Con Tạo Trong Truyện Phan Trần

Nguyễn Tuấn Huy

Đàn ông chớ kể Phan Trần,

Đàn bà chớ kể Thuý Vân, Thuý Kiều.

Hai câu ca dao trên nếu hiểu trên nghĩa đen là những lời răn đe của người xưa nên tránh xa những mối quan hệ tình cảm tự do ngoài vòng lễ giáo. Tuy nhiên, ca dao Việt Nam luôn phản ảnh tinh thần của người dân chứ không phải tư tưởng chính thống của giới cầm quyền hoặc giới nho sĩ. Do đó cho dù Khổng giáo được coi là nền tảng luân lý trong một xã hội quân chủ, người dân họ vẫn tìm cách dung hòa tính cách nhân bản của người Việt Nam với những qui luật khắt khe của Khổng giáo. Đây là một trong những sự khác biệt giữa người Việt Nam và người Trung Hoa. Mặc dù cả ba tôn giáo chính của Việt Nam đều được du nhập từ nước ngoài, Khổng giáo và Lão giáo từ Trung Quốc, Phật giáo từ Ấn Độ, người Việt Nam đã biến hóa, hòa hợp với văn hóa của mình để cả ba tôn giáo biến dạng và mang một đặc thái Việt Nam riêng biệt. Nên trên lý thuyết, xã hội Việt Nam là một xã hội theo Khổng giáo, nhưng trong thực tế thì người dân Việt Nam vẫn uyển chuyển trong tư tưởng, sống hòa thuận và chủ trương “dĩ hòa vi quý” để giữ gìn trật tự trong xã hội, xóm làng.

Ca dao thường đã được thanh lọc, phản ảnh tâm tình của người dân nên nó còn tồn tại qua năm tháng trong khi những tác phẩm của triều đại thường bị quên lãng. Trong trường hợp này có lẽ người ta muốn dùng nó để mỉa mai những tư tưởng khắt khe của giới nho sĩ. Bằng chứng là nó không làm cho người dân lên án hay tẩy chay Truyện Kiều hoặc Truyện Phan Trần. Do đó nếu hiểu theo nghĩa bóng thì hai câu ca dao trên lại có tác dụng hoàn toàn trái ngược. Nó lại làm cho người ta còn thêm tò mò muốn biết thêm về hai truyện này. Nhờ đó mà hai truyện này vẫn còn được nhắc đến, nằm trên đầu lưỡi của người dân trải qua bao nhiêu năm tháng trong khi những truyện Nôm cùng thời khác dần dần chìm vào trong quên lãng.

Người ta thường hiểu chữ “kể” theo nghĩa là kể chuyện. Do đó khi dịch sang tiếng Anh thì người ta hay dùng chữ “to tell” giống như là “Men do not tell the tale of Phan Trần; women do not tell the tale of Thúy Kiều.” Tuy nhiên, chữ “kể” ở đây cũng có thể hiểu là không đếm xỉa hoặc không tính đến, như thể “không đáng kể”. Do đó một cách dịch chính xác hơn là “Men do not be like Phan Trần; women do not be like Thúy Kiều.” Sự khác biệt này tuy nhỏ nhưng nó lên án hai nhân vật Thúy Kiều và Phan Sinh không là mẫu người xứng đáng thay vì chỉ tránh đọc hai câu truyện nói chung. Tuy rằng Thúy Kiều đã bị giới nho sĩ lên án là dâm đãng, nhưng Thúy Kiều vẫn được người ta yêu mến vì nhan sắc và tài năng của cô gái “hồng nhan bạc phận” này. Đã có bao nhiêu bút mực bênh vực cho Thúy Kiều là một nạn nhân của xã hội phong kiến thời xưa, đáng được thương hại hơn là nguyền rủa. Như vậy thì còn Phan Sinh thì sao? Anh ta có phải là mẫu người không xứng đáng được coi như là một nam nhi theo như giới nho sĩ thời xưa hay không?

