hoặc ra sân ngắm cây lá phướn bay bay, phất phới như mây buổi sớm.
Câu 2059, 2060 = Giác Duyên thấy nàng thông tuệ khác người thường, nên càng có lòng kính nể, và nàng cũng được yên lòng, chắc là ở đây được vững chân lâu dài.
Những câu có ý móc nối và những chữ có ý khen chê
1. Câu đầu đoạn này “Những là ngậm thở nuốt than” trên thì ứng với câu “Nói lời trước mặt, rơi châu vắng người”, dưới thì ứng với câu “Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than.” Bị quan phòng nghiêm ngặt, ngậm thở nuốt than mãi, nay được dịp may gặp nhau, tha hồ than thở.
2. Câu Thúc Sinh tạ lỗi Kiều “Thẹn mình đá nát vàng phai” ứng với câu chàng bảo Kiều trước khi đem Kiều đi với chàng ra khỏi lầu xanh “Đã gần chi có điều xa / Đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều.” Trước thì “quyết phong ba cũng liều” như thế, sao nay lại viện cớ nọ cớ kia mà chẳng “lên thác xuống ghềnh, sống chết với tình cho cam” ?
3. Câu Thúc bảo Kiều “Liệu mà xa chạy cao bay / Ái ân ta có ngần này mà thôi” ứng với câu Kiều yêu cầu Thúc “Liệu bài mở cửa cho ra / Ấy là tình nặng, ấy là ơn sâu” – Thúc thấy Kiều yêu cầu “mở cửa cho ra” nhưng chàng đành bó tay, chỉ nói gọn lỏn : Liệu mà xa chạy cao bay đi thôi, và cuộc ái ân đôi ta đến đây đành xin chấm dứt – Đọc hai câu ứng đối này, ta thật đáng ngán cho Kiều, chết đuối vớ phải bèo !
4. Câu Thúc Sinh nói “Lòng người nham hiểm biết đâu mà lường / Nữa khi giông tố bất thường…” và câu tả cách dọa ngầm của Hoạn Thư “Cười cười nói nói ngọt ngào … Thiền trà cạn nước hồng mai / Thong dong nối gót thư trai cùng về…” và những câu Hoa Tỳ nói “Bà đến đã lâu … Rành rành kẽ tóc chân tơ … nghe hết đã dư tỏ tường” đều là những mũi dùi thúc đẩy Kiều vội vàng đi trốn, không quản gì lấy trộm cả đồ thờ Phật.
5. Những lời Hoa Tỳ kể rành rõ cho Kiều biết, không phải là nó mỏng môi, có ý tâng công với cô tiểu Trạc Tuyền, mà đích là nó theo lời theo ý của bà chủ nó, để đánh một ngón đòn cân não giục cô tiểu không ngoan, choáng hồn phải vội vàng chắp cánh cao bay, chàng Thúc hết tìm.
6. Chữ “phải” ở câu “Tiểu thư phải buổi vấn an về nhà” cũng có ý nghĩa là rõ ràng hữu ý mà giả vờ làm như vô tình, như những chữ “phải” ở các câu “Cách tường phải buổi êm trời” (289), “Buồng the phải buổi thong dong” (1309).
7. Câu “Hỏi chàng mới ở chốn nào lại chơi” mới đọc qua thì tưởng là tầm thường, nhưng để ý suy nghĩ, thì thấy chữ “mới” ý nghĩa rất tế nhị. Hoạn Thư đã núp nghe rành rõ lâu hơn nửa giờ rồi, mà còn giả vờ như mới đến chưa nghe thấy gì mà tưởng Thúc mới đến đây như mình, nên mới hỏi “Chàng mới lại đây bao giờ ?” vừa làm cho chồng khỏi ngượng, vừa làm cho Kiều biết rõ mình bí hiểm lại càng sợ hơn.
8. Trong các phần tả cơ mưu Hoạn Thư đánh ghen, đều là đòn cay độc kín đáo, làm cho chồng và tình địch đau đớn vô cùng mà đành lặng lẽ chịu đòn, rồi kết cục đành phải “nghiến răng mà bẻ chữ đồng làm hai.”
9. Trong các phần tả cuộc đối đãi nhau giữa đôi tình địch Hoạn Thư -Thúy Kiều, chúng ta thấy hai bên đều là tay tuyệt đối cả : Kiều thì tuyệt đối khôn biết trung hậu thật thà, tuyệt đối kiên nhẫn chịu đựng khổ cực; Hoạn thì tuyệt đối khôn ngoan quỷ quyệt kín đáo, tuyệt đối khéo sử dụng mưu kế. Chỉ khác lúc còn xa nhau, Kiều thì đoán biết được tâm trạng nham hiểm của Hoạn Thư, mà Hoạn Thư mãi lúc ở với nhau mới biết được tài tình cao thượng củaKiều, và có thể gọi là thành đôi tri kỷ được, mặc dù địa vị một vực một trời.
10. Những lời Hoạn Thư khen Kiều như “Bút pháp đã tinh … Không thua thiếp Lan đình … Nghìn vàng cũng nên mua lấy tài… Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên…” Đều là lời khen thành thật cả, đúng như lời Hoạn kể sau này để gỡ tội : “Lòng riêng riêng cũng kính yêu / Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.”
