“THỀ NON NƯỚC” : TÂM HUYẾT

TẢN ĐÀ DÀNH CHO QUÊ HƯƠNG

ĐÀM TRUNG PHÁP

                                                      Nguồn hình minh họa : The Internet

Tản Đà là bút hiệu của thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939). Bút hiệu là sự kết hợp của tên một ngọn núi (Tản) với tên của một con sông (Đà), hai dấu mốc nổi tiếng của sinh quán nhà thơ. Sinh ra trong một gia đình nho học và quan trường, ông là một móc nối giữa hai thời đại quan trọng của văn học Việt Nam – truyền thống nho học của thế kỷ 19 và ảnh hưởng tây phương của đầu thế kỷ 20.

Suốt đời là một nhà báo, nhà thơ, và nhà văn, Tản Đà từng là chủ nhiệm của Hữu Thanh Tạp Chí và An Nam Tạp Chí. Thêm vào đó, hai tạp chí bậc nhất thuở ấy là Đông Dương Tạp Chí (của Nguyễn Văn Vĩnh) và Nam Phong Tạp Chí (của Phạm Quỳnh) đều mời Tản Đà hợp tác vì uy tín to lớn của ông. Là một nhà thơ, ông là tác giả của các tuyển tập như Khối Tình Con I, II, III và Tản Đà Xuân Sắc. Và ông cũng viết các tác phẩm văn xuôi Giấc Mộng Con I, II, III và Tản Đà Văn Tập.

Trong những bài viết cho báo chí cũng như cho thi ca và văn xuôi, Tản Đà luôn trung thành với nhân sinh quan cá nhân của mình, đặc biệt là thuyết thiên lương. Ông thuyết phục dân chúng nuôi dưỡng, phát triển và thực hành đức tính bẩm sinh ấy để sống một cuộc đời đáng sống hơn. Những ước nguyện ấm lòng của thiên lương cũng như tâm huyết đối với đất nước của ông ngập tràn trong bài thơ Thề non nước.

Xin ghi lại tuyệt tác ấy dưới đây, cùng với các cước chú theo sự hiểu biết và suy luận hạn hẹp của người viết:

THỀ NON NƯỚC [1]

Nước non nặng một lời thề [2]

Nước đi, đi mãi, không về cùng non

Nhớ lời nguyện nước thề non

Nước đi chưa lại, non còn đứng không

° ° °

Non cao những ngóng cùng trông [3]

Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày

Xương mai một nắm hao gầy

Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương

° ° °

Trời tây ngã bóng tà dương [4]

Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha

Non cao tuổi vẫn chưa già

Non thời nhớ nước, nước mà quên non

° ° °

Dù cho sông cạn đá mòn [5]

Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa

Non cao đã biết hay chưa

Nước đi ra bể lại mưa về nguồn

° ° °

Nước non hội ngộ còn luôn [6]

Bảo cho non chớ có buồn làm chi

Nước kia dù hãy còn đi

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui

° ° °

Nghìn năm giao ước kết đôi [7]

Non non nước nước không nguôi lời thề

 

CƯỚC CHÚ

[1] Tuyệt tác này được dân chúng yêu mến vì nó cho thấy tâm huyết của Tản Đà đối với đất nước, một chủ đề mà ông cũng tỏ bầy trong những tác phẩm khác. Trong bài Vịnh bức dư đồ rách, ông than vãn cay đắng về sự chuyển hóa đất nước một thời lộng lẫy của ông ra thành một đất nước rách nát tả tơi, mà ẩn dụ là một tấm bản đồ cùng tình trạng rách nát; rồi ông muốn biết tại sao ta ở trong trạng huống này: “Sao đến bây giờ rách tả tơi?” Trong bài Đêm tối, ông tự hỏi “Kiếm đâu cho thấy mặt anh hùng? ” (để có thể giải thoát đất nước khỏi gông cùm người Pháp) ? Bài Thề non nước là một phần của câu chuyện (cùng mang tên) viết về cuộc tình lãng mạn giữa Tản Đà và một ca nhi. Thi sĩ ví mình như dòng nước sông trôi đi mãi, khiến cho cô ca nhi mỏi mắt trông chờ ngày chàng trở lại. Tuy vậy, nhà thơ không quên lời thề giữa hai người mà còn hứa sẽ một ngày tái ngộ. Lời thề ấy hàm ý lòng trung trinh của Tản Đà đối với quê hương – rằng ông sẽ trở về để vá lại “bức dư đồ rách tả tơi” và phục hưng một đất nước đang phai lạt “dưới ánh tà dương.

[2] Bài thơ có một cấu trúc rõ rệt và chặt chẽ. Đoạn mở đầu nêu lên một bi kịch tình cảm, như thể báo trước sắc thái chung cho toàn bài. Các đoạn còn lại lần lượt nói lên (a) sự nóng lòng chờ đợi của ngọn núi dành cho dòng sông, (b) lời giải thích sự vắng mặt và sự có thể trở về của dòng sông, và (c) lời nhắc nhở rằng dòng sông và ngọn núi sẽ không thể rời nhau, một khi họ đã “nghìn năm giao ước kết đôi.”

[3], [4] Trong hai đoạn này, để nhấn mạnh mức chán chường của ngọn núi sau khi đã chờ mong vô vọng sự trở về của dòng sông, Tản Đà đã dùng một thi ngữ êm tai và vui mắt (tuy có phần ước lệ) để lột tả sự cô đơn và mức tàn phá của thời gian dài chờ đợi lên nội tâm và ngoại hình của ngọn núi. Những từ kép “xương mai, hao gầy, tóc mây” cũng như cụm từ “đã đầy tuyết xương” mô tả một sắc đẹp đang dần dần lạt phai. Đồng thời, các từ đơn “mây, sương, tuyết” cũng rất phù hợp để tả cảnh núi. Hai từ kép “vẻ ngọc” và “nét vàng” trong đoạn ba hàm ý nhan sắc của người phụ nữ vẫn tồn tại mặc cho sự tàn phá của thời gian. Câu chót của đoạn ba – “non thời nhớ nước, nước mà quên non” – là một tiếng lòng vừa đam mê vừa oán trách từ trái tim ngọn núi gửi đến dòng sông. Tiếng lòng ấy đã được đáp ứng bởi một câu trả lời tích cực từ dòng sông. Xin xem thêm cước chú [7] ở cuối bài viết.

[5], [6] Hai đoạn này, ngoài việc nhắc nhở đến sự vĩnh cửu cùa lời thề núi-sông, còn mang lại tin vui, căn cứ vào sự giải thích khoa học về chu kỳ luân lưu của nước trong thiên nhiên – nước sẽ trở lại dưới hình thức mưa là một điều chắc chắn. Cũng ấm lòng cho ngọn núi là lời dòng sông an ủi và khuyến khích ngọn núi hãy vui lên vì sông và núi sẽ còn gặp nhau.

[7] Hai câu chót này đã kết thúc bài thơ bằng sự xác quyết lại lời thề “giao ước ngàn năm” giữa sông và núi. Ta cũng có thể hiểu lời thề này như một quyết tâm của những người Việt yêu nước đấu tranh để lấy lại độc lập cho tổ quốc. Và do đó, nếu ngọn núi tượng trưng cho những người ở lại, thì dòng sông là ẩn dụ cho những người phải đi xa để (cùng với những người ở lại) đạt được một mục tiêu chung rất là cao cả.