“Đi tìm thời gian đã mất”
với Marcel Proust
Nguyễn Bảo Hưng
« Đi tìm thời gian đã mất » là tựa đề tiếng Việt của bộ truyện « À la recherche du temp perdu » (1) gồm bảy tập của đại văn hào Pháp Marcel Proust được coi thuộc loại tác phẩm văn học giá trị nổi danh thế giới. Tuy nhiên, nếu nhờ tiếng tăm tác phẩm thường được người đời ưa nhắc tới, con số người thực sự tìm đọc để nhận thức giá trị văn học về mặt tìm tòi sáng tạo của Proust lại có thể đếm được trên đầu ngón tay. Bản thân tôi cũng phải thú nhận là chưa đủ can đảm và kiên nhẫn đọc đến nơi đến chốn để ngốn trọn khoảng ba ngàn trang sách được coi thuộc loại khó nuốt của bộ Đi tìm… (mặc dù nay tới lúc phải bước vào giai đoạn tuổi già bóng xế tôi bắt đầu tìm đọc lại, đọc thích thú, đôi lúc còn đọc say mê những trang sách của Proust). Tuy nhiên căn cứ vào những phần của bộ sách đã đọc và tìm kiếm học hỏi thêm, tôi xin tạm tóm lược một cách thô thiển những gì tôi cho là đã hiểu, hay đúng ra tưởng rằng mình đã hiểu được về Proust.
Thời gian “đã mất” và thời gian “đánh mất” theo Proust (*)
Trước hết ta có thể coi “Đi tìm thời gian đã mất” là một câu chuyện đời đồng thời cũng là câu chuyện về một cuộc đời: câu chuyện về Proust. Câu chuyện đời vì là câu chuyện về một giai đoạn từ sau cuộc chiến tranh Pháp-Đức 1870 đến Đệ nhất thế chiến, và về một môi trường xã hội mà Proust quen lui tới: cái xã hội thượng lưu trưởng giả với nếp sống phù phiếm giả tạo ở đó thường thấy xuất hiện một loại nhân vật thời thượng với một thứ ngôn ngữ khoa trương rỗng tuếch. Cũng nhờ được tham dự thường xuyên các buổi tiếp tân của xã hội trưởng giả này và quan sát các nhân vật quay cuồng trong môi trường phù phiếm giả tạo ấy, Proust mới nảy sinh nhu cầu nghiền ngẫm hiện thực để đi tìm cho mình một đời sống mang ý nghĩa đích thực. Ta có thể coi đó là động cơ chủ yếu thúc đẩy Proust dấn thân vào cuộc hành trình “Đi tìm thời gian đã mất”. Cái khái niệm thời gian đã mất mà Proust muốn đi tìm để lấy lại ấy, ta cần phân biệt với khái niệm “thời gian đánh mất” hay “thời gian lãng phí để mất đi” là loại thời gian không thể lấy lại, hoặc có tìm cách lấy lại cũng chẳng đem lại cho ta thích thú nào.
Thời gian đánh mất (du temps gaspillé) là thời gian ta không biết sống cho ta, mà lại thích đeo mặt nạ để sắm vai ta đã chọn trong tấn tuồng đời (như nhân vật thời thượng Legrandin chỉ lo làm bộ tịch cho phù hợp với hình ảnh mình muốn được hiện ra trước mắt mọi người, chứ không dám sống thật với cái tôi của mình – Marcel PROUST: A la recherche du temps perdu – Coll. Bouquins, Edit. Robert Laffont 1987- volume 1 – Du côté de chez Swann, pp 118-125). Nhưng thời gian đánh mất còn là và chủ yếu là thời gian lãng phí của những năm tháng bị mất đi do ta đã sống mê muội để chạy theo những ảo ảnh cuộc đời: danh vọng, địa vị, của cải, chủ nghĩa lý tưởng (như nhân vật Kiên trong “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh)… Nhưng lãnh vực làm ta thường đánh mất và dễ đánh mất thời gian hơn cả, ấy là tình yêu. Như mối tình mê muội của Swann với Odette de Crécy: Trong lúc cùng Odette tham dự một buổi trình tấu nhạc thính phòng tại tư gia Verdurin, tình cờ Swann nhìn ra ở Odette một vài nét phảng phất chân dung của Zephora, vợ Moise, được Boticelli tô họa trên mặt kính của nhà nguyện Sixtine nên đâm ra si mê. Trong khi đó Odette, một góa phụ trở thành loại gái bao hạng sang, bằng những điệu bộ “em chã em chã” lửng lơ con cá vàng kích thích được sự nghi ngờ ghen tuông nơi Swann, làm cho Swann phải cay cú chết mê chết mệt. Khi tỉnh ngộ, biết rằng mình đã chạy theo ảo ảnh, Swann chỉ biết chép miệng mà than: “Vậy là ta đã phí phạm đời ta biết bao năm, vì ta tưởng đã gặp mối tình lớn nhất, và ta tưởng có thể sẵn sàng chết vì một người đàn bà thực ra không làm ta thích thú, chẳng hề hợp với sở thích của ta” (“Dire que j’ai gâché des années de ma vie, que j’ai voulu mourir, que j’ai eu le plus grand amour, pour une femme qui ne me plaisait pas, qui n’était pas mon genre”._ M.Proust: A la recherche du temps perdu – Coll. Bouquins, Edit. Robert Laffont 1987 – volume 1 – Du côté de chez Swann, p.316).
Có thể nói trong trường hợp chạy theo ái tình ảo ảnh này, Swann đã là nạn nhân của điều mà Stendhal, trong tiểu luận “De l’amour” (1822) gọi là sự “kết tinh” (la cristallisation) để giải thích về hiện tượng tình yêu mù quáng: Như một nhánh cây khô trụi lá được vùi sâu trong mỏ muối ở vùng Salzbourg, vài tháng sau khi lấy lên, nhánh cây đó được phủ đầy những hạt óng ánh như một cành kim cương; cũng vậy tình yêu mê muội là sụ kết tinh của những phẩm chất, những dức tính được thêu dệt trong trí tưởng tượng và đem ghép lên nhân vật ta theo đuổi. Nói khác đi, đối tượng cuồng si của ta không phải là bản thân con nguời bằng xương bằng thịt ta định theo đuổi, mà là hình ảnh người yêu lý tưởng ta thêu dệt trong trí tưởng tượng và đem ghép lên con người đó. Rồi tới khi được “giải kết”(décristallisé) ta mới biết là ta đã bị vỡ mặt vì điều mà thiên hạ vẫn gọi là cú sét ái tình. Bản thân Proust cũng đã thể nghiệm được điều này, khi mượn lời nhân vật xưng tôi để nói về Albertine mà tác giả, trong truyện, đã có thời si mê và ghen tuông cuồng nhiệt : ”Ta tưởng ta yêu một cô gái nhưng, hỡi ôi, ta lại chỉ yêu ở cô ta có cái hào quang ửng hồng thoáng hiện trên khuôn mặt.” (Nous croyons aimer une jeune fille et nous n’aimons, hélas, en elle que cette aurore dont le vísage reflète momentanément la rougeur. M. Proust: A la recherche du temps perdu, Edit. Laffont 1987 Vol.3 La Fugitive, p.517). Những vụ si mê theo kiểu “bé cái lầm” ấy ta thường gặp trong đời sống hàng ngày. Nhưng thay vì tìm hiểu xem có phải là môt trường hợp “kết tinh” hay không, ta lại thường ngả theo khuynh hướng cho rằng chàng trai hay cô gái si tình đã ăn phải bả hay bị bùa ngải. Nhưng dù là nạn nhân của hiện tượng “kết tinh” hay bị bùa ngải thì cũng đều là thí dụ về thời gian đánh mất.
Khác với thời gian đánh mất là thời gian do ta lãng phí, thời gian đã mất (du temps perdu ou oublié) là thời gian bị ta vô tình để rơi vào quên lãng nên tưởng rằng nó đã mất đi, nhưng thực ra nó chỉ bị thất lạc mà thôi nên ta vẫn có thể tìm lại được. Vấn đề là ta có biết cách hay đúng ra có cơ hội để “nhớ lại” và làm cho nó sống lại hay không? Gọi là thời gian đã mất (chứ không phải thời gian đánh mất) vì là thời gian ta được sống và sống thực sự cho bản thân ta, bởi ta và cho ta, làm nên cuộc sống của ta. Nhưng vì là thời gian ta sống cho ta và, vì cho rằng đã là của ta, nên ta ít quan tâm tới nó hơn là thời gian ta sống với nguời khác hay vì người khác. Cũng bởi thế nó mới dễ bị lơ là, bỏ rơi để dần dần chìm sâu trong quên lãng và có thể vĩnh viễn mất đi nếu không nhờ một cơ hội ngẫu nhiên hay tình cờ nào đó gợi nhớ cho ta cái thời gian bị lãng quên đó và thâu hồi nó toàn vẹn. Bởi vậy, theo Proust, chỉ có thời gian đã mất hay để chìm sâu trong lãng quên mới là thời gian thực sự thuộc về ta, làm nên cuộc sống đích thực của ta: nó chính là kho tích lũy những cảm xúc, những giây phút ý vị nhất đem lại ý nghĩa cho đời sống của ta. Nhưng cũng như cõi vô thức mới là nền tảng của cái ngã theo phân tâm học của Freud, thời gian đã mất (hay có thể mất đi) mới chính là kho báu vật ẩn dấu của cõi sống tâm linh theo Proust. Nhưng làm thế nào để tìm lại được kho tàng bí mật đó? Câu trả lời không đơn giản như ta tưởng. Ta có thể nói ngay rằng, cái kho tàng bí mật hay cái thời gian đã mất ấy, ta không thể biết được để đi kiếm nó ; mà chỉ do ngẫu nhiên hay tình cờ ta mới gặp được nó mà thôi. Tại sao vậy ? Trước khi đi vào giải thích, ta cần bàn qua về khái niệm ”trí nhớ” mà, với Proust, ta phải gọi là ”ký ức”. Đây không phải là một trò chơi chữ nghĩa. Có nắm được sự khác biệt về nội dung ý nghĩa của hai từ này ta mới thấy được cái nhìn khai phá sáng tạo của Proust.
Một cõi nhân sinh trong một tách trà (*)
Để bước vào hành trình đi tìm giải thích, ta cần trở về với trích đoạn liên quan tới mẩu chuyện về vị bánh madeleine tức là loại bánh ngọt nhỏ có những đường gân như được đúc từ khuôn một vỏ sò. Trích đoạn này, mà các sách giáo khoa thường gán cho tựa đề « Un univers dans une tasse de thé » (M. Proust: A la recherche du temps perdu – Edit. Laffont – vol.1 – Du côté de chez Swann, pp 56-59), có thể nói là một trong những đoạn văn nổi tiếng nhất mà bất cứ ai muốn nói về Proust không thể không nhắc tới, cũng như đoạn đường chiến binh với một quân nhân vậy (dù rằng đoạn văn này không phải là tất cả Proust, cũng như đoạn đường chiến binh không phải là binh nghiệp của một quân nhân).
Đoạn văn này liên quan đến quãng đời niên thiếu của Proust, khoảng thời gian từ 1878 đến 1884, khi vào những dịp lễ Pâques Proust cùng gia đình về nghỉ mát ở nhà ông cậu tại Illiers-Combray, một thị trấn thuộc hạt Eure-et-Loire cách thành phố Chartres 24 cây số về phía tây nam. Illiers-Combray, mà trong truyện Proust chỉ gọi là Combray, là khởi điểm cho toàn bộ tập truyện vì nó là sân khấu cho một bi kịch nhỏ với cậu bé Proust, nhưng với một kết thúc happy end nên dã để lại một ấn tượng sâu sắc cho Proust, đồng thời tạo nên mối gút mắc cho toàn bộ « Đi tìm… ». Là một đứa bé yếu đuối nhưng đa cảm và nhạy cảm, Proust quen sống dưới sự nuông chiều của mẹ. Có một nhu cầu trở thành hầu như nghi thức (rite), có được thỏa mãn mới giúp cho Proust dễ dàng tìm ra giấc ngủ : đó là cái hôn của mẹ mỗi tối đặt lên trán Proust để chúc Proust ngủ ngon lành. Nhưng một bữa nhà có khách là Swann tới dùng cơm tối. Vì bận tiếp khách nên tới giờ đi ngủ mẹ không thể tới hôn trán Proust như thường lệ. Tìm mọi cách để nhắc mẹ không được, Proust quyết định ra hành lang đứng chờ mẹ để đòi cho được cái hôn. Tới khi bố mẹ bắt gặp sau khi tiễn khách ra về, Proust lại đâm bối rối lo sợ là bố sẽ la, mẹ sẽ giận. Nhưng khi nhìn thấy bộ mặt hốt hoảng thiểu não của con, bố Proust, thường lệ rất nghiêm khắc, đã không la rầy mà còn để cho mẹ ở lại với Proust. Thế là đêm đó cậu bé Proust không chỉ có nhận được cái hôn và lời chúc ngủ ngon của mẹ mà còn được mẹ nằm cạnh đọc cho nghe truyện François le Champi của nhà văn George Sand. Và cái đêm thần tiên ấy, tuy biết là đêm độc nhất, nhưng Proust vẫn muốn nó được tái diễn. Kỷ niệm của Proust về cái đêm được mẹ nằm cạnh đọc cho nghe truyện Francois Le Champi ấy, làm tôi liên tưởng tới mối tình đầu của tôi khi còn là học sinh trung học.
