ẤN BẢN THÁNG 12, 2020

TẬP SAN VIỆT HỌC

LÁ THƯ CHỦ BIÊN

Thưa quý độc giả:

– Ấn bản này của TSVH đánh dấu 20 năm hiện hữu của Viện Việt Học. Mỗ chủ biên còn nhớ trong khoảng thời gian này năm 1999, VVH được thành lập tại “Little Saigon” do quyết tâm của một số cựu giáo sư Viện Đại Học Saigon và thân hào nhân sĩ, với sự hỗ trợ về nhân, vật, lực của một số chuyên gia trẻ. Mục đích của VVH là để duy trì, phổ biến, và phát triển những giá trị truyền thống của ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Trong 20 năm qua, Viện đã xuất bản trên 40 tác phẩm liên hệ đến Việt học, đồng thời liên tục tổ chức được các buổi diễn thuyết, các cuộc hội thảo, các ngày ra mắt sách, các đêm trình diễn văn nghệ cổ truyền, cũng như các lớp dạy tiếng Việt và chữ Nôm. Mới đây nhất, sau 3 năm chuẩn bị, TSVH trực tuyến đã khai trương và đang được độc giả tham gia nồng nhiệt.

Mỗ chủ biên tiện đây cũng xin thông báo: Sau ấn bản này, TSVH sẽ tạm đình chỉ cho đến khi mỗ tôi trở lại sau thời gian nghỉ để “bảo trì” sức khỏe. Khi ấy TSVH sẽ phổ biến một ấn bản mỗi đầu tháng. Mong quý văn hữu tác giả tiếp tục gửi bài như thường lệ. Được như vậy thì quý lắm.                                                                     

– Nhớ lại những ngày VVH mới thành lập, TSVH xin được vinh danh GS Nguyễn Đình Hòa (1924-2000), vị Viện trưởng đầu tiên của VVH. Ông là một ngữ học gia lỗi lạc, từng làm Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Saigon (năm 33 tuổi) và Giám Đốc sáng lập Trung Tâm Việt Học tại Southern Illinois University. GS Hòa cũng là tác giả một số tự điển và sách giáo khoa rất có giá trị để giảng dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc. TSVH xin giới thiệu cuốn sách giáo khoa kiệt xuất của ông tựa đề “Vietnamese” (mà ông cũng gọi là “Tiếng Việt không son phấn”) qua bài viết của mỗ tôi, được phổ biến năm 1998: Lược khảo cuốn sách “Vietnamese” của GS Nguyễn Đình Hòa (1924-2000).

– Tác phẩm The history of South Vietnam: The quest for legitimacy and stability 1963-1967 của văn hữu Lâm Vĩnh Thế vừa được nhà xuất bản Routledge phát hành. Được biết Routledge là một trong những “academic publishers” uy tín nhất của Anh Quốc, và tác giả họ Lâm từng là trưởng ban môn thư viện học (library science) tại Đại học Vạn Hạnh và thư viện trưởng (librarian) của Đại học Saskatchewan tại Canada. Khi hỏi về lý do sự ra đời của cuốn sách thì mỗ tôi được Lâm quân giải thích cặn kẽ: “ Tôi viết cuốn sách này là vì  tuyệt đại đa số sách của các giả Hoa Kỳ về VNCH và Chiến Tranh Việt Nam không có đề cập đến giai đoạn này, nhứt là về vấn đề chính trị nội bộ của VNCH.  Sách của các tác giả người Việt thì phần lớn tập trung về giai đoạn của Đệ Nhất Cộng Hòa (1955-1963) tức thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm hoặc thời Đệ Nhị Cộng Hòa (thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) hoặc là giai đoạn sau ngày 30-4-1975, về học tập cải tạo, tỵ nạn, vượt biên, thuyền nhân, vân vân. Sách nghiên cứu về giai đoạn 1963-1967, đặc biệt là trên khía cạnh chính trị thuần túy, giữa hai nền Cộng hòa, gần như là không kiếm ra.” Xin thành tâm chúc mừng Giáo sư Lâm Vĩnh Thế.

 Bài viết Về cây trà mang lại sảng khoái cho người đọc vì trong đó tác giả Thái Công Tụng đã thi vị hóa một bài giảng thực vật học với thi ca ngát hương tình tự dân tộc Việt. Theo Thái tiên sinh thì “Tục uống trà của người Việt đã tạo nên một nét bản sắc văn hoá. Nét đẹp ẩm thực uống trà được thể hiện qua những vần thơ, những câu ca dao, tục ngữ, những điệu hò dân gian trữ tình và những áng thi văn bất hủ của các danh nhân văn hoá Việt Nam.” Kiến thức quảng bác về khoa học cũng như trí nhớ phi thường về văn học Việt của Giáo sư Thái từng làm mỗ tôi giật mình.

