CHƯƠNG 29

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 2973 ĐẾN CÂU 3058

“Mừng cảnh đoàn viên, tủi tình lưu lạc”

2973. Cơ duyên đâu bỗng lạ sao, [1]

Giác Duyên đâu bỗng tìm vào đến nơi.

2975. Trông lên linh vị chữ bài, [2]

Thất kinh mới hỏi: “Những người đâu ta?

2877. Với nàng thân thích gần xa, [3]

Người còn sao bỗng làm ma khóc người?” [4]

2979. Nghe tin ngơ ngác, rụng rời,

Xúm quanh kể họ, rộn lời hỏi tra:

2981. “Này chồng này mẹ này cha,

Này là em ruột, này là em dâu.

2983. Thật tin nghe đã bấy lâu,

Pháp sư dạy thế sự đâu lạ dường!” [5]

2985. Sư rằng: “Nhân quả với nàng, [6]

Lâm Tri buổi trước, Tiền Đường buổi sau.

2987. Khi nàng gieo ngọc chìm châu,

Đón nhau tôi đã gặp nhau rước về,

2989. Cùng nhau nương cửa bồ đề, [7]

Thảo am đó cũng gần kề chẳng xa. [8]

2991. Phật tiền ngày bạc lân la, [9]

Đăm đăm nàng cũng nhớ nhà khôn khuây.”

2993. Nghe lời nở mặt, mở mày, [10]

Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng?

2995. Từ phen chiếc lá lìa rừng,

Thăm tìm luống những liệu chừng nước mây.

2997. Rõ ràng hoa rụng hương bay,

Kiếp sau họa thấy, kiếp này hẳn thôi.

2999. Manh, dương đôi ngả chắc rồi, [11]

Cõi trần mà lại thấy người cửu nguyên! [12]

3001. Cùng nhau lạy tạ Giác Duyên,

Bộ hành một lũ theo liền một khi.

3003. Bẻ lau, vạch cỏ tìm đi,

Tình thâm luống những hồ nghi nửa phần.

3005. Quanh co theo dải giang tân, [13]

Khỏi rừng lau đã tới sân Phật đường.

3007. Giác Duyên lên tiếng gọi nàng,

Buồng trong nàng đã vội vàng bước ra.

3009. Nhìn xem đủ mặt một nhà:

Xuân già còn khỏe, huyên già còn tươi.

3011. Hai em phương trưởng hòa hai, [14]

Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa!

3013. Tưởng bây giờ là bao giờ,

Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!

3015. Giọt châu thánh thót quẹn bào, [15]

Mừng mừng, tủi tủi xiết bao sự tình!

3017. Huyên già dưới gối gieo mình,

Khóc than mình kể sự tình đầu đuôi:

3019. “Từ con lưu lạc quê người,

Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm! [16]

3021. Tính rằng sông nước cát lầm, [17]

Kiếp này ai lại còn cầm gặp đây! [18]

3023. Ông bà trông mặt cầm tay,

Dung quang chẳng khác chi ngày bước ra. [19]

3025. Bấy chầy dãi nguyệt dầu hoa,

Mười phần xuân có gầy ba bốn phần.

3027. Nỗi mừng biết lấy gì cân?

Lời tan hợp, chuyện xa gần thiếu đâu!

3029. Hai em hỏi trước, han sau,

Đứng trông, chàng cũng trở sầu làm tươi.

3031. Rủ nhau lạy trước Phật đài,

Tái sinh thâm tạ lòng người từ bi. [20]

3033. Kiệu hoa giục giã tức thì,

Vương ông dạy rước cùng về một nơi.

3035. Nàng rằng: “Chút phận hoa rơi,

Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay.

3037. Tính rằng mặt nước, chân mây,

Lòng nào còn tưởng có rày nữa không?

3039. Được rày tái thế tương phùng. [21]

Khát khao đã thỏa tấm lòng bấy nay!

