CHƯƠNG 28
KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI
Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO
trước tác năm 1986
(Thứ nam) Đàm Trung Pháp
hiệu đính và phổ biến năm 2020
* * * * *
CÂU 2857 ĐẾN CÂU 2972
“Thăng đường hỏi mộng, thiết vị chiêu hồn”
2857. Những là phiền muộn đêm ngày,
Xuân thu biết đã đổi thay mấy lần? [1]
2859. Chế khoa gặp hội tràng văn. [2]
Vương, Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày. [3]
2861. Cửa trời rộng mở đường mây, [4]
Hoa chào ngõ hạnh, hương bay dặm phần. [5]
2863. Chàng Vương nhớ đến xa gần,
Sang nhà Chung lão tạ ân chu tuyền. [6]
2865. Tình xưa ân trả nghĩa đền,
Gia thân lại mới kết duyên Châu Trần. [7]
2867. Kim từ nhẹ bước thanh vân, [8]
Nỗi nàng càng nghĩ xa gần càng thương.
2869. Ấy ai dặn ngọc thề vàng, [9]
Bây giờ kim mã, ngọc đường với ai? [10]
2871. Rễ bèo chân sóng lạc loài, [11]
Nghĩ mình vinh hiển, thương người lưu ly.
2873.Vâng ra ngoại nhậm Lâm tri, [12]
Quan san nghìn dặm thê nhi một đoàn.
2875. Cầm đường ngày tháng thanh nhàn, [13]
Sớm khuya tiếng hạc, tiếng đàn xôn xao. [14]
2877. Phòng xuân trướng rủ hoa đào,
Nàng Vân nằm bỗng chiêm bao thấy nàng.
2879. Tỉnh ra mới rỉ cùng chàng,
Nghe lời chàng cũng hai đường tín, nghi. [15]
2881. Nọ Lâm thanh với Lâm truy,
Khác nhau một chữ hoặc khi có lầm.
2883. Trong cơ thanh khí tương tầm, [16]
Ở đây hoặc có giai âm chăng là? [17]
2885. Thăng đường chàng mới hỏi tra, [18]
Họ Đô có kẻ lại già thưa lên:
2887. “Sự này đã ngoại mười niên,
Tôi đà biết mặt, biết tên rành rành.
2889. Tú Bà cùng Mã Giám Sinh,
Đi mua người ở Bắc kinh đưa về.
2891. Thúy Kiều tài sắc ai bì,
Có nghề đàn lại đủ nghề văn thơ.
2893. Kiên trinh chẳng phải gan vừa, [19]
Liều mình thế ấy, phải lừa thế kia.
2895. Phong trần chịu đã ê chề,
Tơ duyên sau lại xe về Thúc lang.
2897. Phải tay vợ cả phũ phàng,
Bắt về Vô tích toan đường bẻ hoa .
2899. Bức mình nàng phải trốn ra, [20]
Chẳng may lại gặp một nhà Bạc kia .
2901. Thoắt buôn về, thoắt bán đi,
Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi!
2903. Bỗng đâu lại gặp một người,
Hơn đời trí dũng, nghiêng trời uy linh .
2905. Trong tay mười vạn tinh binh,
Kéo về đóng chật một thành Lâm tri.
2907. Tóc tơ các tích mọi khi, [21]
Oán thì trả oán, ân thì trả ân .
2909. Đã nên có nghĩa, có nhân,
Trước sau trọn vẹn, xa gần ngợi khen.
2911. Chưa từng được họ được tên,
Sự này hỏi Thúc sinh viên mới tường.”
2913. Nghe lời Đô nói rõ ràng,
Tức thì đưa thiếp mời chàng Thúc sinh .
2915. Nỗi nàng hỏi hết phân minh,
“Anh hùng lúc ấy tính danh là gì?” [22]
2917. Thúc rằng: “Gặp buổi lưu ly,
Trong quân tôi hỏi thiếu gì tóc tơ.
2919. Đại vương tên Hải, họ Từ,
Đánh quen trăm trận, sức dư muôn người
2921. Gặp nàng khi ở châu Thai,
Lạ gì quốc sắc, thiên tài phải duyên.
2923. Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên,
Làm nên động địa kinh thiên đùng đùng.
2925. Đại quân đồn đóng cõi đông,
Về sau chẳng biết vân mồng ra sao.” [23]
2927. Nghe tường ngành ngọn tiêu hao, [24]
Lòng riêng chàng luống lao đao thẫn thờ.
2929. Xót thay chiếc lá bơ vơ,
Kiếp trần biết giũ bao giờ cho xong? [25]
2931. Hoa trôi nước chảy xuôi dòng,
Xót thân chìm nỗi, đau lòng hợp tan!
2933. Lời xưa đã lỗi muôn vàn,
Mảnh hương còn đó, phím đàn còn đây,
2935. Đàn cầm khéo ngẩn ngơ dây,
Lửa hương biết có kiếp này nữa thôi?
2937. Bình bồng còn chút xa xôi, [26]
Đỉnh chung sao nỡ ăn ngồi cho an! (27)
2939. Rắp mong treo ấn từ quan, [28]
Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng pha. [29]
2941. Giấn mình trong án can qua, [30]
Vào sinh ra tử họa là thấy nhau .
2943. Nghĩ điều trời thẳm, vực sâu,
Bóng chim, tăm cá, biết đâu mà nhìn!
