Thái Công Tụng
1.Dẫn nhập.
Cây mít là một loài thực vật rất quen thuộc ở Đông Nam Á. Tên khoa học là Artocarpus heterophyllus, thuộc họ Moraceae. Quả mít là loại quả quốc gia của Bangladesh. Miền Trung Việt Nam và đặc biệt phia Bắc đèo Hải Vân như Bình Trị Thiên, có trồng mít tại nhiều làng mạc. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương nói về trái mít:
Thân em như quả mít trên cây,
Da nó xù xì múi nó dày.
Ở Việt Nam khi mít chín cắt xuống không bổ ra ngay mà để nguyên quả rồi dùng một thanh gỗ vót nhọn một đầu, đem đóng vào cuống mít để cho chảy bớt nhựa. Đợi thêm hai ba hôm sau, mới bổ mít ra thì bớt dính nhựa. Cách đó gọi là đóng nõ, hoặc đóng cọc như được nhắc đến trong bài thơ “Quả Mít” của Hồ Xuân Hương. Trong trường hợp mít sắp chín hoặc đã nứt ngay trên cành nhưng bên trong chưa thật sự chín, đóng cọc cũng giúp cho mít được mau chín.
Canada và Mỹ thường có mít trái nhập cảng từ các xứ Trung Mỹ, nhất là từ Mexico. Mít cũng thường bán trong dạng đóng hộp với xi rô. Ngoài dạng mít đóng lon, mít còn được chế biến bằng cách sấy khô hoặc cắt thành lát mỏng rồi chiên giòn. Múi mít cỏ thể ăn sống hoặc lăn bột chiên. Mít chiên có thể làm món ăn kèm với cơm trong khi mít xanh có thể dùng như một loại rau.
Mít có nguồn gốc từ Ấn Độ và cũng được trồng tại Đông Nam Á, Mexico, Nam Mỹ và vùng Caribbean. Mít thường có trọng lượng từ 7kg đến 32kg.
2.Vài loại giống mít. Mít được coi là loại cây ăn trái với quả chín lớn nhất lớn trong các loài thảo mộc. Mít có giá trị thương mại. Cây mít ra quả sau ba năm tuổi. Trung bình một cây mít bắt đầu trồng mất khoảng 4 năm để ra quả. Quả của chúng rất to và sai. Mỗi quả trung bình có kích thước từ 9-10kg. Cây mít thuộc loại cây gỗ cao từ 8 đến 15 m. Cây mít được trồng phổ biến ở các vùng nông thôn miền Trung và có 2 giống mít: Mít dai (còn gọi là mít ráo ở vài nơi) có thịt rắn chắc và mít mật (còn gọi là mít ướt ở vài nơi) có thịt mềm nhão nhiều nước.
Cây mít là cây ưa sáng và ưa ẩm vừa phải, thích hợp với đất phù sa thoát nước hay đất feralit sâu vùng gò đồi. Các bộ phận của cây đều có nhựa mủ trắng. Hoa đơn tính: Có cụm hoa đực gọi là ‘dái mít‘ thì thui sau khi chín. Cụm hoa cái gồm nhiều hoa nhưng về sau chỉ có một số hoa cái thụ phấn và phát triển thành múi mít. Quả mít thực chất là một cụm quả gồm nhiều quả con (có múi và hạt) dính trên một trục nạc (lõi của quả) và được bao kín bởi vỏ quả có gai (do đỉnh các hoa dính lại mà thành) Miền Nam Việt Nam có mít Tố Nữ thuộc loài Artocrpus champiden quả nhỏ, lúc chín mềm và thơm hơn mít thường.
Trái mít có nhiều nhựa mít. Mít chưa chín kỹ thường được sử dụng để chế biến món ăn. Trong khi đó mít chín thường được tiêu thụ như món ngọt tráng miệng.
Mít ở Việt Nam có các nhóm chính là mít mật, mít dai, mít nài, mít Tố Nữ dùng để ăn tươi hay làm nguyên liệu chế biến thành các sản phẩm mít sấy, mít chiên, kẹo mít, rượu mít, mít đóng hộp, nước uống, v.v…
–Mít Tố Nữ (Artocarpus integer), là một loài cây mộc, cũng là cây ăn trái. Ở Việt Nam, mít Tố Nữ trồng nhiều nhất ở vùng Long Khánh, miền Đông Nam phần. Cây mít Tố Nữ là một loại cây trung bình, cao đến 20 m và có thể cho trái 2 lần mỗi năm ở vùng gần đường xich đạo. Cây khoảng 3 đến 5 tuổi thì bắt đầu kết trái. Mùa mít chín kéo dài khoảng 6 tuần. Mít Tố Nữ, đúng như cái tên, khi ăn không thể xô bồ, ăn lấy no mà phải nhâm nhi thưởng thức để hưởng đến trọn cái sắc, hương, vị của thức quả quý.
