CHƯƠNG 31

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 3131 ĐẾN CÂU 3186

“Chút trinh cầm vững, muôn phần kính thêm”

3131. Nhà vừa mở tiệc đoàn loan, [1]

Hoa soi ngọn đuốc hồng chen bức là. [2]

3133. Cùng nhau giao bái một nhà, [3]

Lễ đà đủ lễ đôi đà xứng đôi.

3135. Động phòng dìu dặt chén mồi, [4]

Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa .

3137. Những từ sen ngó đào tơ, [5]

Mười lăm năm mới bây giờ là đây !

3139. Tình duyên ấy hợp tan này,

Bi hoan mấy nỗi đêm chầy trăng cao.[6]

3141. Canh khuya bức gấm rủ thao, [7]

Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân.

3143. Tình nhân lại gặp tình nhân,

Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình.

3145. Nàng rằng: Phận thiếp đã đành,

Có làm chi nữa cái mình bỏ đi !

3147. Nghĩ chàng nghĩa cũ tình ghi,

Chiều lòng gọi có xướng tùy mảy may.[8]

3149. Riêng lòng đã thẹn lắm thay,

Cũng đà mặt dạn mày dày khó coi !

3151. Những như âu yếm vành ngoài,

Còn toan mở mặt với người cho qua.

3153. Lại như những thói người ta,

Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa.

3155. Khéo là giở nhuốc bày trò,

Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi ! [9]

 3157. Người yêu ta xấu với người,

Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau !

3159. Cửa nhà dù tính về sau, [10]

Thì còn em đó lọ cầu chị đây.

3161. Chữ trinh còn một chút này, [11]

Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan!

3163. Còn nhiều ân ái chan chan, [12]

Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi ? [13]

3165. Chàng rằng: Gắn bó một lời,                                                                                                                                                                              Bỗng không cá nước chim trời lỡ nhau.[14]

3167. Xót người lưu lạc bấy lâu,

Tưởng thề thốt nặng nên đau đớn nhiều !

3169. Thương nhau sinh tử đã liều,

Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình.

3171. Chừng xuân tơ liễu còn xanh,

Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân .

3173. Gương trong chẳng chút bụi trần,

Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm !

3175. Bấy lâu đáy bể mò kim, [15]

Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa ?

3177. Ai ngờ lại họp một nhà,

Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm! [16]

3179. Nghe lời sửa áo cài trâm, [17]

Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng: [18] [19]

3181. Thân tàn gạn đục khơi trong, [20]

Là nhờ quân tử khác lòng người ta.

3183. Mấy lời tâm phúc ruột rà, [21]

Tương tri dường ấy mới là tương tri! [22]

3185. Chở che đùm bọc thiếu chi, [23]

Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay! [24]

Đính chính và xác định

Hai câu 3131, 32 – Nhà vừa mở tiệc đoàn loan / Hoa soi ngọn đuốc hồng chan bức làTiệc đoàn loan = Bữa tiệc họp nhau lại làm lễ kết hợp cho hai người sum họp thành vợ chồng, tức là tiệc cưới. Câu Hoa soi ngọn đuốc, hồng chan bức là tả cảnh nhà hôm cưới. Hoa soi ngọn đuốc diễn dịch ở chữ “Hoa chúc” ra. Hồng chan bức là không biết tác giả diễn dịch ở đâu ra; chỉ biết Hồng là màu sắc vui mừng của Ta và Tàu xưa; quần áo và chăn mùng cô dâu đều dùng mầu hồng cả. Chữ “bức là” đây có lẽ là bức màn may bằng là (lụa mỏng). Vì có mấy bản Kiềm nôm in lầm chữ “đoàn loan” (團 圞) ra “đoàn viên,” có người xuất bản Truyện Kiều thấy chữ “viên” không vần với chữ “than” câu trên và chữ “chan” câu dưới, mới đổi câu 3131 này thành “Đoàn viên tiệc mở nhà lan.” Đổi như thế vẫn lầm, vì chữ đoàn viên không có ý “cưới” như chữ đoàn loan, và lại trùng với câu 3060 “Đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy.” Nhiều nhà xuất bản không biết chữ đoàn loan (團 圞) lầm ra đoàn viên (團 圓) ở câu trên, lại đổi chữ “chan” ở câu dưới ra chữ “chen” cho hợp vần với chữ “viên.” Thế là chỉ cốt đổi cho có vần, chớ không nghĩ gì đến nghĩa. “Hồng chen bức là” nghĩa là thế nào? Thật đáng tiếc. Vậy xin mạn phép đính chính cả hai câu lại cho cuốn truyện đỡ được phần nào bị hậu nhân xuyên tạc.