2945. Những là nấn ná đợi tin,
Nắng mưa biết đã mấy phen đổi dờỉ
2947. Năm mây bỗng thấy chiếu trời, [31]
Khâm ban sắc chỉ đến nơi rành rành. [32]
2949. Kim thì cải nhậm Nam bình, [33]
Chàng Vương cũng cải nhậm thành Châu dương.
2951. Sắm xanh xe ngựa vội vàng,
Hai nhà cùng thuận một đường phó quan. [34]
2953. Xảy nghe thế giặc đã tan,
Sóng êm Phúc kiến, lửa tàn Triết giang. [35]
2955. Được tin Kim mới rủ Vương,
Tiện đường cùng lại tìm nàng sau xưa .
2957. Hàng châu đến đó bây giờ,
Thật tin hỏi được tóc tơ rành rành.
2959. Rằng: “Ngày hôm nọ giao binh,
Thất cơ Từ đã thu linh trận tiền. [36]
2961. Nàng Kiều công cả chẳng đền, [37]
Lệnh quan lại bắt ép duyên Thổ tù. [38]
2963. Nàng đà gieo ngọc chìm châu,
Sông Tiền đường đó, ấy mồ hồng nhan!”
2965. Thương ôi! không hợp mà tan,
Một nhà vinh hiển riêng oan một nàng!
2967. Chiêu hồn thiết vị lễ thường, [39]
Giải oan lập một đàn tràng bên sông. [40]
2969. Ngọn triều non bạc trùng trùng, [41]
Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo. [42]
2971. Tình thâm bể thảm lạ điều, [43]
Não hồn tinh vệ, biết theo chốn nào? [44]
Đính chính và xác định
Câu 2899 – Bức mình nàng mới trốn ra – “Bức mình” hàm ý (tình thế) bức bách làm mình không thể ở được, nên mới phải trốn. Các bản Kiều quốc ngữ đều dịch chữ [逼] (bức) là “bực”, e không xác đáng, vì Kiều phải trốn là vì tình thế nguy hiểm bức bách, chứ đâu phải vì bực tức.
Câu 2916 – Câu này bản thì viết “Chồng con đâu tá tính danh là gì?”, bản thì viết “Anh hùng lúc ấy tính danh là gì?” Câu “Chồng con đâu tá…” nghe lời có vẻ thông thường hơn, nhưng e nghĩa không thật xác đáng, vì thế là câu này hỏi hai điều: chồng con ở đâu? Tên họ là gì? Mà sao câu trả lời chỉ nói có tên và họ. Vả lại “chồng con” nghe không được trang trọng ở trường hợp này. Câu “Anh hùng lúc ấy…” nghe trang trọng đúng nghĩa hơn, vì chữ “anh hùng” ăn nghĩa với chữ “đại vương” ở câu trả lời.
Câu 2940 – Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng pha – Chữ “pha” đây nghĩa là len chui bừa vào, không sợ hùm rắn nguy hiểm. “Pha ngàn” đối với “lội sông” rất xứng đáng vì hai sự đều nguy hiểm như nhau. Nhiều bản Kiều nôm hay quốc ngữ đổi chữ [坡] pha ra [過] qua, thật là lầm, có lẽ các nhà xuất bản không hiểu nghĩa chữ pha là gì, nên mới đổi bừa như vậy, thật đáng tiếc.
Câu 2941 – Giấn mình trong đám can qua – Chữ “đám” nôm viết [盎] (“áng” = âu chứa đồ ăn), nên các bản Kiều quốc ngữ đều theo nguyên âm Hán mà dịch ra “áng” thành ra vô nghĩa đối với tiếng Việt. Các sổ sách lệ làng nhà quê trước vẫn viết “ông Đám” (ông chủ tế) là [翁 盎]. Cả chữ “đám” ở câu 1319 “Lòng còn gửi đám mây Hàng”, các bản quốc ngữ đều dịch là “áng”, nhưng nên dịch là “đám” mới đúng
Câu 2950 – Chàng Vương cũng cải nhiệm thành Tuy Dương – Chữ “Tuy Dương” câu này, bản thì viết là “Thủ Dương”, bản thỉ viết là “Hoài Dương” [淮 陽], bản của ông Trần Trọng Kim thì đổi là Phú Dương, và ghi rằng: “Cứ trong địa dư Tàu có huyện Phú Dương ở bờ sông Tiền Đường, ở gần Hàng Châu, thì để chữ Phú Dương có lẽ đúng hơn.” Thế là ông Kim đã lầm to, vì nếu Vương Quan đổi về Phú Dương ở bờ sông Tiền Đường thì Vương Quan lẽ tự nhiên là phải đi về phía Tiền Đường, làm gì Kim Trọng phải rủ Vương tiện đường cùng lại tìm nàng nữa? Nay xét chữ Tuy Dương [睢 陽] các bản nôm viết rất đúng, nhưng phải đọc là Tuy Dương mới đúng nghĩa chữ nho, trước ra vẫn đọc sai là Thư, vì chữ Tuy Hán viết [睢] ([目] “mục” bên [隹] “chuy”) và chữ Thư Hán viết [雎] ([且] “thả” bên [隹] “chuy”), hai chữ chỉ khác nhau một ly, nên ta thường viết cả hai chữ Tuy hay Thư là [雎] và đều đọc là Thư. Tuy Dương là một huyện ở tỉnh Hà Nam bên Tàu, vì ở phía tây sông Tuy Thủy [睢 水] nên mới đặt tên là huyện Tuy Dương [睢 陽]. Sông Tuy Thủy chảy từ tỉnh Hà Nam, qua tỉnh An Huy, đến tỉnh Giang Tô thì nhập vào sông Tứ Thủy. Hồi An Lộc Sơn khởi loạn, hai ông Trương Tuần và Hứa Viễn cố giữ thành Tuy Dương để ngăn giặc không tràn ngay được xuống vùng Giang Hoài. Còn chữ [淮 陽] thì địa dư Tàu không có huyện Hoài Dương. Xét ra lúc Kim, Vương đi phó quan, lúc mới khởi hành thì cùng đi về phía nam, lúc gần tới Hàng Châu thì đáng lẽ Kim phải rẽ về đông nam để tới huyện Nam Bình, mà Vương thì phải rẽ về phía tây để tới Tuy Dương, nhưng được tin giặc tan, nên Kim mới rủ Vương cùng đi với mình về phía Phúc Kiến để tìm tin tức Kiều.
