CUNG ĐÀN BẠC MỆNH

TRONG THUNG LŨNG MA

Lưu Văn Vịnh

Mỗi thiên tài là một Tề Thiên Đại Thánh, chớp mắt chu du từ Hoa Quả Sơn lên Thiên đình, xuống cõi thế, vào ra cõi ma quỷ, như đi chơi mà không vướng mắc, vô chấp, buông mà không bỏ, cởi mà không vứt.

Nguyễn Du cũng như Shakespeare trong McBeth, sống mà sống với cả người chết, sống cõi rất rộng, chùm lên thiên giới, trần gian, địa ngục. Vào tác phẩm tuyệt bút, tâm tư cao rộng ra, được trèo lên vai của ông khổng lồ để nhìn chân trời xa, óng ánh vạt áo Hằng nga, lấp láy khối tinh anh chập chùng quanh trời đất, tiếng thở u uất lẫn âm ba thảng thốt, nửa thật nửa mộng, biên giới Ú, OM, U, Ớ… âm thiêng vang vào vách núi, dội ra luồng ba động vằn vèo nhập mạt na thức !

Chất thiêng toát ra từ ngòi bút Nguyễn Du làm Truyện Kiều trở thành một cuốn sách bói: Lậy vua Từ Hải, lậy vãi Giác Duyên, lậy tiên Thúy Kiều… Bói Kiều xem vận may rủi như gieo âm dương, xin thẻ xin xâm. Ngày Tết người ta kiêng không giở Kiều ra đọc là vì trong tâm thức bình dị của người Việt Nam, truyện Kiều mang chất thiêng và chất ma quái gở :

Rằng hay thì thực là hay

Xem ra ngậm đắng nuốt cay thế nào

như một ngón đàn có ma nhập, cay đắng ngậm ngùi, chẳng ai dám tấu lên vào ngày đầu năm !

* * *

Một đêm trăng bạc, Nguyễn Du 30 tuổi, ngồi nhớ người vợ đầu mới mất, ông tưởng tượng một cô hồn từ Thái Bình lặn lội qua đèo Tam Điệp, vượt sông Lam về thăm chồng nơi căn phòng trống trải dưới ngọn đèn dầu mờ tỏ xanh xao, nàng kể lể than van, chồng thương cảm phảng phất như nói chuyện với hồn nhập màn mờ sương ảo :

Mộng lai cô đăng thanh

Mộng khứ hàn phong xuy

Mỹ nhân bất tương kiến

Nhu tình loạn như ti

(Ký Mộng – Thanh Hiên Thi Tập)

Dưới đèn leo lét mộng vào

mộng đi gió thổi thấy nào mỹ nhân

tơ lòng rối loạn muôn phần !

Căn nhà trống trải của hàn sĩ đêm mưa không ngủ thảm đạm như căn nhà ma :

Phế táo tụ hà ma

Thâm đường xuất khâu dận

(Bất Mị –Thanh Hiên Thi Tập)

Bếp hoang cóc nhái nhóm

Phòng tối giun bò ra

Nguyễn Du đã sống với nhiều bóng ma : năm 10 tuổi cha chết, năm 13 tuổi mẹ chết, năm 21 tuổi anh cả Nguyễn Khản chết, năm 26 tuổi anh thứ tư Nguyễn Quýnh bị quân Tây Sơn giết, ngoài 30 tuổi vợ đầu chết…Phong tục Việt trân trọng mồ mả ma chay, hiện tại chất đầy quá khứ nên sống là sống với hồn xưa, MA, NGƯỜI, TIÊN, là ba mặt, ba ngôi nhất thể, làm nên con người Việt, lèo lái con thuyền cõi thế :

Ma đưa lối, quỷ đưa đường

Cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi 

hay:

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

Đối với Thúy Vân thì lời chị dặn dò là lời nói gở, mà người đọc mấy trăm năm sau vẫn thấy rờn rợn như hiện hồn liêu trai trong ngọn gió lạnh da !