Có người cho rằng Truyện Phan Trần vì xuất phát từ truyện Trung Hoa nên nó sẽ mang những tư tưởng của người Trung Hoa và không phản ảnh tư tưởng của người Việt Nam. “Theo giáo sư Nghiêm Toản thì tích cũ của người Tàu là cuốn Ngọc trâm ký vốn rút từ Cổ kim nữ sử có từ thời nhà Minh.”1 Thật ra cho dù nó có xuất phát từ một truyện Trung Hoa đã có từ thời nhà Minh thì nó không còn mang tư tưởng của người Trung Hoa sau khi đã du nhập vào Việt Nam hơn năm trăm năm sau. Đối với chính người Trung Hoa, những tác phẩm đã quá xưa thì nó cũng không còn phản ảnh tư tưởng hiện tại của họ. Do đó, ta có thể nói tuy rằng truyện Phan Trần có nguồn gốc từ truyện Trung Hoa nhưng nó không còn mang tư tưởng của người xưa mà phản ảnh tư tưởng Việt Nam từ Thế Kỷ 18 trở về sau. Tư tưởng Việt Nam là một tinh thần nhân bản, sống dung hòa, không khắt khe về tôn ti trật tự ở trong xã hội như tư tưởng Khổng giáo thuần túy. Do đó tác giả đã cho phép tình yêu trai gái được nảy nở trong một khung cảnh tôn giáo. Điều này phù hợp với tình cảm bình thường của con người, có thể phát triển trong mọi hoàn cảnh. Tác giả không lên án nó như những nho sĩ cùng thời theo truyền thống Khổng Mạnh như cho ta thấy hoàn cảnh nào đã đưa đẩy họ đến trường hợp này. Và từ đó, chúng ta có thể cảm thông với hai nhân vật mà theo quan niệm thời đó là đã đi quá vòng lễ giáo.

Diệu Thường đi tu không phải vì cô ta chán sự đời muốn nương cửa Phật để tìm siêu thoát. Diệu Thường đi tu chẳng qua là vì nghe lời họ Trương tìm một nơi để có sự bình an và sống qua ngày.

Chớ nề dưa muối, am mây,

Hãy nương náu, khỏi nạn này là hơn!”

Vì hoàn cảnh mà Diệu Thường phải chịu cắt đứt cuộc sống bình thường của mình và lánh nạn nơi cửa Phật. Giấc mơ của nàng luôn là được kết hôn cùng Phan Sinh chứ không phải là cuộc đời tu hành. Do đó, khi hoàn cảnh cho phép được trở về với cuộc đời thế tục thì chúng ta không thể trách nếu Diệu Thường muốn tiếp tục cuộc sống bình thường của mình trước khi bị “binh lửa” gián đoạn. Thêm vào đó, Diệu Thường, trước khi biết được Phan Sinh là người đã đính hôn với mình, đã nhất quyết cự tuyệt lời tỏ tình của chàng để được giữ lời thề với sư phụ. Nhưng khi biết được Phan Sinh là ai thì nàng thấy lời thề này không còn là thiết thực nữa mà lời hứa hôn của cha mẹ với Phan Sinh quan trọng hơn. Diệu Thường đã xử sự theo hoàn cảnh mà không tự trói buộc mình vào những quan niệm khắc khe không hợp lý với hoàn cảnh mình.

Phần Phan Sinh, tuy thật sự là có đau buồn vì bị Diệu Thường khước từ đến đau ốm, suy nhược thể xác. Tuy nhiên, trong bất cứ xã hội nào, khi người ta yêu nhau thì người ta có thể thương nhớ nhau ở bất kể tuổi tác, giới tính. Nên việc một chàng thanh niên ngã bệnh vì tương tư một cô gái cũng là một chuyện thường. Ngày nay, người ta cho đây là một chứng bệnh trầm cảm nhất thời, có thể chữa trị được. Điều mà giới nho sĩ dùng để lên án Phan Sinh là việc chàng đòi tự tử nếu Diệu Thường tiếp tục khước từ chàng. Đây chẳng qua cũng chỉ là một phương cách Phan Sinh dùng để buộc Diệu Thường nói chuyện với chàng. Nếu đe dọa Diệu Thường bằng cách này không được, có thể Phan Sinh sẽ dùng cách khác. Không có bằng chứng nào là Phan Sinh sẽ tự tử thật dựa theo những gì chúng ta biết về chàng. Do đó nếu chúng ta cho rằng Phan Sinh là một con người nhu nhược chỉ vì chàng dọa sẽ tự tử thì có lẽ là hơi quá đáng. Bằng chứng là Phan Sinh đã đậu thi Hương lần đầu tiên. Khi rớt thi Hội sau đó, chàng đã có ý chí luyện tập để thi lại lần sau. Sau khi được sum họp với Diệu Thường, Phan Sinh quyết chí đi thi lần thứ hai và đỗ đạt tiến sĩ. Sau này chàng mang lệnh vua đi dẹp giặc và đã chiến thắng trở về. Điều này cho thấy Phan Sinh không phải là một chàng trai nhu nhược, yếu đuối mà ngược lại là một người giàu tình cảm, nhiều tài năng và ý chí. Chàng bền chí theo đuổi những ước vọng của mình trên con đường học vấn cũng như tình trường. Cái lỗi duy nhất của Phan Sinh nếu có là đã mơ tưởng đến Diệu Thường mặc dù là đã được đính hôn với người khác. Không phải Phan Sinh là một người bạc tình. Chàng vẫn mơ tưởng đến người mà cha mẹ đính hôn cho.