Hồi ấy, đang phải chuẩn bị thi tú tài nên tôi chỉ lo chúi mũi vào bài vở, mong sao giành cho được tấm bằng mà thôi. Ấy vậy mà một bữa tôi bỗng dưng phải lòng một cô gái không cùng lớp nhưng chung một trường. Sau vài lần gạ gẫm làm quen không được, tôi đành chơi bạo thảo một bức thư trao tay với vài lời mở đầu như sau: “Chưa gặp em, tôi đã nghĩ rằng… Có người con gái đẹp như trăng …” Không biết có phải vì cô gái có trí nhớ tốt, hay vì tôi nét chữ rồng bay phượng múa mà sau bữa đó, mỗi lần đối diện gặp nhau, cô lại miệng ngậm một ngón tay cái mủm mỉm cười, tay kia che nửa mặt ra vẻ e lệ thẹn thùng, khiến con tim tôi cứ nhảy cà tưng cà tưng như muốn gõ nhịp cho vũ điệu mambo chachacha í. Nhưng mối tình học trò của tôi chỉ đi được chặng đường đó là gặp đèn đỏ. Năm sau, chỉ còn mình tôi lủi thủi đến trường trên con đường vẫn đầy lá rụng, nhưng miệng lại lầu bầu : « Thu đến làm chi cho lá phải rụng rơi… Lá rơi (mẹ kiếp) cho đám cưới về…”. Mối tình đầu của tôi, với thời gian, rồi cũng lên da non và chỉ để lại một vết thẹo nhỏ. Nhỏ thì có nhỏ, nhưng cũng đủ làm tôi quên bẵng cái không khí hồn nhiên vô tư của tuổi học trò. Cái tuổi dành cho đám thư sinh tóc xanh như tôi, đến trường tai nghe lời thầy giảng, nhưng mắt lại nghếch về phía mấy cô bạn dãy bàn bên cạnh miệng cũng đang lép nhép thì thầm với nhau. Nhưng cũng nhờ vết thẹo đó, nay tôi mới hiểu tại sao mỗi lần nghe nhắc tới Combray, Proust chỉ nhớ có căn phòng nơi mỗi tối được mẹ tới ban cho nụ hôn và cái lần được mẹ nằm đọc cho nghe truyện Francois Le Champi của George Sand . Còn lại những gì thuộc về Combray, những sinh hoạt với khung cảnh quen thuộc của thị trấn ấy, đều bị gạt qua bên lề, để rồi dần dà bị vùi sâu trong quên lãng.
Vĩnh viễn vùi sâu ? Có thể lắm chứ, nếu như không có cái buổi chiều đông ấy : Một buổi chiều đông ảm đạm khi Proust từ trường trở về nhà, mẹ sợ Proust lạnh bèn sai pha một bình trà và đem đến một chiếc bánh madeleine để Proust ăn cho ấm bụng. Tuy không đói, nhưng để vui lòng mẹ Proust nhận lời. Ai dè mới cắn vào miếng bánh vừa được nhúng trong tách trà, Proust bỗng thấy dâng lên một niềm hoan lạc làm tan biến mọi ý tưởng bi quan chán chường. Niềm hoan lạc này do đâu mà ra ? Proust tợp ngụm thứ hai, rồi thêm ngụm nữa, vừa tợp vừa nhấm nháp mùi vị làm thức dậy cảm giác hoan lạc nơi Proust. Nhưng mùi vị vẫn đó mà cảm giác đã không tăng lại còn tan loãng. Vậy là cảm giác có liên hệ với vị bánh nhúng trà, nhưng lại không phải do vị bánh mà ra. Proust cố nhớ lại xem đã gặp cảm giác này ở đâu, khi nào ? Nhưng càng vận dụng trí nhớ, cảm giác càng chơi vơi y như bong bóng xà bông với một chú bé : càng giơ tay với, bong bóng càng bay cao cho tới lúc tan vỡ. Cuối cùng Proust quyết định buông xuôi và chấp nhận quay về với những bận bịu ưu tư hàng ngày. Đúng vào lúc ấy dĩ vãng vụt hiện lên : Thì ra cái mùi vị đã làm sống dậy cảm giác hoan lạc nơi Proust chính là cái mùi vị của miếng bánh Madeleine nhúng vào tách trà mà trước đây, vào một dịp hè ở Combray, dì Léonie đã cho Proust nếm khi Proust đến thăm hỏi dì một sáng chủ nhật. Và rồi cùng với mùi vị bánh madeleine, cả một khung trời kỷ niệm liên quan đến thị xã Combray, nơi Proust đã trải qua những chuỗi hè hạnh phúc êm ả chợt bừng thức dậy : những nhân vật thân quen Proust vẫn chào hỏi hàng ngày, ngôi nhà thờ, khu phố chợ, những con đường quen thuộc thường qua lại để mua đồ cho mẹ…
Đoạn văn nói về miếng bánh madeleine có thể được coi là đoạn văn được nhắc tới nhiều nhất trong tác phẩm của Proust, và cũng là đoạn văn tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần : đọc khi còn là học sinh trung học để chuẩn bị cho bài giảng văn trong lớp ; đọc lại khi lên đại học để được nghe giáo sư giảng dạy cho hiểu biết thêm ; và nay đọc lại với những phần khác của tác phẩm để nghiền ngẫm. Đọc nhẩn nha. Đọc tà tà. Đọc mới được vài trang đã quẳng sách đi. Quẳng sách đi bất thần lôi ra dọc lại. Vừa đọc vừa kiểm nghiệm với những giây phút sống của bản thân để hiểu sâu hơn, hiểu sát hơn, hiểu được đúng hơn ý tác giả. Ấy, có lẽ nhờ chịu khó đọc theo kiểu ngâm tôm như vậy (con tôm cần ngâm cho ngấu thì mắm mới lên men và bốc mùi thơm được, có đúng không nào ?), nên một lần đọc là một lần thích thú, một lần đọc là một lần tôi lại phát hiện thêm được một vài điều mới mẻ.
Miếng bánh madeleine và hai loại ký ức (*)
Điều phát hiện đầu tiên đem lại cho tôi nhiều thích thú, ấy là cái nhìn sáng tạo khai phá của Proust về điều mà ta vẫn quen gọi là ” trí nhớ” thực ra không đơn giản như ta tưởng. Trái lại với Proust, cái khái niệm ” trí nhớ” này lại chỉ có một nội dung hạn hẹp, không thể dùng để diễn tả được điều mà miếng bánh madeleine đã làm sống dạy trọn vẹn kỷ niệm nơi Proust về thời niên thiếu tại Combray,
Để làm sáng tỏ hơn tầm quan trọng của tính khai phá sáng tạo của Proust về khái niệm mà ta vẫn quen gọi ” trí nhớ ” ấy, đề nghi ta hãy đọc lại đoạn văn tôi dã nêu trên, nhưng lại với cái tiểu đề « La petite madeleine ou les deux mémoires » (Miếng bánh madeleine và hai loại ký ức). Đây cũng là tiểu đề của một số sách giáo khoa có lẽ dựa trên tiểu đề của nhà phê bình Claude Mauriac trong cuốn sách về Proust của ông : (” Proust ” .- Écrivains de toujours, Éditions du Seuil, pp. 143 – 146), loại sách giáo khoa được đem ra giảng dạy thời tôi dang chuẩn bị thi tú tài. Giả dụ lúc đó có ai nhờ tôi dịch cái tựa bày ra tiếng Việt, tôi sẽ dịch tức khắc, dịch tút suỵt ra là « Miếng bánh madeleine và hai loại trí nhớ ». Dịch chắc ăn như bắp, dịch đầy tin tưởng như khi ta mua được đúng loại thuốc trừ hôi nách chính hiệu Con nai vàng ngơ ngác hay của Bà Lang trọc. Sở dĩ lúc đó tôi dịch tin tưởng như vậy, bởi vì tra bất cứ cuốn từ điển Pháp-Việt nào ta chẳng thấy rằng từ mémoire được dịch ngay ra là trí nhớ. Nhưng sư tin tưởng ấy là chỉ dựa trên cái hiểu biết của cậu học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Cũng may, khi đó người nhờ dịch đã không bắt tôi phải đi sâu vào nội dung của cái hiện thực Proust muốn làm sống dậy. Nếu không chắc là tôi mới thấy rằng từ trí nhớ được chọn là không ổn khiến tôi đâm lúng túng.
Bởi vì từ trí nhớ, theo nghĩa thường dùng, để chỉ những sự việc xảy ra ta muốn dùng trí óc để ghi lại hoặc vận dụng trí óc để có thể nhớ lại. Như khi ta khen một cậu bé có trí nhớ tốt vì học bài chóng thuộc mà lại nhớ dai ; hoặc khi ta vỗ trán than rằng « trí nhớ mình sao hồi này nó cùn quá » chỉ vì vừa gặp một người trông quen mặt mà moi óc mãi không nhớ ra tên. Trí nhớ hiểu theo nghĩa thông dụng này, Proust lại cho rằng chỉ có một ý nghĩa hạn hẹp, phiến diện và nhất thời. Hạn hẹp vì các sự kiện ghi nhớ thường là do chọn lọc chủ quan với mục đích thực dụng : cậu học trò chỉ học thuộc những bài phải học để trả bài, hoặc những điều cần ghi nhớ để làm bài kiểm hay đi thi. Phiến diện là do ý đồ thực dụng của nó : anh thí sinh chọn học một số bài cho là quan trọng với hi vọng sẽ trúng tủ ; nhưng khi bị trât đường rầy anh ta lại thấy những bài đó là vô tích sự. Cũng bởi tính hạn hẹp và phiến diên đó nên cái hiện thực do trí nhớ đem lại thường chỉ có giá trị thực dụng nhất thời. Ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt, những bài học ở lớp dưới thường bị bỏ quên để nhường chỗ cho những bài học mới ở lớp trên. Bởi vậy ta có thể ví trí nhớ, theo nghĩa thông dụng, như là một ngăn tủ cất giữ hồ sơ. Chừng nào các hồ sơ còn hữu ích, hữu dụng ta còn muốn lưu giữ. Nhưng khi đánh giá chúng không còn cần thiết, ta sẵn sàng đem rục bỏ để nhường chỗ cho những hồ sơ mới. Bởi vậy Proust mới cho rằng cái ta vẫn gọi là trí nhớ lại chẳng xứng với danh hiệu trí nhớ chút nào. Cái trí mà ta cứ tưởng khôn ngoan đáo để ra phết ây nào có biết nhớ cho ra hồn : cái đáng nhớ nhiều khi lại chẳng chịu nhớ, đôi khi lại chỉ thích nhớ toàn những thứ tào lao gì đâu. Ngay cái đêm được nằm cạnh mẹ ở Combray mà Proust cho là phải được khắc họa suốt đời, nay có nhớ lại, chắc Proust cũng chỉ nhún vai tự nhủ : ừa, mà sao hồi đó mình lại con nít thế nhỉ ! Cũng may là còn lại mùi vị của chiếc bánh madeleine tẩm trà. Bằng không cả một bầu trời hạnh phúc của những ngày hè êm ả tại Combray có thể theo thời gian đã bị vùi lấp trong lãng quên. Bởi vậy Proust mới cho rằng : « Cái làm ta nhớ lại được nhiều nhất về một hữu thể lại chính là cái ta lơ là bỏ quên (vì bị ta rẻ rúng nên nó mới bảo toàn được trọn vẹn hương nhụy). Do đó cái phần tốt đẹp nhất của ký ức lại nằm ở ngoài ta : trong cái chớm lạnh của cơn mưa đầu mùa, trong mùi hương của một khuê phòng cài kín song the hay trong hơi khói tỏa ra từ vung cơm thơm mùa lúa mới… trong bất cứ những gì bị trí tuệ coi là vô tích sự nên không mảy may đoái hoài ; vậy mà chính những cái ấy mới làm cho ta gặp lại được chính ta, và cũng chỉ có những cái ấy mới là kho dự trữ cuối cùng của dĩ vãng, tức là cái phần tốt đẹp nhất bởi lẽ, khi mà những giọt nước mắt tưởng như đã khô cạn, chỉ riêng chúng mới làm ta còn rưng rưng khóc được. Ở bên ngoài ta ? Đúng ra là ở trong ta, nhưng lại vuột ra khỏi tầm nhìn của ta, nên mới bị đắm chìm ít nhiều trong quên lãng » (… ce qui nous rappelle le mieux un être, c’est justement ce que nous avions oublié (parce que c’était insignifiant et que nous lui avons ainsi laissé toute sa force). C’est pourquoi la meilleure part de notre mémoire est hors de nous, dans un souffle pluvieux, dans l’odeur de renfermé d’une chambre ou dans l’odeur d’une première flambée, partout où nous retrouvons de nous-même ce que notre intelligence, n’en ayant pas l’emploi, avait dédaigné, la dernière réserve du passé, la meilleure, celle qui quand toutes nos larmes semblent taries, sait nous faire pleurer encore. Hors de nous ? En nous pour mieux dire, mais dérobé à nos propres regards, dans un oubli plus ou moins prolongé.- M. Proust : A la recherche du temps perdu, Edit. R. Laffont 1987. Vol.1 A l’ombre des jeunes filles en fleurs, p.534)
Tới đây chắc quí bạn đọc cũng thông cảm cho phần nào tại sao tôi muốn xin rút lại từ « trí nhớ », như là từ ta vẫn thường gặp khi tra chữ « mémoire » trong từ điển. Thế nhưng tại sao Proust lại không coi « trí nhớ » là nguyên nhân đem lại cho Proust cái niềm hoan lạc khi được nhấm vào miếng bánh madeleine tẩm trà đó ? Để trả lời cho được minh bạch và cũng đồng thời cho thấy cái nhìn khai phá sáng tạo của Proust, ta cần đọc lại kỹ đoạn văn dưới đây : « Thoạt nhìn, miếng bánh madeleine chẳng gợi gì trong tôi trước khi tôi nhấm nháp nó ; có lẽ từ bữa đó tới giờ tôi đã quen nhìn thứ bánh đó trên khay các tiệm bánh ngọt mà không hề mó tới, nên hình ảnh nó đã tách rời với chuỗi ngày ở Combray để gắn bó với thời gian những ngày sau đó ; cũng có thể kỷ niệm của những ngày xa xưa từ lâu bị ký ức bỏ rơi, hay đã ngủ miệt mài … nên không còn đủ sức để ngoi lên vùng ý thức. Nhưng, từ một quá khứ xa xôi mọi hữu thể tưởng chừng như đã mất đi, tưởng như đã tan biến, tưởng như không còn gi tồn tại, thì chỉ riêng những cái mảnh mai hơn, sương khói hơn, nhưng dai dẳng hơn, đó là mùi hương và mùi vị vẫn tồn tại, như những linh hồn để nhắc nhở, như để chờ được hồi sinh, như để dựng lại trên đống gạch đổ nát cả một vùng trời bao la kỷ niệm. » ( La vue de la petite madeleine ne m’a rien rappelé avant que je n’y eusse goûté ; peut-être, en ayant souvent aperçu depuis, sans en manger, sur les tablettes des pâtissiers, leur image avait quitté ces jours de Combray, pour se livrer à d’autres plus récents ; peut-être parce que, de ces souvenirs abandonnés si longtemps hors de la mémoire, rien ne survivait, tout s’était désagrégé ; les formes – et celle aussi du petit coquillage de pâtisserie, et si grassement sensuel sous son plissage sévère et dévot – s’étaient abolies, ou, ensommeillées, avaient perdu la force d’expansion, qui leur eût permis de rejoindre la conscience. Mais, quand d’un passé ancien rien ne subsiste, après la mort des êtres, après la destruction des choses, seules, plus frêles, mais plus vivaces, plus immatérielles, plus persistantes, plus fidèle, l’odeur et la saveur restent encore longtemps, comme des âmes, à se rappeler, à attendre, à espérer, sur la ruine de tout le reste, à porter sans fléchir, sur leur gouttelette presque impalpable, l’édifice immense du souvenir. – M. Proust : A la recherche du temps perdu, Edit. Laffont 1987. Vol. 1 Du côté de chez Swann, pp. 58-69).