Theo luật tương tức tương tác –gần mực thì đen – chơi với ma nhiều thì bị ma kéo đi, mộng gặp tiên quên ăn quên ngủ như Tú Uyên thì sẽ có ngày Tiên Bụt hiện ra mang mình rời cõi tục, phân tâm học cho là sức ám ảnh đẩy hành động về hướng bị ám ảnh, giằng co giữa lý trí và cảm xúc, như con ngựa trắng và con ngựa đen kéo một chiếc xe giữa bụi sa trường mà người chiến sĩ chắc gì đã cầm cương lựa hướng đúng đường đúng lúc !

Nguyễn Du cốt cách trích tiên, vì thi nhân chân chính nào chẳng là một vị tiên lạc bước xuống cõi người, điều oái oăm là phần thiện tâm bị ma chướng đè xuống, hoàn cảnh do tục nhân dương ra vây bủa như trận đồ quỷ quái làm bao gã trích tiên lao đao mang thân phận làm người.Ông đi tìm người đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, những người mang thân phận tiên giáng tục tương tự như ông, và, trong cõi thế này, còn ai khác hơn kỹ nữ, geisha ả đào, càng tài sắc bao nhiêu, càng giống tiên bao nhiêu, càng bị Trời xanh đầy đọa bấy nhiêu ! Biết bao nhiêu những cô gái xinh đẹp như Kiều đã phải sống trong đoạn trường “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” trong khi phản đề tinh nghịch của Trẻ Tạo lại là những Hoạn Thư, những mụ mặt ma da cóc, được sống trong hạnh phúc êm đềm ! Nghệ sĩ tài hoa là con rồng trong ao tù, kỹ nữ tài sắc là đóa lan trong ổ rắn…đồng bệnh tương lân tất phải tìm đến nhau trong một đêm giải thoát, họ có thể nhận ra nghiệp dĩ của nhau trong khóe mắt nụ cười, thăng hoa tạm bợ lẫn nhau trong đêm mờ sương khói. Đoạn trường là đấy, là đi tìm ảo ảnh, là người mù dạo một cung đàn giữa ngã ba đường tìm kiếm tri âm.

Nhưng đoạn trường chỉ gọi là đoạn trường khi cuộc hành trình mang hai đối cực: thời gian vũ trụ vô lượng của tàng thức chất chứa tam thiên đại thiên thế giới đối với thời gian mỏng manh cõi thế, mấy ai đạt tới mức Tề Thiên nhìn ra cốt quỷ mà vẫn vui đùa, lên cõi thiên mà chẳng mảy may mặc cảm..Bởi vì khỉ, người, quỷ, ma, thần thánh…đồng là chúng sinh ở những quốc độ khác nhau, tùy mức độ tu tập, tùy thời gian trưởng thành, như trẻ con thì ở lớp mê hình sắc, người lớn thì ở lớp tri thiên mệnh…chẳng nên phân biệt kỳ thị nhau.

Nàng Kiều mới tuổi dậy thì nhưng cõi tâm nàng mang cả nghiệp chúng sinh nghìn vạn năm, vì thế nàng mới cảm ứng đồng nhất thể với ma Đạm Tiên :

Sống làm vợ khắp người ta

Khéo thay thác xuống làm ma không chồng

Và trong âm khí chạng vạng buổi chiều, cô ma không chồng Đạm Tiên vẫn đủ tinh anh vương vất để hiển linh :

Ào ào đổ lộc rung cây

Ở trong dường có hương bay ít nhiều

Bóng ma hiện về, dấu hài tiên rành rành quanh nấm đất rêu xanh như âm hưởng bật lên từ đáy mồ, ra vào hai cõi mà thật ra chỉ là một không gian vô lượng của vạn pháp duy tâm tạo, mà muốn tạo ra cõi tâm vô bờ như vậy, người nghệ sĩ tài hoa phải có mức cảm thông vượt nhị biên âm dương, xóa biên cương cổ kim, lồng lộng giữa vùng nhưng không ảo, như tách trà rỗng mà vẫn còn đầy hương trà, như nhấp ngụm sen mà thật ra là uống cả một trời thu thoang thoảng Tây hồ.