Hơi gió lọt, bóng trăng thâu,

Đôi khi giở chiếc trâm nhau ra nhìn.

Nước non cách mấy dặm nghìn,

Biết lòng còn nhớ hay quên hỡi lòng?

Nhưng chàng là một người thực tế và biết rằng hôn ước của chàng vẫn còn là một điều mơ hồ, không chắc chắn sẽ thành tựu trong khi Diệu Thường là một ước mơ hiện thực đang đứng trước mặt chàng. Do đó, Phan Sinh đã chọn sự kiện chắc chắn hơn. Cả hai người Diệu Thường và Phan sinh là những mẫu người thực tiễn, biết suy nghĩ, có những quyết định hợp lý mà xã hội cần có.

Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều là với một tính cách chính thức, tên tuổi của ông được in trên cuốn sách, minh bạch rõ ràng nên ông phải cẩn thận để khỏi phải đụng chạm với chính quyền. Luận đề “tài mệnh tương đối” của ông là một đề tài cá nhân, một quy luật của vũ trụ, không động chạm gì đến nhà cầm quyền. Tuy rằng người đọc có xót xa cho thân phận Thúy Kiều phải chịu cảnh “hồng nhan bạc mệnh” thì đó cũng chỉ là luật bù trừ của vũ trụ. Nguyễn Du cho dù có xót cho thân phận của những người có học, có tài như ông, thì ông cũng chấp nhận quy luật là nếu được trời ưu đãi ban cho tài sắc hơn người thì cũng phải chịu những đau khổ, mất mát khác người. Đó là sự công bằng của Thượng Đế – được cái này thì mất cái kia – không lệ thuộc vào thời thế hoặc xã hội.

Ngược lại, tác giả của Truyện Phan Trần là vô danh, do đó họ có thể núp sau ngòi bút ẩn danh để lên án xã hội, giới cầm quyền. Họ có thể tiến xa hơn thuyết “tài mệnh tương đối” của Nguyễn Du. Sự bất hạnh của Diệu Thường có thể xuất phát từ chiến tranh, binh lửa. Nhưng Truyện Phan Trần không đã kích xã hội mà chỉ phản ảnh thời thế và ước vọng của người đời. Ở trong bất cứ một xã hội nào người ta cũng cầu mong cho được gặp may mắn. Và cái may mắn của Phan Sinh là nhờ có cái trâm làm kỷ vật, nhờ đó đã có được tình yêu của Diệu Thường.

Cành trâm thích, quạt chữ bài,

Rành rành tên họ hai người song song.

Mừng nhau lần kể sự lòng,

Gian nan ngày trước, lạnh lùng bấy nay.

Nếu không có cây trâm làm bằng chứng sự đính hôn thì chắc chắn Phan Sinh sẽ tiếp tục bị Diệu Thường khước từ cho dù chàng có đe dọa cách mấy đi chăng nữa.

Dù chàng ép trúc nài mai,

Tìm nơi giếng cạn thấy người hồng nhan.”

Cây trâm đó đã thay đổi cục diện hoàn toàn. Phan Sinh sau đó đã thi đỗ và được cưới Diệu Thường làm vợ. Cũng nhờ cây trâm đó mà Diệu Thường nhận ra được Phan sinh là người mà mình đã được đính hôn. Và qua hôn nhân với Phan Sinh đã được đoàn tụ với mẹ mình. Chủ đề này giống như những câu truyện thần tiên như là “Cô bé Lọ Lem” hoặc “Tấm Cám”. Các nhân vật phải trải qua đau khổ, khó khăn lúc ban đầu nhưng vì gặp may mắn và những mơ ước trở nên sự thật sau này. Tuy nhiên phép lạ đã xãy ra cho Diệu Thường và Phan Sinh mà không cần có sự can thiệp của thần thánh. Do đó khi đọc Truyện Phan Trần, người ta có thể mơ tưởng đến sự may mắn sẽ xãy ra đến với mình.

