viethocjournal.com

ẤN BẢN OCT 01, 2020 • TẬP SAN VIỆT HỌC

Lá thư chủ biên

Kính gửi quý độc giả:

Dịch vụ miễn phí Google Analytics cho biết sau gần 3 năm hoạt động liên tục, “audience overview” của TSVH coi như khá ổn định. Trong tháng August vừa qua, tổng số độc giả cá nhân (unique readers) vào thăm là 4.329 người và tổng số lượt vào đọc (pageviews) của họ là 11.916. Đại đa số độc giả cá nhân vào thăm TSVH là từ Việt Nam (3.456), theo sau bởi Mỹ (491), Canada (85), và số còn lại từ vài quốc gia khác. Google Analytics cũng cho thấy TSVH đang có ảnh hưởng (influential) vì độc giả tự kiếm ra TSVH qua Google search. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì nó đang được hệ thống tìm kiếm của Google lưu ý ưu ái • Tò mò, mỗ tôi “google” hàng chữ tiếng Việt khá tổng quát “cấu trúc tiếng việt theo lý thuyết noam chomsky ra saothì thấy hiện ngay ra 10 trạm nối (links), trong đó có 3 links dẫn tới 3 bài viết trong viethocjournal.com: (1) Noam Chomsky: Linh hồn lý thuyết ngữ pháp từ nửa thế kỷ nay, (2) Nghĩ về văn phạm vs ngữ pháp, (3) Cơ cấu Việt ngữ • Để các độc giả vào thăm homepage lần đầu khỏi bỡ ngỡ (vì cái menu khá hùng hậu cuả nó) mỗ tôi vừa đặt thêm mục MỜI ĐỌC ẤN BẢN MỚI NHẤT vào trên đỉnh menu. Chúng ta bây giờ có thể coi mỗi ấn bản là một “số báo” TSVH với lá thư chủ biên giới thiệu các bài trong ấn bản, và một mục lục trong đó các bài viết đã có sẳn permalink để độc giả chỉ click vào là toàn bài sẽ hiện ra ngay trên screen • Ngoài ra, tiểu mục Văn học so sánh đa ngữ đã được thêm vào mục VĂN HỌC THẾ GIỚI để post các bài văn học so sánh (comparative literature) liên hệ đến ít nhất là 3 ngôn ngữ khác nhau, và tiểu mục Gìn vàng giữ ngọc đã được thêm vào mục VĂN HỌC.

Thơ mùa thu (Mục Văn học so sánh đa ngữ) là một đóng góp đồ sộ của đồng tác giả và dịch giả David Lý Lãng NhânThomas Lê. Hai văn hữu này của chúng ta quán triệt tam ngữ Anh, Pháp, Việt và có khả năng dịch thơ khó có ai vượt qua, từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia và ngược lại • Mỗ tôi xin ngả mũ tán thưởng công trình dịch thơ xuất sắc của Lý tiên sinh và Lê tiên sinh, sau khi đã đọc hết 23 bài nguyên tác cộng thêm 25 bài dịch thuật từ các nguyên tác. Những bài nguyên tác là của các đại danh thế giới như Lamartine, Verlaine, Baudelaire, Shakespeare, Keats, Blake; và các đại danh Việt Nam như Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận • Đã lâu, từ khi đọc bài thơ quái dị “Gửi người dưới mộ” của Đinh Hùng đến nay (Trời cuối thu rồi … Em ở đâu / Nằm bên đất lạnh chắc em sầu / Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy / Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu …) định kiến của mỗ tôi là thi ca về mùa thu thì buồn rất nhiều và vui chẳng bao nhiêu. Giờ đây, 48 bài thơ này cho thấy cái định kiến ấy của mỗ tôi không đến nỗi … quá chớn – chúng buồn lắm, tuy rất nên thơ, là các câu mỗ tôi xin kể ra đây từ các nguyên tác: Lòng anh như nước hồ thu lạnh / Quạnh quẽ đêm soi bóng nguyệt tà (Lưu Trọng Lư); Ấp úng không ra được nửa lời / Tình thu bi thiết lắm thu ơi (Hàn Mặc Tử); Em cho anh mùa thu đời thác lũ / Mùa nửa vời nghe hạnh phúc đi qua (Dã Thảo); Lặng nhìn lá úa lượn qua song / Nức nở tình thu nghẹn chút lòng (Lý Lãng Nhân); Les sanglots longs / Des violons / De l’automne / Blessent mon coeur / D’une langueur / Monotone (Verlaine); Salut, bois couronnés d’un reste de verdure! / Feuillages jaunissants sur les gazons épars! / Salut, derniers beaux jours! Le deuil de la nature / Convient à la douleur et plait à mes regards (Lamartine); That time of year thou mayst me behold / When yellow leaves, or none, or few, do hang (Shakespeare).