Chú giải và dẫn điển
[1] Xuân thu (春 秋) = Một năm, một tuổi. Tiếng ta trước, người lịch sự thường hỏi tuổi nhau bằng câu “Thưa ông, năm nay xuân thu ông bao nhiêu ạ?”
[2] Chế khoa (制 科) = Khoa thi văn cao cấp nhất mở ra bất kỳ, ngoài kỳ thi Hội thường lệ, để thu vớt nhân tài vì rơi sót và người ứng thi Chế khoa không cần có bằng Cử nhân. Chế khoa chính vua ra làm chủ khảo nên các ông Tiến sĩ đỗ kỳ Chế khoa có danh giá hơn các ông Tiến sĩ đỗ khoa thường lệ.
[3] Bảng xuân (春 榜) = Xuân bảng. Khoa thi Hội bao giờ cũng thi vào mùa xuân, nên ai đậu Tiến sĩ thì gọi là “chiếm bảng Xuân” (tên mình chiếm một chỗ ở bảng mùa xuân). Còn thi Hương để lấy bằng Cử nhân thì vào mùa thu, nên bảng đỗ Cử nhân gọi là bảng Thu.
[4] Cửa Trời mở rộng đường mây = Triều đình nhà Vua cao quý như Thiên đình, nên ai được đỗ đạt có đường ra làm quan với triều Vua thì được coi như là cửa nhà Trời đã mở ra để đón vào.
[5] Hoa chào ngõ hạnh = Thi Tiến sĩ xong vào tháng ba, đương độ hoa hạnh đào nở tung, các ông Tiến sĩ mới được Vua dẫn đi dạo chơi trong vườn hoa nhà Vua, hay những ngõ nhiều hoa ở kinh đô, chỗ nào cũng đầy hoa hạnh đào như chào mừng các vị tân khoa. Hương bay dặm phần = Dặm đường về làng quê mình. Ai đỗ Tiến sĩ thì được người hàng tỉnh hàng huyện rước vinh quy về làng rất vẻ vang.
[6] Ơn Chu tuyền = Ơn Chung công đã lo giúp mọi việc cho được xong xuôi án bán tơ.
[7] Gia thân = Đã thân lại thêm thân hơn.
[8] Bước thanh vân = Đường công danh hiển đạt dễ dàng.
[9] Hẹn ngọc thề vàng – Nhắc đến câu Kiều đã đoán trước là chàng Kim có quý tướng sẽ là phường “ngọc bội” hay “kim môn” (thế mà bây giờ chàng Kim hiển đạt, nàng lại không được hưởng chung hạnh phúc với chàng).
[10] Kim Mã Ngọc Đường (金 馬 玉 堂) – Cửa cung Vị Ương nhà Hán có tượng ngựa đồng nên gọi là Kim Mã Môn. Vua Hán Vũ Đế để các quan Học sĩ ngồi ở trong cửa Kim Mã làm cố vấn cho nhà vua. Ngọc Đường là nhà xây bằng ngọc thạch. Cổ thi Hoàng kim vi quân môn, bạch ngọc vi quân đường (黄 金 為 君 門, 白 玉 為 君 堂) = Vàng làm cửa nhà chàng ngọc trắng xây nên nhà chàng.
[11] Rễ bèo = Do hai chữ “bình ngạnh” (萍 梗) là cái “nhánh bèo” dịch ra.
[12] Ngoại nhậm (外 任) = Được bổ nhiệm ra làm quan ở các tỉnh ngoài kinh đô.
[13] Cầm đường (琴 堂) = Nghĩa đen là nhà gảy đàn cầm; nghĩa bóng là dinh quan Tri huyện. Ông Phục Tử Tiên (宓 子 賤) đời Xuân thu làm quan huyện ở nước Lỗ, thường vừa gẩy đàn vừa làm việc quan mà dân vẫn yên trị, nên đời sau gọi dinh Tri huyện là Cầm đường.
[14] Tiếng hạc tiếng đàn = Ông Triệu Biện (趙 汴) đời Tống lúc làm Ngự sử rất thanh liêm cương trực, không kiêng nể ai; lúc ra làm quan ở đất Thục, nhà nghèo, chỉ có một cây đàn và một con hạc, nhưng dân rất kính sợ, quận rất yên trị.
[15] Tín nghi = nửa tin nửa ngờ.
[16] Thanh khí tương tầm (声 氣 相 尋) = Hai tiếng cùng một giọng thì ứng lại nhau, hai khí cùng một loại thì tìm nhau.
[17] Giai âm (佳 音) = Tin hay, tin tốt.
[18] Thăng đường (升 堂) = Lên công đường làm việc quan.
[19] Kiên trinh (堅 貞) = Lòng đứng đắn, bền vững.
