MỘNG BÍCH CÂU

Hạ Long Bụt sĩ Lưu Văn Vịnh

Nếu mỗi giấc mơ rực lên như một vòng hào quang quanh đầu thì vô lượng vòng hào quang của vô lượng nhân thế sẽ soi sáng cả cõi Tiên cõi Bụt và, vì vạn pháp từ cõi tâm mà ra, cho nên tam thiên đại thiên vũ trụ như một bầu lớn chất chứa vô lượng bầu tâm sự bào ảnh của tất cả chúng sinh vạn vạn kiếp, như thế phải chăng công thức vật lý của Einstein, E=MC2, có thể tạm đổi thành, thay vì nhân trọng lượng với vận tốc ánh sáng bình phương, nhân đầu người với tâm mộng vô cực, sẽ tạo ra một mộng năng rung chuyển vô vàn quốc độ! Chúng sinh đã sinh, dù thọ hay yểu, cũng phải để lại vết, dù là vết chim bay trong bầu trời mênh mông vô thủy vô chung !

* * *

Sáng nay, tôi đi giữa Thăng Long mưa phùn, tìm vết chim Tố Như, chẳng phải đi tìm mối sầu hận tam bách niên, mà để nhập vào bóng ảnh còn kết đọng đâu đây, trên cành đào, trong tiếng chim, vương vương lay lắt giữa lùm cây “hiu hiu gió” một ngày cuối năm “bạch đầu do đắc kiến Thăng Long.” Tôi mường tượng một Nguyễn Du sau mười năm xa cách, lúc ấy đầu đã bạc dù mới 48-49 tuổi, vui mừng được nhìn lại nơi chôn nhau cắt rốn giữa Bắc Thành, đến nỗi cả đêm thao thức ngủ không được!

Tố Như tóc bạc rất sớm, tấm thân cao 6 thước ta (tam thập hành canh lục xích thân) tức khoảng thước bảy thước tám, gần 6 feet, có thể là di truyền tướng mạo trượng phu của tiên tổ Nguyễn Quyện, đại danh tướng nhà Mạc, học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Quyện theo cha là Trạng Nguyên Nguyễn Thiết bỏ nhà Mạc vào với nhà Lê Trung Hưng ở Nam sông Mã, Trạng Trình lập kế gọi Nguyễn Quyện trở về, dùng lời phủ dụ giữ Nguyễn Quyện lại cho nhà Mạc. Khi Lê Trịnh diệt Mạc, Nguyễn Quyện bị bắt giam và chết trong tù, con cháu cùng tông thất nhà Mạc, chạy vào Tiên Ðiền, Hà Tĩnh, Nghệ An, và dòng họ Nguyễn Du chính là nhóm dân Thăng Long chạy trốn nhà Lê (1592) để rồi 5, 6 đời sau, cũng lại nhóm gốc tích phò Mạc trở thành nhóm trung thần phò Lê !

Nguyễn Du sinh trưởng ở Thăng Long, mẹ người Kinh Bắc, vợ người Thái Bình, tổ tiên (Nguyễn Quyện) người Thanh Oai, Thăng Long… Tố Như mang nặng dòng máu sông Lô núi Tản, và tàng thức ông, giấc mơ ấp ủ thời thơ ấu, phải tìm ở quanh đây.

Nguyễn Du cất tiếng chào đời giữa phường Bích Câu Thăng Long 1765. Dinh cơ Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm tọa lạc gần ngòi biếc chẳng xa Quốc tử Giám, phía nam Hoàng Cung và Phủ Chúa. Có lẽ đi tản bộ cũng tới khu hồng lâu Khâm Thiên ca kỹ! Nơi đây mấy trăm năm trước cũng đã là dinh quan Tư Ðồ Trần Nguyên Ðán với mối tình nẩy ra giữa thầy đồ Nguyễn Phi Khanh và cô con gái nhà quan, là nơi ôm ấp tuổi thơ Nguyễn Trãi trong nhà ông ngoại. Bích Câu còn là nơi Ðặng Trần Côn tác giả Chinh Phụ Ngâm gặp gỡ Ðoàn Thị Ðiểm dịch giả những dòng thơ êm trong như lụa nước dòng thu. Cảnh vật nên thơ ngoại thành này thời xưa hẳn cỏ cây êm đềm như bức tranh xuân

Thành Tây có cảnh Bích Câu

Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao!