3041. Đã đem mình bỏ am mây, [22]

Tuổi này gởi với cỏ cây cũng vừa. [23]

3043. Mùi thiền đã bén muối dưa, [24]

Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng.

3045. Sự đời đã tắt lửa lòng,

Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi! [25]

3047. Dở dang nào có hay gì,

Đã tu, tu trót, quá thì, thì thôi! [26]

3049. Trùng sinh ân nặng bể trời,

Lòng nào nỡ dứt nghĩa người ra đi!”

3051. Ông rằng: “Bỉ thử nhất thì, [27]

Tu hành thì cũng phải khi tòng quyền.

3053. Phải điều cầu Phật, cầu Tiên, [28]

Tình kia nghĩa nọ ai đền cho đây?

3055. Độ sinh nhờ đức cao dày, [29]

Lập am rồi sẽ rước thầy ở chung.”

3057. Nghe lời nàng cũng chiều lòng,

Giã sư giã cảnh đều cùng bước ra.

Đính chính và xác định

Câu 3008 – Buồng trong nàng đã vội vàng bước ra – Câu này có nhiều bản in là “Buồng trong vội dạo sen vàng bước ra.” Hai chữ “sen vàng” không hợp với cảnh Kiều lúc này, vì nàng đã “mầu thiền ăn mặc nâu sòng” rồi, và lời văn không được trôi chẩy tự nhiên và tối nghĩa.

Câu 3030 – Đứng trông, chàng cũng giở sầu làm tươi – Chữ “chàng” câu này, có bản in là “nàng” thật là sai lầm quá, chỉ đổi một chữ “chàng” ra “nàng” mà thành ra đã vô nghĩa mà lại mất hết tinh thần ý nhị hay của cả mấy câu tả cảnh cuộc tái ngộ này. Mới gặp Kiều, ai cũng xúm lại mà nhìn mà hỏi, ông thì trông mặt, bà thì cầm tay, hai em thì hỏi trước han sau, còn chàng Kim thì phải giữ gìn ý tứ, không tiện lại gần Kiều mà chào hỏi, chỉ đứng xa mà nhìn, mặt rất tươi vui.

Chú giải và dẫn điển

[1] Cơ duyên – Nghĩa đen chữ  (機) là cái máy phát động đưa đẩy cho chạy; chữ duyên (緣) là cái nguyên nhân sinh ra một sự gì, sách Phật gọi là nhân quả. Nghĩa rộng hai chữ cơ duyên là sự tình cờ tự nhiên xẩy ra, hình như máy Trời dun dủi đưa đi. Câu này hàm ý là vong hồn Từ Hải sẽ đưa Giác Duyên đi thi hành lời hứa “Sao cho muôn dặm một nhà / Cho người thấy mặt là ta cam lòng”, sống chưa làm được, chết vẫn không quên.

[2] Linh vị (灵 位) = Bàn thờ cúng linh hồn người mới chết; trên ngai linh vị có bày một bài vị đề tên tuổi người chết. Chữ bài = Chữ đề ở bài vị.

[3] Thân thích gần xa = Những người họ gần, họ xa.

[4] Làm ma = Lễ chôn và cúng tế người chết. Theo tục ta trước, những người chết mất xác cũng vẫn có lệ làm ma chôn cất: người ta làm hình giả xếp vào quan tài mà chôn, lấy sọ dừa làm đầu, cắt gióng cành cây núc nác làm xương, giải chỉ ngũ sắc lên làm mạch máu, rồi cúng chiêu hồn về vào quan mà chôn.

[5] Pháp sư (法 師) – Chữ Pháp đây nghĩa là đạo Phật. Pháp sư = Thầy giảng đạo Phật. Đây tức là Giác Duyên.