Nguyễn Du khéo dư nước mắt khóc cho mọi cảnh huống bạc mệnh non yểu, than thở vết lung linh của thời gian trên ngọn cỏ xanh mặt đất, ánh leo lét ngọn nến sắp tàn, ngậm ngùi cho cả vết nhăn trên da mặt một giai nhân sắp bị Tạo Hóa dìm đi :

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt

Toát hơi may lạnh buốt xương khô

Thương thay thập loại chúng sinh

Hồn đơn phách chiếc linh đinh quê người

Kẻ thân thích vắng sau vắng trước

Biết lấy ai bát nước nén nhang

Cô hồn thất thểu dọc ngang

Khi thất thế tên rơi đạn lạc

Bãi sa trường thịt nát máu trôi

Bơ vơ góc bể chân trời

Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao

Sống thì tiền chảy bạc ròng

Thác không đem được một đồng nào đi

Buổi chiến trận mạng người như rác

Phận đã đành đạn lạc tên rơi

Lập lòe ngọn lửa ma trơi

Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương

(Trích Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh)

Nguyễn Du còn động lòng với cả kẻ mắc oan tù rạc, với tiểu nhi tấm bé, với kẻ chìm sông lạc suối, với kẻ trí phú, gã tìm danh toan cướp gánh non sông, với kẻ buôn bán vất vả nắng mưa…từ hồn ma Nguyễn Hữu Chỉnh tan xác pháo nổ, anh hùng cái thế Nguyễn Huệ vừa đuổi quân Thanh chạy xập cầu xác trôi đầy sông Nhị mà nay xương sọ trở thành bồn tiểu giam trong ngục, từ Chúa Trịnh Khải đâm cổ tự tử, tất cả diễn ra trong mười lăm năm dâu biển (1786-1802) mà Nguyễn Du đã là một nhân chứng và đã dấn thân, tất cả giống mươi lăm năm, bấy nhiêu lần trôi dạt của Kiều, tất cả hành trình :

Mỗi người một nghiệp khác nhau

Hồn siêu phách lạc biết đâu bây giờ ?

Tất cả đều thành :

Quỷ không đầu van khóc đêm mưa

Cho hay thành bại là cơ

Ma oan hồn biết bao giờ cho tan

Văn tế Thập loại Chúng sinh ông làm rất lâu trước Truyện Kiều, nhưng cái bóng ma ám ảnh thì vẫn thế, Đạm Tiên sau và hồn ma kỹ nữ trước vẫn là một bóng đen ẩn hiện trong bản ngã nhân thế, và ông đã dành cho bóng ma tri âm kỹ nữ những nét họa tri kỷ ân tình :

Cũng có kẻ lỡ làng một tiết

Liều tuổi xanh bán nguyệt buôn hoa

Ngẩn ngơ khi trở về già

Ai chồng con nấy biết là cậy ai

Lên lầu cao, xuống dòng nước chảy

Phận đã dành trâm gãy bình rơi

Khi sao đông đúc vui cười

Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương !

Sống đã chịu một đời phiền não

Thác lại nhờ hớp cháo lá đa

Đau đớn thay phận đàn bà

Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu !

Nhớ người ả đào sống nghề son phấn, chết nghiệp trăng hoa vẫn chẳng tan, Nguyễn Du than thở :

Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh

Trủng trung ưng tự hối phù sinh

Yên chi bất tẩy sinh tiền chướng

Phong nguyệt không lưu tử hậu danh

(Điếu La Thành Ca Giả -Thanh Hiên)

Tạm dịch :

Thấy người bạc mệnh ai thương

Dưới mồ nằm hối đoạn trường phù sinh

Phấn son nhơ nhớp phận mình

Gió trăng mang tiếng nghiệp tình chẳng tan

Cái chết của một người dọc ngang nào biết trên đầu có ai như Từ Hải, cho dẫu có linh dị :