Câu 3154 – Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùaVớt hương dưới đất = Nhặt cái hoa tàn đã rụng xuống đất lên mà ngửi “vớt vát” lấy chút hương thơm lấm bẩn còn lại. Chữ “vớt” nghĩa là “vớt vát” như thế, chớ không phải là vớt một vật gì đó ở dưới nước lên như ở câu “Ngư ông kéo lưới vớt người.” Có nhiều bản Kiều, người xuất bản nhận lầm nghĩa chữ “vớt” mà đổi ra “vớt hương đáy nước” thành ra vô nghĩa, vì mùi thơm đã tan vào nước thì còn vớt sao được.

Câu 3155 – Khéo là giở nhuốc bày trò – Nhiều bản Kiều in câu này là “Cũng nhơ dở duốc bày trò.” “Cũng nhơ” đã e vô nghĩa lại lời không được êm đẹp bằng chữ “khéo là” nghĩa đã dễ hiểu, lời lại tự nhiên trôi chảy hơn nhiều.

Câu 3176 – Là theo vàng đá, phải tìm trăng hoa = Sở dĩ ta phải hết sức tìm nàng như thế là vì ta phải theo lời thề bền như khắc vào biển vàng bia đá, chớ đâu phải là vì đường trăng hoa mà tìm nàng về để thỏa dục tình. Nhưng vì chữ nôm (遶) theo bản nôm khắc lầm ra (饒) hay (𡗉), rồi người phiên âm không biết sự chữ nôm khắc sai lầm đó, cứ theo mà dịch là “Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa”, trong đó “nhiều vàng đá” đã vô nghĩa lại đối không chỉnh với “tìm trăng hoa” bằng “theo vàng đá.”

Chú giải và dẫn điển

[1] Đoàn loan = Đoạn tụ với nhau. Tiệc đoàn loan = Tiệc cưới. (Xem lời giải ở mục đính chính câu 3131 trên). Câu đối mừng đám cưới trước, các cụ hay dùng chữ đoàn loan; chính tôi đã phải ba lần viết câu đối có chữ đoàn loan (團 圞) thật khó viết cho tốt; sách Tàu bây giờ họ viết là (团 欒).

[2] Hồng chan bức là = Màn đỏ đám cưới treo lên màu hồng ánh ra như chan dội khắp nhà.

[3] Giao bái một nhà = Dâu rể chào bái lẫn nhau để làm lễ kết nhau lại thành một nhà với nhau. Nhân tiện đoạn này có chữ bái (拜) và chữ khất đầu (乞 頭) xin kể rõ các lối chào lạy của người Tàu trước có: (a) Ấp 揖 (ta vẫn gọi là vái) = Chấp hai tay ở trước ngực, và hơi cúi đầu xuống. (b) Trường ấp (長 揖) (vái dài) = Hai tay vẫn chấp ở trước ngực, nhưng đầu cúi gầm ngang về phía trước. (c) Bái (拜) (ta gọi là lạy hay vái) = Hai tay chấp lên trước trán, rồi cong lưng cúi đầu, hạ hai tay chấp xuống trước rốn. (d) Bái thủ khể thủ (拜 手 稽 手) = Tay bái đầu cúi xuống tận đất (lối lễ của đàn ông ta trước). (e) Khấu đầu (叩 頭) = Kiểu lạy trịnh trọng nhất. Hai chân quỳ xuống, hay tay chống xuống hai bên phía trước mặt, đầu gục xuống sát đất giữa khoảng hai bàn tay (người Tàu vẫn lễ thần theo kiểu khấu đầu này).