[6] Nhân quả (因 果) – Nhân = Cái nhân hột mình đem trồng. Quả = cái trái cây mình trồng được. Theo Kinh nhà Phật thì nhân quả là sự báo ứng, làm thiện thì sẽ được hưởng phúc, làm ác thì sẽ phải khổ sở, cũng như trồng hột đậu thì sẽ được ăn đậu, trồng hột mận thì sẽ được ăn mận. Chữ nhân quả ở đây nghĩa là duyên ân nghĩa báo nhau từ kiếp trước để lại.

[7] Cửa Bồ Đề = Cửa nhà Phật, tức là chùa. Đức Thích Ca ngồi tu thành Phật ở gốc cây bồ đề (菩 㮛), nên các chùa hay trồng cây bồ đề ở trước để làm kỷ niệm.

[8] Thảo am (草 菴) = Nhà tranh nhỏ sạch sẽ.

[9] Ngày bạc = Ngày bụng dạ thảnh thơi hết cả lòng trần tục, trong trắng như bạc. Tác giả chơi chữ “ngày bạc” để đối với chữ “phật tiền.”

[10] Nở mặt nở mày – Mọi người đương buồn bã đau thương, mặt thì ủ nhăn như co hẹp lại, đôi lông mày thì nhíu lại gần nhau, nay bỗng được tin mừng, mặt ai cũng như nở rộng ra, đôi lông mày như mở xa nhau ra.

[11] Manh dươngManh (冥) = Chỗ mờ tối âm u, tức là cõi âm phủ. Dương (陽) = Chỗ sáng sủa có mặt trời soi, tức là cõi dương thế. Chữ (冥) cũng đọc là minh, nhưng ta đọc là “manh” cho khỏi lầm với (明) “minh” là sáng.

[12] Cửu nguyên (九 原) = Trước kia là tên nơi đất chôn các quan to nước Tần đời Xuân Thu, sau dùng để chỉ nơi mồ mả, cõi âm phủ.

[13] Giang tân (江 津) = Bến sông, bờ sông.

[14] Phương trưởng (方 長) = Đã lớn thành người đứng đắn tử tế rồi.

[15] Quẹn bào = (Nước mắt) làm hoen ẩm cả áo bào. Có bản quốc ngữ dịch là “hoen bào,” nhưng các bản nôm viết chữ này là (倦) “quyện.”

[16] Chốc mười lăm năm = (Mười lăm năm) chỉ thoáng qua nhanh như một chốc một lát.

[17] Cát lầm – Chữ lầm ở đây nghĩa là “bùn.” Thành phố Hà Nội trước kia có một cửa ô gọi là cửa ô Đồng Lầm, vì là nơi thợ nhuộm thâm ở, nhà nào cũng chứa bùn để ngâm lụa vải nhuộm đen.

[18] Cầm = Đoán trước chắc là sẽ được như thế.

[19] Dung quang (容 光) = Vẻ đẹp sáng sủa của mày mặt.

[20] Người” ở đây là tiếng tôn trọng gọi Giác Duyên.

[21] Tái thế tương phùng (再 世 相 逢) = Như đã chết đi, rồi thác sinh ra kiếp sau lại gặp nhau.

[22] Am mây = Dịch từ chữ Hán “vân am” (雲 庵) = Ngôi nhà nhỏ và rất cao sạch như ở trên mây.

[23] Gửi với cỏ cây = Hàm ý là sống cuộc đời tu hành, rũ sạch hết nhân tình như loài cỏ cây, lúc sống thì vui bạn với cỏ cây, lúc chết cũng chôn vùi với cỏ cây.

[24] Mùi thiền = Đồ ăn chay nhà Phật. Màu thiền = Quần áo nâu sồng mộc mạc nhà Phật.

[25] Bụi hồng = Ẩn dụ cho cuộc đời phồn hoa làm say mê lòng người, như đám bụi đỏ xe ngựa tung lên làm mê quáng mắt người, quên cả bẩn độc.