Lạ thay oan khí tương triền

Nàng vừa phục xuống Từ liền ngã ra

cũng không kinh động bằng tiếng sét của Tạo hóa đánh lên một giai nhân, bởi vì tương phản Sống-Chết, đẹp và xấu, giữa nhan sắc, tình dục với ma quái bạc mệnh, rờn rợn dựng ngược tóc gáy như nhìn gã làm xiếc đi chơi chân không trên một lưỡi dao sắc, như đứa trẻ thơ ngây vui đùa với một trái bom sắp nổ. Nét già của người gảy đàn đất Thăng Long làm Nguyễn Du ngậm ngùi cho thân xác tàn phai của chính mình :

Bạch đầu sở kế duy y thực

Hà đắc cuồng ca tự thiếu niên

Bạc đầu cơm áo lo quanh

Ước gì cái thuở tóc xanh hát hò !

Người gảy đàn tài danh bậc nhất kinh kỳ năm xưa nay tóc đã hoa râm, bơ phờ thần sắc, áo quần tả tơi vá víu, trông như quỉ ma ! (nhan xấu thần khô,diện hắc, sắc như quỷ, y phục tịnh thô bố, bại hôi sắcLong Thành Cầm Giả Ca), khốn thay tiếng đàn vẫn là tiếng đàn của thời tươi trẻ năm xưa, vẫn văng vẳng cuồng ca hai mươi năm trước, vẫn véo von chém lên trái tim chưa chịu để thời gian quái ác xóa tan. Nhân sinh là một khối khổ đau chồng chất lũy thừa duy tâm tạo như ngòi bút Baudelaire rớm máu trong Hoa Đoạn Trường (Les Fleurs du Mal):

Je suis la plaie et le couteau

La victime et le bourreau

Cầm dao ta lại đâm ta

Tội đồ, đao phủ, hóa là một tên !

Nàng Kiều là nạn nhân của chính mình, đoạn trường là nỗi đau trong thung lũng ma do bánh xe bạc mệnh – một xe trong cõi hồng trần như bay – đưa đến. Mười lăm năm sống mà như chết trong thung lũng chất chứa tầng tầng lớp lớp vô minh, trùng trùng điệp điệp ảo giác súc sinh hồ ly, thung lũng ma ấy chẳng ai mà tránh được, có chăng là dài hay ngắn, lâu hay mau vượt thoát, là tùy duyên chuyển hóa. Thung lũng ma là môi trường thử thách tất yếu của Tạo Hóa, hành tạo nên nghiệp, phản ứng cộng hay trừ vào kho tàng chất chứa oan và oán, cái chương mục tiết kiệm phúc đức trồi hay xụt tùy thuộc ở tâm thiện hay tâm ác đó. Thiện tâm là chìa khóa khai mở, ác tâm là dây xích ngục tù, mà phải có thiện căn tích lũy, phải tôi luyện cặp mắt chính kiến mới phân biệt được nẻo ra. Con ma bạc mệnh là gã đao phủ mang Kiều ra pháp trường, nó nhập vào nàng, hành hạ nàng như Tú Bà, như Hoạn Thư, như Mã Giám Sinh, tham và hận, hate crime, nó chém thân xác –dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên – của nàng vì nó không có cái đẹp hình sắc đó, nó mang tình ái Thúc Sinh playboy bốc trời ra dụ nàng, nó mang danh vọng phu nhân tướng cướp Từ Hải ra nhử nàng…tình lẫn danh như ảo mộng, vậy mà khi mất đi lại làm cho cơn đau nhân thế trở thành da diết hơn, như sát muối vào vết thương, tương tự như Thị Lộ tài sắc mà bỗng bị tra tấn tru di chết chém, như công nương Diana chết nhạt nhẽo trên xa lộ Paris…Cổ kim Đông Tây hồng nhan là những đóa hoa càng bung nở bao nhiêu càng vụt tàn bấy nhiêu và càng để lại trên nghĩa trang Đạm Tiên đầy sổ đoạn trường những bóng giai nhân chớ nề u hiển mới là chị em !