…Xanh xanh dãy liễu ngàn thông

Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều

Một vùng non nước quỳnh dao

Phất phơ gió trúc, dặt dìu mưa hoa

(Bích Câu Kỳ Ngộ)

Quanh đây nhà thi hào đã được sống những ngày thơ ấu đẹp như giấc mơ tiên, tuổi thơ nào chẳng trở thành bức tranh tố nữ du xuân, treo lơ lửng trong tiềm thức, ấp ủ gìn giữ đến suốt đời ? Freud nhìn con người từ thuở thơ ấu cũng có lý do sâu xa vì con người đều lớn lên từ khu vườn tiên ấy, đều muốn trở về khu vườn nuôi dưỡng sơ sinh, và cả đời hình như bóng dáng của trẻ thơ vẫn lồng lên cái bóng lang thang hồng trần dâu biển! Bóng nhỏ phồng lên thành bóng lớn, bóng lớn trèo cao ngã đau nên muốn trở lại thu mình vào bóng nhỏ êm đềm tổ ấm.

Bóng nhỏ của thi hào Nguyễn Du đã lồng quanh và khởi lên từ Bích Câu. Khu này hẳn đã có từ lâu, ít lắm là vào đời Lê, trong Bích Câu Kỳ Ngộ có câu:

Triều Lê đương hội thái hòa

Có Trần Công Tử tên là Tú Uyên

như vậy ở Bích Câu đạo quán thấp thoáng vạt áo Tú Uyên Giáng Kiều, cùng với chùa Một Cột và Văn Miếu, thành ba đỉnh một hình tam giác quân bình Ðạo – Nho – Phật, giữa Thăng Long văn vật hai ngàn năm. Trong khu tam giác này, Nho trịnh trọng nhập cuộc, Ðạo xuất thế cao siêu, Phật như đóa sen an lạc giữa ao bùn… Bích câu Ðạo quán nằm trên đường Cát Linh, chẳng xa Văn Miếu, cậu bé Nguyễn Du, con trai Quận Công Nguyễn Nghiễm, đã chạy nhảy, đã cắp sách, đã đi lại quanh đây… và đã ươm trong đáy hồn mơ mộng khu vườn tiên thơ ấu ban đầu.

Nhưng khu vườn vừa khai thì đã có đám quạ đen bu tới, năm mười tuổi cha chết, năm mười ba tuổi mẹ chết, nhưng anh cả, quyền huynh thế phụ, Nguyễn Khản, vẫn còn quyền cao chức trọng làm cột trụ cho đại gia, dinh cơ Thượng Thư Nguyễn Khản, bạn thân của Chúa Trịnh Sâm nằm ngay ở phường Bích Câu ! Cậu Ấm Nguyễn Du tha hồ rong chơi quanh dòng suối biếc này, đây có thể là hình ảnh tạo tác trong Kiều :

Dưới cầu nước chảy trong veo

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha

Còn ở đâu có khung cảnh thơ mộng hơn ngòi biếc Bích Câu ? Năm 18 tuổi Nguyễn Du thi đậu tam trường (tức ấm sinh đi thi Hội có điểm cao được bổ dụng làm quan nhưng không phải là Cử nhân), ông lấy vợ tiểu đăng khoa ngay năm ấy, cuộc vui chưa tàn, tràng cười chưa tan, thì năm sau, 19 tuổi, bọn kiêu binh, phá nát dinh cơ Nguyễn Khản ở phường Bích Câu, năm 24 tuổi quân Tây Sơn ra Bắc, Nguyễn Du về quê vợ Thái Bình lánh nạn gần chục năm.