[26] Đã tu, tu trót, qua thì, thì thôi = Nay đã đi tu ở đây rồi thì phải tu cho trọn vẹn đạo tu hành, và nay tuổi đã qua thì xuân xanh rồi, thì thôi bỏ hết sự tình ái đi (Kiều biết ý Vương Ông muốn mang về để bắt lấy Kim Trọng, nên nói chặn trước ý đó của Ông đi).

[27] Bỉ thử nhất thì = Lối nói rút ngắn lại câu “Bỉ nhất thì thử nhất thì” (彼 一 時 此 一 時) = Trước kia là một thì, bây giờ là một thì, mỗi thì một khác.

[28] Phải điều cầu Phật cầu Tiên = Hàm ý là mình tu là tu để cầu phúc đó thôi, chứ có phải là tu để cầu cho thành Phật thành Tiên đâu! (Ý nói chỉ tu để cầu phúc, nay đã được phúc gặp gia đình rồi, thì nên về ở với gia đình).

[29] Độ sinh (度 生) = Cứu cho sống lại, cứu cho đời sống được thảnh thơi và hạnh phúc.

Diễn ra văn xuôi

Câu 2973, 74 = Không biết vì sự tình cờ nào dun dủi mà vãi Giác Duyên bỗng tự nhiên tìm vào đến nơi cúng chiêu hồn đó.

Câu 2975 đến 2978 = Bà trông lên chữ bài vị trên bàn thờ, thấy đề tên Kiều, bà giật mình mới hỏi: Các vị đây là những người quê quán ở đâu? Và họ hàng với nàng gần xa thế nào? Nàng là người hãy còn sống hẳn hoi, mà sao lại làm ma và khóc nàng như vậy?

Câu 2979, 80 = Nghe bà nói, mọi người giật mình, ngơ ngác có vẻ rụng rời sợ hãi, rồi xúm lại quanh bà mà kể họ với nàng thế nào, cũng hỏi han cho rõ câu truyện bà vừa mới nói.

Câu 2981, 82 = Khi đã chỉ từng người cho bà biết: Đây là chồng nàng, đây là mẹ nàng, đây là cha nàng, đây là hai em ruột nàng, đây là em dâu nàng; rồi mới hỏi bà: Chúng tôi đã được nghe tin đích xác là nàng đã nhẩy xuống sông lâu rồi. Bây giờ Pháp sư lại dạy là nàng còn sống, sao có sự lạ như vậy?

Câu 2985, 86 = Sư Giác Duyên mới kể cho nghe: Tôi với Kiều như có nhân quả với nhau. Hồi trước khi ở Vô Tích nàng có vào tu ở Chiêu Ẩn am với tôi trong ít lâu; và khi nàng ở Lâm Tri có cho người mời tôi vào trong quân để trả ơn. Hồi sau thì vừa mới đây tôi nghe lời bà tiên tri Tam Hợp, có thuê người giăng lưới ở sông Tiền Đường để chờ vớt nàng.

Câu 2987, 88 = Quả nhiên khi nàng nhẩy xuống sông tự tử, tôi đã đón được nàng. Gặp nhau rất vui mừng mà rước nàng về.

Câu 2989,90 = Chúng tôi hiện đang nương nhờ bóng Phật trong một ngôi thảo am ở ngay gần đây.

Câu 2991, 92 = Nàng tuy vẫn tụng kinh trước Phật cho khuây vui qua ngày rỗi rảnh, nhưng tôi thấy nàng vẫn có ý đăm đăm nhớ nhà không sao khuây được.

Câu 2993, 94 = Nghe lời bà nói, ai cũng vui sướng mặt mày tươi nở, hết cả vẻ cau có, ủ ê, thật không nỗi mừng nào bằng nỗi mừng này.

Câu 2995, 96 = Từ khi nàng bỏ nhà ra đi, như chiếc lá rụng bị gió đưa nươc cuốn ra khỏi rừng, người nhà tốn biết bao nhiêu là công của đi tìm kiếm mà đều mất không cả, như tìm cá dưới nước bể, tìm chim trên mây trời.