11. Ấy chỉ vì cái nỗi “không ai chiều chồng cho ai” đó mà thành ra Hoạn – Kiều càng hiểu biết nhau, lại càng phải tìm cách xa nhau. Kiều biết rằng, tài hoa mình đã làm cho Hoạn phải kính yêu, nhưng lại có thể làm cho Hoạn phải gờm sợ một ngày kia cướp lại mất “chồng chung” mà không thể bao dung mình mãi ở cảnh tu vờ vĩnh này được. Bởi vậy lúc nào Kiều cũng mong dịp được gặp riêng chàng Thúc để xin chàng “liệu bài mở cửa cho ra” và để tỏ tình thủy chung với mối tình “Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta” chứ không nỡ “Cũng liều một hạt mưa rào” để cho chàng phải thêm phần xót xa.
12. Về phần Hoạn Thư cũng vậy. Cô rất kính yêu tài hoa phi thường của Kiều, nhưng cô cũng sợ cái giá “đáng đúc nhà vàng để chứa” đó không thể nào chàng Thúc bó tay bỏ lỡ mãi được, biết đâu chẳng có lúc họ “lên thác xuống ghềnh, sống chết với tình cho xong.” Mặc dù gác kinh đã quan phòng then chặt lưới mau, nhưng cô lúc nào cũng không khỏi quan tâm được, chỉ có cách đuổi hẳn Kiều đi là vững chắc nhất, hết lo ngại. Nhưng đuổi bằng cách nào để vừa cho Kiều đi thật mất tích, Thúc hết tìm, vừa để cô khỏi mang tiếng là tàn tệ, là ghen tuông mà bị Kiều khinh rẽ coi thường, mà còn trái lại để nàng phải sợ phải phục. Bởi vậy cô phải suy tính nhiều, nghĩ ra mưu sâu dụ địch mắc vào vòng phục kích ở gác Quan Âm, để rồi chỉ dọa mát : “Chào mời vui vẻ, nói năng dịu dàng” mà khiến Kiều phải “sởn gai rụng rời” vội vàng nửa đêm lấy trộm cả pháp bảo mà trốn đi ! Thế là cô ta đã chẳng mang tiếng tàn nhẫn gì mà đuổi tình địch như chơi, mà sau này lại còn được lời kêu van đúng lý “Nghĩ cho khi gác viết kinh / Bỏ ra khỏi cửa dứt tình chẳng theo” khiến cho “Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư” mà được thả ngay ở trướng tiền.
13. Xét ra thật đôi tình địch này có lòng sợ phục lẫn nhau, nên Hoạn Thư thật dạ lập tâm sắp sẵn đồ độ thân cho Kiều đi trốn, mà không truy tìm nữa để tỏ lòng quý Kiều. Và Kiều cũng phục Hoạn Thư có lòng thương quý mình như thế, nên nghe lời Hoạn Thư nhắc lại, liền tha ngay tội không báo thù nữa. Rõ ràng là hai tình địch này là hai kẻ tri kỷ với nhau, nên xử với nhau mới cùng có độ lượng như thế.
14. Câu Kiều xin với Thúc Sinh “Liệu bài mở cửa cho ra / Ấy là tình nặng, ấy là ơn sâu” tình ý rất thê thảm : Tưởng là ân sâu tình nặng gì ? Hóa ra chỉ là xin mở cửa cho được ra khỏi nhà chàng ! Thật cũng là một câu đoạn trường.
15. Câu “Thong dong nối gót thư trai cùng về” – nếu chỉ đọc qua thì thoảng nhiên thế vậy thôi – nhưng nghĩ kỹ thì thấy ý nghĩa sâu sắc vô cùng : Đối với Hoạn Thư thì thật là một cuộc vui vẻ thắng trận ra về; đối với Thúc Sinh thì chỉ ung dung bề ngoài, còn trong lòng thật đầy thương nhớ, nhất là đối với Kiều thì thật đủ các thứ cảm tình sầu khổ, bơ vơ, tủi cực, nhớ tiếc. Kẻ thắng trận càng làm ra vẻ ung dung bao nhiêu, thì kẻ bại trận càng đau buồn bấy nhiêu. Thế là vĩnh biệt tình nhân, hết cuộc “ái ân có ngần ấy thôi.”
16. Câu “Tiếng gà điểm nguyệt, dấu giày cầu sương” đã mượn ý câu thơ cổ để tả rất hay rất đúng cảnh buồn bã bâng khuâng lúc đi đêm hồi gần sáng, nhưng còn ngầm tả nỗi lòng sợ sợ lo lo của Kiều, lúc nào cũng để ý nghe trước nhìn sau, không sểnh tai mắt, nghe thấy gà gáy cũng sợ trời sắp sáng, người đuổi tìm sắp đến, thấy vết chân mình in trên ván cầu đầy sương, cũng sợ người đuổi tìm nhận thấy dấu vết của mình.
17. Câu “Canh khuya thân gái dặm trường” chỉ có 6 chữ mà tả đầy đủ tình cảnh cô gái lưu lạc lúc đó, nào bơ vơ, nào sợ hãi, nào lo âu, nào liều mạng, nào thương thân. Một nhà văn sĩ Pháp đọc đến câu này đã phải bái phục là câu văn hay gọn tuyệt vời, không đâu có câu văn hay như thế !
[ĐÀM DUY TẠO]