Vậy là, như đã trình bày ở trên, từ ” trí nhớ” không phản ánh đúng tinh thần nội dung của sự nhớ lại theo Proust. Hai là, nếu dùng từ « trí nhớ » để dịch toàn bộ các chữ « mémoire » trong tác phẩm, việc làm này chẳng những đã không giúp cho người đọc tách thoát khỏi quan niệm cố hữu về sự nhớ lại bằng vận dụng trí tuệ, mà có thê còn gây ra một lẫn lộn mơ hồ khiến họ khó nắm bắt được sự phát hiện mang tính chất khai phá sáng tạo của Proust về sự nhớ lại. Bởi không kiếm ra được từ nào khác để thay thế từ mémoire, Proust đành phải mượn tính từ volontaire (mémoire volontaire) hoặc cụm từ bổ túc de l’intelligence (mémoire de l’intelligence) để chỉ sự nhớ lại theo nghĩa « trí nhớ », và tĩnh từ involontaire để chỉ hiện tượng nhớ lại do tình cờ hoặc không chủ ý (mémoire involontaire) theo quan niệm của ông. May mắn hơn Proust, tiếp tục tra cứu từ điển và tài liệu sách vở, tôi kiếm ra được hai từ khác, tuy đồng nghĩa với « trí nhớ », nhưng lại không mang chỉ dấu là các sự kiện được lưu giữ và nhớ lại phải chịu sự điều động của trí tuệ, đó là « lưu ức ». Bên cạnh đó là từ « hồi ức » để nói lên sự phục hồi một dĩ vãng vẫn ngủ yên trong cõi vô thức của ta, nay được làm bừng tỉnh thức giấc nhờ một yếu tố ngoại lai tình cờ; cũng như trong truyện cổ tích, cô công chúa ngủ trong rừng đã không tự mình sống lại, mà nhờ có nụ hôn của chàng hoàng tử. Sau một hồi đắn đo cân nhắc, cuối cùng tôi quyết định đổi tiểu đề thành : « Miếng bánh madeleine và hai loại ký ức.»
Từ ký ức chọn cho cái tiểu đề này có thê hiểu theo nghĩa từ điển quen dùng, nghĩa là để chỉ tất cả những gì, dù là bằng trí tuệ hay qua cảm nhận giác quan, được tích lũy làm nên đời sống tâm linh của ta. Nói khác đi, ta có thể ví từ ký ức như một nhà kho chất chứa đủ loại vật dụng trong nhà. Còn lưu ức là khu vực dành riêng cho những dụng cụ được chọn lọc để ta sử dụng khi cần đến. Còn hồi ức là nơi chất đống những thứ không cần thiết hoặc đồ thuộc lọai xêp xó, nhưng vì tiếc rẻ nên ta mới dồn vào một góc tường. Vậy là bên cạnh từ ký ức để nói về toàn thể các sự kiện được bảo tồn trong tâm thức của ta ; còn các từ lưu ức và hồi ức lại lưu ý ta rằng, theo quan niệm của Proust, trong thao tác nhớ lại, không chỉ có bản chất các sự kiện được nhớ lại, mà thể thức làm cho các sự kiện đó được làm sống lại cũng quan trọng không kém. Có nắm được sự phân định này của Proust giữa ” lưu ức” và ”hồi ức”, ta mới hiểu được tại sao cùng một đoạn văn liên quan đến miếng bánh madeleine, lại có thể chọn hai tiểu đề khác nhau. Thực ra, dù là “Một cõi nhân sinh trong một tách trà” hay “Miếng bánh madeleine và hai loại ký ức”, hai tiểu đề này không hề đối nghịch nhau; trái lại, chúng còn bổ sung cho nhau để soi sáng cho ta về sự khác biệt giữa hai loại ký ức và khả năng phục hồi dĩ vãng của chúng: Cái tựa “ Miếng bánh madeleine hay hai loại ký ức” là để lưu ý ta về vai trò của cái bánh madeleine như là động cơ thúc đây Proust tìm ra được sự khác biệt ra hai loại ký ức. Còn cái tựa “ Một cõi nhân sinh trong một tách trà” lại nhắc nhở ta rằng hình ảnh cái bánh madeleine không thôi, không đủ để làm sống dậy kỷ niệm của cái thời niên thiếu ở Illiers-Combray. Trái lại, chỉ khi miếng bánh được tẩm trà tilleul, hương vị và mùi vị của nó mới làm thức dậy niềm khoái cảm buổi sáng chủ nhật khi Proust được dì Leonie trao cho miếng bánh, và cùng với khoái cảm này là cả một niềm hoan lạc của chuỗi ngày niên thiếu đẹp đẽ Proust đã được trải qua tại Combray.
Kiếm ra từ để dịch tiểu đề cũng như để phân định hai loại ký ức (lưu ức và hồi ức), tôi mới thấy là mình may mắn hơn Proust vì có khả năng lựa chọn từ thích đáng để trình bày sự nhớ lại cho phù hợp với quan niệm sáng tạo của Proust. Từ đó tôi lại phát hiện thêm một điều mới mẻ khác khá thú vị : tiếng Việt là một ngôn ngữ dồi dào sức sống nhờ có một tiềm năng lớn sáng tạo. Tiềm năng sáng tạo đó trước hết do tiếng Việt là thứ tiếng đơn âm nhưng lại có cấu trúc câu được làm thành bởi các từ ghép là những từ có thể do hai hoặc ba từ khác nhau ghép lại thành. Thứ đến, tiếng Việt là sự hội nhập của nhiều tiếng gốc khác nhau : tiếng Hán, tiếng Pháp (với gốc la tinh) và tiếng Việt chính gốc. Nhờ vào đặc tính của tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm lại gồm các từ vựng được cấu tạo bởi các từ ghép nên ta có thể, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nhân vật, tùy theo tâm trạng, tùy theo cảm nghĩ, tạo ra từ mới bằng cách hoán đổi vị trí của chữ trong một từ, hoặc thay thế một chữ nào đó bằng một chữ khác trong một từ để làm cho ý tưởng được sáng tỏ, hoặc làm nổi bật sắc thái (nuance), âm hưởng (résonnance) đặc biệt của điều ta muốn diễn tả. Tôi cho rằng nếu chịu khó tìm hiểu thấu đáo và để ý sử dụng chữ nghĩa một cách ý thức, có cân nhắc, có lọc lựa, ta sẽ thấy tiếng Việt là một ngôn ngữ sáng tạo, có phép thần thông biến hóa không thua gì ông Tề thiên đại thánh dám đánh cả trời luôn. Để dẫn chứng tôi xin tạm liệt kê sau đây danh sách các từ vựng được tạo thành với từ tưởng chọn làm gốc tôi đã sưu tầm được : ý tưởng, tư tưởng, suy tưởng, lý tưởng, tưởng tượng, tưởng nhớ, tưởng niệm, tin tưởng, hồi tưởng, hoài tưởng, mơ tưởng, tơ tưởng, vọng tưởng, đồng tưởng, giả tưởng, ảo tưởng, không tưởng, hư tưởng, hoang tưởng, bệnh tưởng, cuồng tưởng, huyễn tưởng… Bây giờ tôi xin nhờ mấy vị soạn từ điển hoặc các nhà lý luận phê bình định nghĩa dùm tôi mỗi từ trên và, nếu có thể được, cho một câu thí dụ kèm theo để giúp tôi nắm vững cách sử dụng chúng thích đáng. Có thế, ta mới thấy khả năng diễn đạt của tiếng Việt đa dạng và phong phú như thế nào. Cụ thể hơn, tôi xin lấy chữ ức làm thí dụ. Chi riêng với chữ này làm gốc, tôi có thể kiếm ra ba từ khác nhau : ký ức, lưu ức, hồi ức để diễn tả không mấy khó khăn điều mà Proust đã phải vận dụng tới các cụm từ như mémoire affective, mémoire involontaire hoặc mémoire volontaire, mémoire de l’intelligence, mà cũng chỉ để giải thích hơn là diễn tả. Có lẽ vì vậy nên các cụm từ kể trên được coi thuộc loại từ vựng của riêng ông (du vocabulaire proustien), chứ không được sủ dụng phổ quát như là ngôn ngữ đại chúng. Về phần tiếng Việt, nhờ vào các đặc tính kể trên, có thể được coi là một mảnh đất phì nhiêu, một tài nguyên phong phú, mà nếu biết cách, nghĩa là nếu chịu khó chọn lọc và sử dụng từ có cân nhắc, ta sẽ có được một nền văn học sáng giá, như một mảnh vườn quí với những bông hồng rực rỡ, Điều này đã được kiểm chứng với những tác phẩm văn học có giá trị của ta qua các giai đoạn lịch sử vừa qua. Nhưng thôi, đây không phải là mục đích của bài viết này. Tôi đã có dịp bàn về khả năng diễn đạt của tiếng Việt trong một bài viết trước đây (2), cũng như hiện tượng sử dụng cẩu thả ngôn ngữ Việt hiện nay ở trong nước rồi (3). Vậy xin trở về với chủ đề Proust còn đang bàn dở để đào sâu hơn nữa về sự khác biệt giữa lưu ức và hồi ức, theo Proust.
Lưu ức và hồi ức hay hai loại ký ức, theo Proust (*)
Đoạn văn nói về mùi vị chiếc bánh madeleine và hai loại ký ức nằm ở phần đầu của tập một mang tựa đề « Du côté de chez Swann » trong toàn bộ « A la recherche du temps perdu » gồm bảy tập truyện của Proust. Đoạn văn này được dùng làm phần mở đầu cho toàn bộ tác phẩm vì ta có thể coi nó như chìa khóa mở cửa giúp cho độc giả vào được hang động nơi ẩn dấu kho tàng bí mật của Proust. Gọi là chìa khóa mở cửa bởi vì, như đã trình bày ở trên, toàn bộ truyện của Proust được xây dựng trên sự phân biệt giữa hai loại ký ức : loại lưu ức hay trí nhớ (mémoire volontaire ou mémoire de l’intelligence) là những gì ta cố ý giữ lại bằng trí tuệ và loại hồi ức tức là những gì được tàng trữ trong kho ký ức ngoài ý muốn của ta vì thuộc về thế giới cảm xúc (mémoire involontaire ou affective).