Trong vườn thơ Tố Như, có hai khung trời hoài vọng, khung trời Hồng Lam được nhắc nhở nhiều lần vì đấy là nơi Nguyễn Du lui về ẩn náu khi chán chường thế cuộc :

Hà năng lạc phát qui lâm khứ

ngọa thính tùng phong hưởng bán vân

(Thanh Hiên)

Ước gì xuống tóc vào rừng

nằm nghe thông hát lưng chừng trời mây

có lẽ mỗi lần lui về quê cha cũng chỉ vài tháng, rồi lại phải bó buộc nhận tạm việc này việc kia nuôi ba bà vợ và 18 đứa con nheo nhóc ! Có muốn đi săn làm Hồng Sơn liệp hộ cũng không được bao lâu ! Nợ cơm áo vốn là quả núi đè lên mình Tề Thiên Ðại Thánh, đã mang lấy nghiệp chúng sinh, chẳng thể sống bằng những món ăn trong tranh, những món này không từ vách đi ra như Giáng Kiều của Tú Uyên chốn Bích Câu năm xưa !

Nhưng đa sầu trên xác bướm ” tàn hồn vô lệ khốc văn chương ” thì Nguyễn Du vẫn chất ngất triền miên thả mộng về khung trời Bích Câu Thăng Long là thiên đàng tóc xanh của ông, ở nơi này hồn ông đã là cánh bướm tung bay trong vườn tiên, nên về sau ông vẫn ao ước :

Bạch đầu sở kế duy y thực

hà đắc cuồng ca tự thiếu niên

tạm dịch:

Bạc đầu cơm áo lo quanh

ước gì được thuở tóc xanh hát hò!

và mơ màng như một thần tiên lạc bước:

Tri giao quái ngã sầu đa mộng

thiên hạ hà nhân bất mộng trung

Cớ sao đa mộng đa sầu

bạn ơi thiên hạ ai hầu chẳng mơ ?

Trong khu vườn mộng Bích Câu, bên ngòi biếc đất Thăng Long văn vật, trang thiếu niên anh tuấn Nguyễn Du không khỏi quanh quẩn nơi Bích Câu đạo quán, không khỏi mơ màng trên những trang giấy hoa Bích Câu Kỳ Ngộ, để rồi mấy chục năm sau, những câu thơ Bích Câu trở thành chất liệu cho ngòi mực truyện Kiều :

Xanh xanh dãy liễu ngàn thông

cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều…

Dập dìu tài tử giai nhân

thơ lưng lưng túi, rượu vơi vơi bầu…

hơi men không nhắp mà say

như xông mùi nhớ, lại gây giọng tình

… Ngày thường ngắm cảnh am mây

Người buồn xui cả cỏ cây cũng buồn

Còn Trời còn nước còn non

Mây xanh nước biếc vẫn còn như xưa

Hoa đào còn đó trơ trơ

Mà người năm ngoái bây giờ là đâu ?

Thôi thôi, thôi cũng cầm bằng

Tơ hồng phó trả bà trăng cho rồi…

Buồng đào nửa bước chẳng rời

Nghìn vàng đổi được trận cười ấy chăng ?

… Buồn trông cửa bể mông mênh

Con thuyền thấp thoáng cuối ghềnh ngổn ngang

(Bích Câu Kỳ Ngộ)

Mhiều đoạn đối thoại giữa Giáng Kiều và Tú Uyên đi vào Kiều tự nhiên thành Thúy Kiều với Kim Trọng :

Nàng rằng “ xin quyết gieo cầu

Tấm son thề với trên đầu xanh xanh

Dám đâu học thói yến oanh

Mặn tình trăng gió, nhạt tình lửa hương

Gieo cầu trước đã dở dang

Sao nên nát ngọc phai vàng như chơi…

(Bích Câu Kỳ Ngộ – Câu 361-366)

Phải chăng ngay cả tên Kiều, ngay cả hai chữ đoạn trường (lặng nghe những tiếng đoạn trường, Bích Câu Kỳ Ngộ – câu 177), người thiếu niên Tố Như đã mông lung đi từ cõi tiên Bích Câu vào cõi tục lụy hồng nhan đa truân? Trò chuyện kể lể tâm sự của đôi gái trai ở đâu cũng thế, của Thanh Tâm Tài Nhân, của Bích Câu Kỳ Ngộ…nay có hóa hiện vào Kiều thì cũng là một cái bóng lồng vào trong những bức tranh khác nhau, treo ở phố hàng Ðường, treo ở Lâm Truy, treo thời Minh, thời Lê hay thời Nguyễn cũng vẫn là một cái bóng, khi gieo vào người mua tranh loại Tú Uyên thì thành tiên, vào Thúc Sinh thì thành kỹ nữ, vào Mã Giám Sinh, vào Từ Hải thì cái bóng, vốn có tiềm năng lên đồng, sẽ biến đổi tùy duyên. Ở Tố Như cái bóng ấy được trải ra từ Bích Câu Giáng Kiều tới Tiền Ðường Thúy Kiều, một nàng Kiều phân thân đôi ngả biện chứng tiên tục !