[20] Bức mình = Hàm ý (tình thế) bức bách làm mình không thể ở được, nên mới phải trốn. Các bản Kiều quốc ngữ đều dịch chữ (逼) “bức” là “bực”, e không xác đáng, vì Kiều phải trốn là vì tình thế nguy hiểm bức bách, chứ đâu phải vì bực tức.
[21] Các tích = Mọi việc ân oán trước.
[22] Tính (姓) = Họ. Danh (名) = Tên.
[23] Vân mồng = Tin tức xa thẳm lờ mờ không rõ.
[24 Tiêu hao = Tin tức lúc thế nọ, lúc thế kia, không biết thế nào.
[25] Kiếp trần = Kiếp gió bụi, cuộc đời đầy đọa khổ sở.
[26] Bình bồng = (Đời Kiều) lênh đênh như cánh bèo mặt nước, cỏ bồng trước gió.
[27] Đỉnh chung – Đỉnh (鼎) = Cái vạc lớn để nấu đồ ăn. Chung (鐘) = Cái chuông. Hai chữ “đỉnh chung” dùng tả cảnh nhà giầu sang đông người, phải nấu đồ ăn bằng vạc, và phải đánh chuông để gọi người về ăn.
[28] Treo ấn từ quan – Ông Đào Tiềm (陶 潛) là thi sĩ trứ danh đời nhà Tấn. Lúc nhà Tấn suy, ông đương làm Huyện Lệnh ở Bành Trạch. Một hôm có viên Đốc Bưu đến huyện, có người bảo ông phải mặc áo mũ ra lạy chào, ông cười nói “Khi nào ta lại phải vì năm đấu gạo lương mà lạy chào hắn ?” rồi ông treo ấn ở cổng huyện mà bỏ quan về nhà sống đời nghèo túng nhưng tự do ung dung.
[29] Pha – Xem lời đính chính câu 2940 ở trên.
[30] Giấn mình = Liều thân xông pha vào nơi gươm giáo như dìm mình vào chỗ nước sâu nguy hiểm.
[31] Năm mây = Đám mây đủ năm sắc vàng đỏ xanh trắng đen, tượng trưng oai quyền vua, bởi vậy sắc vua ban vẫn vẽ hình mây. Sử Hán nói: Phạm Tăng bảo Hạng Vũ giết Bái Công đi, vì Bái Công ở đâu thường có mây ngũ sắc che ở trên, báo điềm Bái Công sẽ được làm vua, cướp mất thiên hạ của Vũ.
[32] Khâm ban sắc chỉ = Kính vâng được sắc lệnh của vua ban cho.
[33] Cải nhiệm = Đổi đi làm quan nơi khác.
[34] Phó quan = Tới chỗ làm quan.
[35] Phúc Kiến và Triết Giang là hai tỉnh ở miền bờ bể phía đông nước Tàu. Từ Hải khi trước vẫn tung hoành ở hai tỉnh bờ bể này. Hàng Châu là một thành phố rất to rất giầu ở bờ sông Tiền Đường thuộc tỉnh Triết Giang.
[36] Thất cơ (失 機) = Lầm lỡ bị lừa. Thu linh (収 灵) = Thu linh hồn lại, tức là chết.
[37] Công cả = Công to.
[38] Lệnh quan = Lệnh nhà binh rất nghiêm khắc nhất định phải tuân theo.
[39] Chiêu hồn (招 魂) = Lễ cúng để mời vong hồn người chết đuối hay chết mất tích trở về với gia đình.
[40] Giải oan (解 冤) = Lễ cúng Phật xin đức Phật cởi hết (giải) những nút oan nghiệt kiếp trước mình đã buộc vào. Đàn = Nền cao đắp lên để kê bàn thờ tụng kinh niệm Phật, cầu Phật ban phúc giải tội cho oan hồn được thoát khỏi cõi khổ cực, về cõi yên vui.
[41] Ngọn triều non bạc nghĩa là nước triều lên to có những làn sóng nổi cao rồi tung toé trước gió, thành ngọn trắng như bạc, người ta còn gọi là sóng bạc đầu.
[42] Cánh hồng – Câu này hàm ý là như trông thấy bóng Kiều lúc gieo mình xuống sông nhẹ như cánh chim hồng.
[43] Tình thâm, bể thảm – Tình thâm = Nơi cúng chiêu hồn ở trên bờ, có đủ cả mặt mọi người gia đình thân thiết. Bể thảm = Nơi đáy sông, hồn chết thê thảm.
[44] Hồn Tinh Vệ (精 衛) – Sách Sơn Hải Kinh kể : Ở núi Phát cưu (發 鳩) có loài chim gọi là tinh vệ ngày ngày càm đá, càm cành cây thả xuống bể Đông. Đó là hồn con gái vua Hoàng Đế tên là Nữ Oa (女 娃) chết đuối ở bể Đông, nên muốn lấp bể để báo thù. Chớ lầm bà Nữ Oa này với bà Nữ Oa luyện đá, vá trời chữ Hán là (女 媧).
Diễn ra văn xuôi
Câu 2857, 58 = Lúc nào chàng cũng chỉ những buồn phiền rầu rĩ suốt ngày suốt đêm, thấm thoắt qua mấy năm, thay đổi hết mùa nọ sang mùa kia mà chàng không biết.
Câu 2859, 60 = Trong mấy năm buồn phiền ấy, chàng chẳng thiếc gì thi cử. Bỗng gặp năm vua mở tràng thi chế khoa cho những văn sĩ giỏi bị rơi sót, ai cũng được thi, chàng mới cao hứng rủ Vương Quan cùng thi, và hai người cùng có tên trong bảng xuân Tiến sĩ khoa này.