[4] Dìu dặt = Vui vẻ mời nhau uống mãi. Chén mồi = Chén làm bằng đồi mồi.

[5] Sen ngó đào tơ = Lúc mới dậy thì, như sen mới mọc ngó, đào mới nẩy cành tơ.

[6] Bi hoanBi (悲) =Truyện buồn thương lúc trước. Hoan (歡) = Truyện vui vẻ bây giờ.

[7] Bức gấm rủ thaoBức gấm = Bức màn may bằng gấm. Thao = Những tua chỉ kết trang điểm làm riềm màn.

[8] Xướng tùy (唱 随) – Sách Nho có câu “Phu giả xướng phụ giả tùy” (夫 者 唱, 婦/妇 者 随) = Chồng là người chủ trương mọi việc, vợ là người theo mà làm. Ta dùng hai chữ “xướng tùy” để nói kết nghĩa làm vợ chồng hoà thuận với nhau.

[9] Còn duyên đâu nữa là thù đấy thôi – Câu này lấy ý ở câu trong sách Tả Truyện “Giai ngẫu viết phối, oán ngẫu viết cừu” (佳 偶 曰 配, 怨 偶曰 仇) = Lứa đôi vui đẹp gọi là vợ chồng, lứa đôi oán ghét nhau gọi là kẻ thù.

[10] Cửa nhà dù tính về sauCửa nhà = Con cái nối dõi nghiệp nhà.

[11] Chữ trinh còn một chút này / Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan – Hai câu tả lời Kiều can Kim Trọng này rất hay, lời thật êm nhẹ nhưng ý thật khẩn thiết, nghiêm chỉnh, vừa như khuyên như van chàng, vừa như tự cảnh cáo mình. Chỉ nỗi lời vắn, ý sâu, cần phải dài lời giải thích cho rõ, và trước khi giải thích, cần phải nói rõ nghĩa chữ “trinh” là thế nào. “Trinh” là tấm lòng ngay ngắn đứng đắn giữ thật bền vững. Đối với đàn bà thì “trinh” là đức tính biết giữ mình cho hết sức đứng đắn trong sạch, và biết hết lòng yêu mến kính trọng chồng, giữ trọn đạo trọn nghĩa với chồng. Vì lòng tôn kính quý trọng chồng, nên người trinh phụ thường phải giữ gìn mình và can ngăn chồng, để vợ chồng không mang tiếng về đường ân ái bất chính, đó là trường hợp của Kiều lúc này – (Nàng rằng gia thất duyên hài / Tấm lòng ân ái ai ai cũng lòng / Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng / Hoa thơm phong nhị trăng vòng tròn gương/ Chữ trinh đáng giá nghìn vàng / Đuốc hoa chẳng thẹn cùng chàng mai xưa). Kiều tuy phải bán mình vướng vào kiếp phong trần, nhưng trước sau cũng vẫn một niềm chung tình với Kim Trọng. Lúc tái hợp, nàng biết mình không đáng làm vợ chàng nữa, nên nàng quyết tâm giữ tấm chung tình đối với chàng cho thật trong trắng, hy sinh hẳn phần dục tình mà nàng cho là sự ái ân không xứng đáng với chàng, chỉ giữ lấy phần “ái tình chân chính”, để cầm vững trinh tiết của nàng và danh dự của chàng. Phần “ái tình chân chính” này rất mong manh, dễ bị phần “dục tình” không xứng đáng kia làm ô uế, và một khi “ái tình chân chính” đã mờ đục đi, thì hết cả tâm hồn trinh bạch của nàng và tâm hồn “vì nghĩa tìm nàng” của chàng. Bởi vậy nàng phải khẩn khoản xin cùng chàng cố “cầm vững lấy một chút phần chữ trinh còn lại” đó.

[12] Còn nhiều ân ái chan chan = Ta muốn tỏ tình yêu đương nhau thì thiếu gì cuộc khác, làm gì cứ phải “vầy cánh hoa tàn” này.

[13] Vầy = Chơi đùa nhảm nhí như trẻ con vầy nghịch nơi nước bẩn.