Cốt tiên muốn bay lên Trời, xác tục đoạn trường vịn bè thiện tâm mà trôi… Cuộc đời có ngả nghiêng trước gió như cây liễu điên cuồng, đôi khi trông lại cao đẹp nhất:

hảo hướng phong tiền khán dao duệ

tối điên cuồng xứ tối phong lưu

(Bắc hành tạp lục)

Chất lãng mạn có hai dòng, dòng tiên theo thần thức hoặc thiện căn, ôm lấy một chữ trinh… xoáy vòng quanh tháp ngà xanh biếc Bích Câu, dòng tục ngầu đen (dark side), ma đưa lối quỷ đưa đường (deathwish), trôi vào đoạn trường, hồng nhan bạc mệnh, tài hoa với tai họa… dòng nào thì cũng hội tụ về một bản ngã nơi giao lưu của Âm Dương và người nghệ sĩ đứng lờ vờ nhìn vào dòng đời đều thấy nổi lên những nét đẹp khác nhau ! Ðoạn trường và Ma có sức lôi cuốn của nó! có thế thì thế gian mới là thế gian, là cung bậc căng thẳng giữa địa ngục và đào nguyên!

Trên đoạn trường quốc phá gia tan: Kiêu Binh phá dinh Bích Câu, Tây Sơn phá dinh Tiên Ðiền, giết anh ruột, giam Nguyễn Du 3 tháng (31 tuổi, 1796), vợ cả chết, hai vợ lẽ và 18 con đói rách, thi nhân đành phải một thân giữa ” hàng thần lơ láo“, qua sông Gianh từ 40 tuổi vào miền đất mới, nhận những chức vụ như cai bạ… để bị cấp trên khiển trách chèn ép. Giữa đống gạch vụn tang thương ấy, Nguyễn Du bật ra những dòng ai oán :

Vô cùng kim cổ thương tâm xứ

nhất phiến hàn thanh tống cổ kim

tạm dịch:

Thương tâm kim cổ vô cùng

tiễn đưa một tiếng lạnh lùng cổ kim

hoặc có khi bi phẫn tới độ nhìn đâu cũng thấy dòng Mịch La nơi Khuất Nguyên trầm mình!

Thượng thiên, hạ địa, giai bất khả

… đại địa xứ xứ giai Mịch La

(Phản Chiêu Hồn)

tạm dịch:

… Lên trời xuống đất chẳng xong

… đâu đâu cũng vẫn một dòng Mịch La

Nhưng bi phẫn thì bi phẫn, Thúy Kiều có nhảy xuống sông Tiền Ðường cũng vẫn ” chẳng xong ” còn Nguyễn Du tất phải có những nơi ” trầm mình ” tạm bợ : đấy là dạ lạc cầm ca thương nữ, “dầy dầy sẵn đúc” ở khu Khâm Thiên, sát phường Bích Câu, đã mọc đầy vào thời ” thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến ” là vì ba vợ hay ba chục vợ cũng không đổ đầy trái tim không có đáy, không có vách, và độ rung động lại thường có âm giai đồng điệu với bọn đào ca hát xướng vô loài… danh sĩ tài tử đa tình tất buông thả và, chỉ tìm thấy dạng thức ấy nơi kỹ nữ. Trái tim thi nhân vốn phá chấp thường ngả theo vẻ đẹp của đời giang hồ mưa gió, cho nên ” nghìn vàng đổi lấy trận cười “, gọi là để tiêu sầu vạn cổ, thật ra là vì có bao giờ một người vợ hiền, khuê các, hiểu được góc cạnh oái oăm dâm dật vốn làm nên một khách thơ tài hoa! Thế nên rượu ngon gái đẹp đàn ca… là lối thoát khỏi cõi thế gian tạp nhạp, là cách quên hệ lụy nhân sinh nheo nhóc ty tiện… không có lối thoát tạm bợ này làm liều thuốc an thần dăm canh, cảm hứng cao như núi lửa lấy đâu ra lá rừng mà đốt ?