Mùa thu cũng được nhắc đến bởi tác giả Vĩnh Đào của bài viết mang tên Mùa thu Paris với Cung Trầm Tưởng và Phạm Trọng Cầu (Mục Văn học Việt). Thi sĩ Cung Trầm Tưởng và nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đều đã có một thời gian du học tại Paris. Cả hai đều có một bài thơ nói về mùa thu Paris, với khung cảnh rất giống nhau: cũng công viên Luxembourg với lá vàng bay trong gió, cũng sương mù và bầu trời âm u, một bên thì buồn vì nàng đã ra đi, người thì khắc khoải chờ người yêu đến • Tác phẩm của Phạm Trọng Cầu là bài thơ “Em ra đi mùa thu” (Ngày em đi / Nghe chơi vơi não nề / Qua vườn Luxembourg / Sương rơi che phố mờ / Buồn này ai có mơ …) gồm những câu ngắn 5 chữ; nhà thơ cũng là nhạc sĩ nên đã phổ nhạc thành một bài hát rất được mến chuộng tại miền Nam trong các thập niên 60-70. Bài thơ của Cung Trầm Tưởng “Mùa thu Paris” (Mùa thu âm thầm / Bên vườn Lục Xâm / Ngồi quen ghế đá / Không em buốt giá từ tâm…) gồm những câu ngắn 4 chữ, được Phạm Duy phổ nhạc. Bài hát cũng rất được ưa thích. Trong cả hai bài đều phảng phất bầu không khí thơ mộng, lãng mạn, u buồn của thành phố Paris vào mùa thu với những cơn gió lạnh thổi bay lá vàng giữa cơn mưa lất phất • Cuộc đời của hai nghệ sĩ này cũng có nhiều điều trái ngược nhau có thể làm ngạc nhiên độc giả qua lối kể chuyện lôi cuốn của tác giả Vĩnh Đào.

Tiếng chim hy vọng đầu thế kỷ: Bài thơ “The darkling thrush” của Thomas Hardy (Mục Văn học Anh, Mỹ) của tác giả Phạm Trọng Lệ là một bài giảng văn uyên bác dùng để dạy một tuyệt tác thi ca của Thomas Hardy. Lối soạn thảo giảng văn hàn lâm kinh điển này mang tên là “explication de texte” trong học đường Pháp, và “close reading” trong học đường Mỹ • Nhà giáo lão thành họ Phạm đã mở đầu bài giảng văn này của ông như sau: “Cách đây gẩn 120 năm, vào tối 31 tháng 12 dương lịch, năm 1900, lúc nhân loại sắp bước vào thế kỷ 20, thi sĩ Anh Thomas Hardy – một thi sĩ và tiểu thuyết gia cuối thời nữ hoàng Victoria, một thời kỳ mà canh nông đang chuyển sang kỹ nghệ – trong lúc ông đang bi quan trước viễn tượng một thế kỷ mới, chợt nghe thấy tiếng chim họa mi hót. Ông viết bài thơ The Darkling Thrush sau đây vào đêm cuối cùng của thế kỷ 19. Trong bài thơ, con chim họa mi già cất tiếng hót vào đêm đông lạnh lùng, đem lại nguồn hy vọng cho thi sĩ đang hoang mang trước những biến chuyển của thế kỷ mình đang sống và viễn tượng mình chưa rõ của thế kỷ 20 mới” • Mỗ tôi tâm đắc nhất đoạn cuối của bài thơ được Phạm tiên sinh dịch thành thơ lục-bát Việt Nam mượt mà và thanh thoát như sau: Con người có mấy ai từng / Viết câu ca ngợi của chung trên đời / Dư âm ngây ngất tuyệt vời / Rung trong gió thoảng những lời vui tươi / Là nguồn hy-vọng từ Trời / Chim kia biết rõ, mà người không hay.