Câu 2997, 98 = Rõ ràng như cánh hoa rụng xuống dòng sông, như khói hương tan bay trong cơn gió, ai cũng tưởng rằng họa chăng kiếp sau may ra mới lại gặp nhau, còn kiếp này thế là chắc thôi không sao gặp nữa.

Câu 2999, 3000 = Rõ thật là kẻ ở âm phủ, người ở dương gian đã phân cách hẳn ra đôi ngả rồi, thế mà nay người trên cõi trần lại được gặp người dưới cửu nguyên!

Câu 3001, 02 = Cả nhà cùng xụp xuống lạy tạ sư Giác Duyên rồi mọi người đi bộ theo sư dẫn về nơi thảo am.

Câu 3003, 04 = Vừa đi vừa bẻ lau rẽ cỏ để tìm lối bước, và vì quá nặng tình tha thiết với nàng, nên lòng ai cũng có đôi phần hồ nghi, chẳng biết có thật đúng là nàng không, hay bà sư lại vớt lầm người khác.

Câu 3005, 06 = Cả bọn cứ theo dọc bờ sông quanh co mà đi, qua khỏi rừng lau thì đã thấy sân nhà chùa rồi.

Câu 3007, 08 = Sư bà lên tiếng gọi Kiều, thì nàng đã từ trong buồng chùa vội vàng chạy ra.

Câu 3009, 10 = Nàng trông thấy đủ mặt cả mọi người nhà xưa: cha hãy còn khỏe mạnh, mẹ hãy còn tươi tỉnh.

Câu 3011, 12 = Hai em đều trưởng thành nên người khá cả, lại kìa cả chàng Kim là người cũ đó nữa.

Câu 3013, 14 = Nàng bàng hoàng những tưởng chẳng biết bây giờ là ngày hay là đêm, rõ mở mắt hẳn hoi nàng vẫn tưởng là mơ ngủ.

Câu 3015, 16 = Nước mắt nàng bỗng tràn trụa tuôn ra liền liền hai hàng rơi xuống làm hoen ướt cả vạt áo ngoài. Mừng mừng, tủi tủi, lòng nàng chứa chất biết bao nhiêu là sự, là tình, bỗng bùng lên như muốn nổ tung ra.

Câu 3017, 18 = Kiều liền vật mình xuống bên chân Vương bà mà khóc than kể đầu đuôi quãng đời khổ cực của mình:

Câu 3019, 20 = Từ khi con lưu lạc ra nơi đất khách quê người đến giờ, thật là long đong cực nhọc như bèo trôi đây đó, sóng vỗ nổi chìm, thấm thoắt mười lăm năm trời.

Câu 3021, 22 = Con đã một niềm tin rằng chỉ có chết xuống trong sông nước, vùi thân dưới cát bùn là xong đời, chứ ai lại còn ngờ còn chắc đâu chút nào là lại còn được gặp cha mẹ và gia đình trong kiếp này nữa!

Câu 3023, 24 = Ông Bà cầm tay nàng kéo lên đứng dậy và nhìn vẻ mặt nàng hãy còn sáng đẹp như ngày ra đi.

Câu 3025, 26 = Tuy rằng dầu dãi phong trần trong bấy lâu, vẻ xuân tươi mười phần cũng có gầy kém ba bốn phần.

Câu 3027, 28 = Nỗi mừng của Ông Bà thật không gì bằng. Nào là lời buồn khi tan rẽ, lời vui khi xum họp, nào là câu truyện xa, câu truyện gần, Ông Bà kể cho nàng nghe chẳng thiếu gì.