Sự phân biệt hai loại ký ức này chưa hẳn đã là phát hiện của Proust, cái được coi sáng tạo của Proust chính là ông đã nêu ra được tính vượt trội của loại lưu ức không chủ ý do cảm xúc hay hồi ức so với loại lưu ức tức là các sự kiện ta muốn lưu giữ và có thể dễ dàng tìm lại bằng trí nhớ ( theo nghĩa thông thường của từ mémoire trong từ điển.) Có lẽ để lưu ý người đọc về tính ưu việt của của loại hồi ức không chủ ý này nên một số sách giáo khoa mới chọn cho đoạn văn cái tiểu đề « Một cõi nhân sinh trong một tách trà » (Un univers dans une tasse de thé) nhằm mượn lời Proust để nhắc nhở ta rằng, chỉ nhờ cảm giác hay cảm xúc tình cờ (như mùi vị bánh madeleine tẩm trà) mà tất cả những gì thuộc về đời sống tâm linh ta cảm nhận được trong tiếp xúc với thế giới bên ngoài và bị vùi lấp trong tiềm thức mới thức dậy trọn vẹn. « Và ngay khi tôi cảm nhận lại được mùi vị của miếng bánh madeleine tẩm trà ti ơn (tilleul) bà dì đưa cho tôi, tức thời căn nhà cũ kĩ màu xám trên lề phố nơi có căn phòng của tôi…, và cùng với căn nhà là thành phố, cái Công trường tôi được phép tới chơi trước bữa ăn trưa, những con phố mà tứ thời và bất kể thời tiết ra sao tôi được phái đi mua đồ trong ngày, những con đường mà chúng tôi thường đi dạo những buổi đẹp trời. Và cũng như trò chơi ưa thích của người Nhật khi họ đem nhúng vào một chậu sứ đầy nước những mẩu giấy vụn hỗn độn, nhưng khi vừa được ngâm trong nước bỗng trỏ nên có hình thù, mang màu sắc, trở thành những bông hoa, những ngôi nhà, những nhân vật mamg sắc diện. Với tôi cũng vậy, những bông hoa vườn nhà hay trong công viên của ông Swann, và những bông xúng trên con sông Vivonne, rồi những bà người làm giúp việc với túp lều tranh của họ, rồi nhà thờ và toàn thể Combray với phụ cận, từng bấy thứ đó, thành phố và vườn tược, từ tách trà của tôi dần dà hiện lên để trở thành hiện thực. » ( Et dès que j’ai reconnu le gout du morceau de la madeleine trempé dans le tilleul que me donnait ma tante, aussitôt la vieille maison grise sur la rue… ; et avec la maison, la Place où on m’ envoyait avant déjeuner, les rues où j’allais faire des courses depuis le matin jusqu’au soir et par tous les temps, les chemíns qu’on prenait si le temps était beau. Et comme dans ce jeu où les Japonais s’amusent à tremper dans un bol de porcelaine rempli d’eau de petits morceaux de papiers jusque-là indistincts qui, à peine y sont-ils plongés se tirent, se contournent, se colorent, se différencient, deviennent des fleurs, des maisons, des personnages consistants et reconnaissables, de même toutes les fleurs de notre jardin et celles du parc de M. Swann, et les nymphéas de la Vivonne, et les bonnes du village et leurs petits logis et l’église et tout Combray et ses environs, tout cela qui prend forme et solidité, est sorti, ville et jardins, de ma tasse de thé. (Du côté de chez Swann, coll. Bouquins, vol. 1, p. 59).
Nhưng tính chất sáng tạo của Proust không phải có vậy, không chỉ giới hạn loại hồi ức không chủ ý vào khả năng khai quật kho tàng dĩ vãng mà còn nói lên được thực chất của kho tàng vô giá đó . Ta hãy trở lại với đoạn văn Proust nói về cảm xúc hoan lạc tràn ngập nơi ông khi mới nhấp vào vị bánh madeleine : « Một khoái cảm tuyệt vời , lẻ loi, không rõ từ đâu tới tràn ngập nơi tôi. Nó làm tôi không còn mảy may vương mắc về những thăng trầm hệ lụy của đời người ngắn ngủi ; và, cũng như hiệu lực của tình yêu, khoái cảm đó khiến tôi như vừa được rót đầy bởi một tinh thể quí báu : hay đúng ra cái tinh thể đó không phải trong tôi, nó là chính tôi . Tôi hết cảm thấy mình chỉ là một ngẫu vật tầm thường, mà trở thành bất tử. » (Un plaisir délicieux m’avait envahi, ísolé, sans la notion de sa cause. Il m’avait aussitôt rendu les vicissitudes de la vie indifférentes, ses désastres inoffensifs, sa brièveté illusoire, de la même façon qu’opère l’amour, en me remplissant d’une essence précieuse : ou plutôt cette essence n’est pas en moi, elle était moi. (NBH gạch chú). J’avais cessé de me sentir médiocre, contingent, mortel. Sdd, tr. 57). Cái khoái cảm tuyệt vời ấy, tưởng chỉ trong giây lát ai ngờ lại chính là thiên thu, bởi vì không chỉ độc nhất có mùi vị bánh madeleine nhúng trà mới làm dấy lên nơi Proust cảm giác hoan lạc ấy. Trong một vài hoàn cảnh khác với những tác nhân khác : mấy nốt nhạc của bản sonate Vinteuil, bước chân hụt hẫng do phiến đá lồi lõm của một vỉa hè, tiếng lanh canh của chiếc thìa nhỏ va chạm với cái dĩa…, trong những trường hợp ấy Proust vẫn gặp lại cảm xúc hoan lạc tương tự. Biến cố này, rất có thể mỗi chúng ta có bắt gặp ít ra đôi ba lần trong đời. Nhưng vì chúng chỉ thoáng hiện mong manh chập chờn, nên ta dễ lơ là bỏ rơi chúng để vội vã chạy theo những ảo ảnh hào quang lấp lánh ở đời. Với Proust, trái lại, ông đã tìm cách chụp bắt nó, níu kéo nó, tìm cách cố giữ nó lại để phân tích đào sâu tìm hiểu. Nhờ vậy ông đã phát hiện được rằng những cảm xúc ta tưởng mong manh phù ảo ấy lại chính là hiện thực mang chân tính đời sống, mới chứa chất cái tinh thể vạn vật (l’essence des choses, chữ của Proust) nên chúng mới đem lại được cho ta niềm hoan lạc thuộc về vĩnh hằng.
Tới đây tôi thấy có vài điểm cần được làm thêm sáng tỏ liên quan đến một bài viết khá hiếm hoi cũng nói về tác phẩm « A la recherche du temps perdu » mà tôi đã được đọc trước đây. Đó là bài viết của nhà phê bình Thụy Khuê mang tựa đề : MARCEL PROUST (1871-1922), đăng trên tạp chí VĂN số 37&38 tháng Giêng&Hai 2000, (tr.204-210). Bài viết khoảng bảy trang là một tài liệu hữu ích cho những ai muốn có một cái nhìn khái quát về thân thế sự nghiệp và một khái niệm đại cương về tác phẩm của ông. Nhưng để nói lên giá trị tư tưởng của ông, cũng như nội dung sâu sắc của tác phẩm, mà chỉ tóm lược trong vài hàng ngắn ngủi như :: « Proust tạo nên một thế giới thăng hoa nhiều ngành nghệ thuật của nhiều thời, trong sự kết hợp hai yếu tố vô cùng xa nhau :hiện thực và mộng tưởng, để đạt tới mục đích cuối cùng : Tìm lại thời gian đã mất » ; hoặc « Thời gian là cuốn sử thi của cuộc đời, là kho tàng bí mật bị bỏ quên. Nhờ nguồn chảy của ký ức, nhà văn phục hồi dĩ vãng. Đó là ý nghĩa sâu xa nhất của tác phẩm Đi Tìm Thời Gian Đã Mất ». (Bdd, tr.204-205), tôi e rằng có thể gây ngộ nhận khiến người đọc khó nắm được những điểm then chốt nói lên sự tìm tòi sáng tạo của Proust.
Trước hết, nếu quả thực trong tác phẩm Proust có kết hợp hai yếu tố vô cùng xa nhau là hiện thực và mộng tưởng thì, theo tôi hiểu, không gian văn học proustien chưa hẳn là sự kết hợp hai yếu tố vô cùng xa nhau : hiện thực và mộng tưởng, theo nhận định của bài phê bình. Trái lại, hai yếu tố này Proust đem kết hợp không cốt để đói nghịch chúng với nhau, mà chủ yếu nhằm giải ảo cho ta về điều mà trong cuộc sống hàng ngày ta vẫn quen đối nghịch cái thực với cái hư (hay ảo) hoặc cái chân với cái giả. « Thực » là thực, « hư » là hư, hai yêu tố ấy bao giờ chẳng chống đối nhau, rành rành như trắng với đen, như ngày với đêm, sao lại nói Proust đem ra giải ảo ? Giải ảo cái gì cơ chứ ? Vâng, quả đúng là vậy. Đúng là thực và hư có đối nghịch nhau, như ngày với đêm, như ánh sánh với bóng tối, theo nghĩa từ điển, hoặc với cái nhìn quen thuộc của ta bằng cái nhìn của giác quan hay trí óc trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng có chắc cái gì sờ sờ trước mắt ta bao giò cũng là thực, còn cái gì chập chờn, khi ẩn khi hiện cũng đều là ảo không ? Để có câu trả lời chính xác, đề nghị hãy xét một trường hợp cụ thê như sau : Buổi sáng, thức giấc ta thấy mặt trời mọc ở phương Đông, buổi chiều lại thấy nó lặn ở phương Tây. Rành rành như hai năm rõ mười ai mà chẳng thấy. Giả dụ có ai còn quả quyết rằng trái đất chính là trung tâm của vũ trụ và mặt trời phải xoay quanh trái đất, sẽ không thiếu gì mấy em học sinh tiểu học cười cho thúi mũi ra. Ấy vậy mà đầu thế kỷ thứ 16, có nhà bác học tên Gallilée suýt bị lên giàn hỏa thiêu vì đã phủ nhận điều này, được coi là chân lý giáo điều của thời đại ông sống. Cũng may nhờ ông là một nhà thiên văn học xuất chúng, nên mới thoát khỏi nạn bị thiêu sống sau khi chịu nhìn nhận là mình đã lầm và công khai tuyên bố rằng chính mạt trời xoay quanh trái đất, chứ không phải ngược lại. Tuy nhiên khi một mình trong phòng, ông vẫn không ngừng lẩm bẩm : Vậy mà nó (trái đất) vẫn quay, vẫn quay cơ mà” (Et pourtant elle tourne, elle tourne). Vậy có phải cái gì vẫn sờ sờ ta thấy rõ bằng hai con mắt đều là thực, và cái gì không đập vào thị giác của ta đều là hư, là ảo?
Với thê giới tư nhiên mà đã có những hiện tượng dẫn đến lầm lẫn to tổ bố như vậy, nói chi đến cõi sống thế gian với những con người cái lưỡi không xương nên nhiều đường lắt léo? Bộ tưởng tôi nói láo sao? Không tin cứ nhìn vào diễn biến thời cuộc gần đây la thấy liền. Sụ tích kể rằng, cũng không xa lắm đâu, mới thế kỷ trước thôi, có một nhân vật xuất chúng tự cho mình là sứ giả của trời được phái xuống cõi trần đê đem lại cơm no áo ấm cho thập loại chúng sinh còn phải trầm luân trong cõi trần ai bể khổ. Để thực hiện sứ mạng, ông ta chủ trương xây dựng một xã hội lý tưởng trong đó con người sống bình đẳng, ăn ở với nhau có tình có nghĩa trong tinh thần tương trợ làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Để thực hiện sứ mạng, ông bắt đầu bằng công việc của bất cứ nhà canh tác chuyên nghiệp nào, nghĩa là dọn cỏ cho sạch trước khi gieo hạt giống mới. Cũng may là công tác còn dang dở, ông đã được triệu về chầu trời, để lại biết bao thương tiếc cho đám đệ tử cuồng tín của ông. Chả thế mà có một nhà thơ, để tỏ lòng thương tiếc, đã vắt kiệt con tim, nặn hết chất xám trong óc để viết ra bài văn tế rồi khóc rống lên như sau: “ Thương cha thương mẹ, thương chồng ; Thương mình thương một, thương ông thương mười” Mãi khi phát hiện được rằng ông ta là một chúa trùm đồ tể đã đưa vào lò sat sinh hàng triệu con người, ai nấy đều té ngửa, muốn té đái ra quần luôn. Nhưng đâu có phải chỉ ở phương Đông và ở thế kỷ trước mới có chuyện này. Lịch sử là một sự tái diễn không ngừng mà. Thí dụ như mới đây lãnh tụ của một đất nước nghe đâu được một số không ít đệ tử tôn lên hàng minh chúa, vì khi ra tranh cử ông hứa hẹn đủ điều. Nhưng khi nắm được quyền hành rồi, ông lại hành động tiền hậu bất nhất, nói một đằng làm một nẻo. Khi đại dịch covid-19 bắt đầu lây lan, và mặc dù đã được cảnh báo, ông không mảy may quan tâm đến chuyện đề phòng đối phó. Đến khi người dân chết lăn ra như rạ, ông lại chăm chăm lo điểm mặt, nêu đích danh thủ phạm để chứng tỏ ông không có trách nhiệm gì trong vụ việc này. Vậy là nay đã biết thủ phạm rồi nhé. Ai muốn kiện tụng gì cứ việc làm đơn đi kiện củ khoai, hay đúng ra là ông chủ tịch Hội y tế quốc tế (WHO) về tội âm mưu đồng lõa, đã nhắm mắt làm ngơ để cho thủ phạm tự do gieo rắc vi khuẩn gây chết chóc trên toàn thế giới. Ôi dào, đời là thế đó! Càng văn minh tiến bộ bao nhiêu, con người càng bị lôi kéo vào vòng kim cô huyền ảo hư hư, thực thực của trí tuệ ảo (intelligence artificielle) bấy nhiêu, khó mà lường được đâu là cái giả, đâu là cái chân (cái « chân » theo nghĩa « chân, thiện, mỹ », chứ không phải là cái « cẳng » đó nghen, bà con). Về phần Marcel Proust, tuy còn chưa được gia nhập thế giới văn minh tiến bộ của thời đại chúng ta, nhưng được chứng kiến những màn trình diễn ảo thuật xập xí xập ngầu của xã hội thượng lưu thời bấy giờ cũng đủ làm ông buồn nản. Bởi thế ông mới dành gần hai mươi năm quãng đời còn lại để đi tìm cái ý vị, cái bản thể chân chất của cuộc sống cội nguồn, tức là cái « chân »m cái « thực » thuộc về cõi vĩnh hằng. Và đó cũng là mục tiêu của Proust trong nỗ lực « Đi tìm thời gian đã mất.»