Thi hứng Nguyễn Du giữa tục lụy chẳng thể thiếu chuyện trăng gió cầm ca là vì, may ra trên khu rừng nguyên sinh cơ thể đàn bà, ông có thể tìm ra nguyên lý sáng tạo trời đất và căn nguyên của kiếp nhân sinh :

Tịch thượng hữu kỹ kiều như hoa

hồ trung hữu tửu như kim ba

Nàng Kiều trên tiệc như hoa

trong vò rượu nổi dư ba sóng vàng

nhác trông thấy một kỹ nữ Trung Hoa trên đường đi sứ, Nguyễn Du cũng tấm tắc:

Quần dài áo mỏng lụa là

trâm cài búi tóc cao xa tuyệt vời

túi này giá có bạc chơi

dù cho phá tán cũng vui một lần!

(tạm dịch-Qua Ðất Thương Ngô)

Trường quần tập tập duệ khinh tiêu

vân kế nga nga ủng Thúy Kiều

doanh đắc quỉ đầu mãn nang khẩu

bằng quân vô phúc dã năng tiêu

Cả một thời tóc xanh, cậu ấm con quan Thượng thư Bộ Hộ, em quan Thượng Thư Bộ Lại đã dậm dật lui tới những chốn hồng lầu ca kỹ, nên sau này ông rất sành sỏi:

Nước vỏ lựu, máu mào gà

mượn mầu chiêu tập lại là còn nguyên

mà ngay vào thế kỷ này, một playboy cũng không chắc gì đã biết những mánh khóe ” giải phẫu thẩm mỹ” của làng chơi hơn ông! Nhưng được thế là nhờ ông anh cả Nguyễn Khản, có đủ tài cầm chân điểm hát, bày biện non bộ, hoa đá… cho Chúa Trịnh Sâm (1767), chính Nguyễn Khản soạn bài ca điệu hát được truyền tụng trong giới cầm ca đất Thăng Long đến nỗi người đời có câu: “Án phách tân truyền Lại bộ ca” (gõ phách truyền bài ca mới của quan bộ Lại) để ghi dấu việc ấy. Nguyễn Khản mê hát xướng đến độ “con hát có tang cũng cứ cho tiền bắt hát…” khi về cư tang bố (Nguyễn Nghiễm) vẫn sai con hát “ngâm thơ nôm“, không lúc nào bỏ tiếng tơ tiếng trúc! ” bọn con em quí thích đều bắt chước chơi bời, hầu như thành thói quen” ( theo Vũ Trung Tùy Bút – Phạm Ðình Hổ). Chắc cậu em Nguyễn Du thuở niên thiếu 13, 14 tuổi đã được sống trong tiếng tơ tiếng trúc ở nhà ông anh, phía nam chùa Bích Câu, và thành thói quen cho chàng công tử Nguyễn Du sau này lui tới chốn cầm ca, dù ở Thăng Long, Tiên Ðiền hay đi sứ bên Tàu, thả lòng thương cảm cho kiếp hồng nhan kỹ nữ:

Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh

trủng trung ưng tự hối phù sinh

(Ðiếu La Thành Ca Giả)

Thấy người mệnh bạc ai thương

Dưới mồ nằm hối đoạn đường phù sinh

hay đối với nàng gẩy đàn bên hồ Giám (gần đền Bích Câu) khi xưa như hoa nở, hai mươi năm sau như hoa tàn, nghe ngón đàn xưa lại ngậm ngùi cuộc dâu bể phù sinh của chính đời mình:

Thở than thế sự ngắn dài

tóc ta lốm đốm tàn phai bạc đầu

(Phỏng dịch Long Thành giai nhân)

Năm 1805 vua Gia Long cho đập vỡ thành Thăng Long cố đô và cho xây một thành mới nhỏ hơn cũ, và nhỏ hơn thành Huế ! Bà Huyện Thanh Quan đã bùi ngùi:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

nền cũ lâu đài bóng tịch dương

thì Nguyễn Du cũng không khỏi tiếc nuối :

Mỹ nhân tay bế tay bồng

bạn xưa già hết thành ông cả rồi!