[14] Bỗng không cá nước chim trời lỡ nhau = Một bên như cá dưới nước, một bên như chim trên trời, lạc nhau lỡ làng duyên nhau.

[15] Đáy bể mò kim = Cách tìm kiếm không chắc phần nào thấy mà vẫn cứ cố công liều mạng đi tìm.

[16] Lọ là = Chẳng cần gì phải thế.

[17] Sửa áo gài trâm = Ăn mặc chỉnh tề lại để làm lễ tạ ơn Kim Trọng.

[18] Khấu đầu = Lối lễ lạy trịnh trọng nhất. (Xem lời giải [3] ở trên).

[19] Cao thâm = (Ơn) to lắm, cao như trời, sâu như bể.

[20] Thân này gạn đục khơi trong / Là nhờ quân tử khác lòng người ta = Kiều tự ví mình như thùng nước đục được nhờ ơn to Kim Trọng có lòng quân tử khác người, ra tay gạn bỏ chất đục cho lại được trong sạch.

[21] Ruột rà = Rất thành thật, rất kín đáo ở trong lòng.

[22] Tương tri dường ấy mới là tương tri = Tương tri có thật hiểu thấu tâm tình sâu kín của nhau như thế mới thật là tương tri. (Kim Trọng trước kia thì tưởng là Kiều hãy còn tuổi xuân, chưa thoát ra khỏi được vành ái ân, nên thương Kiều, mà làm ra vẻ say mê Kiều; Kiều thì tưởng là Kim Trọng say mê mình thật, nên hết sức từ chối là thân mình đã tàn bẩn lắm rồi, không đáng lấy chàng nữa, vì sẽ làm mất danh giá chàng. Rồi Kim lại cũng giảng giải cho nàng khỏi tủi thẹn mà lấy chàng. Nhưng đến lúc nghe lời nàng khuyên xin cùng cầm vững lấy “chút trinh còn lại” để giữ lấy danh tiết cho cả hai người, bấy giờ Kim mới hiểu tấm lòng kiên trinh của nàng, và mới bày tỏ thật tình cho nàng biết rằng “Bấy lâu đáy bể mò kim / Là theo vàng đá phải tìm trăng hoa.” Đến lúc này hai bên mới thật tương tri lẫn nhau và lại càng kính trọng yêu quý nhau thêm một cách thanh tao).

[23] Chở che đùm bọc – Kiều nói ơn chàng to như trời che đất chở, đã cho nàng được nhờ về đời sống vật chất, như lá lành đùm lá rách, lại cho nàng được nhờ danh giá về đời sống tinh thần.

[24] Danh tiếtDanh = Danh giá của Kim. Tiết = Tiết trinh của Kiều.

Diễn ra văn xuôi

Câu 3131, 32 = Được nàng lặng lẽ nhận lời rồi, cả mọi người mới mở tiệc đoàn loan làm lễ kết hôn cho hai người, đuốc hoa đốt lên rực rỡ, bức là treo lên dọi ánh hồng khắp nhà.

Câu 3133, 34 = Rồi dâu rể chào bái lẫn nhau để sum họp lại thành một nhà, thế là đủ lễ đủ đôi, thành vợ thành chồng.

Câu 3135, 36 = Trong buồng tân hôn hai bên dặt dìu nâng chén mời nhau mãi, vừa bâng khuâng vui mừng duyên mới, vừa ngậm ngùi nhắc nhở tình xưa.

Câu 3137, 38 = Cùng nhau kể lại các cuộc gặp gỡ thề nguyền xưa, những tưởng là duyên ưa phận đẹp ngay từ lúc trẻ trung như sen mới nẩy ngó, như đào mới trồi lộc tơ, thế mà mười lăm năm qua, đến bây giờ mới được cưới nhau.

Câu 3139, 40 = Tình đằm thắm ấy, duyên khăng khít ấy, nỗi sầu nhớ khi tan xưa, nỗi vui mừng khi hợp nay, kể cho nhau nghe biết bao nhiêu là nỗi sầu bi, nỗi hân hoan, chẳng mấy chốc mà đêm đã muộn, trăng đã cao.