 Bài nghị luận Con tạo trong truyện Phan Trần lý giải một lối nhìn mới lạ của tác giả Nguyễn Tuấn Huy về lời khuyên truyền khẩu từ rất lâu đời là Đàn ông chớ kể Phan Trần / Đàn bà chớ kể Thuý Vân, Thuý Kiều. Trao đổi qua điện thư, Tuấn Huy (thuộc giới trẻ và đang mãnh liệt “về nguồn”) tâm sự : “Truyện Kiều và Phan Trần là hai tác phẩm Nôm được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam. Một phần cũng vì hai câu ca dao lên án nhân vật chính ở trong hai truyện. Tuy nhiên hai câu ca dao này không phản ảnh thái độ chung của người dân mà lại có tác dụng ngược lại. Trải qua hơn hai trăm năm, Phan Trần và nhất là Truyện Kiều vẫn còn được thịnh hành ở trong dân gian chứng tỏ người đọc đã thông cảm với các nhân vật, đã thương hại và yêu mến họ hơn là lên án giống như giới nho sĩ ngày xưa. Hai nhân vật chính ở trong Truyện Phan Trần là hai nạn nhân của hoàn cảnh và họ đã đối đầu với cảnh ngộ theo đúng lương tâm và xứng đáng được sự yêu mến và kính trọng của người đọc.”

 Bài bình thơ Đọc lại “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ của tác giả Vĩnh Đào làm sáng tỏ ý nghĩa một bài thơ có tựa đề khá bất thường để xác định cả màu sắc lẫn hương vị của … thời gian: Màu thời gian không xanh / Màu thời gian tím ngát / Hương thời gian không nồng / Hương thời gian thanh thanh. Giáo sư Vĩnh Đào đã cắt nghĩa tựa đề của bài thơ qua lăng kính của thi phái tượng trưng Charles Baudelaire, trong đó “Những mùi hương, những màu sắc, và những âm thanh đồng giao cảm” (Les perfums, les couleurs, et les sons se répondent). Như tác giả nhận định thì ngay trong 3 câu đầu bài thơ ta đã thấy đủ cả các yếu tố mùi hương, màu sắc, âm thanh mà Baudelaire coi trọng: Sớm nay tiếng chim thanh / Trong gió xanh / Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình. Bài viết cũng có những bình luận sắc bén về thể “thơ mới” mà Đoàn Phú Tứ là một thi sĩ tiên phong, và ý nghĩa thời gian trong văn học Tàu và Việt.

 Phiếm luận Vài nhận định về đề xuất “cải tiến” tiếng Việt của Bùi Hiền là một cảnh tỉnh và phản bác đầy phẫn nộ mà tác giả Phạm Doanh dành cho một đề xuất “cải tiến” tiếng Việt cực kỳ ngốc nghếch của một nhân vật có tiếng tăm tại quê nhà. Đây là lời kết đích đáng về “đề xuất” ấy: “Tóm lại, đa số thay đổi do ông BH đề xuất là vô ích, vô nghĩa vì thiếu căn bản về ngôn ngữ học và ký âm học. Loại chữ nghĩa quái đản này chỉ làm băng hoại tiếng Việt.”

– Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức: Một đường lối và phương pháp giáo dục tân tiến của VNCH là một hoài niệm êm đềm pha chút tiếc nuối mà tác giả Lâm Vĩnh Thế viết về một cơ sở giáo dục trung học tân tiến vào bậc nhất của VNCH trước 1975. Mỗ tôi quen biết khá nhiều đồng nghiệp trong ban giảng huấn ưu tú mà tác giả nhắc đến một cách thân thương.

 Nghị luận văn học bằng Anh ngữ T.T.Kh.: The star-crossed emancipated woman là một quà tặng quý giá mà tác giả Thomas D. Le dành cho người nước ngoài muốn tìm hiểu về môt nghi án văn chương sôi động từ 1937 đến nay vẫn chưa có một “giải mã” khả tín về câu hỏi “Ai đích thực là thi sĩ mang tên tắt TTKH, tác giả của bốn bài thơ tình sầu khổ?” Bài viết công phu và uyên bác của Giáo sư Lê còn được tăng giá trị bởi biệt tài dịch thuật các bài thơ ký tên TTKH sang một thứ Anh ngữ hàn lâm của một giáo sư đại học kỳ cựu chuyên về văn học thế giới.

Trân trọng giới thiệu và mời đọc,

Chủ biên Đàm Trung Pháp

Xin dùng các links dưới đây để vào thẳng các bài viết:

1. Lược khảo cuốn sách “Vietnamese” của GS Nguyễn Đình Hòa (1924-2000)                                       2. The history of South Vietnam: The quest for legitimacy and stability 1963-1967

3. Về cây trà

4. Con tạo trong truyện Phan Trần

5. Đọc lại “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ

6. Vài nhận định về đề xuất “cải tiến” tiếng Việt của Bùi Hiền

7. Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức: Một đường lối và phương pháp giáo dục tân tiến của VNCH

8. TTKH: The star-crossed emancipated woman