Kiều gặp bóng ma Đạm Tiên đưa nàng vào thung lũng u hiển năm mười lăm mười sáu tuổi, là giáng tiên bị sân hận của quỷ sứ đẩy xuống ô trọc. Nhan sắc và tình dục lạ lùng thay, là vết tiên trên thân xác thăng hoa, lại là dấu ấn lộ liễu “ tinh hoa phát tiết ra ngoài ” dễ bị tên đao phủ tàng phục trong tâm thức nhận ra, ghi vào sổ tội nhân, rồi mang ra đấu tố..Nỗi oan khiên không hiểu nổi là dường như có sự cấu kết giữa chính mình và số mệnh, giữa con dao và vết thương, như món ăn càng cay, càng chua, càng gia tăng hương vị ! Nàng Kiều không thể làm kỹ nữ nếu không có chất kỹ nữ trong chính nàng, không thể làm điếm nếu không có thân xác bốc lên lửa tình lôi cuốn vào cơn đau khoái lạc cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời. Nhà đạo diễn Nguyễn Du đặt chính đời ông vào nhân vật Kiều, chữ tài liền với chữ tai một vần, là câu dành cho đời ông chứ không phải dành cho một kỹ nữ, mà tai họa thì thời cuộc tạo ra một phần, ông sống trong cơn lốc tam phân Lê Trịnh -Tây Sơn- Nguyễn Ánh, ông sống trong nghèo nàn 4 vợ 16 con, ông sống trong bất mãn, hàng thần lơ láo phận mình ra sao, ra làm quan cho nhà Nguyễn với tâm sự của một nhân sĩ Bắc Hà từng phò Lê và từng mưu đồ phục Lê như Phạm Thái…Nhưng phần lớn tai họa khổ đau do chính nhân thế thổi phồng lên, như đổ dầu vào lửa, đi ngược chiều gió mà cái ngã to lớn lại không phải là chiếc dù đủ rộng để che thân, nên thân bị đổ mà mình bị đau, hết nạn nọ đến nạn kia, diễn trình thích nghi hóa với thời, thế, phải cần thời gian mới phá chấp được, phải mười lăm hai mươi năm nếu đã có sẵn căn cơ tích thiện, trong thung lũng ma tâm sợi dây thừng chính là con rắn quấn chặt :

Lại mang lấy một chữ tình

Khư khư mình buộc lấy mình vào trong

Vậy nên những chốn thong dong

Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng

Nước trôi. hoa rụng đã yên

Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian

Có muốn dứt ra để chuyển hóa cũng phải cần thời gian trả nợ nần oan nghiệp:

Hãy xin vẹn kiếp liễu bồ

Sông Tiền Đường, sẽ hẹn hò về sau

Đấy là lời tiên báo của người đi trước, của Đạm Tiên hay thần thức Kiều, là vì ta sống song song với ma quái trùng trùng tương nhập :

Hồn nhược qui lai dã vô thác

Long xà quỉ vực biến nhân gian

(Ngũ nguyệt quan cạnh độ– Bắc Hành)

Hồn về nương tựa nơi nao

Rắn rồng quỉ quái chốn nào nhân gian ?

hoặc rõ hơn :

Hồn hề ! hồn hề ! hồ bất qui

Đông tây nam bắc vô sở y

Thượng thiên hạ địa giai bất khả

Đại địa xứ xứ giai Mịch La

(Phản Chiêu Hồn – Bắc Hành)

tạm dịch :

Hồn ơi ! hồn hỡi ! chẳng về

Đông Tây Nam Bắc đâu bề tựa nương

Lên trời xuống đất chẳng xong

Đâu đâu cũng vẫn một dòng Mịch La

Thung lũng bạc mệnh ấy ở khách thơ đôi khi là những trang sách hệ lụy văn tự như con bướm chết trên chính vũng mực đen mơ ảo của mình :

Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịnh

Tàn hồn vô lệ khốc văn chương

(Điệp Tử Thư Trung – Thanh Hiên Thi Tập)

