Bậu và Qua
Nguyễn Văn Trần
Trên mạng bỗng nhiên thiên hạ bàn ngang tán dọc về chữ Bậu chữ Qua, thôi thì mình cũng bàn qua chơi theo thiển ý.
Chữ Bậu: Tự điển Nguồn Gốc Tiếng Việt của BS Nguyễn Hy Vọng cho biết Người Nùng có tiếng bậu nghĩa là em, dùng trong cách nói thân mật. Người Thái có tiếng phậu cũng theo nghĩa tương tợ.
Tại sao người VN ở Miền Bắc không có tiếng bậu thân thương như ở Miền Nam?
Có lẽ tiếng phậu của Thái vào ngôn ngữ của người Nùng rồi đứng đó không ảnh hưởng lên ngôn ngữ Việt Nam. Còn tiếng phậu theo người Miên, theo quân Xiêm La vào Miền Nam tạo thành tiếng bậu trong Nam Kỳ.
Người Nam thường nói bậu bạn, do đó bậu khi nhập tịch VN trở thành bạn, trong cách nói thân mật. Thân mật đến nỗi trở thành đồng nghĩa với em, với vợ. Người Nam cũng nói nó làm bạn với… có nghĩa là cưới vợ lấy chồng với… Văn thơ Nam Kỳ dùng chữ bậu chỉ người mình thương mến khi nói trực diện.
Dùng thét rồi người ta tưởng rằng bậu chỉ phái nữ, thiệt ra cũng được dùng cho phái nam với nghĩa nguyên thủy là bạn là em với cách nói thân mật.
Xin đưa ra ba chữ bậu dùng trong tác phẩm Nôm thế kỷ 19 , cuốn truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông.
Chẳng hay chú bậu ở đâu[1],
Áo quần chẳng có dãi dầu khá thương?
Để phần cho bậu một mâm,
Ở nhà thời mẹ với qua ăn rồi.’
Vội vàng mừng rỡ: ‘Em ta,
Ngày rày nhớ bậu, xót xa đoạn trường[2].
Với thời gian, chữ bậu đã chuyển từ em, bạn, chỉ cả hai giới gái, trai dùng biểu lộ sự thân mật thành em gái thân yêu, thành ‘người yêu nhỏ’ quá hơn sự thân mật thường tình mà ta thấy nhan nhản trong ca dao, trong những lời tỏ tình của trai gái Nam Kỳ.
Chữ Qua: Chữ qua là tiếng biến âm từ tiếng quá (hóa) giọng Triều Châu của chữ ngã 我 (tôi). Dùng tiếng tôi, anh bình thường, người ta thấy không sang, không thân mật, và quan trọng nhứt là hơi mất tự nhiên nên người ta dùng tiếng qua. Chuyện nầy cũng tương tợ như người Việt Nam thời trước hay dùng toi, moi (tutoyer) khi nói với bạn hay với cả người mình yêu khi mới bắt đầu làm tỉnh tấn công tình cảm người tình. Tuổi trẻ Việt Nam có một chút học vấn khi bắt đầu tán tỉnh cũng thích dùng hai từ me, you hơn là anh em, em anh. Chữ qua với nghĩa tôi anh thân mật cũng thấy trong văn chương thế kỷ 19, xin lại trích trong quyển Thạch Sanh Lý Thông .
Cũng là ba trường hợp.
Lý Thông nghe nói, sầu bi[3]:
‘Qua xin kết nghĩa vậy thì đệ huynh.
Lời thiệt anh đã trần tình,
Trước sau cặn kẽ phân minh mọi lời.’
Qua thời vốn có một mình,
Mẹ thời già cả kết chưng bạn mày[4].
Để phần cho bậu[5] một mâm,
Ở nhà thời mẹ với qua ăn rồi.’
Tóm lại, qua chỉ là chữ tôi, anh, dùng thân mật. Ban đầu dùng thiệt bình thường giữ bạn bè, sau đó biến thành tiếng của người yêu nói với người yêu, nó tha thiết biết bao như câu ca dao:
Bậu nói với qua bậu không bẻ mận hái đào.
(Vậy chớ?)
Mận đâu bậu bọc, đào nào bậu cầm tay.
Mận đào, bẻ mận hái đào là chỉ sự trăng gió hoa nguyệt, hẹn hò lang chạ của gái trai.
Hiểu câu ca dao trên theo cách xưa sẽ thấy mấy chữ bậu qua kia diễn tả nỗi xót xa trùng trùng của người trai thốt ra câu thống trách…
Nói chung hai tiếng bậu qua, một gia tài văn hóa đặc biệt của Nam Kỳ chẳng qua là tiếng nước ngoài du nhập rồi biến dạng. Điều nầy cũng thường thôi vì ngôn ngữ nói chung có tính cách giao lưu. Một từ khi ở nước này nó là một từ bình thường, khi đến nước khác nó mang thêm màu sắc nào đó tùy theo sự sử dụng của chủ mới.
Nguyễn Văn Trần
[1] Chú bậu ở đâu 注倍唹兜: Chú em ở đâu? Chú bậu 注倍, tiếng gọi thân thương người nhỏ tuổi hoặc là người mình yêu dấu. Như từ em bậu trong ca dao.
[2] Ngày rày nhớ bậu xót xa đoạn trường 𣈜𣈙汝倍咄車段膓: Lâu nay nhớ em lòng đau như cắt. Xạo hết chỗ nói. Làm gì có chuyện nhớ! Làm gì có chuyện xót xa! Bản Nôm viết trường 膓, ruột, bằng chữ đồng âm trường 長, dài.
[3] Nghe nói, sầu bi 𠵌吶愁悲: Lý Thông nghe Thạch Sanh nói với vẻ bi quan như vậy thì (làm mặt) buồn.
[4] Kết chưng bạn mày : Kết bạn thân thiết, như từ kết nghĩa anh em. Từ chưng 徵 không có vai trò gì đối với nhóm chữ nầy. Bạn mày 伴𠋥: Bạn thân thiết.
[5] Để phần cho bậu một mâm 㡳分朱倍蔑𣙺: Câu nói như là thương yêu tình nghĩa nhưng thực chất là dụ để đưa bậu 倍 vô chỗ chết. Chữ bậu chỗ nầy rất hay.