ẤN BẢN THÁNG 3 & 4, 2021

TẬP SAN VIỆT HỌC

Giao Cảm

 

Tháng Ba năm 2021 đánh dấu một khúc quanh cho TSVH sau ba năm được gầy dựng và chăm sóc nòng cốt bởi Gs Chủ Biên Đàm Trung Pháp, nay là Chủ Biên Danh Dự TSVH vì lý do sức khoẻ.  Hai Giáo sư Đồng Chủ Biên tiếp tục duy trì Ban Chủ Biên và Tập San Việt Học, với Gs Nguyễn Văn Sâm đảm nhận phần lớn trọng trách như Gs tiền nhiệm.

TSVH khởi đi từ một nền tảng vững chắc với phần lớn các bài viết trình bày các lãnh vực lý luận và nghiên cứu.  Theo đà phát triển, TSVH nay mở rộng phần nội dung sáng tác văn nghệ để đem lại chút gì tươi mát thêm cho mảnh vườn nhỏ của chúng ta.

Do văn nghệ có sức mạnh diễn tả sự suy tư và nhận định tình thế, dầu là một cách gián tiếp, mong rằng các bài vở thuộc thể loại này sẽ được các cộng tác viên và độc giả đón nhận như thêm một phương tiện để người thế hệ sau hiểu thế hệ trước nghĩ gì, phản ứng thế nào trước thời cuộc…

Vậy nên trong số tháng 3 và 4 nầy chúng tôi giới thiệu hai truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Sâm:

Giữ Tròn Lời Hứa cho thấy cảnh đời ở quê nhà bây giờ: Người ta đào xới tới lòng sông để bán cát. Các cô gái bán thứ mình có tự nhiên vì khó có cách sống khác hơn. Tình yêu đã chết trong thời nầy. Kẻ biết giữ tròn lời hứa cho tình yêu không còn cách gì khác hơn là kết liễu đời mình.

Còn Gì Nữa Đâu là tiếng than của người dân khi chứng kiến ngày 30 tháng tư và tiên đoán cuộc sống đầy chán chường thất vọng cho những ngày tới..

– Bài Bậu và Qua cùng với bài Sinh Nhật 81 liên kết giữa văn nghệ và nghiên cứu phê bình. Nhẹ nhàng trong lời văn, không nặng nề trong ý tưởng mà cung cấp được một số kiến thức cho người đọc.

– Bài Tả Tiên Sinh của nhà bác lãm về Hán Nôm hiện sống ở Paris là một bài dịch công phu nghiêm chỉnh từ một bài có giá trị nghiên cứu văn sử Trung Quốc.

– Bài Mùa Lá Rụng của Giáo sư Nguyễn Bảo Hưng, một chuyên gia về văn chương Pháp, cũng hiện đang sống ở Paris và đã có nhiều bài viết phân tích cái hay tiềm ẩn trong những tác phẩm kinh điển mà thuộc loại khó nuốt của văn chương Pháp rất được độc giả TSVH thích thú và ái mộ.

– Hai bài Chó ĐáCon Nghê của Giáo sư Lạp Chúc Nguyễn Huy mở cho chúng ta thấy rằng có những hình tượng văn hóa hay tôn giáo mà chúng ta tưởng rằng mình biết nhưng thiệt sự là chưa biết. Chúng ta cần phải có thêm nhiều suy tư và rộng đọc để thấu hiểu những khía cạnh nho nhỏ của văn hóa Việt mà nhiều khi bị coi thường. Cũng nên nhắc lại là GS Nguyễn Huy, nguyên Giảng Sư ban Địa Lý của trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn trước 1975, từng là nhà nghiên cứu cho một đại học danh tiếng ở Canada từ năm 1975 cho đến ngày về hưu.

– Hai bài về tiếng Anh (Thành ngữBiện Pháp So Sánh Anh Việt Đối Chiếu trong loạt các “bài học nhỏ”, “mini-lessons” về Cú pháp Anh cho người Việt) của Giáo Sư Đàm Trung Pháp thiệt là những dụng cụ không thể thiếu cho người muốn nắm vững ngôn ngữ Anh, không những dùng trong đời sống thường nhật trong các dịp giao tiếp cần thiết mà cho cả con đường tiến thân thành chuyên viên hoặc các nhà chuyên nghiệp chuyên gia với vốn liếng về ngôn ngữ nầy.

– Hai bài Cây Tre Trong Văn Hóa ViệtCây Mít của Giáo Sư Thái Công Tụng là hai bài căn bản trong loại bài nói về cây cối, cây ăn trái… thuộc thổ nhưỡng học của nước Việt chúng ta. Đọc để biết tại sao người Pháp trước đây nói rằng Việt Nam là nước theo văn hóa cây tre khi hầu hết dụng cụ nông nghiệp của VN được làm từ cây tre.

– Bài Tầm Vóc Ca Dao Bình Định của GS Đào Đức Chương là bài sưu tầm công phu về ca dao, ngoài là cái hay mang tính cách địa phương, bài còn giúp ích rất nhiều cho người muốn tìm hiểu về tính chất của ca dao nói chung trên toàn quốc VN.

Nhận trách nhiệm từ GS Đàm Trung Pháp chuyển sang, chúng tôi bối rối chấp nhận miễn cưỡng vì lâu nay chỉ biết viếtkhông biết điều hành, đọc và chọn bài vở nên xin độc giả tha thứ cho những gì làm cho mình không vừa ý từ lời giới thiệu nầy tới các nội dung từ những bài mà TSVH trân trọng giới thiệu.

Tháng ba có ngày Lập Đông, có những cơn gió lạnh cuối mùa để chuyển sang Xuân. Chúng tôi mong tờ TSVH bước qua giai đoạn mới có được những chuyển biến mới và không phụ lòng người tiền nhiệm cũng như độc giả.

 

GS Thái Công Tụng

Nhà văn Nguyễn Văn Sâm