Ở trong giới sĩ tử ngày xưa, có bao nhiêu người mong ước có được một “song hỷ” là thi đỗ tiến sĩ và lấy được người con gái đẹp mà mình si mê. Ở trong giới phụ nữ, có bao nhiêu người ước ao có một chút nhan sắc để làm vợ một người đỗ đạt, có chút chức vị trong xã hội. Nên ở trong xã hội cho dù có những bất công, rối loạn, người ta vẫn mơ ước một phép lạ, một điều may mắn làm thay đổi cuộc sống của họ. Thời buổi này có thể người ta mơ ước làm ăn được trúng mối, mơ lấy được chồng Việt Kiều để bảo lãnh gia đình đi sang Mỹ, hoặc du học sinh cầu mong lấy được vợ hoặc chồng để ở lại Mỹ. Đó chỉ là những giấc mơ bình thường thôi nhưng nó có thể làm thay đổi cuộc sống của họ hoàn toàn. Do đó không trách gì người xưa họ cũng có những giấc mơ xem như rất tầm thường nhưng có thể thay đổi cuộc sống của họ hoàn toàn. Khi đọc truyện Phan Trần, ta cũng được vui lây khi thấy Phan Sinh gặp được may mắn và sự may mắn đó lan tràn đến với luôn cả Diệu Thường.

Khác với Truyện Kiều của Nguyễn Du với luận đề “tài mệnh tương đối” và tai họa thường hay xảy ra cho những người có tài. Truyện Phan Trần mang đến cho ta một niềm hy vọng. Tài sắc và số mệnh không nhất thiết là phải đối chiếu với nhau. Nhưng số mệnh và cuộc sống luôn luôn thay đổi. Trăng tròn rồi lại khuyết, hôm nay khổ thì ngày mai lại sướng. Cuộc đời, số mệnh của con người có thể thay đổi vì một sự kiện may mắn nào đó mà họ không lường trước mà chỉ có tạo hóa mới có thể sắp xếp được: “Con tạo cơ mầu khéo thay!

Vì vậy chúng ta nên đặt niềm tin vào tương lai, một ngày mai tươi sáng hơn. Nếu như chúng ta còn có cơ hội làm lại cuộc đời, thì chúng ta hãy tin rằng chúng ta vẫn còn có cơ hội để tìm hạnh phúc cho chính mình. Đây cũng là tư tưởng lạc quan ở phần cuối của một tác phẩm Nôm khuyết danh là Bần Thán Nữ.

Còn trời còn nước còn non,

Còn trăng, còn gió hãy còn đó đây.”

Bần Thán Nữ cũng có hai câu thơ tương tự

Còn đời, còn nước, còn non,

Hãy còn cát sĩ, hãy còn cát nhân.”

Hơn 200 năm trước, Truyện Phan Trần đã có những tình tiết éo le, lôi cuối độc giả như những bộ phim truyền hình Hàn Quốc. Người ta say mê theo dõi các bộ phim một phần vì những nhân vật trên màn ảnh đã phản ảnh ước mơ của họ. Họ mơ tưởng mình cũng được xinh đẹp, tài ba như những nhân vật trong phim. Đôi lúc họ cũng sẽ bị hiểu lầm, gặp những tai họa, đau khổ, nhưng kết cuộc thì những nhân vật tốt vẫn thường gặp được may mắn để thỏa mãn ước vọng của khán giả. Truyện Phan Trần cũng đáp ứng lại được ước vọng của độc giả mong muốn cặp trai gái đã được đính hôn thực hiện được hôn ước của hai gia đình. Nhờ hai kỷ vật đính hôn mà con tạo đã giúp cho họ nhận biết ra nhau, thay đổi cuộc sống của cả hai người. Trong một xã hội mà quyền tự do cá nhân bị giới hạn, người ta chỉ còn trông đợi vào con tạo để mang lại hạnh phúc cho họ. Ngày nay, trên thế giới vẫn còn có những trường hợp tương tự nên Truyện Phan Trần giúp cho người ta thấy được một sự hy vọng trong cuộc sống và tin vào tương lai bởi vì con tạo vẫn có thể thay đổi cuộc sống của họ.

Nguyễn Tuấn Huy

Ngày 13 Tháng 11 Năm 2020 tại Houston, Texas.

Tài liệu tham khảo

1 https://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_Tr%E1%BA%A7n