Tập San Việt Học – Số tháng Năm và Sáu, 2021

 

Lời Ngỏ

 

 

Trước tiên chúng tôi có lời xin lỗi độc giả về sự chậm trễ trong việc Ra Mắt số báo nầy vì những lý do ngoài ý muốn của những người có trách nhiệm với tờ báo.

Tuy vậy số báo nầy hôm nay cũng đã được hoàn thành và có thể nói là phong phú. 

Các bài giáo khoa về Anh Ngữ kế tiếp của GS Đàm Trung Pháp nhắc đến những Idioms – Thành ngữ trong Anh ngữ là dụng cụ tối cần để viết nói tiếng Anh có màu sắc. Bài Cách Tránh Né Fragments là phương pháp để viết và nói tiếng Anh không có lỗi lầm căn bản. Những lỗi lầm nầy cũng thường thấy trong văn Việt.  Nếu người viết sơ ý thì có thể tạo nên những câu què quặt khiếm khuyết hay sanh hiểu lầm. Tuy là bài viết về tiếng Anh nhưng các độc giả nào có nhu cầu theo dõi sẽ nhận ra, cách phân tích và phương pháp cấu tạo câu văn nhiều khi cũng có thể áp dụng để viết tiếng Việt được hoàn chỉnh theo khuôn khổ ngữ pháp tiếng Việt.  Mặt khác, cách nói không dùng chủ từ trong tiếng Việt thường khi lại là trở ngại lớn và là lỗi lầm trong tiếng Anh mà người chưa quen dùng sinh ngữ này cần lưu ý. 

Đặc biệt kỳ nầy chúng tôi còn có sự cộng tác của nữ GS Nguyễn Ngọc Hà từ Houston. Qua bài so sánh Một Vài Nét Khác Biệt Giữa Tiếng Anh và Tiếng Pháp, Bà đưa ra những điểm đặc biệt trong Anh ngữ và Pháp ngữ, rút tỉa từ kinh nghiệm giảng dạy lâu năm của bà cho hai môn nầy. 

GS Thái Công Tụng từ Canada như lệ thường, viết về những sở đắc lâu năm của ông là cây cối và dinh dưỡng thực vật cũng như môi trường thiên nhiên. Lần nầy với hai bài Cây Ca Cao và Canada, Một Cường Quốc Đậu Nành cho thấy hai nông phẩm nầy được chế biến và tiêu thụ nhiều nơi trên thế giới, mà Việt Nam là quốc gia may mắn cũng nuôi trồng và sản xuất được dù với số lượng nhỏ so với Canada. 

GS Nguyễn Văn Sâm đóng góp một bài thuộc thể loại sáng tác. Người Gìn Giữ Quá Khứ vốn là truyện ngắn từng nhận được nhiều bàn thảo khi xuất hiện, và cùng lúc được giới thiệu trong số này là bài Giao Cảm, ra đời do quyển sách Nữ Tắc của Trương Vĩnh Ký theo bản Quốc ngữ (1911) gần đây vừa mới được Gs Sâm so sánh với bản chữ Nôm (1868), giới thiệu và chú giải thêm. Cũng nên nói là cuốn Nữ Tắc có điều đặc biệt mà chúng tôi hân hoan chia sẻ đến bạn đọc là bản Nôm hiếm quý này, GS Nguyễn Văn Sâm nhận được từ người bạn đồng tuế ở bên trời Paris khi ông sang đó sưu tầm tài liệu Nôm. 

Nhà nghiên cứu Hán Nôm Phạm Xuân Hy, Paris, đóng góp một bài độc đáo của mình để tổng kết Các Dịch Giả Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa với nhiều dữ kiện thú vị.  Bài đọc cho thấy ảnh hưởng của đại tác phẩm này của văn học nước ngoài đã ảnh hưởng văn học và sinh hoạt văn nghệ của nước ta ra sao ở thế kỷ XX.  Đặc biệt, nó cung cấp kiến thức về lịch sử của nước Bắc phương qua một hình thức nhẹ nhàng, tuy đầy hư cấu nhưng những gì ẩn sau đó, có thể nói các thế hệ đi làm việc nước cũng nên nắm vững. 

Cũng như những lần trước, GS Lạp Chúc Nguyễn Huy, Canada, trình làng hai bài về văn hóa Việt Nam một cách cụ thể nhứt mà người Việt hầu hết nhà nào cũng có nhưng không chú ý đến những ý nghĩa sâu xa của Cầu Trung ĐạoBàn Thờ Tổ Tiên. 

BS Nguyễn Tri Phương từ miền Đông Hoa Kỳ đóng góp ba bài trong loạt bài dịch giá trị của ông.  Trước hoàn cảnh đại dịch toàn cầu, dịch chương dưới nhan đề Bịnh Dịch của Bs Nguyễn Tri Phương từ nguyên tác tiếng Anh của tác giả Bill Bryson, sẽ cho chúng ta tổng quan về lịch sử những loại bệnh dịch từng gây nguy hại đến loài người cho đến ngày nay. Một chương khác trong cùng tác phẩm trên: Cơ Thể Người Ta Được Tạo Ra Như Thế Nào cho thấy một cách thú vị, « cả thảy cần năm-mươi-chín yếu-tố hóa-học căn-bản để tạo thành cơ-thể người ta »!