(Phỏng dịch – Thăng Long Bắc Hành)

Cũng may Nguyễn Du chết trước khi Thăng Long bị đổi ra tên Hà Nội tầm thường (1831), giá ông chứng kiến cái trò dâu biển ấy chắc ông còn bi phẫn tới đâu!

Nguyễn Du đã đi từ Thăng Long, vào Huế, sang Bắc Kinh… và ông đã lui về, như bóng lớn thu nhỏ lại, vào khu vườn mộng êm đềm thơ ấu – chốn Bích Câu ngòi biếc liễu xanh. Chẳng có một Giáng Kiều thì ông vẫn tìm ra một bức tranh kiều nữ đâu đó như thể:

Thương nữ bất tri vong quốc hận

cách giang do xướng Hậu Ðình Hoa

tạm dịch:

Gái chơi đâu biết hờn vong quốc

bên sông còn hát Hậu Ðình Hoa!

( trích Ðường thi )

Chẳng những thế, ông còn hé mở góc vườn tiên ẩn náu nơi tiềm thức ấy để thoát ra hai cái bóng Thúy Vân, Thúy Kiều, tuy hai mà vẫn là một bóng Giáng Tiên, đeo đuổi đèn cù Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải… đa diện bản ngã một chàng Tú Uyên đi mua tranh!

Nguyễn Du cũng như bao kẻ sĩ tài hoa nòi Việt, đã sống cuộc sống đa diện, một triết lý Toàn Sinh, toàn diện, một ngòi bút, một thanh gươm, ra văn miếu, vào hồng lâu, một cuộc chơi ” tận kỳ tính ” vang động đất trời, để khi nằm xuống, chẳng còn gì mà tiếc.

Ðã vậy, tại sao còn phải hỏi ” thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ” ba trăm năm sau?

Là vì Nguyễn Du đã không có một bà vợ Thúy Vân, lại thiếu hẳn trên đường tình một Thúy Kiều, hai nhân vật ông tạo ra chỉ là hai mặt tương phản của một giấc mơ: ao ước gặp người trong Bích Câu, một giai nhân đẹp cả nết lẫn người, ước ao như vậy nhưng ông vẫn biết là chẳng có trên cõi đời, nên ông hạ xuống một tầng, tách ra làm hai: một thục nữ đoan trang, một giang hồ lẳng lơ, một hiền hòa, một sóng gió, một ngây thơ, một từng trải, một nét tròn đầy, một nét phá huyền hoặc… giá một người làm Hoàng Hậu, một người làm Hoàng Phi thì quả là “mãn doanh“, nhưng đã thấm thía Dịch Lý, biết luật chơi của Trẻ Tạo, ai dám có hạnh phúc tràn đầy, có chăng là mơ thầm trong góc vườn tiềm thức Bích Câu!

Nỗi đau của hồng trần là ở đó: cái đầu thì đo được sự tuyệt hảo, tấm thân thì bất hảo thấp cao trên mặt đất bùn lầy… rút cục “ một mình mình biết, một mình mình hay “ Nguyễn Du hẳn đã kinh qua trạng thái lơ lửng tiên tục, một mâu thuẫn kỳ quái phi lý không thể giải thích bằng ý niệm nhân sinh ! Gặp một Thúy Vân đã là họa hiếm, gặp một nàng Kiều như người tình tri âm thì cổ kim có thể đếm trên đầu ngón tay: Hạng Võ vẫn thắng Lưu Bang ở chỗ có một Ngu Cơ tri kỷ và Nguyễn Trải vẫn hơn Lê Lợi vì ông được cả giang sơn của một cô bán chiếu gon! Ðược nước, được danh, hay được tình… hẳn trên Thiên đình đều là những phần thưởng quý hiếm như nhau…xã hội loài người bị màn vọng tưởng che kín nên không nhìn thấy lẽ bình đẳng ấy.