Câu 3141, 42 = Mãi đến lúc canh đã khuya, mới buông bức mùng gấm rủ rê nhung thao đẹp xuống, dưới bóng đèn, chàng càng ngắm rõ hình dáng nàng, càng thấy nàng thêm tươi, thêm xuân.

Câu 3143, 44 = Tình nhân lại gặp tình nhân, hoa gặp ong xưa, ong gặp hoa cũ, mối chung tình lại càng thêm lên mấy phần.

Câu 3145, 46 = Kiều nói: Phận thiếp đã đành vậy, chẳng đáng kể gì tấm thân đã bỏ đi này.

Câu 3147, 48 = Thiếp chỉ nghĩ đến nghĩa cũ của chàng, và nghĩ đến tình đã ghi tạc với nhau, nên chiều lòng chàng mà gọi là có theo đạo xướng tùy một chút đó thôi.

Câu 3149, 50 = Thật ra riêng lòng thiếp đã hổ thẹn lắm, rõ là mặt dạn mày dày khó coi quá.

Câu 3151, 52 = Nếu chàng chỉ những yêu quý âu yếm nhau ở bề ngoài thôi, thì thiếp còn dám mở mắt nhìn mọi người cho qua đi được.

Câu 3153, 54 = Mà nay lại giống như thói thường của người đời, nhặt hoa rụng ở dưới đất lên mà ngửi vớt vát lấy chút hương thừa ủng, bẻ cành hoa lúc cuối mùa mà ngắm những màu tàn úa.

Câu 3155, 56 = Thì rõ khéo thật là bới nhuốc nhau ra, bày trò cho người ta cười. Như thế thì còn đâu là tình, là duyên với nhau nữa, mà chỉ là oán, là thù, quả báo nhau thôi.

Câu 3157, 58 = Yêu nhau như thế là làm cho nhau phải xấu xa nhơ nhuốc; yêu nhau như thế lại tệ hơn gấp mười lần phụ nhau.

Câu 3159, 60 = Nếu chàng muốn tính đường con cái nối dõi cửa nhà về sau thì còn em thiếp đó, cần gì đến người chị đây?

Câu 3161, 62 = Chữ trinh của thiếp đối với chàng chỉ còn một chút ở nơi ái tình trong trắng lúc này, xin chàng cố cầm vững cho, nỡ lòng nào chàng lại giày xéo cho tan đi? (Xem lời giải thích [11] về câu này ở trên). Câu 3163, 64 = Giữa chàng và thiếp còn chan chứa nhiều đường ân ái thanh cao hơn, chứ hay gì cái cuộc vầy chơi đóa hoa tàn! Câu 3165, 66 = Thấy nàng bày tỏ chân tình để can ngăn mình đừng “giày xéo cho tan chút chữ trinh còn lại” của nàng đối với mình, Kim cũng bày tỏ thật tâm của mình cho Kiều biết: Ta sở dĩ phải quá tình thương yêu vớt vát nàng như thế, là vì chúng ta đã một lời thề nguyền gắn bó với nhau, bỗng dưng phải chia rẽ nhau như cá dưới nước, chim trên trời, mỗi người một phương lỡ làng duyên nhau.

Câu 3167, 68 = Ta rất thương xót nàng lưu lạc trong bấy nhiêu năm, chắc nàng cũng vì lời thề thốt nặng đó mà lòng lại càng thêm đau đớn nhiều hơn.

Câu 3169, 70 = Vì thương nhau mà biết bao nhiêu lần đã muốn liều sống liều chết vì nhau! Mà giờ đây, lúc được đoàn viên, thì đã luống tuổi, chỉ còn chút tình bấy nhiêu thôi, nên ta muốn vớt vát lấy cho đỡ thương nhau.

Câu 3171, 72 = Vả lại ta tưởng nàng cũng hãy còn trong tuổi xuân xanh, chắc chưa thoát khỏi được ra ngoài vòng ân ái.