Nhưng để đạt được mục tiêu đó, Proust lại không coi thời gian là cuốn sử thi cuộc đời, là kho tàng bị bỏ quên. Nhờ nguồn chảy ký ức, nhà văn phục hồi dĩ vãng được. Bởi vì Proust không coi ký ức như một con suối, mà nếu chịu khó lội ngược dòng, ta có thể tìm ra ngọn nguồn của nó. Proust không cho ký ức là vậy, nên ông mới phân điều mà ta vẫn quen gọi là « trí nhớ » ra thành « mémoire volontaire » hay « lưu ức » và « mémoire affective » hay « hồi ức », như đã trình bày ở trên. Lưu ức là nơi dòng nước suối bắt đầu chảy ra, chứ không phải là mạch nguồn của nó. Chỉ có phần « hồi ức » hay « mémoire affective » mới là mạch nguồn, nhưng lại ẩn sâu trong lòng đất mà, chỉ bằng giác quan hay trí tuệ, ta không thể nhìn thấy được nếu không nhờ vào một may mắn tình cờ nào đó. Và sự may mắn tình cờ ấy là do cảm xúc đem đến. Không nhờ nó, ta sẽ không bao giờ tìm lại được cái « kho tàng bỏ quên ». Bởi vậy, « kho tàng bị bỏ quên » theo Proust, không phải những gì ta biết là của ta, thuộc về ta nhưng có lúc bị trí nhớ quên đi, không còn nhớ tới nên trở thành bí mật. Trái lại nó trở thành bí mật vì bị bỏ quên theo đúng nghĩa bị bỏ quên, nghĩa là do ta lơ là hoặc coi thường không quan tâm tới nó khiến nó trở thành thất lạc, nhưng không hề là thất thoát với ta. Chỉ thất lạc mà không hề thất thoát vì kho tàng kỷ niệm ấy không hề bị loại ra khỏi bộ nhớ hay vùng ký ức của ta. Nhưng vì do sự vô tâm hay vô tình của ta, nên nó bị bỏ rơi vào quên lãng, mỗi lúc một thêm sâu để cuối cùng bị dồn xuống tận cùng của cõi vô thức. Tuy nó vẫn thuộc về đời sống tâm linh của ta, nhưng vì bị ta lơ là bỏ rơi nên dần dà nó hầu như hoàn toàn bị loại ra khỏi vùng trí nhớ của ta. Và từ thất lạc nó có thể trở thành thất thoát, nếu như không nhờ một ngẫu nhiên tình cờ nào đó giúp ta phát hiện ra nó, để ta được sống lại những cảm xúc đẹp đẽ của cả một khung trời kỷ niệm. Đó là trường hợp khi Proust được nhấp vào miếng bánh madeleine được tẩm trà tilleul do dì Léonie trao cho. Đã từ lâu, vẫn quen nhìn những chiếc bánh này được bày trong tủ kính của các tiệm bánh ngọt, nên chúng chẳng chẳng đem lại cho Proust một cảm xúc nào. Nếu không nhờ mùi vị của miếng bánh ấy được tẩm trà, có lẽ không bao giờ Proust có cơ hội được sống lại trọn vẹn những cảm xúc êm ái của thời niên thiếu tại Combray
Điều này, Proust nói rất rõ trong một phân đoạn ngắn được đặt trước trích đoạn nói về mùi vị chiếc bánh madeleine : « Cái (dĩ vãng ấy) ta có tìm cách mấy để gợi lại cũng chỉ hoài công mà thôi, mọi nỗ lực bằng trí tuệ đều vô ich.. Cái kho tàng bí mật ấy không được cất dấu nơi trí tuệ nên không nằm trong tầm tay trí tuệ, mà lại ẩn dấu trong một vật thể nào đó ta không có ngờ (nếu như không nhờ vào cảm xúc tình cờ do vật thể đó làm sông dậy nơi ta). Vậy mà cái vật thể ấy lại chỉ do tình cờ ta mới biết được, bằng không có thể tới mãn đời ta vẫn không gặp được nó. » (C’est peine perdue que nous cherchions à (…) évoquer (ce passé), tous les efforts de notre intelligence sont inutiles. Il est caché hors de son domaine et de sa portée en quelque objet matériel (en la sensation que nous donnerait cet objet). Cet objet, il dépend du hasard que nous le rencontrions avant de mourir, ou que nous ne le rencontrions pas.– Du côté de chez Swann. Coll. Bouquins, vol.1, p.58). Proust đặt phân đoạn ở vị trí này là do ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nó về mặt tìm tòi sáng tạo, ít nhất cũng theo ông.
Vai trò của hồi ức trong nỗ lực tìm tòi sáng tạo (*)
Trước hết, ông không chỉ muốn lưu ý ta về sự khác biệt giữa hai loại ký ức ông định nói tới, mà chủ ý nhấn mạnh rằng, với ông, chỉ có cảm xúc (la sensation) mới là công cụ hữu hiệu cho tìm tòi sáng tạo. Trái với hầu hết các tác giả thường dựa trên những điều quan sát và dùng kiến thức theo kinh nghiệm hay do học hỏi để dựng nên tác phẩm, Proust lại coi trí tuệ chỉ có một khả năng hạn hẹp trong việc truy tầm sự thật : « Những ý tưởng thuần trí tuệ chỉ đem lại một sự thật hợp lý, một sự thật khả hữu, vì sự lọc lựa các ý tưởng ấy đều mang tính chất võ đoán… Không phải vì các ý tưởng của ta không đúng theo luận lý, nhưng ta không thể biết rằng chúng có thật hay không. » (Les idées formées par l’intelligence pure n’ont qu’une vérité logique, une vérité possible, leur sélection est arbitraire… Non que ces idées que nous formons ne puissent être justes logiquement, mais nous ne savons pas si elles sont vraies.(Le temps retrouvé – coll Bouquins. Vol.3, p.713).
Có thể coi hai câu văn trích lại trên đây nằm trong số những câu văn hiếm hoi được coi là ngắn gọn, sáng sủa nhất của Proust. Nhưng dù có ngắn gọn và sáng sủa, ý tưởng của chúng lại cô đọng, nội dung lại súc tích nên ta cũng cần thêm một vài giải thích để làm rõ nghĩa. Cái điều cần làm sáng tỏ ở đây là thế nào là đúng (justes), thế nào là thật (vraies) ? Tại sao có những ý tưởng có thể đúng mà lại không thật ? Đúng là khi các ý tưởng hay các dữ kiện được lựa chọn sắp xếp sao cho đáp ứng được đòi hỏi hợp lý hợp tình theo suy luận chủ quan. Tuy nhiên cái hiện thực trình bày như thế có thể được coi là đúng theo trí tuệ, lại chưa hẳn đã là thật vì chắc gì nó đã phản ánh đúng thực tế ở đời. Để nắm cụ thể hơn sự khác biệt giữa đúng và thật, ta hãy tới dự phiên chót của một vụ án hình sự. Mở đầu là bản cáo trạng của ông biện lý. Qua những dữ kiện, bằng chứng nêu ra rồi được ông biện lý phân tích, lý giải trước khi đi đến kết luận, ta không khỏi nghĩ thầm bị cáo chắc là có tội và sẽ khó tránh khỏi hình phạt tối đa. Rồi tới phiên luật sư đứng ra bào chữa. Ông ta lấy lại hầu hết các dữ kiện của ông biện lý nhưng lại trình bày chúng duới một góc cạnh khác, đôi khi còn chưng thêm một vài dữ kiện mới rồi, bằng lời lẽ hùng hồn, ông ta lần lượt bác bỏ từng điểm một các luận cứ của ông biện lý. Thế là ông luật sư lại làm ta phân vân tự hỏi chắc gì bị cáo đã có tội. Rút cục ta đâm hoang mang không biết đâu là sự thực.
Ta hoang mang cũng phải vì cả ông biện lý lẫn ông luật sư đều là những nhân vật rành rẽ luật pháp, dồi dào kinh nghiệm nên biết vận dụng trí tuệ để lọc lựa và bố trí các dữ kiện sao cho gợi lên một hình ảnh vè bị cáo phù hợp với nhiệm vụ họ được giao phó : hình ảnh một tội phạm với ông biện lý, hình ảnh một kẻ vô tội với ông luật sư. Nhưng các dữ kiện được họ lọc lựa với lý lẽ đi kèm đều mang tính chất chủ quan độc đoán (leur sélection est arbitraire, chữ của Proust) nên không giúp ta nhìn ra được sự thật trọn vẹn. Bởi vậy, dẫu có thông minh tài giỏi và hiểu biết nhiều, mấy vị này lại chỉ có tài nói đúng hơn là nói thật (cũng như một số chính khách và đôi khi có cả mấy ông nhà văn, nhà báo nữa). Khổ một nỗi luật pháp không đóng vai trọng tài để phân định kẻ thắng người thua trong một cuộc tranh luận trổ tài đấu lý. Luật pháp có sứ mạng thi hành công lý nên chỉ muốn biết sự thật để phân xử công minh, mà sự thật ở đời lại thường có nhiều uẩn khúc éo le không dễ gì ánh sáng trí tuệ soi rọi được tới nơi tới chốn. Bởi vậy, trong những vụ án quan trọng liên quan đến sinh mệnh một con người, Luật pháp thường kêu gọi tới đèn trời soi sáng của lương tri nhiều hơn : Thay vì là một chánh án, quyền phán quyết tối hậu lại được trao cho một bồi thẩm đoàn dân sự. Luật pháp đặt niềm tin công lý nơi bồi thẩm đoàn và kỳ vọng nhiều nơi họ vì hai lẽ : một là, bồi thẩm đoàn phải gồm toàn công dân lương thiện (mà đã là công dân lương thiện thì con tim chân chính ắt hẳn không bao giờ biết đến nói dối) ; hai là, cho dù với một kiến thức hạn hẹp, các bồi thẩm viên, các bồi thẩm viên với con mắt của lương tri và sự nhạy cảm của con tim chân chính thường có khả năng len lỏi được vào tận cùng ngõ ngách tâm hồn hơn, nhờ vậy, hiểu đúng động cơ hành động của con người trong những trạng huống éo le hơn là lý trí. Sự kiện này, triết gia Blaise Pascal (1623-1622), còn được coi là thần đồng về toán học và vật lý học (tức là người có thừa khả năng lý luận chính xác trong tinh thần tìm hiểu khoa học khách quan hơn ai hết), cũng phải thừa nhận trong câu nói để đời : « Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không sao biết được (Le cœur a ses raisons que la raison ne connaît point. _ B. Pascal – Les Pensées).
