viethocjournal.com

ẤN BẢN SEPT 01, 2020 • TẬP SAN VIỆT HỌC

Lá thư chủ biên 

Kính gửi quý độc giả:

TSVH ấn bản mới nhất này xin mời quý vị ghé thăm cõi văn học thế giới đầy hoa thơm cỏ lạ, dẫn lối bởi bốn tác giả chuyên về văn chương Việt, Pháp, Anh mà mỗ chủ biên rất ngưỡng mộ tài năng và sở học: Phạm Trọng Lệ, Thomas D. Lê, Vĩnh Đào, và Nguyễn Bảo Hưng.

Văn hữu Phạm Trọng Lệ là tác giả của bài viết công phu và uyên bác Thi sĩ và mùa thu: Nguyễn Khuyến, Verlaine, Bashô, Buson, và Shakespeare (Mục Văn học Thế giới). Chúng ta sẽ xem các đại danh thi ca thế giới này đã lấy thi hứng từ mùa thu ra sao, và tâm tư của họ thế nào khi mùa thu trở lại. Giáo sư Phạm đã dầy công sưu khảo, giới thiệu, và dịch sang thơ Việt một số thi phẩm quốc tế rất danh tiếng • Khó có ai trong chúng ta có thể “vô cảm” trước những vần thơ thơ bâng khuâng như: Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt / Ngõ trúc quanh co khách vắng teo (Nguyễn Khuyến); Je me souviens / Des jours anciens / Et je pleure (Paul Verlaine); Nhìn ta em thấy hằng năm / Khi vài lá úa trên cành cô đơn (PTL dịch thơ Shakespeare) • Riêng mỗ tôi thì chưa thấy thi sĩ nào u sầu hơn Rubén Darío khi mà mùa thu của cuộc đời sắp kéo đến: Tuổi thanh xuân, kho tàng thượng đế / Đã ra đi không thể trở về / Lúc muốn khóc, ta không khóc nổi / Nhưng nhiều khi bất chợt lệ rơi (ĐTP dịch thơ Rubén Darío).

Văn hữu Thomas D. Lê là tác giả của một tiểu luận xuất sắc viết bằng Anh ngữ (Mục Vietnamese literature translated into English) về thi sĩ của tình yêu với tựa đề Xuân Diệu: The poet of love on being a poet. Sau những năm dài dạy đại học, Giáo sư Lê đã hồi hưu với một đam mê mới rất tao nhã, đó là dịch thơ Việt sang thơ Anh • Đặc trưng nổi bật trong các bản dịch sang tiếng Anh của ông là sự sát nghĩa tuyệt đối với nguyên tác, một tài năng rất quý hiếm mà ông đã đạt tới mức thượng thừa. Sau khi đọc bài nguyên tác Ta Muốn Ôm khét tiếng của Xuân Diệu và bản dịch tài tình I Want to Grasp Thee của Thomas Lê dưới đây, quý vị sẽ đồng ý với mỗ tôi:

Xuân Diệu: Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn / Ta muốn riết mây đưa và gió lượn / Ta muốn say cánh bướm với tình yêu / Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều / Và non nước và cây và cỏ rạng / Cho chếnh choáng mùi thơm cho đã đầy ánh sáng / Cho no nê thanh sắc của thời tươi / Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi! (Ta Muốn Ôm).

Thomas D. Lê: Life has just begun to burst forth / I want to seize the clouds and wind / Drunk with love on butterfly wings / I want to embrace in an ardent kiss / The mountains, streams, trees, and bright grass / To delight in this world of perfume and light/ To satiate my soul with the prime of life / O, vermeil spring! I want to bite into thee! (I Want to Grasp Thee).