Câu 2861, 62 = Thế là hai chàng đều được bước lên đường quan sang vinh hiển, như Trời mở rộng đường mây cho bước vào cửa Thiên đình. Thật là vẻ vang vô cùng, nào là được vua mang đi dạo chơi trong vườn Thượng Uyển, xem những hoa hai bên đường ngõ Hạnh đua nhau tươi nở như chào các vị Tân khoa, nào là khi rước vinh quy về làng được dân chúng đón mừng chật đường nơi quê, nức tiếng thơm tho.
Câu 2863, 64 = Chàng Vương thì nghĩ gần nghĩ xa, mới sang nhà ông họ Chung để chào ông và tạ ơn ông đã có lòng tử tế lo tính cho nhà mình được an toàn khi tai biến, nên mình mới được vẻ vang như ngày nay.
Câu 2865, 66 = Tạ ơn rồi, muốn cho tình nghĩa thêm thân mật, chàng lại kết duyên với con gái ông.
Câu 2867, 68 = Chàng Kim từ khi đỗ to, nhẹ bước trên đường công danh, lòng lại càng canh cánh nghĩ thương đến nông nỗi khổ cực của Kiều.
Câu 2869, 70 = Chàng nghĩ: Kìa ai đã đem lời trân trọng như vàng như ngọc mà hẹn mà thề với nhau là sẽ cố lập công danh để sống một đời vinh hiển với nhau? Có phải chính là ta không? Thế mà giờ đây ta được làm chức vinh hiển ở nơi nhà xây bằng ngọc thạch, trước cửa có tượng ngựa vàng thế này, ta nào có được chia sẻ cuộc đời vinh hoa này với ai? (Chữ “ai” kìa ai ở câu trên là Kim Trọng tự chỉ mình, chữ “ai” ở cuối câu dưới, Kim Trọng chỉ Kiều)
Câu 2811, 12 = Chàng nghĩ đến tình cảnh bơ vơ cơ cực của nàng như cánh bèo nổi nổi chìm chìm ở chân làn sóng, thì chàng càng thấy mình vinh hiển bao nhiêu, lại càng thương nàng bấy nhiêu.
Câu 2873, 74 = Hết hạn sơ bổ tập sự ở tòa Hàn Lâm rồi, chàng Kim thì vâng sắc chỉ vua ban ra làm quan ngoài và được bổ đi làm Tri huyện Lâm Tri. Chàng mang cả đoàn vợ con cùng người nhà đi hàng nghìn dặm đường mới đến nhiệm sở (tức là đường Mã Giám Sinh mang Kiều đi: vừa một tháng tròn mới đến nơi).
Câu 2875, 76 = Chàng ở dinh huyện thật thanh nhàn suốt ngày qua tháng, vì chàng làm quan rất công minh liêm khiết nên ít việc, gần như cả ngày chỉ những gảy đàn ngắm cảnh cho vui khuây, cùng tiếng đàn tiếng hạc mà dân vẫn yên trị.
Câu 2877, 78 = Một đêm nọ, nàng Vân buông bức màn hoa năm ngủ ở trong phòng, bỗng mơ thấy Kiều lại thăm.
Câu 2879, 80 = Khi tỉnh ra, mới sẽ kể với chàng sự mơ lạ đó. Chàng nghe cũng nửa tin nửa ngờ.
Câu 2881, 82 = Chàng nghĩ: Chữ tên huyện Lâm Thanh và chữ tên huyện Lâm Tri chỉ khác nhau có một chút, hoặc giả Mã Giám Sinh nó viết lầm chăng?
Câu 2883, 84 = Còn lẽ nữa khiến ta có thể tin được: Đó là lẽ tự nhiên của Trời, đồng thanh đồng khí thường tìm đến với nhau. Vậy ta thử sẽ hỏi dò người ở đây xem, may ra được tin gì hay chăng.
Câu 2885, 86 – Ngay buổi hầu sáng hôm sau, chàng lên công đường hỏi ngay mọi người nha dịch có ai biết tin gì về nàng Thúy Kiều hay không, thì có người lại già họ Đô đứng lên thưa ngay rằng:
Câu 2887, 88 = Mọi việc về cô này đã xẩy ra ở đây từ hơn mười năm nay. Tôi đã biết rõ cả mặt cả tên cô ấy lắm.
Câu 2889, 90 = Tú Bà và Mã Giám Sinh đã mua nàng từ ở Bắc Kinh đem về đây.
Câu 2891, 92 = Thúy Kiều là một cô gái tài sắc song tuyệt, thật không ai bằng, gảy đàn rất hay và văn thơ rất giỏi.
Câu 2893, 94 = Nàng còn rất can đảm, quyết một niềm giữ lấy trinh tiết cho bền vững. Khi Tú Bà muốn bắt nàng làm gái thanh lâu, nàng đã liều mình cằm dao đâm cổ tự tử nhưng không chết được. Tú Bà sợ lắm, mới giả cách ôn tồn tử tế làm cho nàng yên tâm, rồi ngấm ngầm tìm cách lừa được nàng đi trốn, mà bắt về đánh đập tàn nhẫn và ép nàng phải vào thanh lâu.
Câu 2895, 96 = Nàng phải chịu kiếp phong trần đó thật ê chề nhục nhã trong mấy năm, rồi sau được kết duyên với Thúc Lang.