Bạc mệnh hữu duyên lưu lòng sách

Hồn tàn vô lệ khóc văn chương

Mãi tới tuổi tri thiên mệnh, Nguyễn Du mới khám phá sực tỉnh :

Si tâm qui Phật, Phật sinh ma

Nhất niệm chi trung, ma tự chí

không lưu vô ích vạn thiên ngôn

hậu thế ngu tăng đồ quát nhĩ

tài tri vô tự thị chân kinh

(Phân Kinh Thạch Đài – Bắc Hành)

Si tâm qui Phật thành ma

Ma theo vọng niệm khởi ra nhập vào

Vạn lời vô ích đảo chao

Ngu tăng hậu thế lào xào điếc tai

Chân kinh không chữ không bài

Bóng ma của trí thức là kiến chấp, là nhát dao ý niệm chia cắt thực thể vô thủy vô chung làm Nguyễn Du đứng ngồi không yên, bóng ma Đạm Tiên của Thúy Kiều là bóng ma vô minh oan nghiệt hình sắc, cả hai chỉ là một, hiện ra từ Si Tâm mê muội, là một đao phủ với hai tội đồ ! Kẻ lăn vào thung lũng ma không một chút ý thức về duyên khởi, nhưng kẻ đứng ở trên bờ có thể đã thấy mà không thể hóa độ cứu đỡ, như người tướng sĩ có thiên nhãn đã nhìn ra bước chân cô gái hồng nhan đang đi vào sóng gió :

Nhớ từ năm hãy thơ ngây

Có người tướng sĩ đoán ngay một nhời

Anh hoa phát tiết ra ngoài

Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa

Mà ngay chính Kiều cũng linh cảm thấy :

Trông người lại ngắm đến ta

Một dày một mỏng biết là có nên ?

Nhưng ảnh hưởng oan nghiệt nặng hay nhẹ lại tùy ở đối tượng : người tình đầu Kim Trọng đi cư tang, xa Kiều 15 năm mà tránh được đoạn trường ma, Từ Hải tưởng “ muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau” lại chết đứng giữa mũi tên hòn đạn vì nghiệp cầm dao đưa đời tướng cướp biển Việt Đông đến rất gần với vong linh oan oán ở thung lũng ma mà nàng Kiều chỉ là một ngón tay sát phu đẩy xuống :

Thưa rằng chút phận lạc loài

Trong mình nghĩ đã có người thác oan

Vẻ đẹp chết thiên hạ, femme fatale, khuynh nước khuynh thành, chẳng phải chờ tới tuổi cập kê hay thành đàn bà mới lộ ra, nó lộ ra từ tuổi lên bốn lên năm, trong khoé mắt tuy hồn nhiên mà đã mọc mi cong tình tứ, đôi môi tuy còn hơi sữa mà đã hồng mọng hương nhụy, và khuôn mặt nếu tinh ý sẽ thấy rực lên nụ hoa chờ mưa xuân hồng nhan. Và cái gì phải đến sẽ đến, Kiều có muốn dứt bỏ quyên sinh cũng không được :

Chém cha cái số đào hoa

Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi

Có khi tuởng là thoát, như ngày báo phục ân oán, thì sư Giác Duyên đã nhắc khéo đoạn trường chưa xong, phải năm năm nữa mới chuyển nghiệp :

Gặp sư Tam Hợp vốn là tiên tri

Bảo cho hội ngộ tri kỳ

Năm nay là một, nữa thì năm năm

Cho nên dẫu có nhảy xuống sông Tiền Đường nhập vào thế giới ma của chị em đoạn trường bạc mệnh :

Đạm Tiên nàng nhé có hay

Hẹn ta thì đợi dưới này rước ta

thì Đạm Tiên lúc này không còn là bóng ma nữa, bóng ma nào cũng tan đi trước ý chí quyết tâm chuyển nghiệp của con người, nàng Tiên bây giờ nhắc tới quả phúc của Kiều :