Nếu về mặt công lý Tòa án không mấy tin tưởng vào lý trí để thi hành Công lý như thế nào, thì về mặt sáng tạo Proust cũng dè dặt đối với trí tuệ trong nỗ lực tìm tòi để nói lên cái thật chừng nấy. Qua kinh nghiệm tiếp xúc với các giới thượng lưu trưởng giả, Proust phát hiện ra rằng những gì vẫn sờ sờ phơi bày trước mắt ta, những gì ta đều có thể nhận thức bằng giác quan, bằng trí tuệ và ta cứ tưởng là thực lại thường chỉ là cái thực ảo vì nó chỉ là những biểu hiện của hình thức, của cái vỏ ngoài (như nhân vật thời thượng Legrandin, như tình yêu ảo ảnh một thời của Swann với Odette, hay như tất cả mọi tấn tuồng đời với những màn dàn dựng ảo thuật của nó). Trái lại, chính cảm giác bất chợt của mùi vị bánh madeleine làm khơi dậy được cả một khung trời niên thiếu tại Combray mới là cái thực vì nó bảo toàn được cho Proust một niềm hoan lạc vĩnh hằng. Bởi vậy, theo Proust, « dù cho thể chất nó èo uột, dù cho dấu vết nó chập chờn, cảm giác vẫn là một tiêu chí của cái thật, và vì thế chỉ có cảm giác mới đáng cho tâm trí phải tìm cách nắm bắt để làm toát ra được cái chân lý ẩn náu trong đó, và chính nhờ vậy mà chỉ có cảm giác mới làm tâm trí ta được hoàn thiện và đem lại cho ta một niềm vui tinh khiết ». (Seule l’impression, si chétive qu’en semble la matière, si insaisissable la trace est un critérium de vérité, et à cause de cela mérite seule d’être appréhendée par l’esprit car elle est seule capable, s’il sait en dégager la vérité, de l’amener à une plus grande perfection et de lui donner une pure joie. Le temps retrouvé – Coll. Bouquins tr.713). Từ đó Proust rút ra hai hệ luận : « Cái gì mà ta không phải giải đoán, mà ta không phải mất công làm cho sáng tỏ, cái gì đã được tỏ tường trước ta, đều không phải là của ta. Chỉ đến từ nơi ta những gì ta lôi ra được từ vùng bóng tối trong mà người ngoài không biết được. » (Ce que nous n’avons pas eu à déchiffrer, à éclaircir par notre effort personnel, ce qui était clair avant nous, n’est pas à nous. Ne vient de nous-même que ce que nous tirons de l’obscurité en nous et que ne connaissent pas les autres. Sdd, tr.713). Ta có thể nói hai ý tưởng then chốt này (chỉ có cảm giác mới là tiêu chí của cái thật và cái gì đã tỏ tường trước ta đều không phải là của ta) chinh là hai điều tâm niệm trong nỗ lực tìm tòi sáng tạo của Proust, đồng thời chúng cũng giải thích tại sao Proust ít có chịu dựa dẫm vào các lý thuyết văn học. Ám chỉ các cuộc tranh luận liên quan đến vai trò của văn học đối với vấn dề thời sự lúc bấy giờ (vụ án đại úy Dreyfus gốc Do Thái, bị cáo oan làm gián điệp cho Đức), ông phát biểu : « Nghệ thuật đích thực không có mần ăn gì được với ngần ấy lời tuyên bố huênh hoang và chỉ nên thực hiện trong thầm lặng. » (L’art véritable n’a que faire de tant de proclamations et s’accomplit dans le silence. Sdd, tr.714). Điều này không có nghĩa là Proust phủ nhận giá trị của các lý thuyết văn học. Trái lại là đằng khác.
Xuyên suốt qua toàn bộ A la recherche…, nếu ta để ý tới các đoạn văn trong đó Proust đưa ra những nhận định, suy tư về các vấn đề văn học, nghệ thuật và sáng tác ta sẽ thấy không phải là Proust không có hiểu biết về các lý thuyết văn học. Đặc biệt hơn nữa, nếu chịu khó lọc lựa những cảm nghĩ riêng của Proust cũng về các vấn đề này trong đoạn văn trải dài ngót ba chục trang của tập chót Le Temps retrouvé (coll. Bouquins, vol.3, tr. 701-727), ta có thể đúc kết và hệ thống hóa chúng thành một lý thuyết văn học giá trị. Nhưng đề xuất một lý thuyết văn học không hề là tham vọng của Proust. Với ông, các lý thuyết chỉ là những nhận thức về một thể loại, một trào lưu, một trường phái văn học hay một quan niệm sáng tác, được hệ thống hóa thành một mỹ quan với các nguyên tắc, tiền đề hầu tạo điều kiện cho nhà phê bình có cơ sở lý luận để đánh giá một tác phẩm văn học, và cho độc giả được định hướng để tiếp cận và thưởng ngoạn tác phẩm dó. Còn như là tác giả, nếu chỉ dựa vào lý thuyết – dù là tiên phong nhất – để sáng tác thì tác phẩm, dẫu có hoàn hảo đến đâu, cũng chỉ nói lên một thiện chí học hỏi để cách tân, chứ không là biểu hiện của một tài năng sáng tạo. Bởi vậy Proust không đánh giá cao những tác phẩm nuôi ý đồ tằng tịu với chủ nghĩa hay lý thuyết này nọ. Sau đây là ý kiến của ông về một chủ trương văn học văn dĩ tải đạo : « Ý tưởng về một nghệ thuật đại chúng cũng như về một nghệ thuật ái quốc, nếu không là nguy hiểm thì cũng là lố bịch… (Nhà văn M. Barrès) có nói là người nghệ sĩ trước hết phải phục vụ cho sự vinh quang của tổ quốc mình. Nhưng anh ta chỉ có thê phục vụ tổ quốc trong cương vị nghệ sĩ, nghĩa là… với điều kiện đừng tưởng nghĩ tới bất cứ điều gì khác – dù là tổ quốc đi nữa – ngoại trừ cái sự thật trước mắt anh ta. Ta chớ bắt trước đám người cách mạng (cũng như đám vệ binh dỏ trong cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc hay phong trào đánh nhóm Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc năm 1956 – NBH), để chứng tỏ tinh thần công dân, lên mặt dè bỉu, nếu như họ đã chẳng tiêu hủy rồi, những bức họa của Wateau và de La Tour là những nghệ sĩ đã làm vinh danh nước Pháp nhiều hơn là tất cả các họa sĩ thời Cách Mạng Pháp » (L’idée d’un art populaire comme d’un art patriotique si même elle n’était pas dangereuse me semblait ridicule… (M Barrrès) avait dit que l’artiste doit avant tout servir la gloire de sa patrie. Mais il ne peut la servir qu’en étant artiste, c’est-à-dire qu’à condition… de ne pas penser à autre chose –fut-ce à la patrie – qu’à la vérité qui est devant lui. N’imitons pas les révolutionnaires qui par « civisme » méprisaient, s’ils ne détruisaient pas, les œuvres de Watteau (4) et de La Tour (5), peintres qui honorent davantage la France que tous ceux de la Révolution. Sdd, tr. 719-720). Còn với tác phẩm định dựa dẫm vào lý thuyết này nọ để nói lên trường phái sáng tác của mình, ông không ngần ngại phẩm bình : « Một tác phẩm mà có ôm đồm các lý thuyết thì cũng như một món đồ trên đó ta còn để lại bảng giá tiền. » (Une œuvre où il y a des théories est comme un objet sur lequel on laisse la marque des prix. Sdd, tr. 715).
Vậy là, theo cách nhìn của Proust, các lý thuyết chẳng qua chỉ là những tìm tòi hiểu biết nhằm mở rộng kiến thức trong mọi lãnh vực sinh hoạt ; chức năng và sự nghiệp của chúng là phải thường xuyên cập nhập hóa để đáp ứng đòi hỏi tiến bộ và cần được phổ biến rộng rãi để đóng góp vào kho tàng tri thức của loài người. Mà cái gì một khi đã trở thành tri thức rồi thì, thực tình mà nói, chẳng có gì đáng gọi là mới là lạ cả. Nếu có được coi là mới là lạ đi chăng nữa, thì cũng chỉ do khác biệt về chân trời, về thời điểm mà thôi. Như khi ta nói : cũ người mới ta hoặc mới người cũ ta cũng vậy. Bởi lẽ đó Proust coi các lý thuyết văn học chỉ là những ánh đuốc soi đường giúp ta được tiến xa hơn trong hành trình tìm tòi sáng tạo, hoặc giúp ta có thêm phương tiện để thực hiện sáng tạo ; còn bản thân lý thuyết không thể là giải pháp cho sáng tạo. Muốn sáng tạo, ta phải đào sâu tìm kiếm ở chính nơi ta vì « chỉ có những gì ta lôi ra được trong vùng tăm tối nơi ta, trong ta mà người ngoài không biết được » mới là của ta, thuộc về ta nên mới đáng được coi là sáng tạo. Đây chính là ý tưởng chủ đạo giúp ta đi sâu vào nội dung mang ý nghĩa sáng tạo của Proust.
Cảm xúc mở đường cho tìm kiếm sáng tạo (*)
Ngay trong phần đầu bài viết, tôi có giới thiệu đoạn văn « Vị bánh madeleine và hai loại hồi ức » trong tập truyện một mang tựa đề « Du côté de chez Swann » như là chìa khóa mở cửa giúp ta xâm nhập hang động văn học Proust. Nhưng còn một đoạn văn thứ hai nằm ở phần đầu của tập truyện chót với tựa đề « Le Temps retrouvé » cũng đáng cho ta khảo sát. Có khi còn cần khảo sát kỹ hơn nữa vì đây mới là đoạn văn giúp ta có được câu niệm chú để phát hiện nơi ẩn dấu kho tàng bí mật. Hay, để diễn tả văn vẻ theo lối lẩy kiều, đoạn văn về miếng bánh madeleine mới trỏ ta biết chỗ để giang tay mở khóa động đào, còn đoạn văn dưới đây mới bày ta biết cách rẽ mây soi tỏ lối vào thiên thai (hi ! hi ! hi !…).
Đoạn văn này trải dài trên gần ba chục trang (từ « Je descendis de nouveau… avaient d’abord nourri la graine et permis sa maturation. Sdd, tr. 701-728), thuật lại bữa Proust tới dự buổi trình tấu nhạc tại tư dinh nữ quận chúa Guermantes, nhưng với một tâm trạng buồn nản trước cảm giác bất lực không tìm ra được lời lẽ để nói lên vẻ đẹp của miền quê nước Pháp mà Proust đã có lần chiêm ngưỡng. Trong lúc mải chìm đắm trong các ý nghĩ bi quan, Proust giật mình lùi tránh khi nghe tiếng la của một người đánh xe ngựa. Tới khi định thần, Proust bỗng nghe toàn thân dâng lên một niềm hoan lạc và nhận ra mình đang ở thế đứng khấp khiễng vì hai bàn chân vừa đặt trên hai phiến đá lát không đều. Cảm xúc này, Proust nghe y như niềm hoan lạc trước đây khi vừa nhấp vào miếng bánh madeleine tẩm trà. Thế là, bất chấp những tiếng cười riễu cợt của đám phu xe gần đấy, Proust lập đi lập lại thế đứng nhiều lần, cố làm sống lại cảm xúc hoan lạc vừa bắt gặp. Nhưng càng lập lại thế đứng để tìm kiếm, Proust càng cảm thấy vô vọng. Tới khi chấp nhận buông xuôi đành bỏ rơi toan tính của mình, Proust thấy cảm xúc lại bất chợt hiện về : Thì ra đây chính là cảm xúc của Proust trước đây khi đặt chân trên hai lát đá mấp mô trước cửa nhà giải tội của thánh đường Saint Marc. Và rồi, cùng với cảm xúc này, cả một không khí đầy ắp kỷ niệm của chuyến viếng thăm Venise đầu tiên ào ào kéo đến làm thức dậy nơi Proust niềm hoan lạc y như khi vừa nhấp vào miếng bánh tẩm trà.
Nhưng giữa Venise và Combray, giữa thế đứng khập khiễng và mùi vị bánh madeleine, trong những hoàn cảnh thời gian và không gian khác nhau, sao Proust vẫn tìm lại được cùng một niềm hoan lạc ? Trong lúc phải ngồi ở phòng đợi tại nhà quận chúa Guermantes để chờ khúc nhạc đang chơi dở chấm dứt, Proust vẫn tiếp tục suy tư tìm hiểu về điều mà Proust gọi là « sự bí ẩn của hạnh phúc » (l’énigme du bonheur). Đã bao lần nhìn ngắm những tấm hình chụp kỷ niệm về Combray, về Balbec, về Venise, thậm chí có khi còn trở lại thăm mấy chốn này, mà sao Proust vẫn chỉ bắt gặp toàn những cảm xúc ước lệ mỗi lúc một sói mòn ? Tâm thức này khác hẳn với cảm xúc chứa chan hoan lạc của buổi viếng thăm Venise đầu tiên mà bước chân hụt hẫng vừa qua vừa làm thức dậy nơi Proust. Thắc mắc này của Proust làm ta không khỏi liên tưởng tới điều ta vẫn cho là kỷ niệm đẹp nhất của ta về Venise…
Bữa đó, cùng với đám du khách trong đoàn, tay cầm chiếc iPad loại xịn 5G mới ra lò, ta lăng xăng cố quay bằng được một vài thắng cảnh, di tích lừng danh đồn đại. Rồi ta còn đứng ra nhờ người khác chụp dùm, khi thì khuỳnh tay ưỡn ngực, có lúc cặp mắt xa xăm mơ màng như đang tưởng nhớ người yêu hay buồn trông quê mẹ. Tới chỗ được mệnh danh là « Cây cầu có tiếng thở dài » (le Pont du soupir) ta lại dỏng tai lắng nghe lời dẫn giải của người hướng dẫn du lịch về sự tích cây cầu : Cây cầu ngắn này nối liền khám đường với phòng tuyên án của Hội đòng thành Phố Venise (le Conseil des Doges). Mỗi lần được giải tới cây cầu, phạm nhân đều buông một tiếng thở dài vì rất có thể đây là lần chót họ còn được nhìn thấy quang cảnh Venise. Những lời dẫn giải này ta cố ghi từng chi tiết. Cũng như mấy tấm hình kỷ niệm, chúng sẽ là mẩu chuyện hấp dẫn để ta lôi ra kể mỗi lần có khách tới thăm. Và mỗi lần, ta lại hoan hỉ khi thấy trong mắt họ ánh lên sự ham muốn xen lấn một niềm thán phục rằng ta con người hải hồ lịch lãm, đi xa, trông rộng, hiểu biết nhiều. Thế rồi, với thời gian, niềm thích thú của ta về chuyến viếng thăm Venise dần dà được đóng khung trong mấy tấm hình đó, trong vài mẩu chuyện đó.