Câu 2897, 98 = Nhưng lại phải vợ cả Thúc Lang là tay nanh ác phũ phàng. Nó bắt nàng đem về Vô Tích hành hạ muốn giết nàng.
Câu 2899, 2900 = Nàng thấy mình bị uy bức quá, phải trốn ra đi, nhưng không may lại mắc lừa bọn họ Bạc.
Câu 2901, 02 = Nó coi nàng như một món hàng, nó buôn về rồi lại bán đi. Thân nàng bấy giờ rõ như mây trôi bèo nổi, nay đây mai đó đi thật nhiều nơi.
Câu 2903, 04 = Bỗng đâu nàng gặp được một người đủ tài trí dũng, đủ oai hùng làm được nghiêng trời lệch đất.
Câu 2905, 06 = Trong tay ông ấy có mười vạn quân tinh nhuệ có dạo kéo về đóng đầy thành huyện Lâm Tri.
Câu 2907, 08 = Bao nhiêu các tích ân oán to nhỏ của nàng từ trước đến sau, lục ra mà bắt về xét cho kỹ hết mọi người, ai có ân thì trả ân, ai có oán thì báo oán, thật công bằng.
Câu 2909, 10 = Đối với ân nhân thì nàng đền tạ rất trung hậu có tình có nghĩa, đối với kẻ thù thì nàng có bụng khoan nhân, thật là trước sau trọn vẹn mọi bề, ai cũng phải khen là người có nghĩa có nhân.
Câu 2911, 12 = Tôi chưa tường được ông chồng nàng lúc đó họ gì tên gì; điều này phải hỏi ông Sinh viên họ Thúc thì mới biết rõ.
Câu 2913, 14 = Nghe lời họ Đô nói rành rõ như vậy, chàng liền cho người mang danh thiếp đi mời Thúc Sinh.
Câu 2915, 16 = Khi Thúc Sinh đến, chàng hỏi về nông nỗi của nàng, và người anh hùng là chồng nàng lúc đó tên họ là gì.
Câu 2917, 18 = Thúc Sinh thưa rằng: Gặp lúc lưu ly, tôi có được dẫn vào trong quân và tôi đã hỏi rõ ràng được từng ly từng tí chẳng thiếu điều gì.
Câu 2919, 20 = Ông Đại Vương này họ Từ, tên Hải, anh hùng lắm, đã từng đánh thắng hơn trăm trận, sức có thể địch nổi hơn muôn người như Hạng Vũ khi xưa.
Câu 2921, 22 = Đại Vương đã gặp nàng khi ở Châu Thai, trai thiên tài, gái quốc sắc, gặp nhau là duyên ưa phận đẹp ngay.
Câu 2923, 24 = Trong bấy nhiêu năm, ông vẫy vùng ở địa phương này thật như gió bão đùng đùng, kinh thiên động địa.
Câu 2925, 26 = Sau ông kéo đại quân về đóng ở miền đông, và từ đó về sau, tôi không biết tin tức ra sao nữa.
Câu 2927, 28 = Từ khi chàng được nghe mọi người kể lại đầu đuôi ngọn ngành về tin nàng, lòng riêng chàng lại càng luống những lao đao ngơ ngác thẩn thơ thêm.
Câu 2929, 30 = Lúc nào chàng cũng xót xa cho tình cảnh bơ vơ của nàng, nào có khác gì như chiếc lá cây rụng xuống dòng nước trôi đi đây đó, cái kiếp phong trần này nàng rũ cho đến bao giờ mới sạch, mới thoát?
Câu 2931, 32 = Cái đời lênh đênh như cánh hoa trên mặt nước của nàng cứ theo dòng sông cuốn trôi đi mãi, biết bao nhiêu là nỗi hợp tan đau buồn, biết bao nhiêu là cuộc chìm nổi khổ cực.
Câu 2933, 34 = Những lời ta thề với nàng xưa kia thật ta đã phụ, đã lỗi muôn phần. Kia mảnh hương đốt lúc còn thề đó, cây đàn gảy đêm thề cũng còn đây!
Câu 2935, 36 = Chàng nhìn cây đàn, thấy như các dây đàn cũng ngẩn ngơ nhớ nàng; chàng nhìn mảnh hương, chàng lo buồn không biết duyên hương lửa giữa chàng và nàng kiếp này có còn nữa hay không.
Câu 2937, 38 = Vì thương nàng còn phiêu bạt ở nơi xa xôi như cánh bèo như cỏ bồng trước song gió, nên chàng không nỡ lòng ngồi yên hưởng đỉnh chung phú quý một mình.
Câu 2939, 40 = Chàng những toan treo ấn từ chức Tri huyện để đi tìm nàng, dù phải lội bao nhiêu sông, phải pha bao nhiêu ngàn, nguy hiểm thế nào cũng không quản ngại.
Câu 2941, 42 = Và chàng sẽ liều mạng giấn mình vào giữa đám gươm giáo trong chiến trường, có vào sống ra chết để tìm nhau như thế, mới họa may được thấy nàng.
Câu 2943, 44 = Nhưng chàng chỉ e ngại một điều trong khoảng trời rộng tít mù, vực sâu thăm thẳm, nào biết bóng chim tăm cá ở đâu mà tìm!
Câu 2945, 46 = Bởi vậy chàng đành nấn ná đợi tin mãi mất mấy năm qua mà chẳng dò hỏi được tin gì rõ hơn nữa.