Chị sao phận mỏng phúc dày

…duyên xưa tròn trặn, phúc sau dồi dào

…đoạn trường sổ rút tên ra

đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau

trong quyết tâm chuyển hóa, chấm dứt 15 năm sống trong thiên la địa võng ma lực, giữa đôi bờ âm dương, Kiều thiêm thiếp nghe tiếng gọi thiện tâm vọng lên từ bờ bên kia đáo bỉ ngạn :

Trạc Tuyền nghe tiếng gọi vào bên tai

Giật mình thoắt tỉnh giấc mai

Bâng khuâng nào đã biết ai mà nhìn

Trong thuyền nào thấy Đạm Tiên

Bên mình chỉ thấy Giác Duyên ngồi kề

Trạc Tuyền là pháp danh của Thúy Kiều khi bắt đầu qui y ở Quan Âm Các ngôi chùa ngay sau vườn nhà Hoạn Thư :

Áo xanh đổi lấy cà sa

Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền

Mang tên hoán nghiệp Trạc Tuyền, bắt đầu rửa oan ở suối giác ngộ, là mầm thiện phúc mọc lên cạnh đám cỏ dại, mong manh hiện lên như ánh sáng le lói cuối đường hầm, là cơ duyên từ sáu bảy năm trước, do chính Hoạn Thư vô tình đưa Kiều đến với cửa Phật, từ đó mới duyên khởi tới sư Giác Duyên người đã vớt Kiều ở sông Tiền Đường và đã cùng Tam Hợp đạo cô, duyên khởi ngày hoán chuyển của Kiều sau mười lăm năm trầm luân, ngoi lên khỏi vực thẳm ma quái ở tuổi 30, tam hợp với chính mình, với thân thích và với cõi Giác, tam hợp với Phật, Pháp, Tăng. Nàng hoàn hồn sau một cơn ác mộng rất dài.

Diễn trình tâm thức hoàn lương an lạc Nguyễn Du đã tìm ra từ Phật pháp vốn dĩ là một phương pháp tâm lý trị liệu pháp –psychotherapy :

Khắp trong tứ hải quần chu

Não phiền trút sạch oán thù rửa xong

…nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh

trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao.

(Văn Tế TLCS)

Và con người chỉ thoát ma chướng, vào cõi an lạc viên giác khi tâm tịnh tĩnh, mình tự chủ được mình, không vọng vào những gì ngoài mình :

Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh

Tịnh thủy vô ba đào

Bất bị nhân khiên xỉ

Thử tâm chung bất dao

(Đạo Ý – Thanh Hiên)

Trăng sáng soi giếng xưa

Nước lặng không sóng đưa

Chẳng bị ai khuấy động

Nên lòng chẳng đong đưa

Chỉ dựa trên định đề oan và oán, đoạn trường, bạc mệnh, tài và tai, số và nghiệp… và giải đề thiện tâm, phúc đức, quyết tâm tu tỉnh giải thoát :

Có Trời mà cũng tại ta

Tu là cội phúc, tình là dây oan

cũng thấy diễn trình đưa tới đáp số này là nhờ tiếng sét chuyển hóa của kinh Kim Cương, như lưỡi gươm sắc bén chặt đứt phiền não ma chướng :