Câu 3173, 74 = Bây giờ ta thấy rõ lòng nàng thật như tấm gương trong không chút bụi cản, một lời nàng đã quyết hẳn là dứt niềm trần tục làm ta thật phải kính trọng nàng thêm lên gấp muôn phần.

Câu 3175, 76 = Và xin nói thật cho nàng biết rằng bấy lâu nay ta tìm nàng rõ khó khăn như lặn xuống dưới đáy bể mà mò kim, mà ta vẫn cố tìm là vì ta theo lời thề nàng vững như khắc vào bia đá vào biển vàng, chớ có phải là tìm nàng để có thú vui trăng hoa với nàng đâu.

Câu 3177, 78 = Bây giờ may ta lại được sum họp một nhà với nhau, thế là ta vui hả lắm rồi, có cần gì phải âu yếm nhau trong chăn gối nữa mới là vợ chồng!

Câu 3179, 80 = Nghe lời chàng kể, bấy giờ nàng mới thật hiểu là chàng có độ lượng bao dung, thương mình hết sức. Nàng đứng dậy sửa sang áo xiêm cho chỉnh tề và quấn tóc gài trâm cho ngay ngắn, mà ra làm lễ khấu đầu rất long trọng để tạ ơn cao sâu nghìn trùng như trời như bể của chàng đối với nàng.

Câu 3181, 82 = Nàng nói: Tấm thân tàn này mà xóa sạch được mọi điều đục bẩn, tỏ rõ được mọi điều trong trắng, đó là nhờ độ lượng cao minh rộng rãi của người quân tử có bụng khác người thường.

Câu 3183, 84 = Những lời tâm phúc chân thành từ đáy lòng chàng ra, tỏ cho thiếp hay rằng chàng hiểu biết rõ ràng chân tình quý chàng của thiếp, cũng như thiếp hiểu biết rõ ràng chân tình thương thiếp của chàng. Tấm lòng tương tri sâu xa như thế mới thật là tương tri.

Câu 3185, 86 = Chàng đã đem lòng bao dung như trời đất che chở cho thiếp khỏi mang tiếng xấu xa, lại ra tay đùm bọc giúp thiếp đủ đường để giữ được trọn đạo trinh khiết. Cũng vì sự chúng ta hiểu thấu tâm tình nhau đêm nay, mà thanh danh của chàng và tiết trinh của thiếp cũng giữ được trọn vẹn suốt đời.

Những câu có ý móc nối hô ứng nhau

(1) Lời Kiều can ngăn Kim Trọng ở đoạn này, lời lẽ cũng giống như lời can ngăn chàng khi trước, lúc gảy đàn nàng thấy “xem trong âu yếm có chiều là lơi” ở các điểm sau này: (a) Trước sau đều lấy “chữ trinh” làm chủ yếu mà can. Trước kia vì chưa cưới hỏi gì, thì nàng nói “Đã cho vào bực bố kinh / Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.” Đoạn này thì nàng nói “Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng / Hoa thơm phong nhị, trăng vòng tròn gương / Chữ trinh đáng giá nghìn vàng / Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa / Thiếp từ ngộ biến đến giờ / Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.” (b) Trước sau đều giữ một niềm khiêm tốn như bỏ mình đi để rồi mới đưa ra lời can Kim Trọng. Trước kia tuy còn trẻ trung mà nàng đã nói “Vẻ chi một đóa yêu đào / Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.” Đoạn này thì nàng nói “Phận thiếp đã đành / Có làm chi nữa cái mình bỏ đi!” (c) Trước sau đều dùng những lời rất nghiêm mà lửng lơ như tự khuyên mình mà ngụ ý khuyên chàng. Trước kia thì nàng nói “Ra tuồng trên bộc trong dâu / Những con người ấy ai cầu làm chi / Phải điều ăn xổi ở thì / Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày.” Đoạn này thì nàng nói “Người yêu ta xấu với người / Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau” và “Chữ trinh còn một chút này / Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan!” (d) Trước sau đều một mực khuyên ngăn chàng để giữ lấy cuộc tình duyên hai bên cho được trong sạch và bền vững. Trước kia thì nàng đem truyện Thôi Trương ra kể, vì Thôi quá chiều Trương, mà để “Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng,” vì Thôi trước không biết giữ gìn, mà sau hổ thẹn không dám nhìn Trương nữa. Đoạn này thì nàng đem ngay sự thật của chàng nàng ra mà can “Lại như những thói người ta /Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa / Khéo là giở nhuốc bày trò / Còn duyên đâu nữa, là thù đấy thôi.”

