Vài nhận định về sự đối câu trong thơ Đường Luật

Phạm Doanh

Có những ý kiến cho rằng 2 cặp câu 3,4 và 5,6 của thơ Đường Luật (ĐL) phải đối một cách tuyệt đối, nghĩa là từng chữ câu trên thuộc tự loại nào thì chữ cùng vị trí trong câu dưới cũng phải đúng tự loại đó.

Nhiều tác giả hay người đọc chú trọng quá nhiều vào hình thức đối của thơ Đường nên gò từng chữ miễn sao cho đúng luật hiểu theo cái nhìn chật hẹp, nên viết những câu đối thật chặt chẽ về hình thức mà trống rỗng về nội dung cũng như gượng ép trong cách dùng chữ.

Họ có thể cho những câu như sau là hay vì chỉnh trong vấn đề đối:

Cô gái sau sân ngồi rửa bát
Chàng trai trước cửa đứng lau xe

Đối trong thơ ĐL là đối ý trước tiên rồi mới đến đối tự loại. Và đối từng cụm từ chứ không phải từng chữ. Ý tưởng nghèo nàn, chữ dùng thô thiển thì dù có đối chỉnh cách mấy cũng không có chút giá trị nào, loại Đường Luật nặng về hình thức này giống như 1 chiếc hộp gỗ thật vuông vức thật thẳng góc cạnh nhưng gỗ là gỗ tạp và chứa đựng trong lòng nó nội dung nghèo nàn. Sao bằng được một chiếc hộp gỗ góc cạnh có thể không thẳng hoàn toàn nhưng là gỗ quý và chứa đựng món hay vật lạ.

Ngay cả trước đây hơn một thế kỷ các nhà Nho nổi tiếng như Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến sống trong thời đại từ chương, gò bó về luật thơ, đi thi chỉ cần sai một chút là hỏng mà cụ đậu đầu cả 3 kỳ thi Hương, Hội và Đình. Bậc Trạng Nguyên như thế mà còn không cố chấp về luật đối trong thơ ĐL thì chúng ta trong quan niệm phóng khoáng ngày nay lại cố bám vào từng chữ hay sao. Có khi còn bắt lỗi là cùng là động từ nhưng transitive verb (cần túc từ) không được đối với intransitive verb (không cần túc từ) hay trạng từ chỉ thời gian không đi với trạng từ chỉ không gian, một câu là câu hỏi thì câu kia cũng phải là câu hỏi.

Sau đây là các thí dụ bất chấp luật đối cứng ngắc của Yên Đổ Nguyễn Khuyến, ông bất chấp chứ không phải ông không biết luật.

Vịnh Tiến Sĩ Giấy

Rõ chú hoa man khéo vẽ trò,

Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.

Mày râu mặt đó chừng bao tuổi,

Giấy má nhà bay đáng mấy xu?

Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ,

Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu.

Hỏi ai muốn ước cho con cháu,

Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu.

Ví dụ này càng cho thấy cái “không đối” theo như những lập trường cố chấp, Bán và mua trong câu trên là động từ còn Bảng và bia là danh từ; ngay cả tiếng và danh là danh từ cũng không đối với vàng và đá là tĩnh từ. Nhưng đối là đối cả ý, cả câu chứ làm sao mà Nguyễn Khuyến không biết luật được. Cái luật mà người ta khăng khăng bám vào chỉ là cái cố chấp vô lối thôi. Dĩ nhiên là nếu mình muốn đối tuyệt đối thì cũng không sao, nhưng mang lập trường đó mà phê bình thơ người khác một cách hàm hồ thì thật là thiển cận biết bao.

Không phải chỉ mình Nguyễn Khuyến mới “thất luật”, 2 câu sau đây của Tú Xương cũng sẽ không làm vừa lòng các vị bảo hoàng hơn vua:

Chí cha chí chát khua giày dép,

Ðen thủi đen thui cũng lụa là.

Khua là động từ có đi với cũng là trạng từ không? Thưa được vì

đối ý, đối câu mà hay thì từng chữ một không cần đúng.

Và hãy đọc Nguyễn công Trứ

Tự cao

Trời đất cho ta một cái tài

Giắt lưng dành để tháng ngày chơi

Dở duyên với rượu khôn từng chén

Trót nợ làm thơ phải thuộc bài

Cờ sẵn bàn son xe ngựa đó

Ðàn còn phiếm trúc tính tình đây

Ai say ai tỉnh ai thua được

Ta mặc ta mà ai mặc ai

Cả hai cặp 3,4 và 5,6 đều không đối từng chữ. Nếu khăng khăng thì hoá Nguyễn công Trứ không biết luật sao?, “từng chén” chắc chắn không đối với “thuộc bài” và “xe ngựa” không cùng tự loại với “tính tình” , đó là chưa kể “với” và “làm”. Nhà Nho như Nguyễn công Trứ há lại phạm 3 lần lỗi trong bốn câu hay sao?

Ra đường đáng giá người trinh thục

Trong bụng sao mà những gió trăng,

Người và những trong con mắt của người cố chấp thì chắc chắn là không đối rồi.

Hay là bài thơ nổi tiếng của vua Lê Thánh Tông

Đề Miếu Bà

Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,

Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.

Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ,

Làn nước chi cho lụy đến nàng.

Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt,

Giải oan chi mượn đến đàn tràng.

Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,

Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng…

Chúng ta thấy rõ ràng là trong hai cặp đối nhau, không phải tất cả các chữ cùng vị trí đều cùng tự loại cả, (tắt / cho), (đừng / lụy) , (nghe / đến) , (đôi / mượn), (vầng / đến) đều không đối theo quan niệm cứng ngắt hẹp hòi. Nếu bắt lỗi thì 4 câu của vua Lê Thánh Tông trong bài thơ truyền tụng lại đã phạm 5 lỗi. Nhà vua là người uyên bác lại đứng đầu một thi đàn chẳng lẽ không biết luật.

Những sự phóng khoáng không để bị quy luật hạn hẹp của sự đối gò bó mình được thấy trong rất nhiều nhà thơ cổ xưa và hiện đại.

Những người hay phán xét thơ người khác qua lăng kính đó thì chỉ tìm xem đối từng chữ mà không thấy được những vần thơ có giá trị.

Thi bá Vũ Hoàng Chương chắc hẳn là thông suốt luật đối của thơ ĐL, nhưng ông cũng chẳng cần giữ nó một cách tuyệt đố như trong bài

VỊNH TRANH GÀ LỢN

Sáng chưa sáng hẳn , tối không đành

Gà lợn om sòm rối bức tranh

Rằng vách có tai, thơ có họa

Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh

Mắt gà huynh đệ bao lần quáng

Lòng lợn âm dương một tấc thành

Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn

Nghe Rồng ngân váng khúc tân thanh

VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Trong hai câu

Rằng vách có tai, thơ có họa

Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh

Tai và hoạ của câu ba đối với đỏ và xanh của câu bốn, nhưng tai và hoạ là danh từ còn đỏ và xanh là tĩnh từ. Nhưng bài thơ vẫn rất đạt, rất hay.

Tóm lại đối chỉ là 1 khía cạnh hình thức của thơ ĐL, mà ý tưởng, vần điệu và từ ngữ là những khía cạnh khác. Đánh giá một bài thơ ĐL không phải là trước tiên nhìn coi từng chữ có đúng tự loại hay không mà là âm điệu có êm đềm, thánh thót hay trầm bỗng, ý tưởng đặc sắc và từ ngữ trong sáng hay độc đáo và nhất là cả bài thơ có để lại cho người đọc một ấn tượng một rung động nào không.