Trái mít Tố Nữ dạng hình trứng dài, kích thước chiều dài khoảng 22 đến 50 cm, bề ngang khoảng 10 đến 17 cm, nặng thông thường dưới 2 kg. Múi mít màu xanh, vàng hoặc cam; mùi vị mít Tố Nữ giống mít ướt pha với mùi sầu riêng. Vỏ mít dày, dẻo với gai dẹp, tương tự vỏ mít ướt. Hột mít Tố Nữ cũng có thể đem luộc lên ăn được. Không như hột mít ướt, hột Tố Nữ không cần phải bóc vỏ.
Người miền Bắc đôi lúc hay nhầm lẫn mít Tố Nữ với trái sầu riêng, có lẽ bởi hình dáng của chúng có nhiều nét giống nhau. Tuy nhiên gai mít Tố Nữ nhỏ hơn, tròn đầu chứ không sắc nhọn như gai sầu riêng.
–Mít nghệ có nguồn gốc từ Ấn Độ được trồng và nhân rộng ra khắp Đông Nam Á. Tại nước ta giống mít này được trồng nhiều nhất ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, v.v… Hiện nay do vị ngon được ưa chuộng mà mít nghệ được trồng ở nhiều nơi nhằm cung cấp nhu cầu ngày một cao loại mít này. Thoạt nhìn giống mít này giống với những quả mít khác. Tuy nhiên đây là loại mít với nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các giống khác. Cây cho chiều cao từ 6 đến 8 m. Cây cho sức chống chịu khô hạn rất tốt với bộ rễ đâm sâu nên cũng có thể chống chịu được với gió bão.
Đúng với tên gọi, mít nghệ cho quả có múi vàng tươi rực rỡ, có vị ngọt sắc và rất giòn đồng thời tỏa ra mùi hương thơm đậm đặc trưng. Nói về năng suất thì đây là giống có năng suất rất cao.
3. Gỗ mít và quả mít.
Quả mít khá lớn với kích thước 30–60 cm x 20–30 cm. Vỏ mít sù sì, có gai nhỏ. Mít ra quả vào khoảng giữa mùa xuân và chín vào cuối mùa hè (tháng 7-8).
Gỗ cây mít rất được ưa chuộng vì có thể sử dụng trong các bức tranh sơn mài, chưa kể làm cột nhà, kèo nhà, bộ ghế phòng khách, thớt trong nhà bếp, v.v…. Vì thớ gỗ mít khá mịn nhưng chắc nên gỗ mít cũng dùng để tạc tượng thờ trong các chùa.
Ta ăn mít chín nhưng ngay cả mít non cũng ăn được trong các món như gỏi mít non, như rau để nấu canh, kho với cá, xào với thịt, v.v… Món cá chuồn kho với mít non là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của người dân Quảng Nam – Đà Nẵng. Đó là món ăn dân dã, rẻ tiền, mang đậm hương vị quê nhà, thắm đượm nghĩa tình giữa miền xuôi với miền ngược, giữa miền biển với núi rừng:
Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non chở xuống, cá chuồn chở lên
Xơ mít có thể dùng làm dưa muối gọi là nhút. Phương ngôn “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn“ nhắc đến hai đặc sản của vùng quê ở xứ Nghệ. Ở Huế, có món mít trộn với tôm, hành, nước mắm ăn kèm với bánh tráng nướng.
Mít có nhiều cách sử dụng, và có thể được sấy khô, chiên, hầm, ăn sống, làm thành mứt, và nhiều cách chế biến khác. Ngay cả lá và hạt của nó cũng có công dụng.
4. Thay lời kết.
Ngày nay, mọi người bắt đầu chuyển sang ăn chay vì nhiều lý do, bao gồm vấn đề liên quan đến môi trường, sức khỏe và quyền động vật. Và những người ăn chay coi loại quả này là thực phẩm thay thế cho thịt, vì nó có thể giả thịt. Mít được trồng phổ biến ở nhiều nơi, có lượng chất xơ, kali, kẽm và dinh dưỡng dồi dào. Ta chỉ ăn múi mít, còn với các nhà khoa học, loại quả này rất có ích vì phần bỏ đi của chúng có thể sản sinh điện năng và trong tương lai, đây có thể là nguồn cung cấp năng lượng cho xe điện và điện thoại di động tại nhiều nơi. Mít và sầu riêng là hai loại quả mà có 70% thành phần quả không thể ăn. Do đó, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sydney của Australia đã sử dụng những thành phần bỏ đi của mít và sầu riêng để tạo ra năng lượng điện, không mùi, phục vụ hoạt động sạc nhanh cho các thiết bị điện, thay vì sẽ phải tiêu tốn một khoản tiền lớn để tiêu hủy chúng. Và họ cũng cho biết pin sản sinh từ hai loại quả này sẽ tồn tại lâu hơn và sạc nhanh hơn pin lithium-ion hiện được sử dụng để cung cấp năng lượng cho điện thoại di động, máy tính bảng (tablet computers) và xe điện.