Nhưng phải chăng chỉ có những cái ấy mới làm nên điều đáng ghi nhớ của ta về Venise? Hay, biết đâu kỷ niệm đẹp thực sự của ta về Venise có thể sẽ chẳng bao giờ ta còn gặp lại, nếu như bữa nay không có trận gió tình cờ ấy, khua động tiếng lá rào rào làm sống dậy trong ta một cảm giác sảng khoái lạ thường. Niềm hân hoan do đâu mà ra ? Chẳng lẽ chỉ nhờ có máy tiếng lá reo đó sao ?… A ! Ta nhớ ra rồi. Niềm hân hoan vừa chợt thức dậy trong ta, chính là tâm trạng lâng lâng sảng khoái cái bữa ta được ung dung tản bộ trên quảng trường Saint Marc.
Lúc ấy khoảng sáu giờ chiều. Sau một ngày tất bật tới thăm nơi này, đến viếng chốn nọ theo sự điều động của hướng dẫn viên du lịch, đây mới là khoảnh khắc nghỉ xả hơi để tâm hồn ta được buông thả theo nhịp bước chân phiêu bồng lơ đãng. Bóng chiều bắt đầu tô đậm lòng quảng trường và các dãy nhà bao quanh càng làm nổi bật ánh vàng chói chang của những tia nắng còn đọng lại trên các vòm cung điện, trên đỉnh tháp chuông thánh đường. Trong hơi gió thoảng mùi bùn kinh lạch, tiếng ngân lanh lảnh « O sole mio… » của ai đó gợi trong ta hình ảnh bác lái đò duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống đang nghiêng mình trên chiếc thuyền thon thon mũi nhọn mang vẻ đẹp muôn thủa Venise. Giữa những tiếng cười nói lao xao của bày đoàn du khách, vài nốt nhạc thánh thót từ quán cà phê vọng ra như muốn giót vào tai ta. Cùng lúc mùi thơm của bánh pizza nóng hổi lại đeo đuổi khứu giác, khiến bước chân ta vô tình khua động làm bày chim cu hốt hoảng vụt vỗ cánh bay cao… Thì ra niềm hân hoan sảng khoái ấy chính là hạnh phúc của bản giao hưởng dấy lên từ những cảm xúc mới lạ qua thị giác, thính giác, khứu giác, súc giác đang thấm vào ta khiến ta như đang được lạc bước vào cảnh tiên bồng. Bản giao hưởng của những xúc cảm thuộc về đời sống chân chất ấy, ta thưởng thức được là nhờ vào khoảnh khắc đó : cái khoảnh khắc ta ung dung tản bộ, đầu óc hết bị ám ảnh bởi những tấm hình quảng cáo du lịch, tâm hồn ta không còn bận bịu vướng mắc vì những lời nhắn nhủ dặn dò của người thân bạn bè : nào là phải chụp lấy cảnh này, nào là phải nhớ mua thứ nọ… Phải, chỉ có khoảnh khắc ta chợt quên rằng mình đang là một du khách mới chính là lúc ta thực sự được sống giao cảm với đất trời, với con người, với đời sống Venise. Nhưng tiếc thay, giây phút của những cảm xúc thần tiên ấy lại chỉ hiện lên bất chợt và quá ngắn ngủi, ta chưa kịp nhâm nhi thưởng thức, đã nghe tiếng thúc dục lên xe. Tiếp đến nào là bữa ăn tối, nào là những lo toan thực dụng, những chuẩn bị cho chương trình thăm viếng ngày mai khiến cảm xúc hân hoan sảng khoái ấy đã tức thì bị lấn áp, bị dồn ép để mỗi lúc thêm bị vùi lấp trong tiềm thức. Và rồi, cũng như nàng công chúa trong câu chuyện cổ tích sẽ không bao giờ thức giấc nếu không có nụ hôn của chàng hoàng tử, cái đáng lẽ phải coi là kỷ niệm đẹp nhất của ta về Venise – cái cảm xúc tuyệt vời ấy – có lẽ chẳng bao giờ ta tìm lại được, nếu như bữa nay không có mấy tiếng lá reo rào rào tựa tiếng bày chim cu vụt vỗ cánh… Bởi vậy Proust mới cho rằng chỉ đáng gọi kỷ niệm « cái bị nhận chìm trong quên lãng và tưởng như đã bứt mọi liên hệ với hiện tại, (…) chợt làm ta có cảm giác vừa được thở hít một không khí mới, thực ra lại chỉ là cái không khí ta đã từng hít hà một thời xa xưa, nhưng nay ta thấy nó trong lành hơn, y như cái không khí các nhà thơ vẫn cho là chỉ tìm thấy ở Thiên Đường nên không sao kiếm nổi lời diễn tả ; vậy mà cái không khí vừa làm ta có được cảm giác mới lạ sâu xa ấy, lại chính là cái không khí có lần ta đã thở hít rồi, bởi vì chỉ những thiên đường đã mất, hay đúng ra tưởng tưởng rằng đã mất vì bị nhận chìm trong quên lãng, mới là thiên đường có thật. (gạch chú – NBH) » (Oui, si le souvenir, grâce à l’oubli, n’a pu contracter aucun lien, jeter aucun chainon entre lui et la minute présente, (…) il nous fait tout à coup respirer un air nouveau, précisément parce que c’est un air qu’on a respiré autrefois, cet air plus pur que les poètes ont vainement essayé de faire régner dans le Paradis et qui ne pourrait donner cette sensation profonde de renouvellement que s’il avait été respiré déjà, car les vrais paradis sont les paradis qu’on a perdus. Sdd, tr. 706).
Sáng tạo nghệ thuật để tìm lại niềm vui hạnh phúc cội nguồn (*)
Vậy Thiên Đường, với Proust, không phải là một khái niệm trừu tượng mơ hồ biểu tượng cho cõi toàn thiện toàn bích mà ta tưởng chỉ hiện hữu trong giấc mơ, nên mấy ông nhà thơ mời chọn làm đối tượng để thi nhau vò đầu bóp trán tìm lời ca tụng, và để cho mấy tay đầu nậu chính trị nhân danh nó hô hào cổ võ đấu tranh thực hiện, nhưng kết quả thực chất lại chỉ xô đẩy con người vào những lò sát sinh khổng lồ. Nhưng nếu như không có cái Thiên Đường ấy thì, trái lại, vẫn có những khoảnh khắc thiên đường : đó là khoảnh khắc của những cảm xúc thần tiên chỉ có thể cảm nhận được bởi con người tinh khôi trong mỗi chúng ta, khác hẳn với con người thực dụng hay con người ít nhiều tha hóa bởi những toan tính hàng ngày. Đó là con người nguyên thủy còn bảo toàn được cái chân chất của đời sống trung thực nên mới biết cảm thụ cái tinh thể của vạn vật (l’essence des choses, chữ của Proust) vốn là nguồn hạnh phúc trong sáng vô biên của sự sống, như ta vẫn thấy toát ra từ ánh mắt nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ trong giai đoạn đầu đời. Nhưng tiếc thay con người nguyên thủy đó, con người có những giây phút bắt gặp được cái thần của đời sống mà Proust gọi là hữu thể ngoại thời gian (l’être extra-temporel), lại thường bị con người xã hội vị lợi chèn ép, lấn át, vùi lấp đi. Và chỉ những giây phút buông thả nhất, khi mà đời sống tâm linh vô tình được giải phóng khỏi sự kiềm tỏa của trí tuệ, chỉ những khi ấy ta mới tìm thấy lại, được sống lại những khoảnh khắc thiên đường đánh mất. Đó là diều mà Proust dã nhận thức : « Cái hữu thể đó chỉ đến với tôi, chỉ hiện ra bên lề hành động, bên cạnh sự hưởng thụ tức thời, mỗi khi nhờ phép lạ của một sự tương đồng tôi thoát ly được hiện tại. Chỉ có hữu thể đó mới có quyền lực giúp tôi tìm lại được những ngày tháng cũ, cái thời gian đã mất, là những thứ mà mọi nỗ lực tìm kiếm bằng trí nhớ và bằng trí tuệ đều vô ích. » (Cet être-là n’était jamais venu à moi, ne s’était jamais manifesté qu’en dehors de l’action, de la jouissance immédiate, chaque fois que le miracle d’une analogie m’avait fait échapper au présent. Seul, il avait le pouvoir de me faire retrouver les jours anciens, le temps perdu, devant quoi les efforts de ma mémoire et de mon intelligence échouaient toujours. Sdd, tr. 706).
Nhưng cái hữu thể đó lại chỉ hiện lên bất chợt, mong manh chập chờn, làm sao để níu kéo nó, giữ nó lại? Cố suy ngẫm để tìm hiểu về các biến cố liên quan đến mùi vị bánh madeleine hay thế đứng trên hai lát đá không đều, Proust phát hiện ra một điều: Đó là trong mấy trường hợp này, các cảm giác (impressions), các hoài niệm (réminiscences), dù có mong manh mơ hồ, đều là tín hiệu của những định luật (lois), của những ý niệm (idées) ta phải tìm cách diễn giải (interpréter) nghĩa là làm sao lôi được chúng từ vùng tăm tối ra ngoài ánh sáng để có thể diễn ra thành ý, nói lên thành lời. Có lẽ chỉ nhờ cách ấy, là làm sao phô diễn được lên giấy trắng những gì ta còn cảm nhận mơ hồ, ta mới mong biến chúng thành trường cửu. Để thực hiện diều này, liệu có phương thức nào hữu hiệu hơn là làm ra một tác phẩm nghệ thuật ? “Tóm lại, trong bất kỳ trường hợp nào, dù là những cảm nhận khi nhìn thấy gác chuông nhà thờ tại Martinville, hay cảm xúc hồi sinh như thế đứng khấp khiễng trên hai lát đá không đều hoặc là mùi vị của miếng bánh madeleine, ta đều phải vừa suy tưởng vừa tìm cách giải đoán các cảm xúc đó như là những tín hiệu của các luật định hay ý tưởng nhằm lôi chúng từ vùng chập choạng tối ra ánh sáng, nghĩa là biến các cảm nhận chập chờn ấy thành cảm nhận trí tuệ. Và tôi cho rằng không có phương pháp nào khác là biến công tác giải đoán đó thành một tác phẩm nghệ thuật.” ( “En somme, dans un cas comme dans l’autre, qu’il s’agit d’impressions comme celle que m’avaient donné la vue des clochers de Martinville, ou de réminiscences comme celle de l’inégalité des deux marches ou le goût de la madeleine, il fallait tâcher d’interpréter les sensations comme les signes d’autant de lois et d’idées, en essayant de penser, c’est-à-dire de faire sortir de la pénombre ce que j’avais senti, de le convertir en un équivalent spirituel. Or ce moyen qui me paraissait le seul, qu’était-ce autre chose que faire une œuvre d’art ? » Sdd. tr. 712). Từ đó, Proust rút ra hệ luận ta phải coi việc thực hiện một tác phẩm nghệ thuật như thi hành một nghĩa vụ thiêng liêng : đó là tìm kiếm làm sao để nói lên được cái thực, cái đẹp của đời sống tâm linh. Và ông đã xác định điều ông coi là thiên chức nhà văn (vocation littéraire) của mình như sau : « Thế là tôi đã đi đến kết luận rằng chúng ta không hề được tự do trước tác phẩm nghệ thuật, chúng ta không thể thực hiện nó tùy tiện ; bởi lẽ tác phẩm tồn tại sẵn trước ta, nhưng lại bị che dấu nên mới trở thành tất yếu, nên ta mới phải phát hiện nó, cũng như ta phải phát hiện một định luật tự nhiên vậy. Vả lại, xét cho cùng, sự phát hiện này nhờ vào nghệ thuật, phải chăng chính là sự phát hiện ra điều đáng được coi là quí giá nhất đối với ta, nhưng lại bị những thói quen hàng ngày làm nó trở thành xa lạ ; vậy mà cái điều quí giá nhưng xa lạ ấy lại chính là đời sống thực sự của ta, là cái hiện thực như ta đã được sống bằng cảm nhận và hoàn toàn khác biệt với cái hiện thực theo ta tưởng tượng, nên mỗi lần có một tình cờ đem đến kỷ niệm thực sự, ta mới thấy trào dâng một niềm hoan lạc vô biên ? » (Ainsi j’étais déjà arrivé à cette conclusion que nous ne sommes nullement libres devant l’œuvre d’art, que nous ne la faisons pas à notre gré,, mais que, préexistant à nous, nous devons, à la fois parce qu’elle est nécessaire et cachée, et comme nous la ferions pour une loi de la nature, la découvrir. Mais cette découverte que l’art pouvait nous faire faire, n’était-elle pas au fond, celle de ce qui devrait nous être le plus précieux, et qui nous reste d’habitude à jamais inconnu, notre vraie vie, la réalité telle que nous l’avons sentie et qui diffère tellement de ce que nous croyons que nous sommes emplis d’un tel bonheur quand un hasard nous apporte le souvenir véritable ? Sdd, tr. 714).