Văn hữu Nguyễn Bảo Hưng là tác giả của bài bình luận sắc sảo Hemingway : Nhà văn, con người và cõi sống (Mục Văn học Thế giới). Tác giả Nguyễn viết bài này qua một văn phong dí dỏm kết hợp tài tình cõi đời thường vào với cõi hàn lâm. Đây là Phần I của bài viết, với lời phi lộ của tác giả : “Trong phần này, tôi (NBH) không chỉ giới thiệu qua thân thế và sự nghiệp của Hemingway, mà còn muốn cho thấy Hemingway đã có quan niệm đứng đắn về thiên chức nhà văn và đã chịu khó học hỏi và trau giồi kiến thức để xây dựng sự nghiệp của ông như thế nào” • Mỗ tôi tin rằng văn phong dí dỏm của Nguyễn quân là một chiêu hữu hiệu khiến độc giả thích tìm đọc các sáng tác của ông.

Văn hữu Vĩnh Đào đóng góp bài Một bán cầu trong mái tóc: Bài thơ bằng văn xuôi của Baudelaire (Mục Văn học Pháp). Trong bài bình luận văn học này, tác giả Vĩnh Đào trình bày về một thể loại “thơ bằng văn xuôi” (poème en prose) trong văn học Pháp, lấy bài “Un hémisphère dans une chevelure” của Baudelaire làm mẩu. Theo tác giả, thể loại “thơ” này đứng ở giữa thơ và văn xuôi, không xuống dòng như một bài thơ thông thường, không bị gò bó về luật thơ, không phải gieo vần và có nhịp điệu một cách rõ ràng. Để tạo nhịp điệu cũng như hình ảnh đa dạng trong câu văn, nhà thơ vận dụng tối đa hai thủ pháp so sánh (comparaison) và ẩn dụ (métaphore) • Trong bài, tác giả cũng dịch bài thơ bằng văn xuôi tiếng Pháp này sang thơ bằng văn xuôi tiếng Việt – cũng lãng mạn, đam mê ngang ngửa với nguyên tác của Baudelaire!

Gió và con người là chủ đề cho một bài viết khoa học (Mục Môi trường) khô khan mà tác giả Thái Công Tụng đã cho giao duyên với thi ca để chuyển hóa nó thành một bài đọc chan chứa tình tự dân tộc, đọc thì vui mắt, nghe thì sướng tai. • Mỗ tôi lấy đoạn văn dưới đây của Thái tiên sinh làm thí dụ cho thấy cái hữu lý của nghệ thuật giảng dạy khoa học (hay bất cứ bộ môn nào khác) với sự soi sáng qua thi ca dân tộc để học trò dễ hiểu và khó quên cái kiến thức vừa được truyền bá. Đây cũng là một thí dụ đích thực của đường lối giáo dục nhân bản (humanistic-education approach) mà học giới Mỹ đang áp dụng và cổ võ :

Độ nóng không đồng đều trên mặt địa cầu đã tạo ra những nơi cao áp hay hạ áp. [1] Nếu sai biệt giữa cao áp và hạ áp khá nhiều thì gió thổi rất mạnh, như mô tả trong hai câu thơ : Đùng đùng gió  giục mây vần / Một xe trong cõi hồng trần như bay (Truyện Kiều) • [2] Nếu sai biệt giữa cao áp và hạ áp không lớn lắm thì gió thổi nhẹ, như mô tả trong hai câu thơ : Trông ra ngọn cỏ lá cây / Thấy hiu hiu gió thì hay chị về (Truyện Kiều).

Văn hữu Phạm Doanh là tác giả một bài viết súc tích mang tựa đề Vài nhận định về sự đối câu trong thơ Đường luật (Mục Giáo dục). Trước hết, tác giả giải thích thế nào là cách “đối lý tưởng” trong thơ Đường luật thất ngôn bát cú : Cặp câu 3-4 và 5-6 của bài thơ phải đối một cách tuyệt đối, nghĩa là từng chữ câu trên thuộc tự loại nào thì chữ cùng vị trí trong câu dưới cũng phải đúng tự loại đó. Rồi sau khi đưa ra các vi phạm cố ý về luật đối của các đại thi sĩ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Công Trứ, và Lê Thánh Tông, Phạm quân kết thúc bài viết như sau: “ Đối chỉ là một khía cạnh hình thức của thơ Đường luật, mà ý tưởng, vần điệu và từ ngữ là những khía cạnh khác. Đánh giá một bài thơ Đường luật không phải là trước tiên nhìn coi từng chữ có đúng tự loại hay không mà là âm điệu có êm đềm, thánh thót hay trầm bỗng, ý tưởng đặc sắc và từ ngữ trong sáng hay độc đáo và nhất là cả bài thơ có để lại cho người đọc một ấn tượng một rung động nào không.