Câu 2947, 48 = Rồi bỗng thấy chiếu chỉ vua ban đưa đến. Kính vâng lời sắc chỉ cho biết rành rành là:
Câu 2949, 50 = Chàng Kim thì đổi đi Tri huyện Nam Bình (ở tỉnh Phúc Kiến), chàng Vương thì đổi đi Tri huyện Tuy Dương (ở tỉnh Hà Nam).
Câu 2951, 52 = Vương Kim hai nhà cùng vội vàng sắm sanh xe ngựa để thuận tiện cùng đi một đường với nhau tới nhiệm sở.
Câu 2953, 54 = Trong khi đi đường bỗng được tin giặc đã tan, hai tỉnh Phúc Kiến và Triết Giang đều im lặng yên ổn cả.
Câu 2955, 56 = Chàng Kim mới rủ chàng Vương tiện đường cùng đi về phía Phúc Kiến với mình, để nhân tiện dò thăm tin tức nàng xem giặc tan rồi thì nàng ra sao.
Câu 2957, 58 = Khi đến Hàng Châu (tức tỉnh lỵ Triết Giang và ở trên sông Tiền Đường) thì được tin rõ ràng từng ly từng tý rằng:
Câu 2959, 60 = Vừa hôm dạo nó đánh nhau, Từ Công mắc mưu thất cơ đã chết ngay ở trận tiền rồi.
Câu 2961, 62 = Và nàng Thúy Kiều tuy có công to, mà đã chẳng được đền thưởng gì cả, lại còn bị lệnh quan nghiêm khắc ép duyên gả cho một người Thổ tù.
Câu 2963, 64 = Nên nàng đã gieo mình xuống sông tự tử, viên Thổ tù theo vớt mãi không được. Sông Tiền Đường tức là mồ người hồng nhan bạc mệnh đó!
Câu 2965, 66 = Chàng nghe tin này, bụng những ngậm ngùi than thở: Người ta có hợp, mới có tan, nhưng ta với nàng thì thương ôi! Không hợp mà đã tan, nghĩ lại càng đau! Rõ là cả nhà vinh hiển, mà chỉ riêng nàng chịu oan khổ một mình!
Câu 2967, 68 = Rồi cả hai nhà Vương Kim lập bàn thờ đặt bài vị, làm lễ cúng chiêu hồn nàng, và lập một đàn tràng tụng kinh niệm Phật cúng giải oan cho nàng ở trên bờ sông Tiền Đường.
Câu 2969, 70 = Khi gió đưa ngọn nước triều dâng lên gặp nước sông dồn xuống thành những đợt sóng tung cao lên và tóe ra trắng xóa như bạc trùng trùng điệp điệp, đứng chỗ nơi cúng trông xa xa ngoài mặt sông, hình như còn thấy bóng nàng gieo mình lẹ vèo xuống nước nhẹ như cánh chim hồng.
Câu 2971, 72 = Trước cảnh rùng rợn đau thương đó, lạ thay một điều là nào ai biết: Một nơi thì đủ mặt những người tình thâm bày bàn thờ cúng, một nơi thì bể thảm như nghiệp chướng quyến rủ, chẳng biết hồn oan tinh vệ của vong nhân theo về bên nào.
Những câu và những chữ có ý móc nối hay tỏ ý chê khen
(1) Hai câu đầu đoạn này, câu trên “Những là phiền muộn đêm ngày” tiếp tục ý những câu tả Kim Trọng thương Kiều ở cuối đoạn trên, và mở ý nhớ lâu hàng mấy năm ở đoạn dưới. Câu dưới “Xuân thu biết đã đổi thay mấy lần” vừa tiếp tục tả rõ ý nhớ lâu ở câu trên, vừa mở ý ngầm vì buồn phiền mà bỏ cả thi cử cho mãi đến năm có kỳ thi Chế khoa.
(2) Câu “Chế khoa gặp hội tràng văn” vừa tiếp ý ngầm buồn chán bỏ thi ở câu trên, cho mãi đến năm có chế khoa mới cao hứng lấy chân trắng (không cần có cử nhân) mà ứng thí, vừa tả rõ được tài cao của Kim, Vương: chỉ thi một khoa mà đỗ ngay Tiến sĩ Chế khoa, làm nên công danh một cách rất mau lẹ.
(3) Câu “Tình xưa ân trả nghĩa đền, Gia thân lại mối kết duyên Chu Trần” nhắc lại sự ông Lại già họ Chung trước kia mở mối cho sự Kiều dứt tình với Kim Trọng và bán mình ra đi cho nhà họ Vương được chu tuyền, móc nối với sự ông Lại già họ Đô sau này mở mới cho sự tìm thấy Kiều cho hai nhà Vương Kim sum họp. Còn ý tả lòng trung hậu kết duyên thêm thân của Vương Quan chỉ là ý phụ để lấy cớ mà nhắc đến Lại già họ Chung đó thôi. Câu này nếu chú trọng về đường “nghĩa” mà nói, thì thật Chung Công đã chẳng đáng kể là chân chính ân nhân của gia đình họ Vương, mà còn có thể gọi là tội nhân của họ Vương nữa. Vì nếu ông thật có lòng nhân nghĩa với nhà Vương, thì đối với lũ sai nha, ông phải ngăn cản không cho ra tay quá đáng cướp bóc tàn bạo, sau là ông phải kiếm đủ chứng cớ để kêu oan giúp ở trước mặt quan. Thế mới đáng gọi là ân nhân, và chàng Tiến sĩ họ Vương mới đáng xin làm con rể để báo ơn. Đằng này, ông chẳng binh vực nạn gia được câu nào, mặc kệ lũ cướp bóc, đánh trói tàn khốc, rồi ông thừa cơ buôn nhân bán nghĩa, đứng ra giàn xếp, miệng ông nói là ông thương tình cô hiếu nữ, mà việc ông làm là ông bắt cô phải lo lấy 300 lạng bạc để ông “lót đó luồn đây” thì việc mới xong xuôi! Nhất là ông lại lặc hạn cho cô phải nộp ngay trong “đôi ba ngày”, làm cô phải vội vàng bán mình cho bất kỳ ai đến mua trước nhất, để đến nỗi cô phải sa vào tay thằng bợm họ Mã. Nếu không có lời lặc hạn quá cấp tốc đó, thì Bắc kinh thiếu gì người tử tế, làm gì cô chẳng gặp được người tử tế mà bán mình. Bởi vậy có thể bảo ông là tội nhân của nhà họ Vương được. So Chung Công với ông Ngục lại Vu Công đời Hán dám liều mạng chê trách quan Thái Thú để kêu oan cho người hiếu phụ Chu Thanh, thì thật một vực một trời.