Sau cùng, từ nguyên tác tiếng Anh « Your Inner Fish » của Neil Shubin, nguyên Giáo-Sư Phó-Khoa-Trưởng Cơ-Thể-Học ở đại-học University of Chicago, dịch phẩm Con Cá Trong Bạn của BS Nguyễn Tri Phương trình bày nguyên lý tạo thành con người dựa trên những khảo sát khoa học và đưa ra cái nhìn mới về vấn đề nguồn gốc loài người theo khoa học.

Loạt bài nầy của BS Nguyễn Tri Phương sẽ tiếp tục được giới thiệu trong những số báo của TSVH, và hứa hẹn sẽ cống hiến những bất ngờ đầy thú vị. 

Bạn văn lâu năm của Viện Việt-Học, GS nhà văn Ngự Thuyết Tôn Thất Ngự góp mặt bằng hai bài đặc biệt của ông: Sáng tác văn nghệ Lại Rừng và bài thứ hai, Bi Kịch Thúy Kiều là bài về văn học. Cho dù khác thể loại sáng tác, cả hai bài đều chuyên chở những triết lý mà trong văn chương lẫn đời thường đều đối mặt và BCB tin tưởng là người đọc sẽ rất thích thú. 

Người trẻ Nguyễn Tuấn Huy, Houston, viết một bài sắc sảo về thầy mình, không phải từ cái nhìn tôn trọng đề cao bình thường mà từ những suy nghĩ trên vài truyện ngắn của ông bằng một cái tựa rất đặc biệt trẻ trung: Anh Hùng Thời Đại. Hi vọng rằng từ bài của Nguyễn Tuấn Huy chúng ta sẽ có được những bài kế tiếp từ những người thuộc thế hệ lớn lên ở ngoài nước Việt tìm hiểu, phán đoán, đánh giá về người thuộc thế hệ trước đã một thời tạo dựng sự nghiệp từ ở trong nước. 

Tác giả Nguyễn Văn Trần, Paris, cống hiến cho chúng ta một bài tâm đắc của ông mà ông đặc biệt và ưu tiên giới thiệu qua TSVH là Một Bông Hồng Mùa Đông. Xin được không nói thêm về bài nầy để dành sự theo dõi cho bạn đọc. 

Người bạn mới Nguyễn Văn Thực từ Na Uy đóng góp tập dịch phẩm gồm nhiều truyện ngắn độc đáo mà Ông chọn lọc để dịch. Loạt bài này thuộc thể loại văn chương ngoại quốc mà nguyên tác là chữ Hán. Bài Người Dắt Lạc Đà được viết bởi một tác giả người Trung Quốc « về Cách mạng Văn hoá, về tội ác của chế độ Mao, của Hồng vệ binh » và theo lời người dịch, bài đã được đọc bởi nhà thơ Nguyễn Chí Thiện từ lúc chưa có bản dịch nào của tác phẩm này ra đời. Bài có những ý rất mới lạ và cho ta thấy rõ và nhiều hơn cái tối thiểu ở giá trị văn học của bài viết nguyên thủy lẫn bài dịch. 

GS Vĩnh Đào, Pháp Quốc, với bài giới thiệu chi tiết về một nhà văn, nhà thơ trẻ người Mỹ gốc Việt, thành danh khi anh còn rất trẻ và được xem là một hiện tượng đặc biệt trong giới viết lách dòng chính. Đọc Ocean Vương – Một Thiên Tài Xuất Hiện Trong Văn Học Mỹ Thế Kỷ XXI, ta hãnh diện vui mừng khi thế kỷ này chứng kiến thêm một người tài gốc Việt. Bài viết của GS Vĩnh Đào cũng được đón nhận như một nỗ lực kết nối mảng người Việt viết lách từ hai ngôn ngữ khác nhau là Việt ngữ và Anh ngữ. 

GS Đào Đức Chương, Bắc CA, đóng góp sở trường của ông với bài Hát Bả Trạo thiệt công phu, một đề tài rất bổ ích mà chúng tôi chắn chắn rằng nhiều người từng nghiên cứu về những vấn đề thuộc văn hóa Việt Nam cũng ít người biết. 

Cuối cùng là bài có tính cách nội bộ nhưng cũng nên được chia sẻ đến độc giả và văn hữu của TSVH, vì bài Kính Chúc Mừng của nữ sĩ Phương Hoa, Bắc CA, là thể hiện của một sự chấp nhận, sự biểu đồng tình và khuyến khích công việc của TSVH. 

Chúng tôi chân thành cảm ơn các tác giả không những cộng tác mà còn giới thiệu thêm bạn mới cho Tập San. TSVH nhận được các bài viết giá trị mà vì thời gian, chúng tôi rất tiếc phải dành cho các số tới.  TSVH mong được các tác giả miễn thứ và thông cảm.

Thay mặt Ban Chủ Biên Tập San Việt Học,

Nguyễn Văn Sâm 

viethocjournal.com