Ngã độc Kim cương thiên biến linh

…tài chi vô tự thị chân kinh

Kim cương kinh đọc ngàn lần

Mới hay không chữ mới gần chân kinh

Bài này Nguyễn Du làm bên Phật Đài phân kinh của thái tử Lương Chiêu Minh (thế kỷ thứ VI) khi đi sứ sang Tầu. Thời gian này Nguyễn Du ở tuổi tri thiên mệnh, già dặn để tự thắp đuốc đi bè sang bờ bên kia, và cuộc du hành vượt biên giới từ đất Việt nhỏ bé sang đất Trung Hoa mênh mông, có thể là luồng gió giải thoát buông bỏ những kiến chấp, quẳng gánh nặng đeo vai nặng nề lịch sử thành kiến, mở ra tri kiến mới, một cơ duyên glastnost mà sau này, Cao Bá Quát, Nguyễn Trường Tộ cũng giật mình tương tự “ mới hay vũ trụ một bầu bao la ” ! Sống chật hẹp trong một giải đất hẹp từ Thăng Long-Tiên Điền- đến Huế, trong tứ thư ngũ kinh, trong mươi lăm năm hỗn loạn chính biến tam quốc Việt, Nguyễn Du và thế hệ của ông, như Lê Quýnh, như Phạm Thái.. ngụp lặn trong con nước xoáy thế sự, va chạm với tôm cá mà vẫn ao ước hội mây rồng…tới lúc sắp chìm nghỉm, đầu bạc trắng, mới sực tỉnh, vết thương của mình chính là con dao nhất niệm cắt tim gan mình, buông dao xuống tất giải thoát an lạc. Vọng động náo động tuổi trẻ nhẹ đi, không mất tinh lực để đối với đáp, những mũi tên phóng tới, dù từ thời cuộc, từ kẻ địch, có trúng mình hay không là do mình có đưa lưng ra để nhận lấy hay không, nếu hóa giải xóa cái bia lưng ma chướng kia đi, thì những mũi tên nhọn sẽ rơi vào khoảng không hoặc có dính vào da thì cũng chỉ nhẹ tựa lông hồng !

Diễn trình chuyển hóa đời Kiều: từ cô gái trăng tròn đa tình đa tài, lồng bóng ma nhập Đạm Tiên, kinh qua đời kỹ nữ, đời tôi đòi, đời làm thiếp, tới lúc mang pháp danh Trạc Tuyền thì thân phận thỏa được phần nào như khi làm phu nhân của vua Từ Hải trả ân báo oán, nhưng chỉ khi nào giác được lý duyên khởi, quyết từ bỏ tình hờ, danh hão, thì Kiều mới thật thoát, vào được giai đoạn thân tâm an lạc tam hợp với thiên, địa và nhân, ở tuổi 30 tam thập lập thân.

* * *

Đời một kẻ sĩ tài danh như Nguyễn Du cũng trải ra tương tự: mười lăm năm vật đổi sao rời, biển dâu thế cuộc, nước mất nhà tan, một Tố Như tài hoa còn vướng trong vũng lầy danh phận, tình lụy, còn đối và đáp với ma chướng thế sự, còn – điếu La thành ca giả, còn lang thang với mấy ả phường vải “ tính khí dịu dàng, hình dung ẻo lảngỡ một ngày nên nghĩa trăm năm.., bỗng nửa bước chia đường đôi ngả” (Văn Tế hai cô gái Trường Lưu) và giận Trời oán đất “ tím gan cho cái sao mai, thảo nào vác búa đánh trời cũng nên” (Thác Lời Trai Phường Nón), còn than thở “ bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khốc Tố Như ”, rồi tới những bước độc hành của một Hồng Sơn Liệp Hộ đi săn mà thật ra là đi tìm kiếm an lạc giữa núi rừng, từ – bắt phong trần, phải phong trần- tới có Trời mà cũng tại ta – là một chặng đường dài chuyển hóa tâm thức, vọng niệm và chính kiến tuy chỉ cách nhau một sợi tóc, nhưng phải quán “ vô tự chân kinh” vài ngàn lần, tóc phải bạc trắng, phải giang hồ vạn dặm từ thung lũng mê tâm qua Quỉ quan môn tới lầu Hoàng Hạc, nhìn sóng Hoàng Hà, thăm làng Kinh Kha…mới có thể đổi từ cung điệu sầu thảm não nùng ma âm tới giai bậc mới :

Khúc đâu đầm ấm dương hòa

Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh

Nguyễn Du đúng tuổi tri thiên mệnh, đi sứ trở về quê hương đầm ấm, còn nàng Kiều hồ điệp của ông trở về đậu trên cành thiện tâm xum họp một nhà. Năm 56 tuổi Tố Như chết đi, biết đâu hồn ông chẳng là cánh bướm chập chờn chơi trên thung lũng Ma dăm vài kiếp nữa ?

 

Tranh cổ Tượng thờ Man Nương-Chùa Dâu