Câu 3029, 30 = Hai em thì hỏi han hết câu nọ đến câu kia, và nghe mỗi câu nàng kể, lại thở than thương nàng. Chàng Kim thì không tiện tới gần nàng, đành đứng xa mà nghe rồi mặt chàng đương sầu cũng hóa ra tươi vui.

Câu 3031, 32 = Rồi mọi người rủ nhau lại lễ trước bàn thờ Phật. Lễ Phật xong rồi, cả nhà quay lại tỏ lòng cảm tạ sư bà Giác Duyên đã đem lòng từ bi cố công cứu vớt cho Kiều được tái sinh.

Câu 3033, 34 = Bỗng thấy người đưa kiệu hoa đến và giục mọi người ra đi, Vương ông ngỏ lời bảo rước nàng cùng về một nơi với cả nhà.

Câu 3035, 36 = Nàng thưa rằng: Thân phận con nhỏ mọn như một cái hoa rơi, đã nếm đủ mọi mùi cay đắng suốt nửa đời.

Câu 3037, 38 = Con những tưởng long đong cho hết kiếp mặt nước bể khơi, chân mây trời thẳm, lòng nào còn dám ngờ rằng hãy còn gặp cha mẹ gia đình như hôm nay nữa!

Câu 3039, 40 = Bây giờ con được như thác sinh ra kiếp sau mà lại được gặp cha mẹ như thế này, thật là đã thỏa mãn tấm lòng khao khát ước ao trong bao nhiêu năm nay lắm rồi, vậy xin cha để con tu ở đây.

Câu 3041, 42 = Một là vì con nay đã bỏ mình vào tu ở chùa này, và tuổi con cũng đã đáng để gửi thân làm bạn vô tình với cỏ cây rồi.

Câu 3043, 44 = Hai là vì con nay đã quen lối nhà chùa, thích ăn dưa muối chay tịnh, ưa mặc quần áo nâu sồng,

Câu 3045, 46 = Lửa lòng đã rập tắt, nguội lạnh với sự đời rồi, thì còn chen mình vào cuộc đời phồn hoa như trong đám bụi hồng đó làm gì nữa?

Câu 3047, 48 = Ba là thân đời con nay đã dở dang còn có ra gì nữa, đã tu thì phải tu cho trọn đạo tu, tuổi trẻ trung đã qua rồi thì cho qua hết đi thôi.

Câu 3049, 50 = Sau nữa là con đội ơn trùng sinh nặng như trời bể của Sư trưởng đây, con nỡ lòng nào mà bỏ Sư trưởng ra đi được?

Câu 3051, 52 = Ông nói: Lúc trước là một thì, lúc này là một thì, mỗi thì một khác. Trước kia con bơ vơ, ở chùa tu hành là phải, bây giờ con nhờ Phật phù hộ cho lại được gặp gia đình, thì con nên tòng quyền mà về với gia đình mới phải.

Câu 3053, 54 = Con tu là để cầu phúc, chứ có phải đâu là để cầu cho thành Phật, thành Tiên; nay cầu phúc đã được phúc rồi, thì còn tình kia nghĩa nọ, con định bỏ cho ai báo đền thay con được đây?

Câu 3055, 56 = Con muốn báo lại ân đức độ sinh cao dày như trời đất của Sư trưởng đây, thì ta sẽ lập một ngôi chùa nhỏ ở nhà để rước người về cùng ở chung với nhà ta.

Câu 3057, 58 = Kiều nghe ông nói thật hết lẽ, đành phải chiều lòng mà vâng lời ông, thế là nàng từ giã Sư trưởng, từ giã cảnh chùa mà cùng ra về với mọi người.