Vậy là, với Proust, sáng tạo nghệ thuật không thể là sản phẩm của thuần hư cấu. Sáng tạo không phải là đi tìm thoát ly bằng tưởng tượng, là thêu dệt vẽ vời, tìm cách đánh bóng cái thực tại sần sùi nhấp nhúa để giúp ta được tìm quên trong chốc lát. Sáng tạo không phải là sáng tác hay phóng tác, muốn phịa ra sao thì phịa. Nó không đơn giản như công tác thuật lại câu chuyện nằm mơ thấy tiên và được cô nàng quì xuống để xin dâng chàng hai trái đào thơm. Sáng tạo như là một công trình nghệ thuật, theo Proust, trước hết, phải là thành quả của một phiêu lưu mạo hiểm, một khổ công tìm tòi nhằm đưa ra một cái nhìn khai phá và nói lên được hiện thực mang tính chất qui luật của đời sống tâm linh. Nói khác đi, hành động sáng tạo của nhà văn cũng tương đương với hành động chứng minh một định luật vật lý với nhà khoa học. Duy có điều khác biệt : do không cùng chung lãnh vực và đối tượng nghiên cứu, nên công cụ làm việc và phương pháp làm việc giữa nhà văn và nhà khoa học cũng phải khác. Đối tượng nghiên cứu của khoa học là thế giới tự nhiên nên nhà khoa học phải vận dụng tới óc quan sát và trí tuệ trước, sau đó mới cần thực nghiệm để kiểm chứng tính xác thực các giả thuyết khoa học của mình. Trái lại, đối tượng tìm hiểu của nhà văn lại thuộc về đời sống tâm linh nên nhà văn phải dựa vào cảm giác như là công cụ để tìm cách nắm bắt được cái thực ở đời. Cảm giác chính là tín hiệu báo động cho ta về sự tồn tại của một kho tàng còn ẩn dấu trong ta mà ta không có ngờ. Bởi vậy Proust mới cho rằng « cảm giác đối với nhà văn cũng như sự thể nghiệm với nhà bác học, duy chỉ có điều khác biệt là nhà bác học phải vận dụng trí tuệ trước rồi mới bước qua thử nghiệm, còn nhà văn lại chỉ về sau mới cần tới trí tuệ » ( để tìm cách lý giải cảm giác – NBH). « L’impression est pour l’écrivain ce qu’est l’expérimentation pour le savant, avec cette diffférence que chez le savant le travail de l’intelligence précède et chez l’écrivain vient après. » Sdd, tr. 713). Và ông đã dành những năm còn lại cuối đời để suy ngẫm và tìm giải đáp cho điều mà ông gọi là sự bí ẩn của hạnh phúc qua tín hiệu của cảm giác. Nhờ vậy mà tác phẩm «A la recherche du temps perdu » được ra đời.
Ta có thể coi « A la recherche… » trước hết là một hành trình ngược thời gian : cái thời gian của cuộc đời ảo ảnh, và cũng là thời gian mang chất cường toan tảy sạch được những dấu vết mặt nạ mà mỗi chúng ta đều có lúc mang để thủ các vai nhân vật trong những tấn tuồng đời. Phải nói hành trình ngược dòng thời gian này là một hành động phiêu lưu đầy gian nan thử thách. Và cũng phải có quyết tâm lắm, phải thiết tha với đời sống chân thật lắm mới vượt thắng được mọi trở ngại để đặt chân lên bến bờ. Nơi ấy thuộc về thời gian vĩnh cửu. Nơi ấy là hạnh phúc của dời sống cội nguồn. Proust đã dấn thân vào cuộc hành trình khổ hạnh này và ông đã tới được bến bờ. Nơi đây ông trút bỏ được cái lốt con người vị kỷ của xã hội bon chen, nơi đây ông tháo gỡ được tấm mặt nạ của con người muôn mặt cuộc đời. Bởi vậy ta có thể nói mục đích « đi tìm thời gian đã mất » với Proust, chính là đi tìm cái tôi đã mất, cái tôi chân chất của con người tinh khôi nguyên thủy còn chưa bị lấn át bởi con người xã hội hầu như ngày một thêm lún sâu vào vũng lầy của cõi u mê sân si vị kỷ. Và rồi, cũng như Ulysse, trong thiên trường ca Homère, cuối cùng được lãnh phần thưởng là tái hợp với người vợ trung trinh Pénélope sau khi vượt thắng bao chặng đường gian nan khổ ải, Proust cũng nhờ đặt được chân lên bến bờ mà phát hiện ra con đường sáng tạo nghệ thuật để hoàn thành thiên chức nhà văn của mình. Thiên chức nhà văn ấy, ông đã thố lộ với ta trong đoạn văn dưới đây : « Trái với thứ nghệ thuật mà ông de Norpois cho là một trò chơi (chữ nghĩa – NBH) của văn nhân tài tử, tính cao cả của nghệ thuật đích thực chính là tìm thấy lại, là nắm bắt lại, là giúp ta nhận biết được cái hiện thực mà hàng ngày ta vân sống xa nó, mà hàng ngày ta lại thêm lảng tránh nó để mỗi lúc đem thế vào chỗ nó sự hiểu biết ước lệ ngày càng tăng phần kín bưng dày đặc ; vậy mà cái hiện thực ấy rất có thể mãn đời ta không hay biết lại là một điều hết sức đơn giản, ấy là chính cuộc đời của ta. Chỉ có nó mới là đời sống thật, do đó mới là đời sống duy nhất ta thực sự sống, và sở dĩ cái đời sống áy cuối cùng được phát hiện và làm cho tỏ rõ, ấy là nhờ văn chương. Thực ra đời sống đích thực ấy đều có trú ngụ từng khoảnh khắc ở mọi người cũng như nơi nghệ sĩ. Nhưng người đời lại không thấy nó, vì họ không tìm cách soi tỏ nó. Bởi vậy quá khứ với họ chỉ là nơi chất chứa vô số sự kiện vô bổ vì chúng không được ánh sáng trí tuệ làm cho tỏ rõ, chẳng khác gì những cuộn phim hình không được đem « đi rửa » . (La grandeur de l’art véritable au contraire, de celui que M. de Norpois eut appelé un jeu de dilettante, c’était de retrouver, de ressaisir, de nous faire connaître la réalité loin de laquelle nous vivons, de laquelle nous nous écartons de plus en plus au fur et à mesure que prend plus d’épaisseur et d’imperméabilité la connaissance conventionnelle que nous lui substituons, cette réalité nous risquerions fort de mourir sans avoir connue, et qui est tout simplement notre vie. La vraie vie, la vie enfin découverte et éclaircie, la seule vie par conséquent réellement vécue, c’est la littérature. Cette vie, en un sens, habite à chaque ínstant chez tous les hommes, aussi bien que chez l’artiste. Mais ils ne la voient pas, parce qu’ils ne cherchent pas à l’éclaircir. Et ainsi leur passé est encombré d’innombrables clichés qui restent inutiles parce que l’intelligence ne les a pas « développés ». Sdd, tr. 725).
Bí quyết thành công cũng như ý nghĩa và giá trị của bộ « A la recherche du temps perdu » có lẽ là ở chỗ đó. Ấy là nhờ Proust đã chịu khó mầy mò cặm cụi để tìm cách « rửa hình » : Từ một vài sự kiện nhỏ nhoi tầm thường như mùi vị bánh madeleine hay thế đứng giữa hai lát đá không đều, mà người đời sẵn sàng đem rục bỏ vào kho phế thải của đời sống tâm linh, Proust lại đem kính hiển vi ra soi rọi và dùng ánh sáng của trí tuệ để tìm ra câu giải đáp cho điều ông gọi là « sự bí ẩn của hạnh phúc » (l’énigme du bonheur). Bởi vậy tôi mới cho rằng nghiền ngẫm hiện thực, nếu không phải là phương thức duy nhất, thì ít ra nó cũng là một trong những con đường dẫn đến sáng tạo.
Đôi hàng nhắn gửi thay cho lời kết
Trên đây chúng tôi đã trình bày một số điểm được coi như là những khái niệm then chốt hay là phát hiện sáng tạo của Proust. Tôi cho rằng chính các đặc điểm này đã đem lại cho bộ « Đi tìm thời gian đã mất » một giá trị văn học đặc biệt và đòi hỏi người đọc muốn tìm đến ông rất nhiều kiên nhẫn và thiện chí. Chỉ riêng về mặt hình thức, văn phong của ông cũng đủ làm những ai có ý mon men đến với tác phẩm của ông đã muốn bỏ rơi cuốn sách chỉ sau vài trang đọc. Về mặt ý nghĩa nội dung, tác phẩm lại còn làm ta cảm thấy lạc lõng thất vọng hơn nữa. Bởi vì văn chương của ông không thuộc loại mô tả cảnh đời hay kể lể các mẩu chuyện đời, như Les mísérables của Victor Hugo hay bộ truyện bảy tập La comédie humaine của Honoré de Balzac.
Đưa ra nhận định trên, tôi không hề có ý coi thường hay xúc phạm người đọc. Không riêng gì những độc giả bình thường lấy chuyện đọc sách làm thú vui giải trí, ngay đến André Gide, như chúng ta đều biết, là nhà văn danh tiếng Pháp ở thế kỷ 20 từng được trao giải thưởng văn học Nobel, cũng đã là « nạn nhân » của Proust. Khi còn đảm nhiệm chức vụ « lecteur » tức phụ trách công việc tuyển lựa tác phẩm để đăng cho nhà xuất bản Nouvelle Revue Française (N.R.F) hay Gallimard, Gide đã loại bỏ tập « A l’ombre des jeunes filles en fleurs », sau khi mới đọc có vài trang đầu. Trước những câu văn lằng nhằng dây mơ rễ má cộng thêm lời lẽ kiểu cách, mới đọc qua lần đầu, Gide đã vội cho sách của Proust chỉ chạy theo thị hiếu thời thượng của giới thượng lưu trưởng giả thời bấy giờ. Về sau, trong một lá thư gửi cho Proust và N.R.F, Gide đã phải nhìn nhận sự lầm lẫn của mình bằng những lời lẽ như sau : « Sự từ chối in cuốn sách này là lầm lẫn trầm trọng nhất của N.R.F và (tôi lấy làm hổ thẹn vì có trách nhiệm lớn trong vụ này) cũng là một trong những hối tiếc, những cay đắng nhất trong đời tôi » (« Le refus de ce livre restera la plus grave erreur de la N.R.F et (car j’ai honte d’en être beaucoup responsable) l’un des regrets, des remords les plus cuisants de ma vie » – Proust : A la recherche du temps perdu, tome I, collections Bouquins, Editions Robert Laffont 1987, cité par Bernard RAFFALLI dans son Introduction à l’œuvre de Proust, p. XXXII ). Lời thú nhận trên của Gide đủ cho thấy bộ truyện của Proust «khó nuốt » thế nào. Thế nhưng, cũng như lửa để thử vàng, thời gian để thử thách giá trị một công trình văn hóa nghệ thuật. Càng về sau, công lao đóng góp của Proust vào kho tàng văn học thế giới càng được công nhận và tác phẩm của ông càng được nhiều người tìm đọc. Không chỉ độc giả thuộc khối Pháp ngữ, mà tác phẩm còn được dịch ra mọi thứ ngôn ngữ trên toàn thế giới. Trong số này đáng kể nhất phải kể tên học giả người Nhật tên Jo Yoshida. Là sinh viên Nhật, theo học tại Sorbonne, ông không chỉ say mê đọc Proust, mà còn đóng góp vào công cuộc sưu khảo về Proust đến độ được nhà xuất bản Gallimard ghi tên ông trong danh sách những người có công đóng góp cho việc hoàn thành bộ « A la recherche du temps perdu » thuộc tủ sách La Pléiade (bibliothèque de la Pléiade), được đánh giá là một trong những tủ sách tham khảo quí báu đối với giới biên khảo văn học quốc tế.
Thành tựu hoàn vũ này của bộ A la recherche du temps perdu sở dĩ có được, ấy là nhờ Proust đã đề ra một cách tiếp cận mới, một quan niệm sáng tạo mới, nếu không muốn nói là cách mạng, trong công trình xây dựng một tác phẩm văn học, nghệ thuật. Đó là ông không lấy việc xây dựng một tác phẩm làm cứu cánh, như là một trò chơi chữ nghĩa , hoặc nhằm mua vui giải tri người đọc. Xây dựng tác phẩm văn học, với ông, còn là một công cuộc thám hiểm , một khổ công tìm kiếm nhằm phát hiện ra chân lý cuộc sống.
(Viết xong và duyệt lại ngày 15-7-2020)
Nguyễn Bảo Hưng
(*) Các tiểu đề trên mỗi phân đoạn có gạch dưới la do người viết thêm vào nhằm lưu ý về các khái niệm then chốt hay phát hiện sáng tạo của Proust
Tham khảo
Marcel Proust : A la recherche du temps perdu, édition publiée sous la direction de Jean –Yves Tarrdié, Paris, Gallimard, La Pléiade (en 4 tomes : tome I 1967, tome II 1988, tome III 1988, tome IV 1989).
Proust : A la recherche du temps perdu, éditions Robert Laffont 1987 en 3 volumes.
Hai bộ sách trên đây có lẽ chỉ thực sự cần thiết và hữu ích cho những ai muốn sưu khảo chuyên sâu về Proust, hay để chuẩn bị cho một luận án tiến sĩ chẳng hạn. Còn như chỉ muốn làm quen với Proust và văn phong của ông, theo tôi nghĩ, chỉ cần đọc tập một “Du côté de chez Swann”, đặc biệt với những đoạn nói về Combray và mùi vị miếng bánh madeleine tẩm trà, và tập chót ‘Le temps retrouvé” là đủ.
Claude Mauriac : Marcel Proust par lui- même, coll. Ecrivains de toujours. Edit. Du Seuil 1954.
Bernard Gros : De « Swann » au « Temps retrouvé », Coll. Profil d’une œuvre – Hatier 1986