Nhưng Nguyễn Du thì phải nhìn thấy, kẻ sĩ tài hoa trước hết là một thiền sư nên vật đã tề thì biên giới đẳng trật nào cũng phải xóa. Tài của ông cả triều đình cũng phải trọng vọng nên được cử đi sứ đến hai lần, lần đầu 1813 năm ông 48-49 tuổi, lần hai, 1820, chưa kịp đi thì ông bất ngờ chết vì bệnh dịch ở Huế. Kể ra triều Nguyễn cũng rộng lượng, nếu xét lý lịch ba đời như hiện tại thì thấy ngay bố ông, Thượng Thư Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm đã từng cùng Hoàng Ngũ Phúc, cầm quân Bắc Hà vào đánh chúa Nguyễn năm 1774 !

Như vậy chẳng bất mãn vì danh, nghèo nàn hàn nho cũng chẳng phải cớ để lại mối hận cho 300 năm sau, cảnh dâu biển tang thương đổi triều này sang triều kia… có gì là lạ trong cuộc nhân sinh? nỗi đau của một bác sĩ Zhivago, kiếp đọa đày của một cô gái Việt trôi trên biển Ðông ở thế kỷ 20 chắc còn bi thảm hơn đời nàng Kiều rất nhiều… Vậy thì mối sầu hận đứt ruột nhất của một đại thi hào như Nguyễn Du phải là sự thiếu vắng một mối tình lớn! Tạo Hóa oái oăm tặng ông một núi lửa mà không cho một rừng thu để đốt, Bá Nha thiếu Tử Kỳ cũng đã là hận, nhưng đa tình mà thiếu một mỹ nhân thì quả là cổ kim đệ nhất sầu! Thế nên, hai ba trăm năm sau, nỗi buồn đứt ruột có ai khóc cho ông là khóc hộ nỗi ấm ức với Tạo Hóa, sao phú cho tài mà chẳng cho luôn tình, sao cho ba bốn vợ mà chẳng cho gặp một tri âm ! Còn cô lái đò sông Hồng, cô Cúc, cô Sạ ở Trường Lưu, ngay cả Hồ Xuân Hương ở Nghi Tàm… chẳng qua là vài nét nhạt điểm tô một vài ” trống canh ” trong kiếp sống trống vắng sinh lầm hành tinh của người nghệ sĩ .

* * *

Mùa Xuân Thăng Long như cô gái mới lớn chập chờn giữa mầu hồng hoa đào…dư ảnh bao lớp danh sĩ vẫn loáng thoáng trong bầu trời còn thơm trầm hương cổ nhân … Sáng nay Tết đến trên chồng cam bố hạ vỏ ửng vàng như tà áo công nương, từ phố Huế với những hàng bánh chưng vuông vắn nghiêm trang ngày lễ, tôi lững thững đi về đền Bích Câu, chẳng tìm một Giáng Tiên giữa thời đại điện toán, nhưng may ra trong cõi lòng trống rỗng không có phần thưởng nào của Tạo Hóa, lại nổi lên vài điệp khúc của chuyện tình cổ xưa?

Ðền Bích Câu như một vườn mộng nằm giữa một không gian thực. Vào đây, đằng sau bức tường, âm thanh trầm lại, tiếng động nhỏ dần, giữa những chậu hoa đầy vườn phơn phớt hồng, quanh hòn non bộ rêu phong không chịu để thời gian mới tô vẽ, dường như tháng năm vẫn chọn một góc đất đá để đọng lại và hồn cổ nhân vẫn có chỗ lượn lờ như đám mây chùng chình không chịu bay đi…

Cuối thế kỷ, một ngày cuối năm, viếng Bích Câu như tới thăm giấc mơ của người xưa, tuy chẳng là cánh bướm, nhưng cứ bay vào những giấc mộng lớn giấc mộng nhỏ, thì giấc mộng lũy thừa nhân lên sẽ mông lung bằng cả cõi tiên vô tận… như thế có phải là làm chuyện hoằng mộng gieo mơ như nhà thiền sư đi hoằng pháp rải thiện không?

Tết 1999