Những câu có ý nghĩa móc nối với nhau

và những chữ có ý ngầm sâu sắc

(1) Câu đầu đoạn này “Cơ duyên đâu bỗng lạ sao”, gần thì chuyển ý liền xuống câu dưới: Lạ sao mà Giác Duyên lại bỗng tìm đến đó; xa thì có ý ngầm móc nối với câu Từ Hải hứa với Kiều “Xót nàng còn chút song thân / Bấy nay kẻ Việt người Tần cách xa / Sao cho muôn dặm một nhà / Cho người thấy mặt là ta cam lòng.” Lúc sống Từ Hải chưa làm được, chết vẫn không quên, nên vong hồn Từ dun dủi đưa Giác Duyên đến chỗ chiêu hồn gặp gia đình Vương Kim để đưa về cho “thấy mặt” nhau. Câu thứ hai “Giác Duyên đâu bỗng tìm vào tận nơi” trên thì tiếp tục ý câu trên, dưới thì mở đầu cho cuộc Kim Kiều gặp nhau, và để kết liễu cuộc tình duyên tả thành một đoạn văn chương ý nghĩa rất ly kỳ thanh cao.

(2) Những câu tả cuộc đối thoại giữa sư Giác Duyên và gia đình Vương Kim, lời đối đáp thật vắn gọn, tự nhiên mà rõ ràng hợp tình hợp lý. Câu “Này chồng, này mẹ, này cha / Này là em ruột, này là em dâu” đáp lại câu Giác Duyên hỏi “… những người đâu ta? Với nàng thân thích gần xa?” Câu hỏi của Giác Duyên thì thật tự nhiên quê mùa, tỏ được lòng thất kinh, đột ngột, chẳng kịp lựa lời văn lễ độ. Câu Vương Ông đáp lại thì gẫy gọn phân minh vừa chỉ từng người vừa kể họ hàng, mà lại rất ý nhị bắt đầu kể ngay Kim Trọng thật hợp tình lý. Nếu kể chàng vào giữa thì mất trật tự xa gần, mà kể vào cuối cùng thì sơ tình quá với chàng – lại một câu trả lời đủ ý nghĩa đáp lại hai câu hỏi.

(3) Câu “Bẻ lau rẽ cỏ tìm đi” có ý ứng với câu “Giác Duyên đâu bỗng tìm vào tận nơi” để tả nơi cúng chiêu hồn rậm rạp khuất nẻo như thế. Nếu không phải là cơ duyên dun dủi, thì sao Giác Duyên lại bỗng tìm vào tới nơi?

(4 Đoạn tả lúc Kiều mới gặp lại gia đình cũng có ý rất tế nhị giữa Kiều và Kim Trọng. Khi Kiều ở thảo am chạy ra gặp gia đình thì nhìn thấy cha mẹ trước, rồi thấy hai em, sau cùng mới thấy Kim Trọng. Nàng nhận thấy cha mẹ còn mạnh khỏe, hai em đều đã phương trưởng cả, nhưng không dám nhận kỹ chàng Kim ra sao, chỉ dám thoảng nhìn cho chàng biết là mình cũng có thấy chàng thôi. Rồi Ông Bà ngắm nhìn trò truyện với nàng trước, đến lượt hai em hỏi han nàng, than thở cho nàng. Còn Kim Trọng thì giữ gìn ý tứ chỉ đứng xa mà nhìn mà chia vui với nàng. Đọc đoạn tả lúc ban đầu cuộc trùng phùng này, chúng ta thấy tác giả tả rất vắn gọn, nhưng rất đầy đủ tình tứ trật tự thân sơ, lại rất có ý nhị, khéo dùng lời kín đáo mà tả được tâm tình kín đáo của đôi tình nhân tha thiết mong nhau trong mười lăm năm trời. Tả lòng “nàng” thì chỉ nói “Kìa chàng Kim đó là người ngày xưa”, tả lòng “chàng” thì chỉ “Đứng trông chàng cũng giở sầu làm tươi.” Thế mà tả được lòng thương thật tha thiết lẫn nhau của hai người, nhưng chỉ vì “chưa có một lời trao tơ” mà phải “mặt ngoài còn e” ở trước mặt mọi người!

[ĐÀM DUY TẠO]