(2) Kim Trọng thấy Kiều vừa can ngăn vừa có ý nghiêm trách mình, mới chiếu từng điều ra mà phân trần trả lời cho nàng thấu rõ lòng chàng vì sao mà phải “Lại như những thói người ta” như thế, cho nàng khỏi chê trách: (a) Những câu chàng nói “Thương nhau sinh tử đã nhiều / Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình / Chừng xuân tơ liễu còn xanh / Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân” để trả lời những câu nàng trách “Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa /Khéo là giở nhuốc bày trò / Còn duyên đâu nữa, là thù đấy thôi! và “Chữ trinh còn một chút này, Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan.” (b) Những câu chàng nói “Bấy lâu đáy bể mò kim / Là theo vàng đá phải tìm trăng hoa /Ai ngờ lại họp một nhà / Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!” để trả lời những câu nàng nói “Cửa nhà dù tính về sau / Thì còn em đó, nọ cầu chị đây… Còn nhiều ân ái chan chan / Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi!” (c) Vì nàng can lời uyển chuyển dễ nghe và ý nghiêm trang chân chính, nên cả hai lần đều được chàng cảm phục. Lần trước thì “Thấy lời đoan chính dễ nghe / Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân.” Lần này thì “Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm.” (d) Câu Kiều nói “Thân tàn gạn đục khơi trong” là để tạ ơn Kim Trọng hiểu thấu lòng mình, đã không khinh rẻ, lại có lòng quý trọng mình thêm. Câu “Chở che đùm bọc thiếu gì” là để nàng tạ ơn chàng đã bao dung nàng và đã hết lòng giữ cho nàng được tròn vẹn danh tiết.

(3) Câu mở đầu lời khuyên can của nàng “Nghĩ chàng nghĩa cũ tình ghi / Chiều lòng gọi có xướng tùy mảy may” trả lời câu 521, 22 câu cuối lời can trước “Vội chi liễu ép hoa nài / Còn thân ắt một đền bồi có khi” để tỏ lòng nàng bất đắc dĩ mà không dám phụ lời hứa hẹn.

(4) Cuộc đối thoại này là cuộc đối thoại cuối cùng trong truyện Kiều và là cuộc đối thoại khó tả nhất cho được thanh thoát. Giữa Kim và Kiều vì không hiểu lòng nhau mà phải trách móc và phân trần cho cùng hiểu nhau. Trước là vì Kim lầm tưởng Kiều chưa thoát khỏi vòng tình ái, nên khéo tìm lẽ phân giải cho nàng yên chí lấy chàng mà không thẹn, làm cho nàng cũng lầm tưởng chàng là vì tham sắc nàng mà khéo dỗ để hòng được bẻ hoa cuối mùa, chớ không biết là nàng đã thật tắt lửa lòng. Khi bất đắc dĩ nàng phải kết duyên với chàng, nàng mới cương quyết đem lời than thở cao thượng ra mà khuyên ngăn chàng để giữ vững chút “trinh” của nàng còn lại đối với chàng. Bấy giờ Kim mới hiểu thật lòng nàng, và cũng phải thú thật vì lầm tưởng mà đã phạm lỗi với nàng, rồi chàng cũng phải đem lòng nghĩa khí của chàng ra phân trần cho nàng biết là vì nghĩa đá vàng mà phải đáy bể mò kim, chớ không phải vì trăng hoa. Hai bên bấy giờ mới thật là tương tri. Cuộc đối thoại này thật nhiều chi tiết, nhiều lý lẽ, những lời chê trách, lời phân trần thật đâu vào đấy, phi tay đại tài văn chương tả sao nổi chỉ ngắn gọn trong ba chục câu thơ mà lời rất lưu loát tự nhiên.

[ĐÀM DUY TẠO]