Về loài cây Vải
Thái Công Tụng
Viết về cây vải, nhớ đến nhà thơ Nguyễn Bính:
Mùa vải năm nay chừng đến muộn
Chưa nghe tu hú giục xuân đi
Nóng lòng cây gạo lìa hoa đỏ
Trổ búp tơ xanh đón gió hè
(thơ Nguyễn Bính)
Cây vải tên khoa học là Litchi sinensis, họ Bồ hòn (Sapindaceae) . Đây là cây ăn quả lâu năm, thân gỗ vùng nhiệt đới. Cây vải là một loại quả đứng hạng 3 , sau cam quýt và quả bơ, ở vùng cận nhiệt đới, được trồng từ rất lâu ở Nam Trung Hoa (Quảng Đông, Phúc Kiến) và ở quy mô lớn hoặc nhỏ ở miền bắc Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan, đông bắc Úc châu .Ở Florida và Hawaì cũng có trồng cây này .
Tại miền châu thổ sông Hồng, tỉnh Bắc Giang với huyện Lục Ngạn là nơi sản xuất vải thiều nhiều nhất. Toàn huyện Lục Ngạn đã có trên 19 ngàn hecta trồng cây vải. Quả vải nói chung được bán để ăn tươi . Cây vải phát triển tốt trên các loại đất thoát nước tốt, hơi chua và giàu chất hữu cơ (mùn). Có nhiều giống cây trồng: ngoài giống vải thiều (Hải Hưng) với cây thấp, quả tròn và sai , cùi dày ngọt, thu hoạch tháng 7-8, còn có giống vải Quang Tố (Hà Nội), cao cây, quả to hơn vải thiều, chín sớm hơn vải thiều 1-2 tháng. Các giống chín sớm thích hợp với khí hậu nóng hơn, còn các giống chín muộn thích hợp với khí hậu mát hơn.
Ở một vài nơi người ta còn trồng vải làm cây cảnh.
Cây vải có thể cao tới 15–20 m, có lá hình lông chim mọc so le, mỗi lá dài 15–25 cm. Các lá non mới mọc có màu đỏ đồng sáng, sau đó chuyển dần thành màu xanh lục khi đạt tới kích thước cực đại. Hoa lưỡng tính. Quả hình cầu hoặc hơi thuôn, dài 3–4 cm và đường kính 3 cm. Quả có vỏ mỏng, màu đỏ nâu, mặt ngoài sần sùi, không ăn được nhưng dễ dàng bóc được. Bên trong là lớp cùi (áo hạt) thịt màu trắng mờ, ăn được, ngọt và giàu vitamin C . Ở giữa quả là một hạt màu nâu, dài 2 cm và đường kính cỡ 1-1,5 cm. Quả chín vào giai đoạn từ tháng 6 (ở các vùng gần xích đạo) đến tháng 10 (ở các vùng xa xích đạo), khoảng 100 ngày sau khi cây ra hoa. Cũng có một giống vải khác chín sớm hơn, có tên gọi dân gian là “vải tu hú”, có hạt to hơn và vị chua hơn so với vải thiều. Nguyên do có tên gọi như vậy có lẽ là vì gắn liền với sự trở lại của một loài chim di cư là chim tu hú.
Vải ra hoa tháng 3 dương lịch và chín vào tháng 6 đến giữa tháng 7 .
Tại sao gọi là vải thiều ? Nhưng tại sao gọi là vải thiều ? Tương truyền ông HOÀNG VĂN CƠM ở Thúy Lâm Thanh Hà Hải Dương đi dự tiệc do người Trung Hoa khoản đãi. Món tráng miệng là trái vải tươi. Ông lấy ba hột đem về nhà trồng. Hột nở thành cây, cây sinh hoa ra quả, dân chúng vùng Hải Dương và Bắc Giang xin giống đem về trồng, và hai tỉnh này hiện nay là trung tâm kỹ nghệ trồng vải thiều ! Cây vải tổ nay đã 150 tuổi đời .
Một số loài phụ của Litchi:
-Litchi chinensis subsp. chinensis: phân bố ở Trung Quốc, bán đảo Đông Dương. Lá có 4-8 lá chét (ít khi 2).
-Litchi chinensis subsp. javanensis: phân bố ở đảo Java
-Litchi chinensis subsp. philippinensis (Radlk.) Leenh: phân bố ở Philippines, Indonesia. Lá với 2-4 lá chét (ít khi 6).
Vải thiều Lục Ngạn.
Người Quảng Đông cho rằng “ăn một quả vải bằng giữ ba ngọn đuốc trong người” , ( nhất đạm lệ chi tam bả hỏa). Điều này muốn nói đến thuộc tính dương (nóng) của loại quả này. Ăn quá nhiều vải làm khô môi và cũng như có thể gây ra mụn nhọt hay loét miệng.
Quả vải nói chung được bán để ăn tươi tại các chợ khu vực (trong những năm gần đây nó cũng được bán rộng rãi tại các siêu thị phương Tây). Dưới dạng đóng hộp nó được bầy bán quanh năm.
Vải ngày nay xuất cảng sang Singapore và cả Hoa Kỳ .Và xuất cảng sang Mỹ thì vải phải được chiếu xạ còn Nhật Bản yêu cầu quả vải được xông hơi khử trùng. Thị trường Nhật còn đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe khác như độ ngọt, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Quả vải tươi hiện được Trung Quốc thu mua rất mạnh.