(4) Trong hai câu “Họ Đô có kẻ Lại già” ở đoạn này và “Họ Chung có kẻ Lại già” (câu 607), tác giả nhắc đi nhắc lại 3 chữ “kẻ lại già” là có ý mỉa mai bọn Lại già khéo chiều nịnh quan, khéo lừa dối dân để tác oai tác phúc, quấy nhiễu dân lành. Khi thì họ khéo vừa dọa vừa dỗ để giàn xếp lấy tiền đút lót cho quan, như trường hợp Lại già họ Chung làm ơn “tính bài lót đó luồn đây” cứu Vương ông, nhưng quan ăn một thì Lại ăn hai. Khi thì họ bới móc mọi việc trong dân chúng để mách quan, khoe khôn khoe biết cho quan tin dùng họ, như trường hợp Lại già họ Đô; khi đã được quan coi họ như cố vấn vững vàng, thì tha hồ họ giở trò khuơ khoét. Ngoài ý mỉa mai Lại già, tác giả còn ngụ ý một là mỉa mai bọn tham quan khéo dùng bọn Lại già để ngồi yên ăn của đút, hai là cảnh cáo bọn quan mới xuất chính chớ tin cậy bọn Lại già, mà sẽ bị họ bịt mắt lừa ngay mình, mà của họ ăn, tội mình chịu. (Phụ lục: Truyện một kẻ Lại già ở Bắc Ninh – Vào thời vua Tự Đức, tỉnh Bắc Ninh có một lão Lại già làm việc hơn 30 năm ở khắp các Phủ Huyện béo bở hạt Bắc Ninh. Lão rất khôn thạo, đối với các quan thì khéo luồn nịnh, từ các quan tỉnh đến các quan Phủ, Huyện ông nào cũng tin yêu; đối với dân chúng thì lão thừa lý sự hóc hách ai cũng phải sợ, nên lão tha hồ khuơ khoét mà không ai dám làm gì. Bỗng được một quan Án sát rất công minh chính trực đổi về tỉnh, nạn dân mấy phủ huyện mới họp lại làm đơn kiện. Quan Án sát xét thấy tội lão to quá, mới kết án tử hình. Hôm kết án có cả 4 quan Tỉnh hội đồng cùng xét. Ba quan trên là các ông Tổng Đốc, Tuần Phủ, Bố Chính đều hết sức binh lão Lại già muốn tha tội. Ông Án sát kêu to lên rằng: “Sát nhất hữu tội chi cò, dĩ cứu kỷ vạn vô cô chi tép” (nghĩa là “Giết một con cò có tội, để cứu mấy vạn con tép vô tội mà bị khổ) thì các ngài còn tiếc gì nữa, mà cứ che chở nó mãi! Một là nó chết, hai là tôi xin tư án này về Kinh và xin đổi đi nơi khác”. Thế mới kết xong án tử hình lão Lại già. Truyện này lúc còn trẻ tôi được một cụ Tú già rất yêu tôi kể lại cho nghe, vậy nhân tiện xin phụ lục vào đây kẻo mất một truyện hay. Tôi rất tiếc là không nhớ họ tên quan Án sát cương trực ấy là gì).
(5) Chữ “ngọc” và chữ “vàng” ở câu 2869 “Ấy ai hẹn ngọc thề vàng” : gần thì móc nối ngay với chữ “kim mã” và chữ “ngọc đường” ở câu dưới 2870 “Bây giờ Kim mã, ngọc đường với ai”, xa thì móc nối với chữ “ngọc bội” và “kim môn” ở câu 551 Kiều đoán tướng Kim Trọng “Chẳng sân ngọc bội thì phường Kim môn.” Hai câu cuối đoàn này nói: Chẳng biết hồn người chết đuối theo về nơi tình thâm chỗ cúng chiêu hồn, hay cứ theo ở luôn mãi nơi bể thảm. Chữ “bể thảm” có ý móc nối với đoạn trên: Hồn đã bỏ nơi nghiệp chướng bể thảm mà theo Giác Duyên lên vui cảnh Phật rồi. Chữ “tình thâm” có ý móc nối với đoạn sau: Hồn cũng chẳng theo về nơi bàn cúng chiêu hồn của mọi người tình thâm này, mà hồn đã theo chân thân để sẽ về đoạn tụ thật sự với những người tình thân đó. Hai câu tả tình thật thê thảm này, mà đã ngầm mở cảnh vui vẻ sau đây.
[ĐÀM DUY TẠO]