Sau hết, Đàm Trung Pháp xin “đáp lễ” bốn tác giả họ Phạm, Lê, Vĩnh, Nguyễn trong nhóm Văn học Thế giới nêu trên đầu lá thư này bằng hai bài viết: Sáu bài thơ tình chọn lọc của Pablo Neruda (Mục Văn học Tây ban nha) Lối viết văn “bỏ lửng”của Ernest Hemingway (Mục Văn học Anh, Mỹ và Mục Giáo dục). Trong bài viết ngắn về thi hào Neruda (giải Nobel 1971), mỗ dịch giả chỉ xin chuyển sang thơ Việt sáu bài mà mỗ tôi cho là tuyệt tác trong thi tập Los versos del capitán. Thi tập này được Neruda cho phổ biến để ghi khắc thời gian thi nhân đang đắm say trong lưới tình của Matilde, lúc mà quả thực “yêu nàng ta làm thơ”! Yêu đến nỗi thi nhân viết cả những lời thơ cho nàng lên trên … khăn lau miệng trong tiệm ăn! Neruda là một người viết thơ tình rực lửa, rất giản dị, rất bộc trực, như quý vị sẽ thấy • Văn phong tiêu biểu của Hemingway (giải Nobel 1954) là giản dị tối đa (tránh những câu văn dài lòng thòng chứa đựng nhiều mệnh đề phức tạp), trực tiếp (như nói thẳng với người đọc), không trang điểm (ít dùng tĩnh từ và trạng từ để làm huê dạng câu văn). Lối viết ngắn gọn đi thẳng vào vấn đề của Hemingway có thể là do ảnh hưởng của những năm ông hành nghề ký giả ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Văn phong này phát sinh từ Lý Thuyết Bỏ Lửng (Omission Theory) của ông. • Để cho dễ hiểu, ta có thể ví lý thuyết này như cấu trúc một băng đảo (iceberg), trong đó thì phần nổi ở trên mặt nước (đỉnh băng đảo) là nơi chứa đựng những dòng chữ viết và phần chìm (đáy băng đảo) – lớn hơn nhưng bị nước biển che khuất – là nơi ẩn náu của các hàm ý (implications) suyra từ các ẩn dụ (metaphors) trong phần nổi. Theo Hemingway, người viết có thể bỏ lửng (omit) bất cứ điều gì khi họ biết là họ cố tình không viết nó ra với chủ ý phần bỏ qua sẽ làm câu chuyện mạnh mẽ hơn và cho độc giả cảm thấy đã lãnh hội thêm một điều gì đó có ý nghĩa sâu xa hơn những điều biểu hiện trong truyện.

Trân trọng giới thiệu và mời đọc,

Đàm Trung Pháp

MỤC LỤC

Thi sĩ và mùa thu: Nguyễn Khuyến, Verlaine, Bashô, Buson, Shakespeare

Tác giả: Pham Trong Le

Xuân Diệu: The poet of love on being a poet

Tác giả: Thomas D. Le

Hemingway: Nhà văn, con người, và cõi sống (Phần I)

Tác giả: Nguyễn Bảo Hưng

Một bán cầu trong mái tóc: Bài thơ bằng văn xuôi của Baudelaire

Tác giả: Vĩnh Đào

Gió và con người

Tác giả: Thái Công Tụng

Vài nhận định về sự đối câu trong thơ Đường Luật

Tác giả: Phạm Doanh

Lối viết văn “bỏ lửng” của Hemingway

Tác giả: Đàm Trung Pháp

Sáu bài thơ tình của Pablo Neruda

Tác giả: Đàm Trung Pháp