Selected bibliography of English-language works by revisionist authors of the Vietnam War (Mục Lịch sử) được tác giả Lâm Vĩnh Thế soạn thảo công phu và nghiêm túc là một phản bác xác đáng cho các tài liệu về chiến tranh Việt Nam do nhóm “chính thống” phổ biến. Đây một thư tịch chọn lọc, chỉ liệt kê những tài liệu nghiên cứu đáng tin cậy, được ấn hành bởi các nhà xuất bản lớn của khối Anh-Mỹ và các nhà xuất bản đại học, và thường được trích dẫn nhất. Mỗi tài liệu được ghi rõ chi tiết về thư tịch cũng như số hiệu sách (Call Numbers) tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (U.S. Library of Congress) hay thư viện của hai đại học lớn của Hoa Kỳ là Cornell và Harvard. Tên họ của các tác giả thuộc phe Xét Lại được đánh đấu mầu đỏ để giúp độc giả có thể tìm được nhanh • Tài liệu về Chiến Tranh Việt Nam do các tác giả Hoa Kỳ biên soạn trong khoảng hơn 50 năm qua là một con số khổng lồ, và, dĩ nhiên, không thể tránh khỏi tình trạng một phe chống và một phe ủng hộ. Phe chống Chiến Tranh Việt Nam, trong một thời gian rất dài cho đến cuối thế kỷ 20, đã khống chế các đại học và giới nghiên cứu, và được gọi là phe Chính Thống (Orthodox). Chủ trương của họ là: 1) Chiến Tranh Việt Nam là một cuộc chiến không thể thắng được (an unwinnable war); 2) Việc tham chiến của Hoa Kỳ là một sai lầm lớn; và 3) Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là một quân đội hèn nhát và không có khả năng chiến đấu. Mãi đến cuối thế kỷ 20 càng ngày càng có nhiều tác giả Hoa Kỳ thuộc phe ủng hộ, cũng thuộc giới đại học và nghiên cứu nghiêm túc, phản bác lại các luận điểm nói trên, chứng minh được rõ ràng là: 1) Chiến Tranh Việt Nam là một cuộc chiến mà Hoa Kỳ đã có thể thắng được với một giá rẻ hơn rất nhiều nếu đã áp dụng một chiến lược đúng hơn; 2) Việc tham chiến của Hoa Kỳ là hoàn toàn đúng trong bối cảnh và thời điểm đó; và 3) Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là một quân đôi anh hùng và có khả năng chiến đấu cao. Do đó, nhóm tác giả mới này đã được gọi chung là phe Xét Lại (Revisionist).

Sau cùng, giáo sư văn chương Thomas Lê và mỗ chủ biên đã khai trương tiểu mục “Gìn vàng giữ ngọc” (trong mục Văn học) với bài nghị luận On tampering with literature and the writing system của tác giả Thomas Lê và bài nghị luận Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu của tác giả Đàm Trung Pháp. Đây là hai nỗ lực hàn lâm nghiêm túc để lên án các đề nghị vô ý thức như sửa lại Truyện Kiều và thay đổi chính tả tại Việt Nam ngày nay • Thể theo yêu cầu của mỗ chủ biên, Giáo sư Lê đã viết về lý do cho nghị luận dầy 26 trang của ông: “My purpose in writing this essay is to reject the ill-considered actions by some Vietnamese in the old country with respect to Truyện Kiều by Nguyễn Du and the national writing system Ch Quc Ng. According to my colleague and friend Ðàm Trung Pháp, a mechanical engineer had altered some 1000 verses out of 3245 of Truyện Kiều, ostensibly to improve its comprehensibility, its relevance to modern audience, and its logic. Another friend Phạm Doanh reported that a certain academic in the old country had completed a project to improve Ch Quc Ng. This article has two sections to address the issues.”

Trân trọng giới thiệu và mời đọc,

Đàm Trung Pháp

MỤC LỤC

Thơ mùa thu

Tác giả: Thomas LêDavid Lý Lãng Nhân

Mùa thu Paris với Cung Trầm Tưởng và Phạm Trọng Cầu

Tác giả: Vĩnh Đào

Tiếng chim hy vọng đầu thế kỷ: Bài thơ “The darkling thrush” của Thomas Hardy

Tác giả: Pham Trong Le

Selected bibliography of English-language works by revisionist authors of the Vietnam War

Tác giả: Lâm Vĩnh Thế

On tampering with literature and the writing system

Tác giả: Thomas Lê

Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu

Tác giả: Đàm Trung Pháp